Sự Liên Hệ Của Hồ Chí Minh Với Hai Tổng Thống Mỹ Wilson và Truman


Trần Viết Ðại Hưng
 

Trong lời kêu gọi đầu tiên tới những nguyên tắc chính của chủ thuyết tự quyết của Tổng thống Mỹ Wilson, Hồ chí Minh đã tránh đòi hỏi sự độc lập tức thời cho Việt Nam. Thay vào đó, ông ta công bố những quyền hợp pháp và chính trị mà nước Pháp vẫn coi như thường cổ súy. Ðồng thời, Hồ vẫn cẩn thận coi chuyện giành độc lập hoàn toàn là mục tiêu tối hậu, dù có mệnh đề phụ đi theo sau ( " Trong khi chờ đợi nguyên tắc quốc gia tự quyết được biến từ lý thuyết thành thực tế .." ). Ðây không phải là lần cuối mà Hồ chí Minh cố gắng thuyết phục những nền dân chủ Tây phương rán làm đúng những điều mà họ vẫn thường nói.
LÁ THƯ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC GỬI CHO BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO MỸ ROBERT LANSING
Kính ông,
Chúng tôi dùng sự tự do để nộp lên ông bản kiến nghị kèm theo nhằm công bố những đòi hỏi của người An Nam trong dịp chiến thắng của phe đồng minh.
Chúng tôi trông cậy ở lòng tốt của quý vị tôn trọng lời thỉnh cầu của chúng tôi bằng sự ủng hộ của quý vị bất cứ khi nào có cơ hội xảy đến.
Chúng tôi cầu xin ông nhận nơi đây lòng biểu lộ sự kính trọng sâu xa của chúng tôi.
Thay mặt cho một nhóm người An nam yêu nước
NGUYỄN ÁI QUỐC
( Ký tên)
56, rue Monsieur le Prince, Paris
* Hồ chí Minh được biết dưới cái tên Nguyễn ái Quốc hồi đó.
NHỮNG THỈNH CẦU CỦA NHÂN DÂN AN NAM
Từ khi có chiến thắng của phe đồng minh, tất cả những người bị áp bức đã cuồng nhiệt hy vọng đến một viễn cảnh của một thời đại của lẽ phải và công lý vốn sẽ bắt đầu cho họ bằng tác dụng của sự cam kết chính thức và long trọng, được hình thành trước toàn thế giới bởi những sức mạnh khác nhau của những nước trong khối thân thiện ( đó là sức mạnh của khối đồng minh trong Thế chiến nhất, bao gồm Pháp, Anh và sau năm 1917 có thêm nước Mỹ ) trong cuộc chiến đấu của văn minh chống lại sự man rợ.
Trong khi chờ đợi nguyên tắc chính của sự tự quyết quốc gia để thông qua từ lý tưởng sang thực tế thông qua sự công nhận hữu hiệu về quyền thiêng liêng của tất cả mọi người để quyết định số phận của họ, đó là nhân dân của đế quốc xưa An nam, bây giờ là nước Ðông Dương của Pháp, xin đưa ra trước những chính quyền cao cả của khối thân thiện nói chung và chính quyền trọng thể Pháp nói riêng những yêu sách sau đây :
  1. Ân xá toàn diện cho những dân bản xứ vốn bị lên án vì những hoạt động chính trị
  2. Cải tổ nền công lý Ðông Dương bằng cách ban cho nhân dân bản xứ những bảo đảm về công lý mà những người Âu châu có, và toàn bộ guồng máy tòa án đặc biệt vốn là những phương tiện để khủng bố và đàn áp những thành phần có trách nhiệm của nhân dân An nam.
  3. Tự do báo chí và ngôn luận
  4. Tự do lập hội và hội họp
  5. Tự do di chuyển và xuất ngoại
  6. Tự do giáo dục và tạo ra những trường kỹ thuật và chuyên nghiệp trong mỗi tỉnh cho quần chúng.
  7. Thay thế chế độ cai trị bằng những sắc luật độc tài bằng một chế độ luật pháp.
Trên đây là bản kiến nghị mà Nguyễn ái Quốc gửi cho Bộ trưởng ngoại giao của Tổng thống Wilson là Robert Lansing. Lý do là Tổng thống Wilson có đưa ra một sắc luật yêu cầu tất cả những nước dân chủ hãy ủng hộ nền dân chủ đang có trên những lãnh thổ của họ. Hồ chí Minh gửi kiến nghị cho Tổng thống Wilson với ước mong là Tổng thống Wilson sẽ áp lực Pháp ủng hộ cho chuyện dân chủ ở Việt Nam. Wilson không đáp ứng. Sau đó thì Hồ chí Minh quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ ở một phe khác, và phe đó chẳng ai khác là Liên xô.
Trong Thế chiến thứ nhất, Tổng thống Wilson thường nhấn mạnh đến chính sách bao gồm 14 điểm của ông và hô hào quyền tự quyết của tất cả mọi người. Lúc ấy, Hồ chí Minh vẫn ngây thơ nghĩ rằng chính sách của Tổng thống Wilson sẽ có thể áp dụng cho những thuộc địa ở Á châu của thực dân. Nhiều quốc gia Âu châu cảm thấy quyền tự quyết là chuyện đúng đắn cho họ, nhưng rõ ràng là chuyện này không thể áp dụng cho dân bản xứ ở những thuộc địa của họ. Uy thế của Tổng thống Wilson cũng giảm thiểu nhiều vì sự thất bại của hiệp ước Versailles, và người Pháp vẫn tin rằng họ có nhiệm vụ " khai hóa " ở Việt Nam. Việt Nam lúc đó không phải là vấn đề nóng bỏng tại hội nghị Versailles và Hồ chí Minh không phải là một nhân vật quan trọng để được chú ý đến.
Trong khi Tổng thống Wilson có thể có cảm tình với Việt Nam, nhưng rồi ông phải coi mối giao hảo giữa Mỹ và Pháp là chuyện quan trọng hơn. Và Pháp thì không muốn ai lấy đi nhưng thuộc địa béo bở của họ. Cho nên những nguyên tắc dân tộc tự quyết mà Tổng thống Wilson đề ra lại không ứng dụng vào hoàn cảnh Việt Nam nên kiến nghị của Hồ chí Minh ( lúc ấy là Nguyễn ái Quốc ) gửi đến cho Tổng thống Wilson đã không mang lại kết quả gì. Mỹ dù sao cũng là một nước tư bản nên Mỹ phải bênh một nước tư bản khác là Pháp chứ khó có thể bênh vực một nước thuộc địa của Pháp là Việt Nam được.
Về sau này Bộ Phương Ðông của Liên xô (Cominterrn) đã nghĩ đến chuyện tìm cách thành lập một tổ chức Việt Nam để chống lại Pháp và Hồ chí Minh là người được ủy nhiệm làm công tác trọng đại này. Quốc tế Cộng sản về sau nhận thấy Hồ không thành lập một tổ chức chống Pháp theo ý Quốc tế Vô sản muốn vì tổ chức này nhuốm màu sắc quốc gia quá nhiều. Trong thập niên 1920, Quốc tế Cộng sản tin tưởng Hồ nhiều nhưng sang đến thập niên 1930 thì không còn chú ý lưu tâm đến Hồ nhiều vì dưới mắt Quốc tế Cộng sản Hồ đã lộ ra là có khuynh hướng quốc gia và đó là điều Quốc tế Cộng sản không thể chấp nhận.
Vào cuối thập niên 1930 có chuyện Mặt trận bình dân tham gia bầu cử ở Pháp vào năm 1936. Có những biến cố không xảy ra ở Việt Nam mà xảy ra tại Mạc tư khoa và Paris có ảnh hưởng đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Sau hội nghị Versailles được tổ chức năm 1919, chủ thuyết của Ðảng Cộng sản Nga liên tục nhấn mạnh đến chuyện lật đổ những chế độ thực dân lúc bấy giờ, không phải chỉ ở Pháp mà còn ở Ðức, Anh và Ý nữa. Vào thời bấy giờ, Phi châu bị những thế lực Âu châu xâu xé, chia phần. Hầu hết vùng Ðông Nam Á châu cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Miến Ðiện là một thuộc địa của Anh; Mã lai Á, Tân gia ba ( Singapore ), Hồng Kông và phía Bắc Borneo (sau này trở thành tỉnh Sabah của Mã lai á) cũng bị Anh chiếm. Nam Dương ( Indonesia) là thuộc địa của Hòa Lan (Netherlands).
Có một thời trong Ðảng Cộng sản Nga xô, không có sự liên kết chính trị với thành phần " quốc gia " hay với những đảng không Cộng sản nào khác trên thế giới. Ðó là cái hoàn cảnh mà Hồ chí Minh đang mắc phải thời bấy giờ. Ðảng Cộng sản Nga xô nỗ lực lật đổ những chính quyền thuộc địa đồng thời không muốn có chuyện liên kết với những phong trào " quốc gia" ở những nước thuộc địa đó. Chủ nghĩa quốc gia nồng nhiệt là đường hướng mà Hồ đang theo đuổi trong thời điểm này.
Vào một vài thời kỳ trong thập niên 1930, Hồ không được cấp lãnh đạo Nga sô ở Mạc tư khoa sủng ái vì chủ nghĩa quốc gia trong con người Hồ mạnh hơn chủ nghĩa Stalin, trong khi cuộc thanh trừng của Stalin đang xảy ra trong Liên Bang Xô viết. Hồ có vẻ không chú ý nhiều đến những cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực xảy ra ở Mạc tư khoa vào trong thập niên 1930. Hồ tập trung chú ý đến Việt nam nhiều hơn.
Rồi đến cuộc bầu cử ở Pháp năm 1936. Có một sự liên hiệp giữa đảng Xã hội và đảng Cộng sản đưa đến sự thắng lợi đa số trong quốc hội Pháp. Nhưng những gì xảy ra ở Pháp lại không giống như những gì đang xảy ra ở Việt Nam mà tùy thuộc vào những gì đang xảy ra bên kia biên giới Pháp, đó là ở nước Ðức. Chế độ Phát xít ngày càng trở nên hung hăng, gây hấn. Một cuộc chiến tranh với Ðức một lần nữa lại ló dạng ở cuối chân trời.
Ở Mạc tư khoa cấp lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Nga xô cũng có một kết luận tương tự như vậy. Và cũng từ đó , Ðảng Cộng sản Nga sô không còn dị ứng khi hợp tác với những thành phần " quốc gia " ở những nước khác thuộc địa của Âu châu, mục đích trước mắt là cần phải hợp tác với nhau để chống bọn Phát –xít Ðức. Có thể chuyện này xảy ra từ năm 1936. Hồ chí Minh không còn bị thất sủng nữa mà lại được cấp lãnh đạo Ðảng Cộng sản Nga sô ở Mạc tư khoa ưu ái chú ý trở lại.
Một sự kiện quan trọng nữa là cấp lãnh đạo Sô viết ký một hiệp ước " bất tương xâm " với Phát xít Ðức vào tháng 8 năm 1939. Coi như khoảng thời gian từ năm 1936 đến năm 1939, cấp lãnh đạo ở Mạc tư khoa đã đổi thái độ từ sự chống đối thù địch với những đảng chính trị không Cộng sản sang thái độ hợp tác với bất cứ đảng chính trị nào chiến đấu chống Phát xít Ðức. Ðó là lúc Hồ chí Minh lại được cấp lãnh đạo Ðảng ở Mạc tư khoa sủng ái trở lại. Sau khi ký hiệp ước " bất tương xâm " năm 1939 với Phát xít Ðức, Nga sô đã làm cho tình hình rắc rối thêm bằng cách ký một hiệp ước " bất tương xâm " với Thiên Hoàng Nhật Bản vào tháng 4 năm 1942, độ chừng một năm sau khi Phát xít Ðức tấn công vào Pháp. Lý do có thể giải thích cho chuyện làm của Nga xô là họ cần dồn mọi nỗ lực để chiến đấu ở biên giới phía Tây của đất nước họ.
Về tình hình Việt Nam lại càng phức tạp hơn. Hồ chí Minh lúc ấy đang thi hành một nhiệm vụ của Borodin giao phó ở Thượng Hải. Những năm cuối của thập niên 1930 thì tình hình chính trị của Việt Nam và Trung Hoa rối rắm không thể tưởng tượng. Hồ chí Minh đã làm được việc gì ích lợi cho cách mạng Việt Nam trong khi thi hành công tác cho Borodin ở Thượng Hải thì lịch sử không ghi lại sự kiện gì cụ thể.
Một điểm nữa cần nói thêm là Hồ chí Minh dính líu với Ðảng Cộng sản Pháp ngay từ những ngày đầu. Hồ chí Minh là một trong những sáng lập viên của Ðảng vào tháng 12 năm 1920. Từ đó Hồ tham dự những hội nghị tổ chức ở Liên xô trong thập niên 1920 thảo luận về vấn đề " quốc gia" . Hồ bị Ðảng Cộng sản Nga xô lơ là không quan tâm đến trong suốt thập niên 1930, nhưng rồi Hồ được chú ý trở lại khi Ðảng Cộng sản Nga thay đổi lập trường, chấp nhận hợp tác với những đảng phái chính trị không Cộng sản để chống lại Phát xít Ðức. Chuyện này diễn ra từ năm 1936 đến năm 1939.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật tấn công Mỹ tại Trân Châu Cảng. Mục tiêu thứ nhất của Mỹ là đánh bại Phát- xít Ðức, mục tiêu thứ hai là đánh bại quân đội Thiên Hoàng Nhật ở vùng Thái Bình Dương. Mục tiêu chính trị và quân sự của Mỹ cũng chính là mục tiêu chính trị và quân sự của Hồ chí Minh. Nên nhớ năm tổ chức Việt Minh được thành lập là năm 1941,coi như trùng với năm Nhật tấn công Mỹ tại Trân Châu Cảng và đây có thể không phải là một sự tình cờ mà là một sự phối hợp nhịp nhàng giữa Hồ chí Minh và Mỹ. Nên nhớ là Hồ chí Minh đã có một sự quan hệ mật thiết với cơ quan tình báo OSS của Mỹ trong thời gian này. ( OSS là tiền thân của CIA). Tổ chức Việt Minh của Hồ chí Minh cũng đã lập công cứu những phi cơ Mỹ bị bắn rơi trong khi thi hành phi vụ chống quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản, điều đó cho thấy Hồ chí Minh đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Rồi đến chuyện Hồ chí Minh có trích dẫn Hiến Pháp Mỹ trong Tuyên Ngôn Ðộc Lập đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà nội đã cho thấy sự liên hệ khắng khít giữa Hồ chí Minh và người Mỹ.
Liệu sự hợp tác quân sự của Hồ chí Minh và Mỹ trong Thế chiến thứ 2 có làm cho Ðảng Cộng sản Nga xô ở Mạc tư khoa thay đổi cách nhìn đối với con người Hồ chí Minh hay không ? Trong giai đoạn này Hồ chí Minh có bày tỏ lập trường gì để từ bỏ tư cách hội viên đã có từ lâu trong Ðảng Cộng sản Pháp hay không? Liệu những hành động của Hồ chí Minh trong suốt Thế chiến 2 không chỉ là chuyện mở rộng liên minh giữa Mỹ và Liên xô mà thôi? Sự liên hệ chính trị của Hồ chí Minh với Ðảng Cộng sản Pháp thay đổi có phải vì những biến cố xảy ra trong năm 1941? Ngược lại có thể nào nói tư thế chính trị của Hồ chí Minh đối với Ðảng Cộng sản Nga xô được nâng lên vì những hành động của ông đã làm trong Thế chiến thứ 2 hay không?
Thật ra những câu chuyện cũ về việc Hồ chí Minh hợp tác với Mỹ không có gì nổi bật so với tình hình thay đổi ngoạn mục lúc bấy giờ, trước sự hiếu chiến xâm lăng của Phát-xít Ðức và Thiên Hoàng Nhật. Phải nhận thấy rằng lúc này mục tiêu chính trị và quân sự của những phe Mỹ, Nga xô, Ðảng Cộng sản Pháp và cả chính bản thân Hồ chí Minh trùng hợp với nhau. Rõ ràng có một cuộc chiến chống Nhật và Ðức. Hồ chí Minh tình nguyện chiến đấu chống hai nước này, đồng thời có nhiều viên chức Mỹ khám phá ra người Việt Nam là một loại người duyên dáng, có phẩm giá và hấp dẫn không thể tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới. Ðây không phải là lần đầu tiên những người lính Mỹ khám phá ra khía cạnh này. Trong những ngày này, chính những sinh viên Mỹ đã khám phá ra điều đó.
Thật ra, đường lối chính trị của Ðảng Cộng sản Pháp và Nga thay đổi vào cuối Thế chiến thứ 2, và Hồ chí Minh đã là người đáp ứng mọi yêu cầu lúc đó. Bất thình lình, những ngày u ám xấu xa cũ của thập niên 1920 lại trở lại vào năm 1946. Nó diễn ra lúc đầu không phải ở Việt Nam mà ở Âu châu. Cuộc chiến tranh lạnh giữa Tư bản và Cộng sản xảy ra có lẽ từ sự phong tỏa của Liên xô tại Berlin.
Tổng thống Mỹ 4 nhiệm kỳ Roosevelt mất năm 1944, trước khi Thế chiến thứ 2 chấm dứt. Phó Tổng thống Truman lên kế vị. Và diễn biến chính trị xảy ra không phải ở Việt Nam mà ở Âu châu. Cuộc " chiến tranh lạnh " và đường lối chính trị mới của Ðảng Cộng sản Nga và Pháp xảy ra đầu tiên không phải ở Việt Nam mà ở Ðức. Ðường lối " quốc gia" cũ của Ðảng Cộng sản Nga và Pháp đề ra từ năm 1936 đến 1939, một lần nữa trở về chính sách cũ của thập niên 1920, đó là chính sách không hợp tác với những đảng phái không Cộng sản. Có nhiều sự ly khai ở nước Ðông Ðức cũ vào những năm 1944 hay 1945, trong khi quân đội Liên xô tiến vào nước Ðức. Những người không Cộng sản sẽ không được tha thứ. Không biết vào thời điểm nào người Mỹ ý thức được những gì đang thực sự xảy ra ở nước Ðông Ðức cũ hay không?
Ðó là lúc Tổng thống Truman nhập cuộc. Hội Nghị Berlin được tổ chức vào cuối năm 1945. Tổng thống Truman có mặt ở đó để gặp Stalin của Nga xô. Vấn đề quân Nhật còn ở lại Việt Nam được nêu lên, và còn nhiều câu hỏi khác được đặt ra khi Thế chiến 2 đang đi vào giai đoạn cuối. Ở Việt Nam vào hai năm 1945 và 1946, quân Pháp trở lại thuộc địa cũ Việt Nam. Chính phủ Truman quan sát với sự dè dặt những biến cố đang xảy ra ở Việt Nam cũng như tại Âu châu để Mỹ có thể đưa ra những hành động thích ứng.
Lịch sử ở Việt Nam sẽ đổi khác rất nhiều nếu chính phủ Truman nghe theo lời kêu gọi độc lập cho Việt Nam từ Pháp của Hồ chí Minh. Liệu chính phủ Truman có ủng hộ cho Pháp đem quân trở lại Việt Nam vào cuối Thế chiến thứ 2 hay không? Liệu cuộc " chiến đấu chống Cộng sản " trở nên thông thường vào năm 1946 có giống thời kỳ của thập niên 1920 hay không?
Nhà báo Stanley Karnov có đề cập về chuyện Hồ chí Minh kêu gọi Tổng thống Wilson về nền độc lập Việt Nam và đường lối ngoại giao của Tổng thống Truman đối với chính phủ Việt Minh của Hồ chí Minh trong cuốn sách " Lịch sử Việt Nam " ( Vietnam, a history ) của ông như sau:
" Khi Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, bản tuyên ngôn độc lập này có mượn vài đoạn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Dù ông ta đã kêu gọi một cách vô vọng với Tổng thống Woodrow Wilson một thập niên trước đó, ông tin rằng ông có thể cố gắng một lần nữa để thuyết phục nước Mỹ chứng giám cho lý do kêu gọi của ông. Khi nhìn lại ai cũng thấy có cái gì đó nghịch lý khi một người Cộng sản chuyên chính như Hồ chí Minh, dính líu sâu đậm đến chiến lược toàn cầu của Liên xô lại hy vọng được Mỹ hỗ trợ. Nhưng bản chất Hồ là một con người thực tế, tâm tư chủ yếu là luôn trăn trở về chuyện giải phóng Việt Nam. Trong khi không bao giờ quên mục tiêu tối hậu, ông thường thay đổi chiến thuật để phù hợp với những tình thế biến chuyển. Hơn nữa, vào thời điểm đó cuộc chiến tranh lạnh chưa đến nỗi làm phân cực thế giới giữa Mỹ và Liên xô.
Mỹ có thể khuyến khích Hồ một cách hợp lý là Hồ nên noi gương Thống chế Marshal Tito, là nhà lãnh đạo Cộng sản Nam Tư ( Yugoslavia) trở thành người chống lại Mạc tư khoa không lâu sau đó. Nhưng những nhà chiến lược Mỹ trong Thế chiến thứ 2 nhìn Ðông Dương dưới một con mắt phiến diện, một phân cảnh đối với những kịch bản Á châu chính ở Trung Hoa và vùng Thái bình dương. Sau đó, khi những thái độ chính trị của viên chức Mỹ trở nên già giặn hơn, họ được hướng dẫn bởi hai yếu tố : Chuyện Mỹ đồng minh với Pháp, mà số phận cho thấy đó là điều quan trọng đối với tương lai bất định của Tây Âu; và chuyện Trung Hoa rơi vào tay Cộng sản, để từ đó nẩy sinh ra chính sách ngoại giao " ngăn chận " với âm mưu ngăn chận những gì có vẻ như là sự mở rộng của chủ nghĩa Cộng sản. Trong khung cảnh tình hình hồi ấy , Mỹ không thích bảo trợ cho Hồ, vốn là một người Cộng sản kỳ cựu chống Pháp. Vì vậy hai thập niên trước khi quyết tâm đem quân chiến đấu ở vùng này, Mỹ đã bắt đầu sa lầy ở Việt Nam.
Hồ phấn khởi nhiều bởi Hiến chương Atlantic, được đưa ra vào mùa hè năm 1941, trong đó Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill hạ quyết tâm, " nhìn thấy chủ quyền và quyền tự quyết được dành cho những kẻ bị tước đoạt những quyền ấy". Churchill vốn vẫn lo duy trì đế quốc Anh, rõ ràng coi tuyên bố này là thứ cường điệu lý tưởng mà thôi. Vị trí của Roosevelt cũng không hoàn toàn vô tư, dù ông có thành tích chống thực dân. Ngay cả khi khi tập trung chú ý đến phạm vi Ðông Dương, ông cũng phân vân khó quyết đoán được điều gì.
Năm 1941, với hy vọng làm phấn chấn thêm Tướng Charles de Gaulle trong trận chiến giải phóng nước Pháp chống lại bọn Ðức, Roosevelt hứa là sẽ tôn trọng quyền thống trị của Pháp ở nước ngoài sau trận chiến. Nhưng năm sau, ông nói với đứa con trai tên Elliott của ông là ông sẽ " làm việc hết sức mình " để chống lại bất cứ kế hoạch nào để " mở rộng thêm tham vọng bành trướng đế quốc của Pháp." Một năm sau đó nữa, ông đề nghị một ủy ban quốc tế để cho Ðông Dương thời hậu chiến, ông nói rằng Pháp " đã vắt sữa nó cả trăm năm rồi " và để cho dân bản xứ " tệ hại còn hơn lúc ban đầu " . Ông còn bổ túc ý kiến này về sau, đề nghị rằng Pháp có thể tái sở hữu lãnh thổ bằng cách cam kết cuối cùng sẽ cho nó được độc lập. Và năm 1945, ông đề nghị giao Ðông Dương cho Thống chế Tưởng giới Thạch vốn là một người lãnh đạo Trung Hoa quốc gia, nhưng Tưởng lịch sự từ chối món quà ấy trên căn bản là người Ðông Dương " không thể đồng hóa vào với người Trung Hoa".
Sự không thống nhất rõ ràng của Tổng thống Roosevelt bắt nguồn một phần từ cách thực hành nói ra những suy nghĩ của mình khi chúng nảy ra trong đầu ông trước sự hiện diện của những du khách, đó là một thứ dụng cụ ông dùng để thử nghiệm những ý tưởng của ông. Nhưng căn bản là ông quá quan tâm đến những vấn đề lớn hơn trong Thế chiến thứ 2 để có thể tập trung chú ý đến chuyện Ðông Dương quá xa xôi. Vào ngày 1 tháng 1 năm 1945, chừng 3 tháng trước khi ông qua đời, ông nói với Bộ trưởng ngoại giao Edward R.Stettinius như sau, " Tôi vẫn không muốn dính dáng vào bất cứ quyết định nào về Ðông Dương.. Hành động trong lúc này là quá sớm."
Tại bộ ngoại giao, những thư báo cho thấy có những chiều hướng đối ngược nhau. Tố cáo đường lối cai trị thực dân của Pháp như là " thiếu sự hài lòng nhất " ở Á châu, phân ban Viễn Ðông thúc giục cần phải tạo áp lực lên Pháp để ban cho Ðông Dương " quyền cai trị tự trị thực sự " hay sẽ phải có đâu đó " máu đổ và bất ổn trong nhiều năm, đe dọa sự phát triển kinh tế và xã hội " của khu vực. Ðúng như dự đoán là những chuyên viên gốc Âu châu trong bộ sẽ bênh vực cho người anh em Pháp của mình, họ cảnh báo chống đối bất cứ biện pháp nào mà có thể gây " kết quả tai hại đến những quan hệ của Mỹ và chính phủ cùng nhân dân Pháp."
Nhân tố Âu châu thắng lợi. Vào tháng 5 năm 1945, không lâu sau khi Tổng thống Harry Truman lên nắm chính quyền sau cái chết của Roosevelt, Ngoại trưởng Mỹ Stettinius trấn an Ngoại trưởng Pháp George Bidault rằng Mỹ công nhận sự thỉnh cầu của Pháp về Ðông Dương. Truman hy vọng Pháp sẽ giải phóng luật lệ của họ, và người Mỹ được nhắc lại rằng niềm hy vọng sẽ là những năm trước mặt. Nhưng người Pháp không bao giờ tạo ra cái gì hơn là vẻ bên ngoài hời hợt của sự tự trị trong thuộc địa của họ. Vào năm 1954, khi thấy cuộc chiến tranh Ðông Dương là một cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa Cộng sản toàn cầu, Mỹ đã bỏ ra 2.5 tỷ để tiếp máu cho nỗ lực quân sự vô vọng của Pháp – số tiền này còn nhiều hơn là tiền Pháp nhận trong kế hoạch Marshall của Mỹõ để tái xây dựng lại nền kinh tế hậu chiến tan nát.
( Trích từ sách " Viet Nam, a history " của Stanley Karnov trang 135-137)
Trong một bài viết khác ngày 27 tháng 4 năm 2000 , ký giả Karnov cho rằng sau Thế chiến 2, khi Pháp tìm cách lấy lại thuộc địa cũ Việt Nam, Hồ chí Minh đã viết thư cho Tổng thống Truman yêu cầu được giúp đỡ. Nhưng Tổng thống Truman và Tổng thống kế tiếp Dwight D. Eisenhower đã thay vì giúp Hồ chí Minh thì lại đi ủng hộ Pháp, để rồi mục đích vô vọng bị vỡ tan năm 1954, khi đội quân thô sơ của Hồ đánh tan quân đội đồn trú của Pháp ở Ðiện Biên Phủ.
Một chuyện nữa cũng nên ghi nhận ở đây là vào năm 1950, Trung Cộng và Liên Xô công nhận chính phủ Hồ chí Minh. Ðể trả đủa theo kiểu dằn mặt, chính phủ Truman công nhận chính phủ quốc gia do vua Bảo Ðại cầm đầu và coi như Mỹ và chính phủ Hồ chí Minh ngày càng có hố sâu ngăn cách để rồi dẫn đến chuyện đối đầu nhau trong thập niên 1960 và 1970.
Vào lúc này Hồ mong là sẽ chiếm được toàn cõi Việt Nam, nhưng ông bị phe Trung Cộng và Nga xô ép buộc phải chia đôi đất nước thành hai miền là miền Bắc và miền Nam. Thủ tướng Phạm văn Ðồng đã nói riêng với phóng viên Karnov năm 1981 như sau, " Chúng tôi bị những đồng chí của chúng tôi phản bội. " Một cuộc tổng tuyển cử được dự tính là sẽ tổ chức vào năm 1956 để quyết định số phận của quốc gia, nhưng phía Nam Việt Nam hủy bỏ cuộc bầu cử khi thấy rõ ràng là phe Cộng sản sẽ thắng cuộc tổng tuyển cử này. Hồ chí Minh cảm thấy bực bội và quyết định theo đuổi kế hoạch nổi dậy.
Karnov cho Hồ không phải là loại người tay sai cho những cấp lãnh đạo Cộng sản Nga hay Tàu cao cấp. Vào tháng 8 năm 1945, khi Hồ tuyên bố độc lập cho Việt Nam, ông ta có trích đọc một phần Tuyên ngôn độc lập Mỹ ngay trước nhà hát Hà Nội. Ngay từ trước đó, khi ông thành lập chính phủ lâm thời ở trong rừng năm 1950, ông yêu cầu Thống chế Marshal Tito của Nam Tư công nhận chính phủ của ông, trong khi nước Nam Tư ( Yugoslavia) vì chính sách không hợp tác với Mạc tư khoa đã làm cho Stalin coi Tito như kẻ thù số một. Ðối với Trung Cộng mối quan hệ với Việt Nam được coi như thù hận. Cái ý tưởng cho rằng Cộng sản Việt Nam đi theo đường lối của Trung Cộng là phi lý. Nhưng phải thấy một điều là Cộng sản Việt Nam đã theo lời Trung Cộng mà làm cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, giết đi hàng ngàn dân Việt Nam vô tội. Phải nói người không nghe lời Trung Cộng là Lê Duẩn chứ không phải Hồ chí Minh. Trung Cộng đã tỏ ý không muốn Việt Cộng chiến thắng ở miền Nam nhưng Lê Duẩn bất chấp áp lực đó mà tiến hành cuộc chiến tranh ở miền Nam cho đến ngày toàn thắng. Lê Duẩn là người chống Trung Cộng ra mặt chứ không như Hồ chí Minh, tìm cách đi dây giữa hai đàn anh Nga, Tàu để đem lại quyền lợi cho Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Nói tóm lại Mỹ và Bắc Việt Nam đã đánh một cuộc chiến cay đắng với nhau trong thập niên 1960 và 1970, trong đó có chừng 3 triệu người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc và gần 60000 người Mỹ thiệt mạng.Nhiều sử gia cho rằng cuộc chiến này có thể tránh được nếu những sự thông tin giữa người lãnh đạo Việt Nam là Hồ chí Minh và Tổng thống Mỹ Harry Truman tốt đẹp hơn trong những năm cuối của thập niên 1940 và đầu thập niên 1950. Phóng viên đài Voa là Max Ruston có làm một bản tường trình từ New York nói về một việc mà các sử gia ngày nay gọi là " cơ hội bỏ lỡ" của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Một nhóm viên chức quân sự Mỹ và Việt Nam mới gặp nhau ở New York ( 1997) để thảo luận về những gì đã xảy ra trong những năm trước cuộc chiến ở Việt Nam. Ðó là thời gian gần cuối Thế chiến thứ 2, thời gian này đã ghi lại sự hợp tác không chính thức giữa Mỹ và lực lượng Việt Minh của Việt Nam. Cả hai phía đều chia sẻ chung một mục tiêu chung: Ðánh bại những lực lượng của Nhật ở Ðông Dương.
Những cuộc thảo luận mới đây giữa những viên chức tình báo tuổi tác về hưu đã nhanh chóng chú ý đến nhà lãnh đạo cách mạng Hồ chí Minh sau này, là người cuối cùng dẫn quân đội của ông đến chiến thắng.
Cựu viên chức tình báo Mỹ Frank Tan đã làm việc với Hồ chí Minh trong trận chiến chống lại quân đội Nhật đã cho biết như sau,"
" Khi tôi rời Việt Nam vào năm 1945, Hồ chí Minh có đưa cho tôi một lá thư, đó là một lá thư ngắn viết tay. Ðó là một cảm nghĩ mà ông đã bày tỏ nhiều lần, đó là lời thỉnh nguyện xin Mỹ giúp đỡ."
Khi quân đội Nhật hoàn toàn đầu hàng, Hồ chí Minh xin được giúp đỡ để ngăn chận Pháp tái thiết lập lại sự cai trị thực dân trên toàn cõi Việt Nam.
Ông Frank Tan gửi lá thư này đi đến những viên chức tình báo quân sự ở Mỹ, đề tên người nhận là Tổng thống Harry Truman. Sau đó ông hỏi một người đồng sự về chuyện lá thư đã đi đến đâu rồi. Người đồng sự nói với ông Frank Tan," Này anh bạn Frank, cảm giác bây giờ ở Washington là rất muốn làm việc với người Pháp chứ không muốn làm mất lòng Pháp, không có cái gì có thể hay sẽ xảy ra đâu." Và vì thế tôi mới gọi là cơ hội bị bỏ lỡ.
Nhiều viên chức tình báo khác ước lượng rằng Hồ chí Minh viết ít nhất cả tá lá thư đến Tổng thống Truman. Trong vài lá thư, ông yêu cầu xin được trợ giúp về canh nông. Trong những lá khác ông yêu cầu Mỹ không ủng hộ Pháp đang nỗ lực thiết lập lại sự kiểm soát trong vùng.
Nguyen kim Hung là người cầm đầu phe Việt Minh hợp tác với những viên chức tình báo Mỹ hồi bấy giờ đã phát biểu như sau trong buổi hội thảo ( thông qua một thông dịch viên ):
" Tôi biết chuyện Hồ chí Minh đang yêu cầu sự giúp đỡ từ Mỹ. Nhưng vào thời điểm đó chúng tôi không có cách nào biết được tại sao không có sự hồi âm nào từ phía chính phủ Mỹ. Tôi nghĩ câu trả lời cho câu hỏi " Tại sao?" sẽ là một đề tài cho những sử gia nhiều thế hệ sau nghiên cứu. "
Những sử gia Mỹ nói họ tin là không có lá thư nào trong những lá thư kể trên lại đến tay Tổng thống Truman hay người nào khác ở những cấp cao nhất của chính phủ Mỹ. Hơn nữa, họ nói những yêu cầu của Hồ chí Minh bị coi là không thuận tiện, vì Washington không muốn làm mất lòng Pháp và thấy không thâu lượm được gì từ chuyện hỗ trợ cho chủ nghĩa quốc gia Việt Nam.
Hồ chí Minh sau đó mới liên hệ bản thân ông với Liên xô như lời giải thích của cựu viên chức tình báo Mỹ Charles Fenn như sau:
" Tôi nghĩ thật là có ích để hiểu tại sao Hồ là người Cộng sản. Tham vọng của ông là làm sao cho quốc gia ông được giải phóng khỏi tay người Pháp. Ðó thực sự là mục tiêu duy nhất của ông, và phe duy nhất giúp ông ta là Liên xô. Ông đã đi qua nhiều quốc gia khác nhau.. Pháp, Anh, Mỹ..Ông đã đi xa tới Mỹ khi ông chỉ là người phụ bếp trên tàu.. nhưng không chỗ nào giúp ông được gì. Nhưng những người xã hội Pháp đề nghị ông nên đến gõ cửa Stalin và Stalin sẽ giúp ông. Nhưng dĩ nhiên Stalin ra điều kiện là chỉ giúp Hồ nếu Hồ là người Cộng sản và phải là người Cộng sản chuyên chính thuần thành.
Sau đó Hồ chí Minh lãnh đạo dân quân đánh các lực lượng Pháp. Quân đội Mỹ nhảy vào kế tiếp. Quân Mỹ và quân Cộng sản Việt Nam giao chiến toàn diện vào giữa thập niên 1960 và không chấm dứt cho đến khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng ra khỏi miền Nam vào năm 1973.
Nhiều viên chức tình báo Mỹ đã từng làm việc Hồ chí minh trong thập niên 1940 bây giờ bày tỏ sự hối tiếc là đã không làm việc nhiều hơn để thiết lập vài tầng lớp hợp tác giữa Việt Minh và chính phủ Mỹ. Tại cuộc gặp gỡ ở New York, họ nhắc lại về sự chú ý mạnh mẽ của cá nhân Hồ chí Minh dối với lịch sử nước Mỹ. Họ kể lại có đôi lúc Hồ bày tỏ sự ngưỡng mộ về chuyện Mỹ tuyên bố độc lập và vị Tổng thống thứ 16 của Mỹ là Abraham Lincoln.
Viên chức tình báo Mỹ Ray Grelecki là một trong những nhân viên tình báo chứng kiến sự yêu thích nước Mỹ của Hồ chí Minh . Ông Ray Grelecki nói:
" Nếu tôi được yêu cầu để đưa ra một sự đánh giá thì Hồ chí Minh nhìn nước Mỹ như là là một người mới, lớn và thành thật trong đám đông. Và tôi chợt cảm thấy – tuy tôi không có bằng chứng – tôi cảm thấy ông Hồ muốn làm việc vớingười mới, lớn và thành thật đó ."
Ông Grelecki và những cựu chiến binh Việt Nam và những bạn Mỹ cũ đã đàm đạo tại hội quán Asia Society ở New York. Những lời hồi tưởng của họ sẽ được ghi chép và in thành sách như là một đề án lịch sử nói bằng miệng. Những người tham dự nói họ hy vọng là những kinh nghiệm của họ sẽ giúp Việt Nam và Mỹ xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn trong tương lai.
Ngày nay nhìn lại lịch sử Việt Nam cận đại với 3 triệu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh và Việt Nam bây giờ vẫn đắm chìm trong chủ nghĩa Mác- Lê lạc hậu, cản đường cho sự tiến bộ, cấp lãnh đạo Ðảng hiện nguyên hình là một bọn bán nước buôn dân, thì mới thấy cơ hội Hồ chí Minh tìm cách liên lạc kêu gọi với hai Tổng thống Wilson và Truman cho nền độc lập Việt Nam bị rơi vào quên lãng là một điều đáng tiếc vô cùng. Nếu Tổng thống Wilson tìm cách nâng đỡ Hồ chí Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì Việt Nam đã đi về một lối khác. Nếu Tổng thống Roosevelt không mất vào năm 1944 mà sống thêm một năm nữa là sống đến năm 1945 và có những biện pháp giúp đỡ Hồ chí Minh thì Hồ chí Minh đã có thể không rơi vào quỹ đạo các nước Cộng sản. Nếu Tổng thống Truman nhận được mấy cái thư kêu cứu của Hồ chí Minh và ra tay giúp đỡ Hồ và không ủng hộ thực dân Pháp thì tình thế Việt Nam chắc là đã không diễn ra như đã diễn ra.
Nếu Tổng thống Kennedy không bị ám sát vào năm 1963 thì tình hình Việt Nam chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn lao. Nếu Thượng nghị sĩ Robert Kennedy ( một ứng cử viên sáng giá Tổng thống của Ðảng Dân Chủ ) không bị bắn chết năm 1968 để còn sống và lên chức tổng thống thì tình hình chiến tranh sẽ được giải quyết và Mỹ không đến nỗi bị sa lầy ở Việt Nam. Nếu Tổng thống Nixon không bị vụ xì-căng-đan Watergate đến nỗi phải từ chức thì có lẽ ông sẽ trả đũa quyết liệt trong trận tấn công của Việt Cộng năm 1975 thì chưa chắc miền Nam đã mất vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nếu miền Nam không có cấp lãnh đạo tồi như Tổng thống mặt trơ, trán bóng tham nhũng Nguyễn văn Thiệu và Thủ tướng, Phó tổng thống tồi bại, nhảm nhí như Nguyễn cao Kỳ thì miền Nam không đến nỗi thua trận cay chua và nhục nhã đến như vậy và cục diện chiến tranh Việt Nam không chừng đã khác.
Ôi ! Lịch sử phải chăng là một biến cố đầy rẫy những chữ nếu.!Liệu những người còn nghĩ đến quê hương đất nước Việt Nam hôm nay có học hỏi được những bài học xương máu, lỗi lầm mà những người cầm quyền lãnh đạo trước đã đi hay không để làm hành trang lên đường cứu nước và xây dựng quê hương hay không ? Lịch sử đôi khi là một sự lập lại nhưng không phải lúc nào cũng như thế vì hoàn cảnh và thời thế mỗi thời mỗi khác. Nhưng có cái bất di bất dịch đời nào cũng quý trọng tôn vinh là tấm lòng yêu nước, thương dân của những hào kiệt trong những cuộc chiến đấu cho quê hương, đất nước.
May mắn thay, trong thời đại hôm nay người ta vẫn còn nhìn thấy những tấm lòng sắt son, những ý chí bất khuất của những hào kiệt đáng quý đó. Và nhờ quyết tâm và hành động của những dũng sĩ thời đại này mà vận nước sẽ qua thời kỳ tăm tối và đi tới ánh sáng của bình minh.
Lawndale, một tối đầu thu hiu hắt cuối tháng 9 năm 2004
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG

Nhận xét