KHẢO LUẬN VỀ ÔNG PHAN THANH GIẢN


Khi nhận định giá trị thật sự của một con vật hay một đồ vật vô tri người ta thường căn cứ trên những lợi ích mà con vật hay món đồ vật đó mang đến cho con người. Người ta đánh giá trước khi mua về để dùng và sự đánh giá thường hay căn cứ theo lời quảng cáo của nhà sản xuất ra các món đồ vật hay của nhà nuôi thú để bán. Sự đánh giá về đồ vật hay con vật cũng được thực hiện theo những lời đồn đãi của quần chúng hoặc theo sự giới thiệu của người đã có kinh nghiệm xài qua hay đã từng là sở hữu chủ các vật đó. Món đồ vật hay con vật sau khi mua về tạo được lợi ích thì sẽ được người mua nâng niu châm sóc cẩn thận để có thể xử dụng lâu dài và khi món đồ vật đã xài lâu năm bị hao mòn hay đã trở thành lạc hậu thì người chủ phải quyết định bỏ đi nhưng lòng vẫn luyến tiếc không nở dứt bỏ và có thể là món đồ vật nầy sẽ được lưu giữ lại để trở thành một món đồ cổ đầy kỷ niệm được giữ lại cho hậu sinh trong gia tộc chiêm ngưỡng. 

Đánh giá về một con người là một tiến trình phức tạp, tế nhị và khúc mắc. Tại sao? Bởi vì con người cũng là một con vật, nhưng là một con vật có một khối óc biết suy nghĩ và một con tim đầy ấp tình cảm. Vì có con tim đầy tình cảm cho nên rất khó cho một con người nầy phê phán, đánh giá khách quan một con người khác bởi vì tình cảm con người bị quá nhiều yếu tố ngoại lai ảnh hưởng hoặc chi phối cho nên dễ rơi xuống gần với loài động vật tuy rằng có bộ óc nhưng chỉ biết hành động theo phản xạ chứ không biết suy nghĩ chính chắn khách quan hoặc bị cản trở không cho phép suy nghĩ theo đúng với lý trí của mình. 

Đánh giá một con người lịch sử lại càng khó hơn bởi vì con người lịch sử thông thường đã thuộc về quá khứ lâu đời, là một thành viên trong một bối cảnh lịch sử nào đó đã qua đi và từ xưa đến nay hầu hết các bối cảnh lịch sử thực tế đều do guồng máy thống trị đất nước mặc tình thao túng muốn thêu dệt, bẻ méo cách nào cũng được qua các văn kiện, tài liệu, sách vỡ, phương tiện truyền thông, chiến dịch đồn miệng truyền tai núp, lợi dụng lòng mê tín dị đoan của người dân chất phát ít học để thần thánh hóa một triều đại hay để quảng cáo cho một lãnh tụ, tất cả đều núp dưới mỹ từ lịch sử hoặc dã sử. Đầu óc địa phương, bè phái, mặc cảm tự tôn cũng là những yếu tố khiến cho việc đánh giá một con người lịch sử mất đi tính cách công tâm và khách quan. 

Dĩ nhiên là khi đánh giá một nhân vật lịch sử thì không thể nào tách nhân vật nầy ra khỏi bối cảnh lịch sử cụ thể thực sự vào thời đó - một bối cảnh lịch sử thực sự chứ không phải một bối cảnh bịa đặt- với những mối dây liên hệ trói buộc phức tạp trên mọi lãnh vực xã hội, văn hóa, gia đình, môi trường hoạt động và đường lối phát triển đất nước so với xu hướng phát triển chung của thế giới đang được bành trướng khắp nơi vào thời điểm đó. 

Từ xưa đến nay, dư luận đánh giá một nhân vật lịch sử thường có mục đích để tôn vinh hoặc để kết tội nhân vật lịch sử đó. Khi đánh giá tôn vinh thì tốt khoe xấu che, cái tốt của nhân vật được đề cập tới nhiều hơn và thường thì lại bày đặt thêm thắt, đánh bóng, thổi phòng để biến nhân vật nầy thành một ông thánh sống vô nhiễm mọi tội lỗi, thành một nhà hiền triết khôn ngoan sáng suốt đứng trên hết mọi người. Khi đánh giá kết tội thì xấu bêu tốt lờ mà mục tiêu của việc đánh giá bêu xấu là để che tội cho một kẻ khác, biến kẻ bị bêu xấu thành một con vật hy sinh tế thần. Nhiều khi người bị bêu xấu vô tội, cái tội của họ là do kẻ có tội thật sự vì muốn che dấu khuất lấp tội lỗi xấu xa của mình cho nên đã đổ hết tội lỗi lên đầu người khác. Nhiều khi người bị bêu xấu không có tội tình gì nhưng vì hoàn cảnh phải ở về cùng một phía của những kẻ bị xem là có tội cho nên phải chịu họa lây mặc dù kẻ đứng ra kết tội dư sức biết rõ người đó bị kết tội một cách bất công thay vì được nghiêm xét một cách vô tư và đáng được vinh danh. 

Lại cũng có những cung cách đánh giá tùy thời, gió chiều nào theo chiều đó. Kiểu đánh giá tiền hậu bất nhứt như thế sẽ khiến cho mọi người mất tin tưởng và dù sau nầy việc đánh giá có đúng sự thật một trăm phần trăm đi chăng nữa thì cũng chỉ giống như nước đổ đầu vịt bởi vì một lần bất tín thì vạn sự bất tin. 

Đối với những nhân vật lịch sử có thành tích lẫy lừng vang dội, thành tích tốt cũng như thành tích xấu, thì sự đánh giá có thể là dễ dàng nhưng cũng chưa chắc là khách quan vô tư đầy đủ nhưng không phải vì có nhiều đánh giá tiếp theo sau đó có cùng một quan điểm mà vội cho là đã nhất trí. 

Có những nhân vật lịch sử xuất hiện trong một bối cảnh phức tạp biến động, dẫy đầy thử thách và mâu thuẫn, xô đẩy nhân vật nầy vào con đường bế tắc không biết phải hành động thế nào cho phù hợp với lý trí đưa đến tình trạng thực hành những điều trái với lương tâm của mình. Đối với những nhân vật lịch sử nầy từ trước đến nay người ta thường chỉ đánh giá một chiều theo những chứng cớ che lắp, đầy dẫy hậu ý bất công và đây cũng là trường hợp của một số đông nếu không nói là hầu hết những nhân vật của miền Nam Việt Nam có tên trong lịch sử kể từ thời hoàng đế Gia Long đến nay mà trong số những nhân vật nầy, hoàng đế Gia Long và ông Phan Thanh Giản là những trường hợp điển hình hơn hết. 

Việc đánh giá và phê phán ông Phan Thanh Giản không phải chỉ xảy ra sau cái chết tự xử của ông vào năm 1867 mà nó đã xảy ra ngay trong lúc ông còn sinh tiền, đặc biệt là vào lúc thế lực thực dân thuộc địa từ phương Tây bắt đầu dòm ngó vào vùng đất hình cong chữ S của nước Đại Nam. 

*


Dẫn nhập


NHỮNG NGUYÊN DO CHỦ YẾU TRONG CUỘC CHIẾN XÂM LĂNG CỦA NGƯỜI PHÁP VÀ SỰ THẤT BẠI CỦA TRIỀU ĐÌNH NHÀ NGUYỄN TRONG VIỆC CHỐNG NGOẠI XÂM ĐỂ GIỮ NƯỚC


Từ thế kỷ thứ XIX, một nước ĐẠI VƯƠNG QUỐC VIỆT NAM được hình thành khi triều đại họ Nguyễn được khai sáng, và hoàng đế Gia Long đã đặt nền móng để tạo dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia tiên tiến. Tất cả các cơ cấu trong guồng máy cai trị của hoàng đế đều được cải tổ và đã hoạt động tích cực để phát triển theo đà tiến bộ của nền văn minh và kỳ thuật thế giới. Luật lệ được đổi mới để thay thế cho các luật lệ già nua lỗi thời từ niên hiệu Hồng Đức dưới triều đại của vua Lê Thánh Tông trong thế kỷ thứ XV. (Có dư luận cho rằng bộ luật Gia Long chỉ bắt chước theo bộ luật của nhà Thanh ở Trung Quốc thua xa bộ luật Hồng Đức. Nếu xét cho cùng, nền cổ luật từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần và Hậu Lê, tất cả đều bắt chước theo các luật lệ của Trung Quốc. Có một điều ngạc nhiên là, khi sơ khởi thiết lập guồng máy hành chánh cai trị, Charner đã không dám đem áp dụng ngay luật lệ của nước Pháp tại các vùng đất của Đại Nam mà Pháp vừa mới chiếm được nhưng lại phải lục lạo tìm kiếm cho bằng được bộ luật Gia Long để phiên dịch ra tiếng Pháp và phổ biến ngay cho các chức quyền hành chánh của họ áp dụng kèm theo chỉ thị phải theo luật lệ và phong tục của người Đại Nam trong việc cai trị làng nước). 

Những công trình như cầu cống, đường xá, sông ngòi, kênh rạch, đê đập, kho lẫm, bến cảng, thành trì, tất cả đều được thực hiện một cách quy mô liên tục, đạt được thành quả rất tốt và có giá trị lâu bền. Các định chế về tổ chức quân đội, giáo dục, tài chánh cũng được đổi mới. Chính người Pháp phải công nhận rằng nước Việt Nam dưới thời Gia Long đã tiến xa hơn nước Nhật Bản đến 60 năm và trở thành một trong những cường quốc quân sự trong vùng bán đảo Đông Dương. Chỉ người ngoại quốc Âu châu nào có năng lực mới được hoàng đế Gia Long tuyển chọn để phục vụ như những kẻ đi làm thuê trong các công trình canh tân xứ sở Việt Nam. 

Năm 1817, khi tàu buôn đầu tiên của Pháp đến xin giao thương, hoàng đế Gia Long đã chấp thuận nhưng vẫn dành chủ quyền cho nước Việt Nam trong việc ấn định thể thức giao thương và quyền lựa chọn các mặt hàng hóa xuất nhập. 

Chính sách đế quốc thuộc địa của người Anh ép đặt vào Singapore năm 1819 khiến cho hoàng đế Gia Long nghi ngờ và mất tin tưởng vào thiện ý của người ngoại quốc gốc Âu Châu, vì thế trước khi qua đời , năm 1820, hoàng đế Gia Long đã trối lại cho hoàng đế Minh Mạng nên đối xử tốt đẹp với người Âu Châu, đặc biệt là đối với người Pháp nhưng tuyệt đối không để họ tạo ảnh hưởng để xen lấn vào nội tình của nước Việt Nam. Đối với Minh Mạng thì lời trối của Gia Long còn chưa đủ bởi vì dưới triều đại Minh Mạng, chính sách bất hợp tác với ngoại bang Âu Châu được áp dụng một cách cứng rắn, triệt đễ và quay về với truyền thống vọng Trung Quốc của nước Việt Nam từ ngàn xưa. Thiệu Trị nối nghiệp, tiếp tục theo đường hướng cai trị của vua cha rồi nay đến Tự Đức cũng thế. Kế đến chiến tranh giữa người Anh và người Miến Điện xảy ra vào năm 1826 càng khiến cho những con cháu nối nghiệp của Gia Long thêm lo âu nghi ngại và họ càng hướng về mẫu mực văn hóa, đạo đức của Trung Quốc dùng làm kim chỉ Nam để giữ và xây dựng đất nước Đại Nam. Họ là những nhà cai trị giỏi nhưng Minh Mạng nổi bật, chỉ kém thua vua cha Gia Long mà thôi. 

Quyền lực chính trị tập trung vào tay của hoàng đế ; không có một quyền lực trung gian; quan lại triều đình chỉ là công cụ thi hành quyền lực của hoàng đế. Tất cả người dân trong nước đều được coi như là bình đẳng, là tôi thần của vua, được thưởng hay chịu phạt ngang nhau theo một chế độ luật pháp duy nhất. Không có một ngạch quan quân sự riêng mà cũng không có sự phân cách giữa quyền lực quân sự và quyền lực hành chánh: quan đứng đầu cai trị một vùng lãnh thổ cũng là tư lệnh quân sự cao cấp tại vùng đó nhưng không phải vì thế mà được hưởng cấp bổng gắp đôi. 

Quan lại được tuyển chọn trong các tầng lớp dân chúng lương thiện, không phân biệt nghèo giàu, qua các khoá thi định kỳ được tổ chức tại các tỉnh thành quan trọng và chỉ có một số ít thí sinh thật xuất sắc mới được chấm đỗ và ban cho ngạch trật quan lại tương ứng với thứ bật đỗ cao thấp của họ. Người ngoại quốc nào sau khi được tiếp xúc với các hàng quan lại Việt Nam đều đồng ý rằng họ là những người tài trí hiểu biết, có giáo dục, có kỹ luật và đức hạnh. Trước khi người Pháp xâm lăng, Việt Nam được xem như là một quốc gia có giáo giục qua các dụ chỉ giáo huấn của nhà vua ban ra. Nho học và đạo đức thánh hiền được phổ biến rộng rãi trong dân chúng bởi các cơ quan giáo dục của triều đình hoặc từ các quan chức đã về hưu mở trường dạy học. Nền giáo dục đó đã tạo ra một mối liên hệ đồng nhất gắn bó trong nếp nghĩ suy và hành động của tuyệt đại đa số tầng lớp người dân trong nước. Tầng lớp Nho sĩ, những người dân có học cao - những người "quân tử" - là tầng lớp chỉ đạo và vua, vì là con của Trời, thay Trời hành đạo để tạo phúc lợi cho nhân gian cho nên vua được xem như là người quân tử tối cao với quyền hành tuyệt đối vô giới hạn và không thể bị lầm lẫn. Người dân trong nước được xem như là con cái của vua. Là phận con cái cho nên mọi người dân trong nước đều phải lấy chữ trung hiếu làm đầu. Nếu vua lầm lẫn, ăn ở mất nhân đức thì chỉ có Trời biết để trừng phạt vua bằng các hình phạt tai ương, lũ lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh, giặc giã đổ xuống trên đầu trên cổ "con cái" của vua. Nếu tai ương kéo dài khiến đa số dân chúng bị khổ đau triền miên thì vua đương nhiệm bị xem như là hôn quân, bạo chúa không đạo đức, sẽ dẫn đến các phong trào nổi dậy và bạo loạn trong nước. 

Trong việc cai trị, các vua nhà Nguyễn lựa chọn những quan đại thần để làm cố vấn chính trị và an ninh trong một cơ quan gọi là viện Cơ Mật cùng với các cơ quan hành pháp và tư pháp trung ương, tất cả gộp lại để tạo thành một cơ quan quyền lực trung ương tối cao, tức triều đình Huế. Tất cả những chính sách và đường lối trong việc cai trị đều được vua hỏi ý kiến của triều đình nhưng quyền quyết định cuối cùng luôn luôn là của nhà vua. 

Ở bậc thang cuối cùng của hình thức tổ chức quyền lực nước Đại Nam có một đơn vị hành chánh gọi là làng. Mặc dù ở vào một vị thế thấp nhất nhưng làng lại là một thế giới riêng biệt: phép vua thua lệ làng; mỗi làng có những tục lệ, phong tục, tập quán riêng biệt. Người dân ít khi chịu rời khỏi làng mình đang sinh sống để đi nơi khác bất kể làng của họ bé nhỏ hay rộng lớn. 
Những nề nếp sinh hoạt trong làng như việc phân chia ruộng công, thực hiện các công trình nông nghiệp, tổ chức hành chánh, giải quyết các vụ tranh tụng nhỏ trong những mối liên hệ ràng buộc của những hộ khẩu trong làng, việc phòng giữ cảnh vệ làng xóm chống trộm cướp, tất cả những định chế đó đều được tổ chức một cách biệt lập không có sự can dự của những kẻ ngoại lai không có hộ khẩu trong làng. Dân làng chọn lựa những người có uy tín và nhũng người "sống lâu lên lão làng" để lập thành những ngôi thứ cho những người đứng đầu nắm quyền cai quản xóm làng. Nhân vật nắm giữ việc điều hành guồng máy hành chánh tự trị trong làng là lý trưởng do hội đồng đó chỉ định và tất cả những người nầy lập thành một tập thể hành chánh quản trị của làng. Nhà vua và các quan triều chỉ công nhận tập thể này như là những người đại diện tuyệt đối cho toàn thể cá nhân sống trong làng. Có thể nói rằng uy quyền của nhà vua và triều đình không thể lọt qua khỏi cổng làng bởi vì chính cái xã hội thu nhỏ nầy được hưởng một chính sách tự trị khá rộng rãi để tự mình tổ chức các cách thức giữ gìn an ninh và xây dựng làng mạc của mình với điều kiện là phải nộp thuế cho ngân khố của triều đình: triều đình ấn định mức thuế cho từng làng và mức thuế nầy sẽ do hội đồng quản trị của làng phân định cho mỗi người dân trong làng đóng nộp. 

Mặc dù hoàng đế làm chủ đất nước nhưng trên thực tế ruộng vườn trong làng mặc nhiên xem như là được hoàng đế cấp phát cho người dân trong làng làm chủ vĩnh viễn, chính người dân trong làng mới chính là sở hữu chủ đích thực được hoàng đế và triều đình công nhận nếu chịu nộp thuế và thi hành những nghĩa vụ do triều đình yêu cầu. Luật Gia Long ghi: <<Các gia đình của mỗi châu, huyện chia nhau ruộng đất, lập sổ thuế và tất cả cùng nhau cai quản việc công sở tại>> (Nguyễn Văn Huyền, La Civilisation Annamite, [Văn Minh Việt Nam]; bản dịch; trang 564; Hà Nội; 1996). Có thể nói rằng làng là biểu hiện của một hình thức dân chủ sơ khởi của tổ chức hành chánh công quyền trong suốt tiến trình lịch sử xây dựng nước Việt Nam. Tính cách tự trị của ngôi làng đã làm nẩy nở một tình trạng tâm lý đặc biệt là người dân trong làng cảm thấy rằng quyền tự do cá nhân của mình hầu như tách rời khỏi quyền lực của các tổ chức cai trị thuộc chính quyền trung ương. Người dân Việt Nam ngày xưa thường rất hãnh diện và cảm thấy danh dự vì mình xuất phát từ một làng quê ở một tỉnh nhỏ bởi vì dưới mắt của mọi người khác họ không bị khinh thị là kẻ trôi sông lạc chợ, người tứ xứ. Làng không phải chỉ gồm có những người hiện cư trú ở đó mà bao gồm cả những người có gốc tích từ làng mà ra và vẫn được xem là dân làng mặc dù chỉ trở về làng một vài lần trong đời. Dân làng có thể sinh sống ở một vùng khác nhưng bao giờ ngôi làng cũ vẫn là "quê mẹ" của họ và vẫn tiếp tục nộp thuế thân ở làng, đóng góp vật chất hoặc tinh thần cho làng mặc dù họ không được hưởng những lợi lộc vật chất, con cái họ sinh ở nơi khác nhưng họ lại muốn đăng ký tên của đứa con ở làng cũ. Nhiều trường hợp người của một làng cũ cố gắng thu xếp một góc nhỏ ở làng để cất lên một gian nhà lá đơn sơ dùng làm nơi kê bàn thờ tổ tiên. 

Có những làng đầu tiên được lập nên bởi một gia đình, người trong gia đình, cùng với sự trợ lực của một số người lao động đi theo, cật lực phá rừng, khai khẩn đất hoang và mở rộng đất đai rồi nếp sống tập thể lần lần được tổ chức theo hình thức những làng mạc khác. Khi số dân tăng, tập thể mới nầy có thể xin chính quyền trung ương cho phép lập thành một làng mới gọi là xin tách rời con dấu biệt triện. Có khi một người hoặc một nhóm người đứng ra xin được quyền làm chủ các đất đai bị bỏ hoang để lập thành một làng mới nhƯng phải cam kết đóng thuế ruộng đất cho chính quyền trung ương sau khi khai khẩn đất hoang đã được tiến hành mọt thời gian nhất định. Triều đình nhà Nguyễn khuyến khích những vụ khẩn hoang kiểu nầy để mở rộng phạm vi cày cấy cho đất nước. Người dân hoàn toàn tự do lựa chọn khai khẩn bất, lạp thành làng mạc bất cứ vùng đất hoang nào mà họ cho là tốt và sau đó chỉ cần báo trình với quan để trở thành sở hữu chủ. 

Sau khi tái chiếm các vùng đất ở Nam Kỳ vào những năm cuối thế kỷ 17, Nguyễn vương Phúc Ánh liền cho lập ngay những làng mạc mới. Tất cả hạng dân, binh và nhất là người dân nghèo đều phải cày cấy, làm ruộng. Nhiều dân ở các vùng khác nhau được chiêu mộ để đi khẩn hoang lập ấp gọi là điền tốt đặt dưới quyền điều khiển của một viên quan triều đình gọi là Điền tuấn quan. Những điền tốt đi khai hoang được nhà nước cấp cho trâu bò, nông cụ nhưng phí tổn cho việc cung cấp nầy phải được trả lại cho chính quyền bằng cách nộp một số hoa màu, gạo thóc vào những mùa gặt hái. Ở những chốn rừng sâu, những người đi khai hoang được tổ chức thành những trại nông nghiệp gọi là đồn điền trong đó có những nhóm gọi là toán hoặc đội đồn điền. Người nào có công tuyển mộ được nhiều điền tốt từ 5 người trở lên thì được cho giữ chức cai trại, được miễn thuế thân và khỏi phải làm việc nặng lao nhọc. 
Như vậy, làng là một tổ chức cộng đồng thực sự, là kiểu mẫu của một đại gia đình nới rộng mà quyền lực của giới hữu trách trong làng cũng tương tựa như quyền lực của người cha trong từng gia đình riêng rẽ. 

Trong thực tế, định chế tổ chức gia đình Việt Nam từ lâu đời đã rập khuôn theo lối tổ chức của người Trung Quốc và vẫn không thay đổi cho tới khi có sự xuất hiện của người Âu Châu. Khuôn mẫu gia đình nầy tương tựa như khuôn mẫu đại gia đình thời cổ của người La Mã. Đại gia đình rất đông đúc trong đó người cha có một quyền uy rộng lớn nếu không nói là áp đảo "ăn hiếp" tất cả mọi thành viên trong nhà, bao lâu người cha còn sống thì kẻ dưới dù thuộc hàng con, hàng cháu đều phải phục tùng nhất là khi người cha nầy là đích tôn, trưởng tộc. 

Trước thời đại Gia Long, quyền gia trưởng của người cha là tuyệt đối, toàn quyền quản lý tài sản của gia đình mình, vợ và con phải đóng góp thêm cho tài sản của gia đình, phần đóng góp của họ không được cất riêng. Có rất nhiều trường hợp người cha đã xử dụng quyền gia trưởng của mình để bán vợ, đợ con và thậm chí có toàn quyền sinh sát vợ, con. Ông có quyền tuyệt đối trong quyết định kén dâu, chọn rể và tổ chức hôn lễ cho con cái. Có thể nói, địa vị của người cha trong gia đình kể từ thời Hậu Lê trở về trước là địa vị của một ông vua con, một kẻ chuyên chế tuyệt đối trong nhà mình. Khi người con đầu lòng của người cha được sinh ra là con trai thì đứa con nầy được coi là "thái tử" nối nghiệp. Nếu trong nhà chỉ toàn là con gái và đứa em út mới sinh lại là con trai thì đứa em trai miệng còn hôi sửa nầy sẽ là ông vua con trong gia đình nếu người cha chết đi trước khi cậu út nầy biết bò, biết đứng. Ngoài ông vua con trong gia đình, còn có một ông "thái thượng hoàng" tức là ông nội hoặc ông cố nội hoặc ông "trưởng tộc" luôn để mắt theo dõi người mẹ góa trong việc tạm thời coi sóc đứa con trai nối nghiệp và đảm nhiệm việc quản lý tài sản của gia đình. Thân phận của người mẹ và những người con gái trong gia đình bị coi nhẹ nếu không nói là bị bỏ quên. 

Luật Gia Long giới hạn quyền của người gia trưởng: phạt 100 trượng người cha nào đánh chết con. Kẻ nào bán hay cho thuê vợ thì bị phạt 80 trượng. 
Dân luật 1931 ở miền Bắc Việt Nam và dân luật 1936 ở miền Trung Việt Nam vẫn tiếp tục ấn định rằng con và cháu sống với cha mẹ hay ông bà thì phải hoàn toàn phụ thuộc vào người chủ gia đình. Con cái không được đi khỏi nhà của người cha nếu không được người cha cho phép. Vì đạo hiếu, cho nên con cháu không được thưa kiện cha mẹ hoặc ông bà. Tuy nhiên, theo luật pháp mới cha mẹ không có quyền cho thuê con cái của mình hay gán con để trả nợ nhưng cha mẹ bao giờ cũng có thể cho con cái vị thành niên còn ở dưới quyền của mình được đi làm thuê trong một thời hạn nhất định. Quyền cha mẹ trừng phạt con cái từ đây chỉ có thẻ được thực hiện trong những giới hạn cần thiết để duy trì quyền lực của người cha. 

Cuộc Nam tiến của người Việt Nam không phải lúc nào cũng bằng phương cách hòa bình. Nói như thế không có nghĩa là người Việt Nam chỉ biết dùng bạo lực để nới rộng thêm lãnh thổ của mình mà phải nói rằng người Việt Nam là những người khôn ngoan và có bản lĩnh trong chính sách di dân chiếm đất: Từ khi bắt đầu đi về phía Nam cho đến năm 1689 thì di dân Việt Nam ở vùng Sài Gòn - Gia Định chỉ có khoảng trên dưới 10,000 người. Khi người Pháp bắt đầu xâm lăng chiếm Gia Định vào năm 1861 thì dân số người Việt Nam chính gốc có vào khoảng 2 triệu người và vùng đồng bằng sông Cửu Long nguyên trước kia là một vùng đầm lầy hoang địa của người Cao Miên thì nay trở thành vựa lúa phì nhiêu của triều đình nước Đại Nam. 

Thói thường, dư luận cho rằng người Cao Miên ở Nam Kỳ bị người Đại Nam tàn sát để chiếm đất . Đây là một dư luận thiên vị nhằm mục đích gầy hận thù sắc tộc. Trên thực tế, một phần người Cao Miên chịu đồng hóa và chung sống một cách rất hài hòa với người Việt Nam, một phần khác không chịu chung sống với người mới đến nên tự ý bỏ đi nơi khác, ở những nơi không có sự hiên diện của người Việt Nam. 

Tuy nhiên, người Việt Nam ở Nam Kỳ không phải luôn luôn giữ được bản chất thuần chủng Việt tộc của mình mà họ cũng chịu ảnh hưởng của một sự đồng hóa ngược chiều từ các sắc tộc,-"những người chủ cũ của vùng đất Nam Kỳ", khiến cho người Việt Nam ở Nam Kỳ càng lúc càng có rất nhiều nét khác biệt với người Việt Nam ở Bắc Kỳ nếu không nói là khác biệt hoàn toàn: vóc dáng người Nam Kỳ cao hơn, giọng nói cũng khác đi, tánh tình thuần hậu, chân chất, cởi mở, cầu tiến hơn là người Bắc Kỳ nhưng siêng năng, cần cù thì không bằng. Làng mạc trong miền Nam không có nhiều dấu vết kỷ niệm của tổ tiên và thần thánh để có thể giữ chân người dân làng từ đời nầy qua đời khác giống như ở miền Bắc. 

Qua nhiều biến chuyển lịch sử, nước Cao Miên ở phía Nam và các nước thuộc bộ tộc Lào ở phía Tây Bắc trở thành những nước hàng rào và dưới quyền kiểm soát của triều đình Đại Nam. Các lãnh thổ của các bộ tộc thiểu số miền cao nguyên Trung Kỳ hoàn toàn thần phục dưới chế độ cai trị của triều đình Huế. Trung tâm quyền lực được di chuyển về phía Nam và thủ đô của nước Việt Nam không còn là Thăng Long- Hà Nội nữa nhưng lại là Phú Xuân-Huế, tạo thành một hố cách biệt tình cảm giữa hai miền Bắc - Nam nhất là đối với những thành phần tự tôn mặc cảm cố vọng về nhà Hậu Lê, không thật lòng chịu phục nhà Nguyễn. Thêm vào đó, nhà Nguyễn chú trọng khai phá, phát triển vùng đất Nam Kỳ khiến cho người dân Bắc Kỳ cảm thấy như mình bị triều đình lơ là bỏ rơi và như vậy có nghĩa là nhà Nguyễn không thể nào chiếm được lòng dân người miền Bắc trong việc phát triển xây dựng nước và giữ gìn lãnh thổ nhất là các vùng đất biên giới Việt Nam - Trung Quốc; ngay cả những người miền Bắc đã di cư vào sinh sống ở miền Nam qua nhiều đời cũng không trung thành với nhà Nguyễn. Rốt cuộc rồi, nhà Nguyễn chỉ còn có thể trông cậy vào sự chung thủy của người dân từ Thuận Hóa trở vào đến Quảng Nam, ngoài ra thì chung quanh toàn là những kẻ phục tùng bất đắc dĩ, là những "kẻ nội thù" chỉ chờ thời cơ để phản lại nhà Nguyễn. 

Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ thứ 19 không bị lâm vào tình cảnh khốn đốn so với các nước Á Châu khác nhưng lại có một ung nhọt bất trị là "mê ngủ", chỉ biết có Trung Quốc là mẫu mực: các kỹ thuật nông nghiệp, kỹ nghệ, y học, tất cả đều mục nát, thoái hóa vậy mà Việt Nam vẫn tiếp tục noi theo. Nền ngoại thương bắt đầu khởi sắc dưới triều đại Minh Mạng nhưng rồi lại thụt lùi vì chính sách bế quan, tỏa cảng của triều đại Thiệu Trị và Tự Đức. Các kỹ thuật tân tiến của Tây phương trước kia được Gia Long và Minh Mạng chú trọng áp dụng trong việc phát triển tiềm năng quân sự và kinh tế thì nay lại bị chìm trong quên lãng để quay về với mớ lý thuyết mơ hồ, vô dụng của nền Khổng học cũ rít đến mức độ Tự Đức phải lên tiếng thức tỉnh đoàn ngũ Nho thần lơ láo của mình. 

Nho giáo được nhà Nguyễn ưu đãi làm mất lòng Phật giáo. Chính sách bách hại những người theo đạo Gia tô dù rằng để ngăn ngừa người trong nhà nối giáo cho giặc ngoại xâm nhưng cũng là một cái cớ để kẻ ngoại quốc kiếm chuyện gây hấn. 

Có thể tóm tắt mà nói rằng, nước Đại Nam dưới triều đại Tự Đức đã bị bao vây tứ phía, từ bên trong ra tới bên ngoài. 
I/- PHAN THANH GIẢN 潘 清 簡(1796-1867)


Tự là Tĩnh Bá và Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, người xã Bảo Thạnh, Bảo An, trấn Vĩnh Thanh (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre trước năn 1975), đỗ tiến sĩ vào niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826), trải qua 3 đời hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, chức quan cao Hiệp Biện Đại Học Sĩ . Năm 1862 được cử làm trưởng đoàn thương thuyết và ký hoà ước Nhâm Tuất với đoàn quân xâm lược Pháp ở Sài Gòn. Năm 1863 được cử làm khâm mạng đại thần chánh sứ sang nước Pháp để điều đình hủy bỏ hòa ước Nhâm Tuất (1862) và chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ của nước Đại Nam đang bị mất vào tay đoàn quân xâm lược Pháp. 

Năm 1864 thương thuyết với đặc sứ Pháp Aubaret về việc hủy bỏ hòa ước Nhâm Tuất 1862 để ký kết một hoà ước mới (thường gọi là hòa ước Aubaret 1864) nhưng vì Tự Đức và triều đình Huế cứ tiếp tục chính sách trả giá kéo dài thời gian thương lượng để chờ thời cơ phản công đánh chiếm lại các tỉnh bằng võ lực. Cùng một lúc, dư luận Pháp, chính phủ Pháp đã đổi ý ngả theo chủ trương chiếm đất làm thuộc địa của nhóm chính quyền quân nhân của họ ở Sài Gòn cho nên họ đã yêu cầu Aubaret ngưng thương thuyết, tuyên bố không có hoà ước 1864, hoà ước Nhâm Tuất 1862 đã được hai nước phê chuẩn có hiệu lực chấp hành. 

Nhóm quân phiệt Pháp ở Sài Gòn chuẩn bị gây hấn. Phan Thanh Giản lại được giao trọng trách Kinh lược sứ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ để đối phó. Năm 1867, quân binh và tàu chiến của đoàn quân xâm lược Pháp kéo xuống miền Tây, bao vây tỉnh thành Vĩnh Long. Từ soái hạm l' Ondine, đề đốc La Grandière cử người đưa thư buộc nộp thành. Sau khi viết thư yêu cầu La Grandière ra lệnh cho đoàn quân xâm lược Pháp không được nhiễu hại dân chúng và sau khi để lại lời trối cho con cháu không được hợp tác với người Pháp, ông ra lệnh quan binh dưới quyền ngưng chống cự, rồi nhịn đói, uống độc dược tự xử. 

*Năm 1856 Ông được cử nhận lãnh chức Tổng Tài để trông coi việc biên soạn bộ sử Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. 

*Ông là tác giả của tập Lương Khê Thi Văn Thảo 梁 溪 詩 文 艸

Đi sứ nước Pháp


Chín tầng lồng lộng giữa trời thinh,
Phụng chỉ ra đi buổi sứ trình.
Lo nỗi nước kia còn phiến biến,
Thương bề dân nọ cuộc giao chinh.
Nghìn trùng biển cả sang tây địa,
Muôn dặm đường xa thẳng đế kinh.
Mây nước sang qua cùng Pháp quốc,
Rước đưa mừng rỡ cuộc hòa minh
.


*


Tuyệt cốc (1)

Trời thời, đất lợi, lại người hòa,
Há để ngồi coi phải nói ra.
Lăm trả ơn vua, đền nợ nước,
Đành cam gánh nặng, ruổi đường xa.
Lên ghềnh xuống thác, thương con trẻ,
Vượt biển trèo non, cám phận già.
Cũng tưởng một lời an bốn cõi,
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba
(2)

(Dương Quảng Hàm, Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển,
Bộ Giáo Dục xuất bản, Sài Gòn 1968
)


____________________ 

(1) Tuyệt cốc: không ăn thóc, nhịn đói. 

(2) Ba tỉnh lại chầu ba: chầu có nghĩa là thêm vào. Có ý nói rằng quân xâm lược đã được 3 tỉnh miền Đông bây giờ lại đánh chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây. 
II/
CUỘC ĐỜI NGOẠI GIAO CỦA
ÔNG PHAN THANH GIẢN

Cuộc đời ngoại giao của ông Phan Thanh Giản khởi đầu kể từ khi đoàn quân viễn chinh Pháp-Tây Ban Nha đánh bại tướng tài ba của nước Đại Nam Nguyễn Tri Phương nơi chiến lũy Kỳ Hoà và sau khi viên khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi được triều đình Tự Đức ở Huế trao cho toàn quyền đối phó với người Pháp. 

Thay vì tiếp tục dùng giải pháp quân sự để kháng cự thì Nguyễn Bá Nghi lại áp dụng kế hoãn binh (ĐTLCB, đệ tứ kỷ III, quyển XXIV, trang 208, bản dịch, Hà Nội) sai người đi cầu hòa thương luợng với Charner trên chiến hạm Primaugel đậu trên sông Sài Gòn. Từ lúc bắt đầu thương thảo về những điều kiện do kẻ địch đưa ra để ngưng chiến và tái lập hòa bình, Nguyễn Bá Nghi không những không chấp nhận những điều kiện đó mà còn trao thơ trách cứ cho rằng những đòi hỏi của người Pháp chỉ có lợi cho nước Pháp và có hại cho nước Đại Nam mà thôi và người Pháp A. Schreiner đã đưa ra một sự phê phán rằng: "Những người An Nam đi thương thuyết họ đã quên một hệ quả cốt yếu của chiến tranh là kẻ chiến bại không được phép đòi hỏi lợi lộc." (Le négociateur annamite feignait ignorer une conséquence essentielle de la guerre, que le vaincu ne saurait reclaimer des avantages) (A.Schreiner, Abrégé de l' Histoire d' Annam, trang, 207, 208, nhà xuất bản Chez l'Auteur, Sài Gòn, 1906). 

Ngày 26 tháng 4 dl năm 1861 Charner thư hồi đáp cho Nguyễn Bá Nghi như sau: 

"rằng, nếu hoà ước được ký kết, nền ngoại thương của người An Nam, vốn đã bị tiêu hại vì sự phong tỏa của những tàu tuần tra thì nay đã lấy lại được sự giao lưu một cách tự do, rằng với sự thực hiện cơ sở của người Pháp ở Sài Gòn và Mỹ Tho thì sự thịnh vượng của miền Nam Kỳ hạ sẽ được phát triễn cao hơn là trước khi có chiến tranh xảy ra, rằng, thay vì gây khốn khó thì trong nhiều tình huống, nước Pháp có thể yểm trợ hậu thuẫn cho triều đình Huế. Khi chuyển đến quan ngài phòng biên quân thứ những nhận định nầy, bản chức mong rằng sẽ hân hạnh nhận được một sự hồi đáp khả dĩ có thể dự đoán được một vài cơ may hoà giải ." ( Le vice-amiral répondit le 26 avril "que, si la paix était signée, le commerce extérieur dea Annamites, alors détruit par les croiseurs, reprendrait librement son cours; que par le fait de l' établissement des Français à Saigon et à Mỷ Tho, la prospérité de la Bassse-Cochinchine se développerait même au delà de ce qu' ell était avant la guerre, qu'enfin, la France, au lieu de créer des difficultés au gouvernement de Huế, pourrait, dans bien des circonstance, lui prêter son appui.En transmettant ces réflexions au phòng biên quân thứ, il dit qu ' il serait heureux de recevoir une réponse qu ' il fit entrevoir quelque possibilité de conciliation." (A. Schreiner, sách đã dẫn, trang 208). 

Trước đó 3 ngày (23 tháng 4 dl 1861), Charner đã ra lệnh phong tỏa và cấm vận trên dòng sông Mê-Kong, trên các sông lạch vùng đồng bằng của con sông nầy ngoại trừ sông Sài Gòn và cấm mọi chuyên chở lúa gạo trên vùng biển của đế quốc An Nam. Ngày 19 tháng 4 dl năm 1861 ra lệnh giới nghiêm trên toàn thể các vùng lãnh thổ chiếm đóng. toàn bản văn lệnh cấm vận và lệnh giới nghiêm của Charner được A. Schreiner ghi lại như sau: 

"Le vice-amiral commandant en chef les forces navales françaises dans les mers de Chine, et les forces de terre et de mer en Cochinchine;
Considérant qu' en attendant l' institution de tribunaux compétents pour juger les crimes et d' élits, il est urgent de pourvoir à leur répression;
Considérant, en outre, que la guerre cotinue d' exister entre le gouvernement de l' Empereur et le gouvernement de Huế


Déclare:

Coformément à la loi du 9 au 11 août 1849, article 5, chapitre II, les provinces de Saigon, de Mỷ Tho et tous les territoires occupés par nos troupes son en état de siège.

Néanmoins, conformément à l' article 7, chapitre III de la loi précitée, l' autorité civile continue, comme par le passé, d' exercer le pouvoir dont ell est révêtue, et ce n' est que du moment où cette autorité devient insuffisante que, sur un ordre d' inforner du commandant en chef, l' action de l' autorité militaire commence.

Le général commandant les troupes du corps expéditionnaire, les commandants particuliers de Saigon et de Mỷ Tho, sont chargés de donner toute la publicité possible à la présente déclaration 
" (A.Schreiner, đã dẫn; trang 205, 206). 

Tạm dịch

" Thủy sư phó đề đốc tư lệnh các lực lượng hải quân của nước Pháp ở hải phận Trung Hoa và các lực lượng bộ binh ở Nam Kỳ; 

Chiểu chi, trong khi chờ đợi các định chế tòa án có thẩm quyền xé xử các tội phạm hình sự và các trường hợp khinh tội, cần phải áp dụng phương cách khẩn cấp để chận đứng những tội phạm đó; 

Chiểu chi, ngoài ra, trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa chánh phủ của triều đình nước Pháp và chính phủ của triều đình Huế; 

Nay tuyên bố: 

Chiểu chi, theo luật (Pháp) ban hành ngày 9 và 11 tháng 8 d.l năm 1849, điều 5, chương II, nay đặt tình trạng phong tỏa tại các tỉnh Sài Gòn, Mỹ Tho và các vùng lãnh thổ do quân đội (Pháp) của chúng ta đang chiếm đóng. 
Tuy nhiên, chiếu theo điều 7, chương III của luật vừa kể trên, chính quyền dân sự vẫn tiếp tục, giống như trong quá khứ, hành xử các quyền hạn đã được trao cho đến khi nào chính quyền dân sự nầy không còn đủ năng lực thì lúc đó vị chỉ huy quân sự mới cho áp đặt chính quyền quân sự. 

Tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh, các tư lệnh đặc biệt trong các tỉnh Sài Gòn, Mỹ Tho chiếu nhiệm vụ phổ biến rộng rãi tuyên bố nầy." 

Khi gởi văn thư vừa kể trên, Charner đã đính kèm thêm bản sao lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm nầy khiến cho phía người An Nam phải rụng rời. Trong tác phẩm Histoire de l'Expédition de Cochinchine en 1861, của Léopold Pallu de la Barrière có ghi lại phản ứng của Nguyễn Bá Nghi khi phúc đáp cho Charner và được A. Schreiner trích dẫn như sau : 

Cette nouvelle, dit Pallu, consterna les Annamites. Même après la prise de Mỷ Tho, ils avaient continu d' espérer que les rigueurs de la guerre ne les atteindraient pas dans un approvisionnement qui, pour eux, est la première condition de la vie. Le Kinh lược se récria sur tant de dureté, sur les faits accomplis, sur l' inflexibilité des conditions qui lui étaient transmises, enfin sur cette nouvelle calamité (3 mai 1861). "Depuis trois ans que vous nous faites la guerre, rien dans ce malheureux empire n' a échappé aux coups que vous avez portés. Nos magasins ont été incendiés, nos forteresses prises et démantelées, nos bâtiments de guerre brûlés, notre commerce ruiné; nos jonques chargées d'étoffes précieuses ont été coulées, nos soldats tués, nos maisons détruites. Vous nous demandez de l' argent; nous sommes devenus pauvres. Est-ce donc un spectacle agréable au Maîttre du ciel que celui de tant de calamités donc vous êtes cause? Maintenant vous arrêtez les riz; nos peuples mourront donc de faim." Et à la fin, non sans fierté: "Puisque c' est la dernière ressource que votre Excellence nous laisse, eh bien! nous trouverons encore des armes et nous vous combattrons." 
Le vice-amiral répondit (7 mai 1861) "qu' il ferait ses efforts pour repousser les armes par les armes. 

Tạm dịch: Tác giả Pallu nói rằng sự kiện mới mẻ nầy khiến cho người An Nam bị sửng sốt. Ngay cả vào lúc tỉnh Mỹ Tho đã bị chiếm cứ, họ vẫn còn tiếp tục hy vọng rằng chiến tranh khắc nghiệt sẽ không đụng tới nguồn thực phẩm mà đối với họ là điều thiết yếu số một cho cuộc sống. Viên quan kinh lược cực lực phản đối về những chuyện đã rồi, về tính cách không co dãn của những điều kiện gởi tới cho ông và nhất là tai họa mới nhận được (3 tháng 5 dl năm 1861). "Kể từ sau 3 năm các ông gây chiến với chúng tôi, không có một cái gì trong đất nước bất hạnh nầy thoát khỏi được những trận đánh đấm của các ông mang tới cho chúng tôị kho lẫm của chúng tôi bị thiêu rụi, thành quách bị đánh chiếm và giựt sập, tàu chiến bị đốt cháy, việc buôn bán của chúng tôi bị sụp đổ, ghe thuyền chở hàng tơ lụa quý hiếm của chúng tôi bị đánh chìm, quân binh của chúng tôi bị giết hại, nhà cửa bị thiêu đốt. Các ông đòi tiền; chúng tôi trở thành bần cùng. Như thế phải chăng là một cảnh tượng thú vị dâng lên cho đấng tạo hóa với bao nhiêu tai họa do các ông gây ra? Nay các ông lại chận ngăn lúa gạo và người dân của chúng tôi sẽ bị chết đói." Và cuối thư, với lời lẽ không kém phần tự phụ: "Và bởi vì đó là nguồn mạch cuối cùng mà quan soái để lại cho chúng tôi, vậy thì chúng tôi còn có có súng đạn, chúng tôi sẽ chiến đấu." 
Viên Phó đề đốc viết thơ trả lời (ngày 7 tháng 5 dl năm 1861) rằng: " ông ta sẽ cố gắng đẩy lui súng đạn bằng súng đạn ". 

*


Tuy vậy, thơ hồi đáp của Charner cũng chưa làm đổ vở cuộc thương thảo giữa đôi bên và vào ngày 7 tháng 6 dl năm 1861, Charner lại chuyển đến quân thứ Biên Hoà một văn thư nhắc lại những điều kiện đòi hỏi để việc tái lập hòa bình có thể thực hiện. Văn thư đó như sau: 

"J' aurais répondu moins tardivement à la terre que Votre Excellence m' a fait l' honneur de m' adresser, si je n' avais été persuadé que, dans ma précédente correspondance, j'ai fait connaitre, d'une manière détaillée, les bases d' après lesquelles nous pourrions conclure une paix durable.

Toutefois, dans la crainte d' avoir commis quelque oubli, je vais récapituler les conditions d' après lesquelles je dois traiter:

1) Libre exercice du culte chrétien.
2) Cession de Saigon et de sa province.
3) Cession de Mỷ Tho et du terrain qui l' entoure.
4) Cession de Thủ Dầu Một, dans la province de Biên Hòa.
5) Libre navigation des cours d' eau de l' Ouest.
6) Libre circulation des Européens dans l' intérieur de l'empire, à la condition pour eux de se soumettre aux lois du pays.
7) Remise entre les mains du consul du port le plus voisin, de Européens prévenus d'infraction aux lois.
8) Droit de représentation réciproque des deux souverains de France et de Cochinchine à la cour l' un de l'autre.
9) Établissement de consulats et liberté donnée au commerce européen dans les ports principaux.
10) Amnestie pour tous les faits relatifs à la guerre.
11) Indemnité de quatre millions de piastres.
12) Admission de l'ambassadeur espgnol à prendre part au traité à intervenir.

Jusqu' à présent, Votre Excellence, ne tenant aucun compte des faits accomplis, n'a approuvé que deux clauses, le libre exercice du culte chrétien et l'admission de l'ambassadeur espagnol à prendre part au traité.

Votre Excellence s'est plainte constamment de l'exagération de mes demandes, mais tout en m'assurant de son vif désir de la paix, elle a jusqu'à présent évité de formuler d' une manière précise les concessions qu' elle consentirait à nous faire.

Votre Excellence a plusieurs fois fait remarquer qu'en retour des avantages que nous réclamions, nous n'avions aucune compensation à lui présenter, et que la cession de la province de Saigon équivalait à celle de toutes les provinces de l' Ouest de la Basse-Cochinchine.

J'aurai l'honneur de répondre encore que la paix permettra à l'empire d' Annam de faire sûrement et avantageusement le commerce; de cesser d'être sous le coup de nouvelles attaques de notre part; de pouvoir communiquer avec les provinces de l' Ouest, qui sont exposées dans ce moment à échapper à sa domination.

Si la guerre, au contraire, se prolonge, la situation de l' empire ne peut manquer de s'aggraver. Votre Excellence, sans nul doute, a dû déjà remarquer cette tendance
." (A.Schreiner; sách đã dẫn ; trang 208, 209). 

Tạm dịch

"Sở dĩ bản chức chưa hồi đáp ngay lá thư của ngài là vì bản chức đinh ninh rằng trong văn thư trước đây bản chức đã thông báo đầy đủ chi tiết các cơ sở mà theo đó đôi bên chúng ta có thể dựa vào để đi tới một kếc cuộc hòa bình lâu bền. 

Tuy nhiên, vì sợ rằng có điều thất thố, bản chức sẽ tổng hợp lại các điều kiện mà bản chức cần bàn định: 

1 Tự do theo đạo Gia tô. 
2) Trao nhượng thành phố Sài Gòn và tỉnh thành Gia Định. 
3) Trao nhượng tỉnh Mỹ Tho và cá vùng đất phụ cận của tỉnh nầy. 
4) Trao nhượng Thủ Dầu Một nằm trong tỉnh Biên Hòa. 
5) Tự do lưu thông trên sông rạch miền Tây. 
6) Người Âu Châu tự do đi lại trong nội địa nước Đại Nam, tuân thủ luật lệ của nước nầy 
7) Giao nạp cho trú sử tại một cảng gần nhứt những người Âu châu vi phạm luật pháp. 
8) Quyền đại diện hổ tương giữa 2 vương quốc Pháp và Nam Kỳ trước tòa án của mỗi nước. 
9) Thiết đặt các trú sứ và quyền tự do thương mại cho người Âu châu tại các thương cảng chính yếu. 
10) Ân xá cho tất cả những hành vi đã qua có liên hệ với chiến tranh. 
11) Bồi thường chiến phí bốn triệu đồng. 
12) Thừa nhận cho đại sứ nước Tây Ban Nha được dự phần vào việc ký kết hiệp ước. 

Cho đến nay, thượng quan vẫn không đếm xỉa gì tới thực tế đã xảy ra mà chỉ chịu chấp nhận có 2 điều khoản là tự do truyền bá đạo gia tô và thừa nhận cho dại sứ Tây Ban Nha đực tham dự vào việc đinh ước. 

Thượng quan cứ lập đi lập lạisự oán trách về những đòi hỏi mà thượng quan cho là quá lố của bản chức, và một mực chứng tỏ ước vọng hòa bình của thượng quan nhưng cho đến lúc nầy thượng quan vẫn tránh né đưa ra một phương thức chính xác về những nhân nhượng mà thượng quan đồng ý trao cho chúng tôi. 

Thượng quan đã nhiều lần lưu ý rằng những lợi lộc mà chúng tôi đòi hỏi thì lại không có một khoản đền bù ngược lại từ phía chúng tôi đề nghị với thượng quan, và thượng quan cho rằng trao nhượng một tỉnh Sài Gòn không thôi thì cũng đủ ngang bằng với các tỉnh miền Tây của Nam Kỳ. 

Bản chức lại hân hạnh phúc đáp rằng hoà bình sẽ khiến cho nước An Nam có được một nền thương mại vững mạnh, sẽ tránh cho quý quốc không còn phải chịu những sự tấn công mới của chúng tôi, sẽ khiến cho quý quốc có thể giao lưu với các tỉnh miền Tây mà hiện nay được thoát khỏi sự thống trị của chúng tôi. 

Ngược lại, ví bằng chiến tranh cứ kéo dài thì tình cảnh kốn đốn của quý quốc càng trầm trọng thêm. Ngài thượng quan chắc hẵn là đã phải nhận định tình thế theo chiều hướng đó." 

*


Lời lẽ cuối thơ phúc đáp của Charner vừa dẫn ra ở trên đầy giọng hăm dọa chẳng hạn như "tránh được những sự tấn công mới của chúng tôi" , "Khiến cho quý quốc có thể giao lưu với các tỉnh miền Tây hiện nay được thoát khỏi sự thống trị của chúng tôi", " . . .chiến tranh kéo dài thì tình trạng khốn đốn của quý quốc càng trầm trọng thêm." 

Không những hăm dọa mà còn cho thấy được ý đồ tham vọng xâm chiếm bành trướng lãnh thổ của đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp-Tây Ban Nha ngay từ giai đoạn nầy. 

Trong văn thơ hồi đáp, Charner có tham chiếu văn thư của Nguyễn Bá Nghi trước đó gởi cho ông ta. Vậy Nguyễn Bá Nghi đã viết gì trong văn thư đó? Không có thư tịch hoặc sách vỡ nào chép lại các văn thư giao dịch của Nguyễn Bá Nghi trong khi thương lượng với Charner. Tuy nhiên, sách ĐTLCB của sử quán triều Nguyễn có ghi lại những lời cố vấn của Trương Đăng Quế về việc Nguyễn Bá Nghi giảng hòa làm kế hoãn binh như sau: 
"Trương Đăng Quế dâng sớ nói: Người Tây Dương ý muốn chiếm đóng Gia Định, lại muốn cắt lấy tỉnh Tường tỉnh Biên, yêu cầu như thế, sợ hòa cuộc không thành. Trừ ra việc chiến việc thủ, không có kế gì khác. Nhưng các quan ở quân thứ, xét kỹ thực tình, nhiều người kém khí hăng hái, nên cho Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp trích lấy vài vệ biền binh trước phái đi hiện còn ở Thuận-Khánh để nhờ sức mới, chia nhau phòng bị cố giữ. Đỗ Thúc Tỉnh, Nguyễn Túc Trưng cũng giục đến ngay để làm công việc của các viên ấy, khiến cho An, Hà, Vĩnh Long có chỗ nương tựa. Đấy là việc cần cấp lúc bấy giờ. Sức cho Nguyễn Bá Nghi lại viết thư cho Tây dương. (Thư nói: nước Tây dương đến đây, chỉ vì thông thương, lập phố, Giảng đạo mà thôi. Không phải là tham đất đai của ta, nay đã được như nguyện, lại muốn cắt lấy Gia Định, là cớ làm sao? Nếu bảo là cứ lấy sức khỏe đánh mà lấy, thì cứ chiếm cứ không trả lại, còn cần phải đợi nước ta cắt mà giao cho làm gì? Hay là theo như việc cũ ở Quảng Đông (Trung Quốc) người Hán người Tây dương chia nhau mà cai trị. Về thuế khóa, trừ thuế dinh điền ra không kể, phàm thuế lệ thuyền buôn, đều chia đôi. Tính từng năm thu lấy để đền vào phí tổn. Định Tường, Biên Hòa mỗi tỉnh cho lập một phố để buôn bán. Như thế mới có thể giảng hòa được. Nếu lấy sức mạnh mà chiếm cứ, sợ dân không theo, ngày nay lấy thế tự lực mà bắt hiếp dân, ngày sau chẳng khỏi lại sinh ra mối hiềm khích, tai họa binh đao không bao giờ thôi. Thực không phải là phúc tốt của binh dân 2 nước. Đại Ý như thế). Xem Tây dương trả lời thế nào, sẽ tùy nghi xử trí. Vả lại, để đợi Quang Tiến, Thúc Tỉnh đến, tìm nhiều cách chiêu tập dân binh, rồi tính cách khôi phục, đấy là cách thứ 2." (ĐNTLCB; đệ tứ kỷ III; quyển XXIV, trang 208, 209, bản dịch, Hà Nội 1974). 

Rất có thể văn thư của Nguyễn Bá Nghi gởi cho Charner đã dựa vào những chỉ thị và cố vấn của Trương Đăng Quế và sau đó Charner mới phúc đáp với những lời lẽ hăm dọa như đã dẫn chiếu ở phần trên. Từ những lời cố vấn nầy của Trương Đăng Quế người ta có thể thấy được rằng triều đình Huế đã có khuynh hướng chủ hòa thương luợng nhưng vẫn tiếp tục chuẩn bị quân sự để chiến đấu và cho rằng những thất bại về mặt quân sự là do các tướng triều đình cầm quân yếu kém. 

Trương Đăng Quế u mê về sức mạnh của quân đội xâm lược Pháp cho nên mới đánh giá các tướng lãnh của triều đình như thế: Nguyễn Tri Phương phải bỏ đồn Kỳ Hòa để rút chạy về Biên Hoà nhưng không ai có thể phủ nhận Nguyễn Tri Phương là một tướng lãnh tài ba đứng nhứt triều đình vào lúc đó. Các tướng lãnh sau Nguyễn Tri Phương nơi quân thứ Biên Hòa chưa được dịp đọ sức với quân Pháp nhưng dấu vết run sợ đã thấy phản phất, điển hình qua quan khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi qua lời trình tấu sau đây: 

<<Thần vẫn nghe quan binh nói: người Tây dương tàu thì chở đi như bay, súng thì bắn suốt được thành đá vài nhận (1 nhận = 8 thước mộc; 1 thước mộc = khoảng 40cm), bắn xa hơn 10 dặm. Có được vài thứ binh khí ấy, muốn đánh thì khó lòng đánh được họ mà muốn giữ cũng khó lòng giữ được họ. Nhưng lòng thần vẫn chưa tin. Mùa Xuân niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847) thuyền Tây dương đến Đà Nẵng bắn phá 5 chiếc thuyền bọc đồng lớn của ta mà không đầy vài khắc. Lúc ấy thần giữ chức quyền bố chánh Quảng Nam chính mắt đã trông thấy mới tin là thật. Từ 3, 4 năm nay, lính ta không phải là không dũng cảm, súng ta không phải là không mạnh, thành lũy của ta không phải là không bền thế mà không đánh được Tây dương là vì thuyền súng của họ rất tốt, đạn súng bắn đi xa mà mạnh đấy thôi. Nhưng các quan ở quân thứ, không biết liệu sức mình sức giặc mà cứ miễn cưỡng đánh mãi, đến nỗi nay có việc thất bại ấy. Thần đến Biên Hòa xét thấy tình thế nơi nơi đều nguy kịch. Không còn cách nào khác đành đành phái người đến trách hỏi viên nguyên soái của Tây dương dù rằng tạm làm kế hoãn binh, nhưng sự thật thì thần thấy sự thể, đánh hay giữ đều không làm được. Nếu không chịu hòa thì cục diện sẽ không yên. Trong tờ tấu trình trước, thần đã trình bày rằng trừ một cách giảng hòa như thế, thần đành chịu tôi mà thôi. Thần cũng đã tâu rằng hòa thì dù có thua thiệt nhưng sự thể ở Nam Kỳ còn có thể làm được và trong tình hình như thế, dù có nhiều lính cũng chưa dùng được. Là vì người Tây dương cho là bấy lâu ta đối đãi với họ lạnh nhạt, họ bị các nước láng giềng khinh bỉ. Cho nên họ đem quân đến đánh, bắt ta phải hòa. Hãy xem như họ thường sai người đến nói trước, thì có thể biết là họ định hòa. Vả lại bờ biển của nước ta dài suốt, mà từ lúc đánh nhau với họ đến nay, những lính thủy thuyền quân, vì tránh cái nghề sở trường của họ đã bỏ đấy không dùng, thế là binh lực của ta đã giảm đi một nửa, chỉ cậy có súng lớn và thành lũy làm kế đánh giữ, mà việc đánh giữ lại khó làm lắm. Nay nếu không hòa, họ tất nhiên không lui, chiến tranh tai hoạ liên miên, thần rất lấy làm sợ ngại. Cho nên thần nói rằng trừ việc hòa ra, thần đành chịu tội, là thế đó.

Lại xem trong khoảng niên hiệu Minh Mạng-Thiệu Trị tiết thứ đánh giặc Khôi, đánh Xiêm La, Cao Man. Vì đất Nam Kỳ nhiều sông ngòi, thủy binh cùng bộ binh tiếp ứng lẫn nhau. Các hạng thuyền hải đạo, thuyền ô, thuyền lê, nhẹ nhàng nhanh chóng dùng rất tốt. Những hạng súng lớn đạn nặng đều dùng thuyền lớn chở từ kinh đô đi đường biển chở đến. Còn hết thảy tiền, gạo, khí giới và thuyền, các hạng đều do 6 tỉnh cung ứng, lấy vào đâu cũng thừa thãi. Thế mà lấy toàn lực như vậy, đánh một giặc Khôi phải 3 năm mới xong việc, dẹp một nước Cao Man cũng 2 năm mới giảng giải xong.

Nay 2 tỉnh Gia Định, Định Tường là nơi quãng giữa trong 6 tỉnh, trên từ bọn sơn man, dưới đến cửa biển, người Tây dương đã chiếm giữ được cả; còn 3 tỉnh Vĩnh Long, An, Hà thì cách trở không thông, Biên Hòa đã liền sáp với bọn ho. Rừng lớn đằng sau, nối đến đất man, rất là chỗ đứt ngang. Tuy 4 tỉnh ấy đều có thuyền, nhưng khó đối địch với tàu của Tây dương được. Cho nên thần nói rằng dù cho có nhiều thuyền quân cũng chưa dùng được là thế đó. Hiện nay Tây dương đã chiếm cứ Gia Định, Định Tường, hòa hay không hòa, chỉ một việc ấy ta đã thua thiệt rồi. Nếu hòa mà họ không trả lại 2 tỉnh ấy thì ta chỉ có thua thiệt có bấy nhiêu thôi, mà Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên còn là của ta, đường bộ đường biển có thể giao thông được, để cứu cấp trước mắt, mà tính cách về sau. Nếu ta cho thế mà thua thiệt mà không hòa thì họ có chịu ngồi yên đâu, cả 6 tỉnh Nam Kỳ rồi cũng mất cả. Việc buôn bán trên sông, và việc vận tả đường biển đều đứt mất cả. Chỗ đáng lo ngại khó nói ra được. Thần không dám nói điều quá đáng. Cho nên thần nói rằng: hòa thì dẫu thua thiệt mà sự thế Nam Kỳ còn làm được, nếu không thì thần không biết chịu tội vào chỗ nào, là thế đó. Ngày nay thế giặc như thế, hiện tình 6 tỉnh như thế, việc đánh hay giữ không thể thi thố được. Không có sự thực đánh giữ, chỉ phô trương hình thức, chỉ cho giặc chóng sinh lòng mà thêm tổn hại thôi. Cho nên tôi gần đây không đắp đồn lũy, bớt việc trưng lương gọi lính, là vì cớ đó. Đấy là chủ ý của tôi. Duy quân Tây dương yêu cầu quá đáng, tôi cố sức biện bạch, đã đến 4 lần, mà khí thế của họ rất găng, giỡ giọng dã man. Thần đã lại nói như trước, thực là có chỗ không tiện, không chịu nổi, cho nên chưa dám y theo. Đã phái người đưa thư. Viên quan Tây dương ấy nói rằng: việc ấy khó giải quyết, đợi 10 ngày nữa sẽ bàn lại. Vả lại, cứ như phái nhân trở về nói lại thì xem giọng nói, cách khoản tiếp của họ, cũng như mấy lần trước, không có tình ý gì khác. Xem thế thì đủ biết ta không sinh sự với họ thì họ cũng chưa vội lấn áp ta. Hãy đợi cho họ trả lời thế nào, sẽ tùy cơ mà làm. Hiên nay sự thế 6 tỉnh Nam Kỳ như thế, chỉ có một chữ hòa, còn có thể làm được. Nhưng nay hòa thì một khoản mất đất, ta đã thua thiệt. Bởi họ cho là của họ đã lấy được rồi, họ nhất vị cố giữ, ta kiếm lời biện bạch cũng khó. Còn các khoản khác ta lấy lời lẽ biện bác, hoặc có thể bớt đi được. Cuối mong hoàng thượng quyết đoán mà làm, để cứu đỡ nỗi khổ cho dân binh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào Nam. Nếu hoàng thượng không quyết đoán mà làm hai mặt kia còn về phần hạ thần thì làm thư từ đi lại giảng thuyết; còn về phần quân thứ và các tỉnh thì không dám trái lời của bộ, hoặc phái người đi chiêu dụ binh dân, hoặc sửa đắp đồn lũy làm ra dáng đánh giữ. Bên giặc dòm thấy ý ta không thực, lại cố ý đánh hiếp ta. Thế thì đánh không được, giữ không được, hòa cũng không được, thần không biết xử trí làm sao cả".

Vua nói rằng: "Sự thế khó làm, trẫm đã biết hết rồi. Ngươi có lòng chịu trách nhiệm, nên hết sức mà làm, để tỏ khí tiết như cây khỏe gặp cơn bảo táp, là được.
 >> (ĐNTLCB đã dẫn; bản dịch; quyển XXIV; trang 210, 211, 212, 213). 


Tháng 6 âl năm Tân Dậu (niên hiệu Tự Đức thứ 14) (1861), ĐNTL ghi chép một đoạn văn rất là mờ ám như sau: 

"Quan quân thứ Biên Hòa là bọn Nguyễn Bá Nghi cùng với viên soái của Tây dương bàn, mật đem việc Tây dương yêu cầu giảng hòa tâu lên. (Có 14 khoản chép ở tháng 4 năm Tự Đức thứ 15 sau đây)." (ĐNTLCB; sách đã dẫn; trang 226). 

Nghi vấn đặt ra là tại sao sử quán nhà Nguyễn không liệt kê ra ngay 14 khoản đòi hỏi của quân xâm lược Pháp gởi cho Nguyễn Bá Nghi vào lúc đó mà lại đợi đến gần một năm sau (tháng 4 â.l, năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 15/1862) mới chịu khai ra? Trong khoảng thời gian gần 1 năm đó việc gì đã xảy ra14 khoản đòi hỏi của người Pháp gồm có những gì? 
Trước hết cần lưu ý: văn thư phúc đáp của Charner chỉ nêu ra có 12 khoản và ĐNTL kê khai là 14 khoản. Như vậy có thể suy định rằng kể từ sau văn thư phúc đáp của Charner, hai bên vẫn còn tiếp tục bàn bạc thương thảo và phía người Pháp lại gởi một văn thư tiếp theo (có thể là trong vòng tháng 6 â.l năm Tân Dậu /1861) trong đó ghi 14 khoản, tức là đòi hỏi thêm 2 khoản so với 12 khoản đòi hỏi trong văn thư của Charner trước đó. Như vậy, người ta thấy rằng càng kéo dài việc thương lượng thì quân xâm lược càng đòi hỏi thêm và chính sự lấn lướt nầy của người Pháp đã khiến cho Tự Đức nổi nóng quở trách Nguyễn Bá Nghi và nhóm quân thứ ở Biên Hòa là nhút nhát chỉ thấy chủ ý giảng hòa và lại cho rằng những người theo đạo gia tô tiếp tay cho giặc ngoại bang: 

Vua dụ rằng: "Nguyễn Bá Nghi tự khi sai đi đến nay chỉ thấy chủ ý giảng hòa, bởi vì không biết rằng muốn cẩn thận về sau phải suy nghĩ tự trước, dễ dàng nhận lời, để đến nỗi càng thêm khó làm mà thôị Nay nếu không thi thố được việc gì, thì ra Tôn Thất Cáp đã lỡ việc từ trước, Nguyễn Tri Phương lại làm hỏng việc ở khoảng giữa, người lại không nên công trạng gì ở sau cùng. Còn có thể gọi là chân tay tai mắt của vua vui buồn cùng liên quan với nhau được ư ? Kể ra cái nghĩa vua tôi ở khoảng trời đất, không sao trốn được. Ta trông cậy về các ngươi là ở lúc nầy, mà các ngươi báo ơn nước cũng ở lúc nầy. Cần phải cùng nhau báo ơn nước, làm giấy tờ đi lại, biện bác, vặn bẻ, lấy lòng thành mà cảm hóa, lấy lẽ phải ma bẻ bác đi, cốt cho điều gì họ cũng nghe theo. Lại chọn chỗ núi rừng hiểm xa, đặt đồn để giữ cho vững, chiêu tập các nghĩa sĩ, để mọi người vui làm việc với ta, chỗ nào cũng đều là lính, là lương.Nếu có sa sẩy cũng không đến nỗi thua to như trước. Đấy cũng là cách làm thần diệu cho chóng thành hòa nghị đó. Nếu lại bỏ việc đánh, việc giữ, thì có kế gì tốt hơn để chế ngự họ.

Vả lại, Nguyễn Bá Nghi hiểu việc nhanh giỏi, Tôn Thất Đính, Lê Quang Tiến dũng cảm hăng hái, Thân Văn Nhiếp siêng thẳng khảng khái, Trần Đình Túc tài biện khả quan, Trẫm đã chọ ra để dùng, mong mỏi rất nhiềụ Các ngươi nên hết lòng báo ơn nhà nước cho chóng thành công, tất được thưởng rất hậụ Nếu không làm thế nào để che được cái lỗi các quan quân thứ lần trước, thì đều là một hạng vô dụng, không có mặt mũi nào trông thấy ta nữa ". . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Vua cho là Nguyễn Bá Nghi chỉ cứ nhất vị nhút nhát, không từng lập kế giữ gìn huấn sức các tướng sĩ bao giợ Nhân dụ quở rằng: "Về cách dụng binh, địa lợi nhân hòa, không thể thiếu một mặt nào. Nay toàn cõi Biên Hòa, há không có chỗ nào có thể đóng đồn giữ được, bao nhiêu binh dõng, há đều là vô dụng hay saọ Chỉ bởi tướng không tự cố gắng, thì quân không có chí chiến đấu. Nguyễn Bá Nghi làm việc đã rất sơ sài khinh suất, mà Tôn Thất Đính, Lê Quang Tiến, Thân Văn Nhiếp, Trần Đình Túc, Nguyễn Túc Trưng cũng không thi thố được mưu chước gì cả. Nếu quân bị tan rả thì trốn sao khỏi tội. Vậy bọ ngươi phải hết lòng trù tính mà làm, cốt giữ lấy Biên Hòa cùng Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên để giữ vững cõi ven của tạ Rồi sau hoặc đánh, hoặc hòa sẽ dần dần lấy lại 2 tỉnh Gia Định, Định tường. Trẫm đã ủy cho bọn ngươi được chuyên việc đánh dẹp, cho được bày mưu kế ra mà làm, chớ có quên lãng.
" (ĐTLCB, sách đã dẫn, trang 226,227,228) 

Cùng một lúc đó, Tự Đức đã sức nhắc lại các địa phương phải nghiêm ngặt chia ghép dân theo đạo Gia tô, bắt phủ huyện thích chữ vào mặt họ, ghép họ đến ở vào các xã thôn không có đạo và phải quản thúc họ thật nghiêm. Những chức sắc đạo gia tô vẫn tiếp tục bị giam cầm thật chặt chẽ. Nếu quân Pháp đến nơi nào thì đem dân theo đạo gia tô ở nơi đó mà giết cho hết. Phủ huyện nào chứa chấp bao che cho dân theo đạo gia tô thì chiếu theo quân luật mà trị tội. (ĐNTLCB đã dẫn; trang 227). Dân đạo ở Biên Hòa là Phạm Văn Đệ bị ghép tội làm tay sai gián điệp cho Pháp, Nguyễn Thị Tòng, Nguyễn Văn Bối bị khép tội tiếp tế giao thông với giặc xâm lược. Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan dâng sớ xin đem 3 người ấy chém ngay. Tự Đức y cho thi hành tức thì. (ĐTLCB đã dẫn; trang 229). 

*


Như trên đã đề cặp, sách thực lục của nhà Nguyễn vào tháng 6 â.l năm Tự Đức thứ 14 (Tân Dậu/1861) có nói tới việc người Pháp đưa ra 14 khoản đòi hỏi nhưng lại thêm rằng (14 khoản nầy chép ở tháng 4 â.l năm Tự Đức thứ 15 sau đây), tức là gần 10 tháng sau sách thực lục mới chịu viết ra nội dung của 14 khoản đòi hỏi nầy. 

Có 3 điểm cần truy cứu: 

1/- Nội dung của 14 khoản đòi hỏi của người Pháp? 
2/- Trong vòng 10 tháng đó có những biến động gì đã xảy ra? 
3/- Nội dung của 12 điều khoản trong định ước Nhâm Tuất (1862) 

*


A/- Nội dung của 14 khoản đòi hỏi của quân xâm lược Pháp do sách thực lục ghi lại:


1 - Cho tàu Tây dương tự do thông hành ở trên các mặt sông thuộc về phía tây phía nam thành Gia Định. 
2 - Tha cả cho các người tù thuộc về trong thời đánh nhau. 
3 - Ở mặt sông Biên Hòa, Sài-gòn không đắp đồn lũy đặt quân phòng bị. 
4 - Cho được truyền giáo giảng đạo công hành. Vì 2 chữ công hành đó, cốt là: họ người nào theo đạo, được tùy tiện giảng tập, người nào muốn tiến theo học đạo cho giỏi, thì mặc sự thích muốn của họ không nên đặt phép ngăn trở. 
5 - Người Tây dương phạm luật, giao cho quan Tây dương xét xử. 
6 - Người Tây dương công nhiên đi khắp nơi trong nước ta, nhưng phải tuân theo đúng điều luật. 
7 - Tàu Tây dương buôn bán ở cửa biển nào thuận lợi, và quan Tây dương đóng ở nơi nào. 
8 - Phải bồi thường tiền đền mạng cho thân nhân 2, 3 người Tây dương đã bị giết chết. 
9 - Nước Cao Man, từ sau không được bắt họ cống hiến nữa. 
10 - Giao hết cả tỉnh thành và đất phụ thuộc của Gia Định, Định Tường. 
11 - Đóng quân ở Thủ dầu một tỉnh Biên Hòa. 
12 - Kinh sư của 2 nước đều có quan đại thần đóng ở. 
13 - Số bạc bồi thường trước đòi 400 vạn đồng. 
14 - Cùng là nước Y Pha Nho xin ở một khu Đồ Sơn tỉnh Hải Dương, cửa huyện Nghiêu Phong lập sở tuần lấy thuế 10 năm, sau sẽ trả lại nước ta. 

*


So sánh với 12 khoản đòi hỏi trong văn thư đề ngày 7 tháng 6 d.l năm 1861 của Charner gởi cho Nguyễn Bá Nghi (xin xem lại văn thư 12 khoản nầy ở phần trên nơ trang 23 và 24) thì thấy có sự thay đổi nhưng số khoản đòi hỏi lần nầy tăng lên 2 khoản và đáng chú ý là các khoản 8, 9 và 14. 

-Về khoản thứ 8, bồi thường tiền đền mạng cho thân nhân 2, 3 người Tây dương đã bị giết chết: thực lực không ghi rõ 2, 3 người Tây dương là ai nhưng vào tháng 6 â.l năm Tân Dậu (1861)có ghi chép vụ 3 người theo đạo gia tô bị xử chém: Dân đạo ở Biên Hòa là Phạm Văn Đệ bị ghép tội làm tay sai gián điệp cho Pháp, Nguyễn Thị Tòng, Nguyễn Văn Bối bị khép tội tiếp tế giao thông với giặc xâm lược. Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan dâng sớ xin đem 3 người ấy chém ngay. Tự Đức y cho thi hành tức thì. (ĐTLCB đã dẫn; trang 229). 

Thánh 8 â.l, Tân Dậu (1861), Thanh Hóa lùng bắt được 2 giáo sĩ ngoại quốc tên là Xay Da-tô Bô-ni-e và Ma Tô Bông, quan tỉnh và viên phủ đều được khen thưởng. (ĐNTL; sách đã dẫn, trang 237) . 

Tháng 10 â.l, Tân Dậu (1861), tỉnh Bình Định bắt được một giáo sĩ ngoại quốc tên là Y-ty-Anh. (ĐNTL, sách đã dẫn trang 245). Từ sự ghi chép nầy người ta có thể suy diễn rằng: 

* -2, 3 người Tây dương bị giết chết được đề cập nơi khoản 8 chính là 2 giáo sĩ bị bắt ở Thanh Hóa và 1 bị bắt ở Bình Định. 

* -Văn thư 14 khoản của Charner được gởi tới quân thứ Biên Hòa sau tháng 10 â.l năm Tân Dậu (khoảng tháng 10 hay tháng 11 dương lịch 1861 bởi vì sau đó Charner đã bàn giao chức vụ thống soái cho Bonard vào ngày 30 tháng 11 d.l năm 1861). 


-Về khoản thư 9: Nước Cao Man, từ sau không được bắt họ cống hiến nữa. Khoản đòi hỏi nầy nhứt định là phải xảy ra sau khi vua nước Cao Miên Norodom đã bắt đầu chịu khuất phục đoàn quân viễn chinh xâm lược Pháp ở Sài Gòn bởi vì ngày 21 tháng 3 d.l năm 1861 Charner phái phó thuyền trưởng Lespès mang một là thư sang Kampot để chiêu dụ vua Cao Miên Norodom và ngay sau đó vua Cao Miên đã cử một sứ đoàn 80 người mang lễ vật xuống Sài Gòn gặp Charner để xin chịu thần phục và nhờ người Pháp che chở hầu thoát khỏi ảnh hưởng của 2 nước Đại Việt và Xiêm La. (Cũng xem thêm: Nguyễn Công Tánh, Việt Sử Tân Khảo Chú Giải và Khảo Luận V, trang 1394 và trang 1404 phần chú thích số 14.) Nội dung lá thư của Charner gởi cho vua Cao Miên như sau: 

"Les derniers événements de la Cochinchine sont parvenus à la connaissance de Votre Majesté. Elle sait que les troupes franco-espagnoles ont chassé les Annamites des lignes de Chí Hòa, que Saigon est dégagé et que l' armée ennemie vaincue s' est dispersée dans toutes les directions. Les populations des environs, à de grandes distances sont venues faire leur soumission et accepter la protection qui leur était offerte. 

L' intention de la France est de conserver sa conquête, de fonder dans la Basse-Cochinchine une colonie et d' y apporter tous les bienfaits de la civilisation européenne. 

Le Cambodge a toujours eu avec la France des relations d' amitiéẹ J' espère que nos rapports, en devenant plus fréquents, deviendront aussi plus intimes. 
Comme commandant des forces de terre et de mer en Cochinchine, et comme représentant de la France, je viens assurer Votre Majesté de nos meilleures intentions à l' égard du royaume du Cambodge et réponsonse aux avances da paix et d' amitié que le Roi, votre père, sire, a souvent faites au représentant du noble Empereur des Français à Saigon. 

J' ai l' honneur d' informer aussi Votre Majesté, que je compte, dans un temps peu éloigné, porter nos forces sur Mỷ-Tho et m' emparer de cette place, dernière défense des Annamites vers le Cambodge. 

Le commandant de l'avisio de sa Majesté Impériale, le Norzagaray, pourra entrer en communication avec votre Majesté, si tel est son désir. 
J' offre à Votre Majesté . . . ." (A. Schreiner, sách đã dẫn; trang 183). 

Theo nội dung của lá thư nầy gởi cho vua Cao Miên, người ta thấy ngay người Pháp đã có ý đồ thiết lập chế độ thực dân thuộc địa trên vùng Nam Kỳ hạ (L' intention de la France est de conserver sa conquête, de fonder dans la Basse-Cochinchine une colonie et d' y apporter tous les bienfaits de la civilisation européenne),đang chuẩn bị đánh chiếm Mỹ Tho và để rảnh tay đối phó với triều đình Huế, người Pháp đã dùng lời ngon ngọt để chiêu dụ người Cao Miên theo về phe với họ trước khi họ tung quân đi chiếm lấn thêm đất đai của nước Đại Nam (que je compte, dans un temps peu éloigné, porter nos forces sur Mỷ-Tho et m' emparer de cette place, dernière défense des Annamites vers le Cambodge.) 

Như vậy có thể suy định thêm được một điều khác là văn thư trả lời của Charner với 14 khoản đòi hỏi kể trên được gởi đến cho Nguyễn Bá Nghi sau ngày 21 tháng 3 d.l năm 1861, sau khi sứ đoàn 80 người Cao Miên xuống Sài Gòn mang theo lễ vật để cống sứ cho quan soái Charner. Và có thể là, Nguyễn Bá Nghi đem văn thư 14 khoản nầy tấu trình về triều đình ngoài Huế để Tự Đức cùng các quan đại thần của Cơ Mật Viện bàn bạc quyết định và Trương Đăng Quế đã cố vấn đường hướng cho Nguyễn Bá Nghi áp dụng trong cuộc thương lượng tiếp tục với người Pháp. 

B/ Trong vòng 10 tháng đó có những biến động gì đã xảy ra?


Như trên đã đề cặp, sách thực lục của nhà Nguyễn vào tháng 6 â.l năm Tự Đức thứ 14 (Tân Dậu/1861) có nói tới việc người Pháp đưa ra 14 khoản đòi hỏi nhưng lại thêm rằng (14 khoản nầy chép ở tháng 4 â.l năm Tự Đức thứ 15 sau đây), tức là gần 10 tháng sau sách thực lục mới chịu viết ra nội dung của 14 khoản đòi hỏi đó. Trong khoảng thời gian nầy (từ tháng 6 âl/ Tân Dậu/ Tự Đức thứ 14/1861 đến tháng 4 âl/ Nhâm Tuất/ Tự Đức thứ 15/ 1862) có những biến động gì đã xảy ra để cho tên tuổi của ông Phan Thanh Giản bắt đầu xuất hiện trên chính trường ngoại giao để tiếp nhận một trách vụ đội đá vá trời, một trách vụ nặng nề ngang với một bản án tử hình khốc liệt mà kẻ tử tội đang mỗi ngày mỗi giờ đếm từng bước chân của mình trên những bậc thang đưa lên đoạn lầu đài. 

*


Tân Dậu, Tự Đức năm thứ 14 (1861), tháng 6 âl, Tự Đức lặp lại lệnh truyền cho các địa phương phải nghiêm nhặt tách, ghép các tín đồ đạo Gia tô: thích chữ vào mặt, quản thúc cho nghiêm, giam nhốt thật gắt gao những giáo sĩ, nếu người Tây dương tới nơi thì đem đem những kẻ theo đạo ấy giết cho hết. Phủ huyện nào còn dung túng đến nỗi sinh ra việc lo ngại thì nhất định là phải chiếu quân luật trị tội. 

Tân Dậu, Tự Đức năm thứ 14 (1861), tháng 7 â.l, cho Đoàn Thọ thăng thụ Trung quân Đô thống sung làm chức phòng hộ sứ ở đồn cửa biển Thuận An. 

Từ quân thứ Biên Hòa, Nguyễn Bá Nghi và Trần Đình Túc dâng tập tâu trình tình hình Biên Hòa yếu ớt đơn độc, không thể vừa đánh vừa giữ được, cuộc giảng hòa lại không thành, xin giảm bớt quân thứ và phái người đi cầu viện nước ngoài. Tự Đức trách cứ, cho rằng hai người chưa thi hành nhiệm vụ đúng mức. 

Biên Hòa và Vĩnh Long trở thành những căn cứ địa để chiêu mộ dân quân kháng chiến chống Pháp. Ngay cả ở trong các vùng của quân Pháp tạm chiếm cũng có những ổ kháng chiến. Mạnh và nhiều nhất là ở Gò Công. 

Tri huyện Toại trước kia cai trị Gò Công, nay chiêu mộ hơn 600 dân phu đồn điền và chiến binh thất trận ở đồn Kỳ Hòa, tổ chức thành một lực lượng kháng chiến chông Pháp. Đêm 21 tháng 6 d.l rạng ngày 22 d.l năm 1861, dân quân kháng chiến dưới quyền của huyện Toại tấn công đồn phòng thủ của Pháp ở Gò Công. Đồn nầy do một sĩ quan hải quân Pháp là Paulin Vial và 27 quân sĩ trú đóng. Kế hoạch tấn công của huyện Toại bị nội gián thông báo trước cho Paulin Vial. Cuộc tấn kích thất bại: quân kháng chiến rút lui để lại chiến trường 14 xác chết trong số nầy có xác của huyện Toại. Phía quân Pháp thì Paulin Vial bị trọng thương và một pháo thủ bị tử trận. 

Qua ngày hôm sau, một tổ kháng chiến khác ở Gò Công do Trương Định cầm đầu lại tấn công quân Pháp nhưng bị quân trú phòng của Pháp đẩy lui. Lực lượng kháng chiến của Trương Định gây lo sợ và bối rối cho quân binh Pháp miền Tây: giết chết bá hộ Huy vì Huy được quân Pháp giao cho cai quản một tổng ở huyện Đông Sơn trong tỉnh Gò Công mặc dù bá hộ Huy là bạn thân của Trương Định; truyền rao xử tội những xã trưởng theo và hợp tác với người Pháp. 

Ở vùng Mỹ Tho thì có tổ kháng chiến của tri phủ Cậu, của thiên hộ Dương cùng nhiều tổ kháng chiến nhỏ khác, tất cả đã gây khốn đốn không ít cho quân binh đồn trú của Pháp đồng thời các tổ chức kháng chiến cũng là một trở ngại cho việc đàm phán hòa bình của 2 bên bởi vì người Pháp nghi ngờ rằng phía triều đình Đại Nam dụng kế hoãn binh, một mặt không chính thức phản công trực tiếp nhưng lại xúi ngầm và yểm trợ cho các tổ chức kháng chiến đánh phá trong khi vẫn kéo dài cuộc hoà đàm. 

Thánh 8 â.l (1861), Thanh Hóa lùng bắt được 2 giáo sĩ ngoại quốc. Quan tỉnh và viên phủ đều được thưởng gia 
thăng một cấp. 

Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang tấu trình về thành tích đánh phá chống quân Pháp của lực lượng kháng chiến do cựu phó quản cơ Gia Định là Trương Định cầm đầu. Tự Đức cất nhắc cho làm quản cơ rồi lãnh chức phó lãnh binh với số dân quân hơn 6,000 người dưới quyền, chia thành 6 cơ đội. 

Tri phủ Phước Tuy Nguyễn Thành Ý và thuộc hạ Phan Trung cũng mộ được 2 cơ cộng chung 4,000 người. 

Hai con của vua Cao Miên Nặc Ong Đôn là Ong Bướm, Ong Lan tranh nhau quyền nối nghiệp. 

Tháng 10 â.l (1861), án sát sứ Nguyễn Văn Nhã cùng với quân kháng chiến của tri phủ Cậu tấn công quân đồn trú Pháp ở Cái Bè và Cai Lậy: phía Pháp có 50 người bị bắn hạ đa số là lính tập đánh thuê cho Pháp. 

Tỉnh Bình Định bắt được một giáo sĩ ngoại quốc tên là Y-ty-Anh (ĐNTLCB; sách đã dẫn, trang 245) 

Ở miền Đông, tình hình kháng chiến không mạnh như ở miền Tây. Nhưng quân đồn trú của Pháp ở Thủ Dầu Một luôn phải đưa quân tuần tiểu quanh vùng thường xuyên để đánh dẹp quân kháng chiến. Trong 3 tháng cuối năm d.l 1861, các đồn bót của Pháp ở Thủ Dầu Một bị tấn công mạnh trong những ngày 15, 21 tháng 10 d.l và những ngày 19, 21 tháng 11 d.l và ngày 1 tháng 12 d.l khiến cho 2 sĩ quan, 3 pháo thủ thuyền chiến, hai trợ tá người địa phương bị tử trận và 5 lính tập đánh thuê bị thương. Phía kháng chiến và quân binh có 150 người bị tử trận. 

Trong bài viết l' Extrait du Journal d' un officier détaché à Mỷ Tho (trích Nhật Ký của một sĩ quan công tác ở Mỹ Tho) do tác giả người Pháp M. de Grammont ghi lại tình hình xáo động do dân quân kháng chiến gây ra quanh vùng Mỹ Tho từ 29 tháng 8 d.l năm 1861 đến 30 tháng 11 d.l năm 1861 như sau: 

-29 tháng 8 d.l - Đồn Cây Lậy do Chassériau trú đóng bị tổ kháng chiến của đốc phủ Cậu tấn công. 
-4 tháng 9 d.l - Đồn Bourdais vùng kinh Bảo Định cách Mỹ Tho 3 dậm bị dân quân kháng chiến tấn công; phó hạm trưởng Mac-Dermott được phái tới để truy kích. 
-5 tháng 9 d.l - Chận bắt ghe chở vũ khí cho kháng chiến. 
-14 tháng 9 d.l - Pháp hành quân bình định trong vùng tứ giác (có thể là vùng đồng bằng nằm trong vùng tứ giác sông Mê Kong - sông Vàm Cỏ Tây - biển Đông -nước Cao Miên) để truy lùng phủ Cậu. 
15 tháng 9 d.l - Phủ Cậu đích thân chỉ huy tấn kích đồn Cây Lậy. 
21 tháng 9 d.l - Tàu chiến Norzagaray chở quân tăng viện Tây Ban Nha . 
22 tháng 9 d.l - Cánh quân thứ nhì của Pháp do Desvaux chỉ huy bắt đầu hành quân. 
23 tháng 9 d.l - Thuyền chiến Soledad (một loại thuyền thuyền buồm nhẹ) đã được đưa xuống hoạt động trong vùng sông Rạch Gầm (Mỹ Tho) từ 15 ngày qua nay lãnh công tác mở đường dẹp bỏ các chướng ngại vật vùng kênh Thuộc Nhiêu. 
25 tháng 9 d.l - Tái chiếm Mỹ Quý; cha của Phủ Cậu bị bắn chết. 
28 tháng 9 d.l - Cánh quân thứ nhì (do Desvaux chỉ huy) trở về hậu cứ. 
29 tháng 9 d.l - Hành quân vùng sông Vàm Cỏ Tây để truy lùng những kẻ sát nhơn thị trưởng tỉnh Gò Công. 
14 tháng 10 d.l - Pháo thuyền Gougerad pháo kích đồn Cái Thia (Mỹ Lương - Mỹ Đức). 
22 tháng 10 d.l - Truy kích phiến quân vùng rạch Cà Hôn (vùng hạ lưu sông Mỹ Tho). 
30 tháng 10 d.l - Đụng trận với quân phiến loạn ở Rạch Gầm: 22 người An Nam bị thương. 
3 tháng 11 d.l - Đụng trận với phiến quân phiến loạn ở Rạch Gầm: 14 người An Nam bị thương. 
9 tháng 11 d.l - Hành quân tuần thám vùng Mỹ Quý -Phú Mỹ. 
14 tháng 11 d.l - Hoạt động phiến loạn lại tái phát ở vùng sông Vàm Cỏ. 
15 tháng 11 d.l - Quan lại của triều đình gia tăng thuế ở vùng Mỹ Tho cũ. 
17 tháng 11 d.l - Những manh nha lẻ tẻ như cướp bóc nhắm vào ngay cả những người Tây phương, dọc đường phục kích đội trưởng chỉ huy đồn Cây Lậy. 
28 và 30 tháng 11 d.l - Nhiều hoạt động khác cùng với các vụ thiêu đốt ở các vùng ngoại vi. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 215, 216). 

Tháng 11 â.l, Tân Dậu (1861), thủy sư đề đốc Bonard sang thay thế Charner (Charner bàn giao chức vụ cho Bonard ngày 30 tháng 11 d.l năm 1861) và Bonard tuyên bố ngay rằng quân Pháp sẽ tiến chiếm Biên Hòa và nếu cần sẽ tiến thẳng ra kinh đô Huế (đây là lời tuyên bố hiếu chiến và cao ngạo của đô đốc Bonard khi vừa mới đặt chân lên lãnh thổ của nước Đại Nam. Nguyên văn như sau: "Nous allons marcher sur Biên Hoà et, s' il le faut, nous irons à Huế" (tạm dịch: Chúng ta sẽ tiến chiếm Biên Hòa và nếu cần, chúng ta sẽ đi ra Huế) (A.Shreiner; đã dẫn; trang 222), ra lệnh quân binh chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành quân. 

Trong thời gian chờ đợi sắp xếp chuẩn bị, Bonard ra lệnh cho thuyền trưởng Lespés chỉ huy tuần dương hạm Norzagaray ra chiếm hữu và thiết lập chủ quyền của Pháp trên đảo Côn Sơn. 

*Hỏa hồng trên sông Nhật Tảo


Sáng ngày 10 tháng 12 d.l năm 1861, sau khi chiến hạm của Lespés vừa khởi hành đi Côn Sơn thì ở Mỹ Tho quân kháng chiến do Nguyễn Trung Trực chỉ huy đã lập kế giả làm thuyền buôn trên sông Vàm Cỏ, áp sát đến gần tàu chiến L' Espérance đang bỏ neo ở địa phận thôn Nhật Tảo và hơn 150 quân kháng chiến bất ngờ nhảy lên tấn công binh lính Pháp trên tàu. Quân Pháp nhảy xuống sông để trốn và tẩu thoát: 17 lính Pháp bị giết, chỉ có 5 thủy thủ và 3 lính Phi Luật Tân thoát chết. Một số người dân địa phương ở thôn Nhật Tảo bị quân kháng chiến trừng phạt giết chết vì hợp tác với quân Pháp, nhà cửa của những người nầy bị thiêu hủy. 

*Đồng loạt khởi dậy


Cuộc tấn kích của Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật Tảo là ngọn lửa chăm ngòi cho những cuộc nổi dậy đồng loạt của quân kháng chiến để tấn công đốt phá đồn bót của quân Pháp ở khắp nơi từ ngày 14 đến 30 tháng 12 d.l năm 1861: Tân An, Cần Giuộc, Gò Công ngày 14/12 d.l ; Gia Thạnh ngày 18 ; Cái Bè ngày 20 và 25 ; Rạch Gầm ngày 29 ; Rạch Cả Hòa ngày 30. Quân kháng chiến bị thiệt hại nhiều trong chiến dịch tổng tấn công nầy. Những người địa phương hợp tác với Pháp để làm việc trong tổ chức hành chánh cai trị trong các vùng Pháp chiếm đóng đều bị quân kháng chiến giết chết. 

*Quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho đánh chiếm Biên Hòa


Quân Pháp khởi sự tấn công đánh chiếm Biên Hòa. Điểm xuất quân có thể chọn từ 3 nơi: 

-1/ từ Thủ Dầu Một, 
-2/ từ Sài gòn qua con đường cái quan Sài gòn-Biên Hòa, 
-3/ từ Sông Sài Gòn dùng thủy lộ qua con sông Đồng Nai. 

Không thể xuất quân từ Thủ Dầu Một vì không có phương tiện để vượt ngang sông Đồng Nai lại thêm có đồn binh Mỹ Hòa của Đại Nam án ngữ do đó Bonard chọn 2 đường tiến quân từ Sài Gòn qua đường cái quan Sài Gòn-Biên Hòa và bằng thủy lộ sông Đồng Nai. 

Trước khi ra lệnh tấn công Biên Hoà, Bonard gửi một tối hậu thư đến quân thứ Biên Hòa. Thư trả lời từ quân thứ Biên Hòa không đáp ứng được những đòi hỏi của Bonard và do đó Bonard phát hiệu lệnh tấn công vào ngày 14 tháng 12 d.l năm 1861. 

-Cánh quân thứ nhứt theo đường cái quan thẳng tiến đến đồn Mỹ Hoà. 
-Cánh quân thứ 2 tiếp nối cánh quân thứ 1 để đến thôn Tân Phú. 
- Cánh quân thứ 3 do tàu chiến của Pháp ở sông Sài Gòn ra sông Nhà Bè rồi tiến ngược lên sông Đồng Nai. 
-Cánh quân thứ 4 cũng theo thủy lộ để đến thôn Gò Công. 
-Các thuyền chiến Renommée, Alarme và Ondine có nhiệm vụ dọn dẹp các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và cá pháo đồn dọc theo 2 bên bờ. 

Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau khi sau pháo hiệu tấn công, liên quân Pháp-Y Pha Nho đã chiếm được đồn phòng thủ ở Gò Công. 

Bốn pháo đồn trên bờ sông Đồng Nai pháo kích liên hồi lên pháo hạm Alarme. Cánh quân thứ 3 của Pháp do hạm trưởng Lebris chỉ huy dùng ghe đổ bộ quân lên bờ tấn công các pháo đồn nầy, quân đồn thú bỏ pháo đồn chạy thoát thân. Các tàu chiến tiếp tục suốt đêm để khai thông các chướng ngại vật trong lòng sông Đồng Nai và phải mất 2 ngày 2 đêm dọn dẹp lòng sông mới có thể lưu thông an toàn tiến thẳng về hướng Biên Hòa. Chỉ huy cánh quân thứ 1 là Comte bị tử trận khi tiến sát đến cánh trái của điểm kháng cự Mỹ Hòa. Chỉ huy cánh quân thứ 2 từ Gò Công được lệnh tiếp tục tấn công vào cánh phải Mỹ Hòa trong khi pháo binh từ các chiến hạm bắn vào trung tâm điểm của cứ điểm nầy. Quan binh Đại Nam bị tấn công từ 3 phía: vì không thể cầm cự lâu hơn quân binh Đại Nam rối loạn bỏ Mỹ Hòa rút chạy vào thành Biên Hòa. Các cứ điểm tiền đồn phòng thủ thành Biên Hòa bên phía phải lưu ngạn sông Đồng Nai đều bị liên quân Pháp Y Pha Nho chiếm đóng. Bonard liền ra lệnh chuẩn bị thu xếp chuyển quân sang bờ trái sông Đồng Nai để tiến chiếm thành Biên Hòa. Đích thân Bonard xuống pháo thuyền Ondine và cùng với một pháo thuyền khác do thuyền trưởng Jonnart tiến đến trước mặt thành Biên Hòa để quan sát. Đại pháo trong thành bắn ra; pháo thuyền của Jonnart bắn trả vào thành: tiếng súng trong thành chấm dứt và một cụm khói đen trong thành bốc lên cao. Trời về tối, quan Pháp chưa thể đổ bộ lên bờ. Sáng hôm sau, đội quân tiền sát Pháp-Y Pha Nho tiến vào thành Biên Hòa không gặp phải một sức kháng cự nào. Khi quân Pháp tìm thấy hằng trăm tù nhân đạo Gia tô bị thiêu sống trong một trại giam họ mới biết được lý do tại sao có cột khói trong thành bốc lên cao vào đêm hôm qua. 

Chiến lợi phẩm quân Pháp tịch thu gồm có 48 khẩu đại pháo, 15 ghe buồm đánh trận, vô số gỗ quý. Trong trận nầy, liên quân xâm lược chỉ có 2 người chết và một số bị thương không đáng kể. Thiếu tá Y Phan Nho Domenech Diégo chỉ huy cánh quân thứ 2 được chỉ định giữ chức tỉnh trưởng Biên Hòa để tiếp tục các chiến dịch bình định trị an. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang từ trang 222 đến trang 229). 

*Quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho tiếp tục
tiến chiếm Phước Tuy 
(Bà Rịa)


Khi thành Biên Hòa bị hải quân Pháp-Y Pha Nho pháo kích và trước khi họ tràn vào chiếm thành, phó đề đốc chưởng vệ Lê Quang Tiến cùng với bộ chỉ huy quân thứ bỏ thành Biên Hòa rút quân về Bà Rịa-Phước Tuy. Các tổ chức kháng chiến chống Pháp không còn thế yểm trợ của quân binh triều đình ở Biên Hòa-Tây Ninh cho nên đa số rút về miền Tây, hợp cùng với các tổ chức kháng chiến ở đây để bao vây đánh phá các đồn bót của Pháp chung quanh các vùng phụ cận của tỉnh Mỹ Tho. 

Ngày 4 tháng 1 d.l năm 1862, tất cả đồn bót ở những vùng đất phía Tây thành Mỹ Tho đều bị quân kháng chiến bao vây. Quân kháng chiến của phủ Cậu chuẩn bị đánh Cái Bè nhưng bị quân Pháp bao vây trên tuyến đường tiến quân Cái Bè-Cai Lậy. Ngày 6 tháng 2 d.l năm 1862, phủ Cậu bị bắt giải về Mỹ Tho và bị xử tử treo cổ ngay ngày hôm sau để thị uy các phong trào kháng chiến và làm vững lòng tin những người Đại Nam địa phương đang hợp tác với Pháp. Việc xử tử phủ Cậu không có hiệu lực làm giảm bớt những cuộc nổi dậy của quân kháng chiến nhưng ngược lại, những cuộc đánh phá của quân kháng chiến càng nhiều hơn và táo bạo hơn. Ngày 10 tháng 2 d.l năm 1862, quân kháng chiến đánh phá đồn Gò Công và cô lập đồn Gia Thạnh; ngày 11 đánh phá đồn Rạch Gầm. Ngày 22 tháng 2 d.l 1862 đốt cháy đồn Rạch Cà Hôn rồi lại tấn công đồn Rạch Gầm; ngày 28 các đồn của Pháp ở Cái Bè, Cai Lậy, Thuộc Nhiêu, Rạch Gầm đều bị quân kháng chiến chiếm đóng cùng một lúc và tàu chiến Sham Rock của Pháp cũng bị phóng hỏa. Kết quả của những cuộc nổi dậy khắp nơi của quân kháng chiến ở miền Tây khiến cho quân Pháp phải bỏ các đồn bót để rút về thành Mỹ Tho lo việc phòng thủ cho thành nầy và tăng cường phòng thủ hai đồn quan yếu Cái Bè và Cần Giuộc. 

Trong khi các lực lượng kháng chiến đánh phá các nơi ở miền Tây thì tại Biên Hòa; Bonard ra lệnh cho các tàu chiến chuyển vận thủy binh, bộ binh, cùng với quân Y Pha Nho tiến đánh Bà Rịa, dùng ghe nhỏ chuyển quân theo rạch Gành Hào, tạm dừng quân tại một thôn thuộc làng Long Điền vào ngày 7 tháng 1 d.l năm 1862. Một đoàn quân tiền thám với hoả lực mạnh tiến sát đến thành Bà Rịa khoảng 2,000 mét và nổ súng nhưng quân tiền đồn do táng lý quân vụ Văn Đức Đái chỉ huy đã chống cự thật dũng mãnh khiến cho quân Pháp phải tạm thời rút lui quay trở lại Long Điền để chờ qua đêm. Trong đêm, sau khi tàn sát một số phạm nhân đạo Gia tô bị giam nhốt trong thành, phó đề đốc chưởng vệ Lê Quang Tiến bỏ thành Bà Rịa rút quân về hướng Đông và lập phòng tuyến tại làng Phước Thọ cách Bà Rịa khoảng 15 cây số và một tiền đồn ở Long Lập ở khoảng 10 cây số hương Đông Bắc Bà Rịa. Quân Pháp truy kích, quân triều đình tan vỡ, Lê Quang Tiến rút chạy ra làng Phước Bửu rồi theo đường cái quan ra Cù Mỹ giáp ranh tỉnh Bình Thuận. Cả tỉnh Biên Hòa dưới quyền kiểm soát của liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho. 

Về việc quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Biên Hoà và phủ Phước Tuy (Bà Rịa), sách ĐNTL ghi như sau: 

Người Tây dương đánh lui quân thứ Biên Hòa, vào chiếm đóng tỉnh thành. Tự khi Nguyễn Bá Nghi khâm sai thống lãnh quân vụ, đóng ở bên tả tỉnh thành Biên Hòa (xứ Tân Lại) để bảo viện cho tỉnh thành, lấy xứ Thạch Hản thuộc về phận sông Long Đại làm nơi phòng thủ cốt yếu, lấy hạt phủ Phúc Tuy làm đường vận lương, quan báo cho các tỉnh Gia Định, Định Tường cùng làm thanh viện với nhau. Đã đến 7, 8 tháng nay tâu báo hơn 10 lần. Vua đã thăm hỏi các lời bàn của đình thần, nhiều lần huấn dụ rằng: cốt ý lấy sự hòa hiếu làm quyền nghi tạm thời, mà đánh giữ làm thực vu. Thế mà ý riêng của Bá Nghi chủ ở giảng hòa, không sửa sang việc phòng thủ. Kịp khi người Tây dương động quân mới xin đòi gọi binh lính. Đến đây quân Tây dương dùng thuyền quân chặn đóng con đường ở Gia Định, Định Tường đi đến; lại đánh giữ 2 cửa biển Cần Giờ, Phúc Thắng, luôn mấy ngày đánh phá vào xứ Thạch Hãn (các ngày 15, 16) quân lui giữ phủ Phước Tuy. Thuyền quân của Tây dương nhân nước triều thẳng tiến đến tỉnh thành (ngày 17) dùng súng lớn bắn phá vào thành. Tỉnh thần, và bọn Nguyễn Đức Hoan (tuần phủ), Lê Khắc Cẩn (án sát, nguyên tên là Cần) thế không chống nổi cũng lùi đóng ở đồn mới Hố Nhĩ . Quân Tây dương vào chiếm lấy thành, lại tiến sát phủ Phước Tuy đánh bắn. Bá Nghi lại lùi về đóng ở phận rừng Long Kiên, Long Lập, thuộc phủ Phước Tuy. Việc tâu lên, vua nghiêm trách các quan ở quân thứ, và ở tỉnh, rồi gia ơn cho cách lưu, để mưu báo hiệu sau nầy. (ĐTLCB, sách đã dẫn, trang 255, 256). 

Sau khi Biên Hòa bị mất vào tay người Pháp. triều đình Huế khai phục chức Binh bộ thượng thư cho Nguyễn Tri Phương sung đổng suất quân vụ Biên Hòa thay thế Nguyễn Bá Nghi, Tôn Thất Cáp (Hiệp) cho khôi phục Binh bộ thị lang phụ tá Biên Hòa quân vụ và Nguyễn Công Nhàn trước kia bỏ thành chạy khi Định Tường thất thủ bị cách chức, nay được khôi phục quản cơ sung đốc binh đi theo phụ tá việc quân cho Nguyễn Tri Phương. Lại cấp thêm 2,000 quân để Nguyễn Tri Phương đưa vào tăng cường cho quân binh ở Cù Mỹ, Bình Thuận. 

Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, tháng 1 â.l (1862), cho tổng đốc Quảng Nam-Quảng Ngãi là Đào Trí sung chức Kinh lý đại thần, đốc biện những công việc vận tải lương thực khí giới để phòng bị từ Quảng Nam đến Bình Thuận. 

Sau khi đánh chiếm Bà Rịa, tàu chiến của Pháp tiếp tục tuần thám vụng biển Phan Rí - Bình Thuận và đánh chìm nhiều ghe thuyền chuyển vận quân lương(1) của triều đình tiếp tế cho quân thứ ở Bình Thuận. 

Tháng 2 â.l (1862), giáng Nguyễn Bá Nghi xuống làm tham tri sung chức phụ tá quân vụ hiệp cùng Nguyễn Tri Phương bàn việc quân vụ ở Bình Thuận. 

Dụ sai tỉnh thần Gia Định. Định Tường là Đỗ Quang, Đỗ Thúc Tỉnh, phó lãnh binh là Trương Định cùng nhau phối hợp binh triều đình với quân kháng chiến để chống Pháp. 

*Liên quân xâm lược Pháp - Y Pha Nho đánh chiếm tỉnh thành Vĩnh Long

Ngày 5 tháng 3 d.l năm 1862, quân kháng chiến ở miền Tây đốt cháy pháo thuyền số 25 và một đại đội binh sĩ của Pháp trên pháo thuyền đó bị tiêu diệt: 35 chết, 17 trọng thương. Ngày 6 tháng 3 d.l năm 1862, thành Mỹ Tho bị quân kháng chiến tấn kích lần thứ 3; từ 9 đến 12 tháng 3 d.l năm 1862 một phong trào chống đối của quần chúng đã diễn ra tại Cầu An Hạ nhưng đã bị quân Pháp thẳng tay dẹp tắt; ngày 13 tháng 3 d.l năm 1862 quân kháng chiến lại tấn kích thành Mỹ Tho trong khi quân Pháp chuẩn bị tiến đánh thành Vĩnh Long. 

Ngày 21 tháng 2 â.l năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, ( 23 thán 3 d.l năm 1862), liên quân Pháp-Y Pha Nho đánh chiếm thành Vĩnh Long. Trước đây, một tuần sau khi Định Tường thất thủ, Pháp cho tàu 5 máy chia nhau đi trên thủy phận sông Vĩnh Long để dò thám và đến thả neo đậu ở bờ sông gần tiền đồn Thanh Mỹ. Quan đầu tỉnh Vĩnh Long là Trương Văn Uyển một mặt phòng bị nghiêm cẩn một mặt chuyển thư sang cho đối phương hạch hỏi lý do vì sao họ cho tàu đi tuần thám gây hấn như thế, để dùng kế hoãn binh. Ngày 20 tháng 3 d.l năm 1862, quân Pháp đưa 2 tàu tuần thám, 9 phóng pháo hạm đến bỏ neo đậu trên sông, gần tiền đồn Vĩnh Tùng, cho hơn 1,000 quân lên bộ đào đắp hào luỹ và công sự chiến đấu. 

Liền trong 2 ngày 20 và 21 tháng 2 â.l năm Nhâm Tuất (22 tháng và 23 tháng 3 d.l năm 1862) quân Pháp từ dưới sông, trên bộ đánh phá bắn vào các đồn sở Thanh Mỹ, Vĩnh Tùng. Quân binh triều đình chống cự không được, lần lược bị tan loạn. Tàu chiến Pháp liền tiến thẳng đến bờ sông tỉnh thành Vĩnh Long dùng trọng pháo bắn liên tục vào các điểm phòng thủ ở 2 mặt Đông và Tây. Quân lính trong thành Vĩnh Long bị thương vong nặng nề, số còn lại đều bỏ thành tháo chạy cả. Khi trời vào đêm, quân Pháp tạm ngưng pháo kích. Quan đầu tỉnh Trương Văn Uyển lợi dụng đêm tối phóng lửa đốt các dinh thự, kho tàng, đạn dược rồi bỏ thành tỉnh rút lui quân ra đóng ở đồn bảo Vĩnh Trị. 

Ngày 21 â.l năm Nhâm Tuất (23 tháng 3 d.l năm 1862) quân Pháp ung dung tiến vào tỉnh thành không gặp một sức kháng cự nào của quân triều đình rồi tiếp tục truy kích và tiến đến đồn bảo Vĩnh Trị, Trương Văn Uyển lại kéo quân rút lui ra huyện Duy Minh. Tất cả viên chức thuộc quân thứ Vĩnh Long đều bị triều đình trách phạt. Quân Pháp tịch thu được 68 súng óng đủ hạng cỡ, đạn dược và rất nhiều gạo thóc quân lương. 

Mặc dù quân chính quy của triều đình Đại Nam đã rút khỏi 2 tỉnh thành Mỹ Tho và Vĩnh Long nhưng các tổ chức kháng chiến cùng một số quân binh của triều đình tại 2 nơi nầy vẫn tiếp tục hoạt động khuấy phá và tấn kích quân Pháp nhất là tại vùng Mỹ Quí ở Mỹ Tho. Sau khi chiếm thành Vĩnh Long, quân Pháp cử đại tá Y Pha Nho Palanca Guithierez dẫn một lộ quân hỗn hợp cùng với thuyền trưởng Desvaux mở chiến dịch bình định vùng Mỹ Quý ở Mỹ Tho rồi theo đường cái quan dẫn quân về Sài Gòn. Các hoạt động đánh phá của kháng chiến vẫn tiếp tục. 

Ngày 6 tháng 4 d.l năm 1862, quân kháng chiến đánh vào Chợ Lớn ở vùng Phú Lâm, tiêu diệt một đồn bót của Pháp, đe dọa trại binh của Pháp tại đồn Ô Ma khiến dân chúng Sài Gòn náo động. Quân Pháp lại phải mở chiến dịch tảo thanh quanh vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Cần Giuộc nhưng không thể tiến sâu thêm xuống vùng Gò Công hiện thuộc quyền kiểm soát của lãnh binh Trương Định và quân kháng chiến. 

Ở miền Đông, quân Y Pha Nho do đại tá Domenech Diego chỉ huy cũng phải hành quân bình định liên tục các vùng quanh Biên Hòa, Tây Ninh, Trảng Bàng để đẩy lui các nhóm kháng chiến về hướng Tây Bắc. 

Tháng 3 â.l năm Nhâm Tuất (1862), có người tên là Nguyễn Thạnh, người huyện Phượng Nhãn nguyên là chánh tổng, tục gọi là Cai tổng Vàng, theo đạo Gia tô tự phong là nguyên soái, suy tôn một nhân vật tự cho là thuộc dòng họ nhà Hậu Lê tên là Huân (Uẩn) lên làm vua rồi hô hào dân chúng ở Bắc Kỳ nổi dậy chống lại chính quyền của nhà Nguyễn ở Quảng Yên. Số người theo Huân hơn ngàn người, xâm đánh phủ hạt Lạng Giang, đốt phá làng mạc, cướp phá mùa màng. Phó lãnh binh Tôn Thất Trụy đem quân tiểu trừ nhưng thất bại. Quân nổi dậy của Huân tiến đánh vào các huyện hạt Yên Dũng, vây hãm tỉnh thành. Thanh thế của Huân càng lúc càng lan rộng, chiếm thành Bắc Ninh, đánh phá các hạt Kinh Môn, Bình Giang, Ninh Giang, quan binh triều đình phải thay phiên nhau đưa quân đánh dẹp không ngơi nghĩ. Ngoài ra còn có giặc thổ phỉ ở các vùng biên Trung Hoa tràn sang cướp phá phủ Vĩnh Tường ở Sơn Tây, ở Thất Khê thuộc Lạng Sơn; tín đồ Gia tô nổi dậy ở hạt Kiến Thụy thuộc Hải Dương và Lạng Giang thuộc Bắc Ninh. 

Trước đây khi liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho đánh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm Tân Dậu (1861), trong số lính tập do Pháp tuyển mộ có Tạ Văn Phụng người miền Bắc, theo đạo Gia tô. Trong khi còn ở trong hàng ngũ của binh đội Pháp, Tạ Văn Phụng đã lén lút man trá loan truyền ra Bắc Kỳ để báo cho khối người theo đạo gia tô biết rằng quân xâm lược Pháp sẽ tiếp tay để họ nổi dậy chống lại quan binh của triều đình ở miền Bắc. Việc loan báo nầy bị người Pháp khám phá và vì sợ bị trách phạt cho nên Tạ Văn Phụng phải bỏ hàng ngũ lính tập để trốn ra Bắc Kỳ rồi mạo nhận là dòng dõi nhà Hậu Lê, tự xưng làm minh chủ, cùng với một giáo sĩ tên là Trường chiêu mộ người nổi dậy ở Quảng Yên, thông đồng với giặc cướp biển tàu ô người Hoa và thổ phỉ trên đất Trung Hoa ở vùng biên giới gây bạo loạn khắp nơi, vây đánh thành Hải Dương, số người hưởng ứng đi theo lên đến hơn 20,000. Vào những tháng dương lịch đầu năm 1862, Tạ Văn Phụng hầu như kiểm soát hết một vùng lãnh thổ rộng lớn phía ở Đông, quan binh triều đình không thể đánh dẹp. Trong lúc thanh thế đang lên, Tạ Văn Phụng đã cho người vào Sài Gòn đề nghị với Bonard tiếp viện và hậu thuẫn để lật đổ nhà Nguyễn và nước Đại Nam của Tạ Văn Phụng sẽ đặt dưới quyền đô hộ của người Pháp. Đề nghị của Phụng không được Bonard nghe theo. 



Tháng 4 â.l, năm Nhâm Tuất (1862), trong lúc tình hình bất ổn ở Bắc Kỳ không thể giải quyết, Bonard lại sai hạm trưởng tàu chiến Forbin là Simon đến cửa biển Thuận An (đầu tháng 5 d.l năm 1862) để đưa thư liệt kê 3 điều kiện tiên quyết để hòa đàm: 

1/ - Trong vòng 3 ngày phải trả trước cho người Pháp 100,000 quan tiền bồi thường chiến tranh tính ra lạng bạc; 

2/ - Để cho Pháp đặt người của họ toàn quyền cai quản trên các vùng đất hiện do Pháp tạm chiếm; 

3/ - Trong vòng 8 ngày phải cử đại diện để hòa đàm với Pháp. 

Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành đem việc ấy trình lên. Triều đình bàn bạc và phải chịu chấp nhận những đòi hỏi tiên quyết số 1 và số 3 của Pháp. Thuyền trưởng Simon trở về Sài Gòn mang theo 2 điều kiện tiên quyết của Pháp được triều đình Huế chấp nhận. Sau đó Simon trở ra Thuận An. Triều đình Huế cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp làm chánh, phó sứ toàn quyền đại thần để hội nghị với người Pháp. Khi sắp đi, Tự Đức rót rượu riêng của mình ban cho và dụ rằng đoàn sứ không được nhận điều khoản tự do truyền đạo Gia tô và không được nhượng thêm đất. 

Ngày 24 tháng 4 âl (1862) Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đi thuyền Thụy Nhạc uy vệ ra của biển Hội An, qua tàu Forbin gặp Simon trao 100,000 quan tiền trả trước. Sau đó tàu Forbin hộ tống thuyền Thụy Nhạc vào Gia Định. 

Ngày 30 tháng 4 â.l (26 tháng 5 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam tới Sài Gòn. Cuộc đàm nghị mở ra liên tục cho đến ngày 9 tháng 5 â.l năm Nhâm Tuất (5 tháng 6 d.l năm 1862) thì 2 bên ký định ước. Các điều khoản của định ước nầy phải được triều đình nước Đại Nam và triều đình nước Pháp thông qua trong vòng 1 năm. 

Ngày 11 tháng 5 â.l (7 tháng 6 d.l năm 1862), đoàn sứ Đại Nam đi thuyền về, đến Huế vào ngày 14 tháng 6 â.l (10/6 d.l/1862). 



Xem xong bản định ước 12 khoản, Tự Đức dã quở trách Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp và cho rằng 2 viên quan nầy "không những là người có tội với triều đình nhà Nguyễn mà còn mắc tội đối với nghìn muôn đời vậy! " rồi đưa xuống cho đình thần bàn xét. 

Sau khi bàn xét đình thần phúc tâu như sau: về khoản cắt đất và trả tiền bồi thường chiến tranh thì Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã thỏa thuận rồi nhưng phần nhiều chưa hợp. Nhưng vì đây là một bản điều ước mới định, nếu vội sửa đổi ngay, sợ họ còn tức khí, chưa chắc đã nghe theo ngay. Xin đề nghị để 2 viên quan ấy ở gần liên lạc với người Pháp bàn tính để họ châm chước lần lần và cũng là để 2 viên quan đó có dịp chuộc lại lỗi lầm đã nhượng đất và chịu trả quá nhiều tiền bồi thường; đề nghị bắt tội họ vì không chu toàn trách nhiệm được giao phó từ trước. Tự Đức cho rằng nếu bắt tội Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp thì không thể tìm được người khác có khả năng như họ để nhận lãnh trách nhiệm hoà nghị và do đó giao cho Phan Thanh Giản lãnh tổng đốc Vĩnh Long, Phan Duy Thiếp (Hiệp) lãnh chức tuần phủ Thuận- Khánh nhưng 2 người vẫn phải tiếp tục trách vụ đàm phán với người Pháp để chuộc tội



"Sự thế khó làm, trẫm đã biết hết rồi.", Tự Đức và nhóm quan đại thần thủ cựu chậm tiến lơ láo nơi triều đình Huế đã biết rõ tình thế không thể cứu vảng được nữa vậy mà vẫn tiếp tục u mê đeo đuổi ý đồ vừa ném đá dấu tay vừa đàm phán hòa bình với quân xâm lược. Quân xâm lược đã thấy rõ được thực lực tồi tệ, chết nhát của quân đội triều đình nhà Nguyễn, họ chiếm lấy thành quách của nước Đại Nam như lấy đồ vật từ trong túi áo, gót chân xâm lược của họ như đi vào chỗ không người, vậy thì cần gì họ phải thương thuyết và nhượng bộ. Việc triều đình Huế bao che và yểm trợ cho nhóm dân quân kháng chiến làm sao có thể qua mắt được quân xâm lược khi mà họ có những người dân bản xứ bị chính quyền Đại Nam bách hại vì vấn đề đạo giáo theo về phía họ để báo cáo, chỉ điểm, cung cấp tin tức những hoạt động ngấm ngầm của nhóm quân kháng chiến được triều đình Huế yểm trợ và bao che. Quân xâm lược cũng biết tương kế tựu kế hoãn binh của triều đình Huế để dưỡng binh và chờ đợi tăng viện để thực hiện thêm những bước tiến quân về các vùng đất mới của Đại Nam. Họ có thiệt hại về nhân mạng trong các trận chiến vừa qua, họ có bị khốn đốn bệnh hoạn do thời khí gây ra nhưng với số lực lượng hiện tại của họ cũng dư sức cầm chưng hoặc đánh bại những nhóm giặc cỏ lẻ tẻ ô hợp, kém trang bị mà sử sách cũ gọi là dân quân kháng chiến miền Nam nổi dậy chống quân xâm lược cầm đầu bởi các quan chức địa phương của triều đình Huế bị bại trận và đang bị quân Pháp truy lùng khắp nơi. Sự hiện hữu của những nhóm kháng chiến rời rạc, không có sự phối hợp, mà quân xâm lược gọi là "đám giặc cướp" chính là cái cớ rất hữu lý để quân xâm lược vinh vào đó hầu chiếm thêm đất đai của nước Đại Nam sớm hơn dưới chiêu bài an ninh tự vệ chính đáng. 



"không những là người có tội với triều đình nhà Nguyễn mà còn mắc tội đối với nghìn muôn đời vậy !" rồi đưa xuống cho đình thần bàn xét. 

Như vậy là ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp đã bắt đầu mang tai tiếng, đã bắt đầu bị Tự Đức và nhóm triều thần ngồi mát ăn bát vàng ở Huế quy một trọng tội đối với triều đình và nghiêm trọng hơn nữa là mắc tội đời đời với hậu thế. 

Từ trước tới nay người ta không hiểu Tự Đức và mấy ông quan mê ngủ chậm tiến hùa nhau đổ tội cho hai ông Giản và ông Hiệp về tội gì? Tội bán nước cầu vinh? Tội tự ý dâng đất nước cho giặc ngoại xâm? Tội đầu hàng quân xâm luợc một cách vô điều kiện? Tội hèn nhát làm nhục quốc thể vì không dám lớn tiếng tuyên chiến với giặc Tây? Hay là lời kết tội của Tự Đức chỉ là một hình thức cả vú lấp miệng em để khỏi mang tiếng với hậu thế là một ông hoàng đế bất lực vô tài của dòng họ nhà Nguyễn Phúc? Không lẽ Tự Đức và cái triều đình co ro ở Huế không biết được một sự thật hàng cữu là kẻ thua trận không có quyền đòi hỏi hoặc đặt điều kiện với kẻ chiến thắng? 

"Rồi đưa xuống đình thần bàn xét", họ bàn xét cái gì? ĐNTLCB ghi vụ bàn xét nầy như sau: "Phúc tấu là: về khoản cắt đất bồi ngân, 2 viên ấy đã làm, phần nhiều chưa hợp. Nhưng điều ước mới định, nếu vội sửa đổi ngay, sợ họ còn tức khí, chưa chắc đã nghe ngay. Xin chuyên trách 2 viên ấy ở gần bàn tính châm chước dần dần để chuộc lỗi trước, hãy đợi khi sai sứ tới hỏi, nhân cơ mà châm chước nghĩ định. Nhưng lại cho là xếp đặt không giỏi. Xin bắt tội. Vua nói: bây giờ há có người hiền tài nào mà đổi hết được du? Bèn cho Thanh Giản lãnh tổng đốc Vĩnh Long, Duy Thiếp (Hiệp) lãnh tuần phủ Thuận - Khánh cùng với tướng nước Phú biện bác để chuộc tội ." (ĐTLCB đã dẫn, trang 305) 
"Phần nhiều chưa hợp" là sao? Thế nào mới gọi là hợp? Theo tiêu chuẩn hoặc định mức nào? "Sợ họ còn tức khí", "nhân cơ mà châm chước", "xếp đặt không giỏi", sử quán nhà Nguyễn chỉ cần ghi lại bấy nhiêu đó cũng đủ cho hậu thế thấy được hình ảnh của những vị đại quan tá quốc vô tích sự của triều đình nhà Nguyễn dưới quyền của một ông vua tối ngày thơ phú văn chương, phung phí tài sản nhân lực quốc gia, một tập đoàn phong kiến dốt nát về ngoại giao, đui mù về kinh tế, hèn yếu run sợ không có đãm lược khi phải đối phó trực diện với kẻ địch, không có một đường lối chính sách quốc phòng rõ rệt mà chỉ biết áp dụng phương cách thừa cơ, mưu mô xảo quyệt, kỳ kèo trả giá của hạn con buôn trục lợi. Quân đội thì chỉ biết áp dụng chiến thuật chưa đánh đã chạy cùng với chiến lược bỏ thành, bỏ đất, bỏ dân cho địch kiềm tỏa. Một ông hoàng đế như thế, với một bộ tham mưu như thế, với một quân đội như thế thì nhiều lắm cũng chỉ đối phó được với những nhóm nổi loạn đia phương hoặc hơn thêm một chút thì chỉ có thể phùng xòe ăn hiếp vài nước nhỏ láng giềng bán khai trên bán đảo Ấn Hoa chứ có thể nào mà đối đầu nổi với các thế lực quân sự hùng mạnh của thực dân Tây phương. Không phải đợi tới bây giờ triều đình đình nhà Nguyễn mới gọi là thua mà đã thua từ khi quân xâm lược Tây phương đánh phá và phong tỏa vụng biển Đà Nẵng từ tháng 7 âl năm Mậu Ngọ (1858) và dưới quyền cai trị của Tự Đức với đám hủ nho chậm tiến, bè phái, ngủ mê tại triều đình Huế, nước Đại Nam, dân tộc Đại Nam trước sau gì rồi cũng phải rơi vào ách thực dân thuộc địa của phương Tây. 

Có một điều nghịch lý là sau khi trút tội lên đầu lên cổ người khác và kèm theo đề nghị trừng phạt, các ông quân sư giỏi tài khua môi múa mép các truyện Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương, Chu, tối ngày chỉ biết co ro khúm núm cận kề bên cạnh Tự Đức thì lúc nầy lại co đầu rút cổ chẳng có ông nào dám hùng hổ tình nguyện đứng ra thế chỗ 2 ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Giả thử lúc đó Tự Đức cứ chém đầu ông Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Hiệp thì từ đó về sau sử quán triều Nguyễn sẽ phải ghi chép như thế nào? Không phải Tự Đức không biết rõ "tài năng hạng bét" của nhóm nho thần của mình nơi triều đình Huế, cho nên khi họ xin bắt tội ông Giản và ông Hiệp Tự Đức đã phải thốt lời rằng: "bây giờ há có người hiền tài nào mà đổi hết được du?". Khi thốt lời nầy, Tự Đức chấp nhận là khó có thể thay những đòi hỏi của quân xâm lược và chẳng có ai có đủ tài cán hơn hai ông Giản, Hiệp để đảm đương việc đôi co thương lượng với người Pháp. Tự Đức cũng dư biết trước rằng quân xâm lược sẽ không dừng chân sau khi đòi hỏi của họ đã được triều đình tuân hành và đất đay của nước Đại Nam sẽ còn tiếp tục rơi vào tay của họ mà nguy cơ trước hết là tỉnh Vĩnh Long và 3 tỉnh còn lại của miền Tây cho nên Tự Đức lại phải tiếp tục dùng con chốt thí Phan Thanh Giản để trút tội và vì thế ông Giản lại được giao phó lãnh tổng đốc Vĩnh Long. 

Cũng có nhóm đại thần hủ nho chủ trương đánh tới cùng nhưng họ chỉ đánh giặc miệng ngay tại triều đình Huế chứ chẳng biết được một chút gì tình thế bên ngoài và thời sự đang sôi sụt trong Nam Kỳ hạ. Đánh ư? Thì đã đánh rồi còn gì, nhưng mà đánh đâu thua đó, chưa đủ sao? Khi thanh nhàn phè phởn thì nấm giữ phẩm trật cao trọng đứng đầu triều chính như Trương Đăng Quế nhưng đến lúc nước nhà ngữa nghiêng thì lại vội vàng xin về dưỡng hưu để trốn tránh trách nhiệm. 

Một người khác thay thế ông Giản mà vẫn thất bại thì sao? Lại tìm một người khác thay thế và nếu vẫn thất bại- mà điều nầy là chắc chắn- thì rõ ràng không phải là tại người thương thuyết bất tài vô trách nhiệm và như vậy thì tội làm mất dân mất đất đâu còn ai để gánh chịu nếu không phải là Tự Đức và nhóm đại thần hùa nịnh ở Huế. Vậy thì tại sao lại phải cử người khác thay thế ông Giản. Nham hiểm độc ác là ở chỗ đó. 

Cứu dân, cứu nước, mới nghe qua thì thật là ái quốc thương nòi nhưng nếu xét cho thật kỹ thì sẽ thấy rằng sự nóng lòng của Tự Đức trước việc để mất đất đai ở Nam Kỳ hạ không phải được thúc đẫy bởi lòng yêu nước chân chính của một người lãnh đạo quốc gia nhưng vì ở vùng đất nầy có nhiều ràng buộc tình cảm lâu đời của tông tộc nhà Nguyễn Phúc. Do đó, có thể nói là bằng mọi giá, Tự Đức phải lấy lại cho bằng được những phần đất hiện đang bị quân xâm lược chiếm giữ kể cả phải hy sinh xương máu một cách vô ích binh sĩ của triều đình cũng như dùng chiêu bài ứng nghĩa để khích động dân chúng nổi dậy kháng chiến chống Pháp. 

*


"Về khoản cắt đất bồi ngân, hai viên ấy đã làm, phần nhiều chưa hợp . . .", đây là ý kiến của mấy ông quan đại thần tai to mặt lớn trong cơ quan Cơ Mật Viện mà thâm ý ác độc gán tội cho người khác đã hiện rõ ràng: Ai cắt đất bồi ngân? Cắt đất nào, ở đâu? Phải chăng là Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long? 

Xin thưa: các vùng lãnh thổ nầy có còn thuộc quyền kiểm soát của triều đình Huế nữa đâu để mà cắt với xén! Bồi ngân? Ai đã xin chuộc đất bằng tiền, ai ấn định khoản tiền chuộc và chi phí chiến tranh? Xin thưa: không phải là do hai ông Giản và ông Hiệp tự ý đứng ra làm việc đó và nếu hai ông ấy có ý muốn làm như thế thì cũng chẳng thể được vì hai ông chỉ là đại diện của một triều đình chiến bại đến cầu xin ân huệ của một kẻ xâm lăng thắng trận! Kẻ chiến thắng ra điều kiện, kẻ chiến bại không có quyền đặt điều kiện, đó là một sự thật phủ phàng đã có từ ngàn xưa! 

*


C/ - Nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862)

Nguyên văn bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) bằng tiếng Pháp như sau: 
Traité de paix et d' amitié conclu à Saigon, le 5 juin 1862, entre la France et l' Espagne, d' une part, et le Royaume d'Annam, d' autre part. 

Leurs Majestés Napoléon III, Empereur des Français, Isabelle II, Reine d' Espagne, et Tự Đức, Roi d' Annam, désirant vivement que l' accord le plus parfait règne désormais entre les trois nations de France, d' Espagne et d' Annam; voulant aussi que jamais l'amitié ni la paix ne soient rompues entre elles; à ces causes:

Nous, Louis-Adolphe Bonard, Contre Amiral, Commandant en chef le corps expéditionaire Franco-Espagnol en Cochinchine, Ministre Plénipotentière de S.M. l' Empereur des Français, commandeur des ordres impériaux de la Légion d' honneur et de Saint-Stanislas de Russie, commandeur de Saint-Grégoire-le-Grand de Rome, et chavalier de l' ordre royal de Charles III d' Espagne,

Don Carlos Palanca-Gutierres, colonel commandant général du corps expéditionaire Espagnol en Cochinchine, commandeur de l' ordre royal américain d' Isabelle la Catholique, et de l' ordre impérial de la Légion d' honneur, chevalier des ordres royaux et militaires de Saint-Ferdinand et Saint-Herménégilde, Ministre Plénipotentiare de S. M. Dona Isabelle II, Reine des Espagnes,

Et nous, Phan Thanh Giản, Vice-Grand-Censeur du royaume d'Annam, Ministre Président du Tribunal des Rites, Envoyé Plénipotentiaires de S. M. Tự Đức, assisté de Lâm-Duy-Hiệp, Ministre President du Tribunal de la Guerre, Envoyé Plénipotentiares de S. M. Tự Đức;

Tout munis de pleins et entiers pouvoirs pour traiter de la paix et agir selon notre conscience et volonté,nos sommes réunis, et, après avoir échangé nos lettres de créance, que nous avons trouvées en bonne et due forme, nous sommes convenus, d' un commun
accord, de chacun des articles qui suivent et qui composent le Traité de paix et d' amitié.
 

Article premier - Il y aura dorénavant paix perpétuelle entre l' Empereur des Français et la Reine d' Espagne d' une part, et le Roi d' Annam, de l' autre; l' amitié sera complète et égallement perpétuelle entre les sujets des trois nations, en quelque lieu qu' ils se trouvent. 

Art 2. - Les sujets des deux nations de France et d' Espagne pourront exercer le culte chrétien dans lr Royaume d' Annam, et les sujets de ce Royaume, san distinction, qui désirent ambrasser la réligion chrétienne, le pourront librement et san contrainte; mais on ne forcera pas à se faire chrétiens ceux qui n' en auront pas le désir. 

Art 3. - Les trois provinces complètes de Biên Hòa, de Gia Định et de Định Tường (Mỷ-Tho) ainsi que l' ile de Poulo-Condore, sont cédées entièrement par ce Traité en toute souveraineté à sa Majesté l' Empereur des Français. En outre, les commerçants Français pourront librement commercer et circuler sur des bâtiments quels qu' ils soient, dans le grand fleuve du Cambodge et dans tous les bras de ce fleuve; il en sera de de même pour les bâtiments de guerre Français envoyés en survoyance dans ce même fleuve ou dans ses affluents. 

Art 4. - La paix étant faite, si une nation étrangée voulait, soit en usant de provocation, soit par un Traité, se faire céder une partie du territoire d' Annam, le Roi d' Annam préviendra, par un Envoyé, l' Empereur des Français , afin de lui soumettre le cas qui se présente, en laissant à l' Empereur pleine liberté de venir en aide ou non au Royaume d' Annam; mais si, dans ledit Traité avec la nation étrangère, il est question de cession de territoire, cette cession ne porra être sanctionné qu' avec le consentement de l'Empereur des Français. 

Art 5. - Les sujets de l' Empire de France et du Royaume d'Espagne pourront librement commercer dans les trois ports de Tourane, Ba-Lác et Quảng-An. Les sujets Annamites pourront également librement commercer dans les ports de France ou d'Espagne,en se conformant toutefois à la règle des droits établis. 

Si un pays étranger fait du commerce avec le Royaume d'Annam, les sujets de ce pays étranger ne pourront pas jouir d'une protection plus grande que ceux de France ou d' Espagne, et si ce dit pays étranger obtient un avantage dans le Royaume d'Annam, ce ne pourra jamais être un avantage plus considérable que ceux accordés à la France ou à l' Espagne. 

Art 6. - La paix étant faite, s' il y a à traiter quelque affaire importante,les trois Souverains pourront envoyer des présentations pour traiter ces affaires dans une des trois capitales. Si, dans une affaire importante, l' un des trois Souverains désirait envoyer des félicitations aux autres, il pourra également envoyer un représentant. Le bâtiment de l' envoyé Français ou Espagnol mouillera dans le port de Tourane, et l' envoyé ira de là à Huế par terre, où il sera reçu par le Roi d' Annam. 

Art 7. - La paix étant faite, l' inimitié disparait entièrement; c'est pourqoi l' Empereur des Français accorde une amnestie générale aux sujets soit militaires, soit civils du Royaume d' Annam compromis dans la guerre, et leurs propriétés séquestrés leur seront rendues. Le Roi d' Annam accorde également une amnestie générale à ceux de ses sujets qui se sont soumis à l' autorité Française, et son amnestie s' étend sur eux et sur leurs familles. 

Art 8. - Le Roi d'Annam devra payer à titrte d' indemnité, dans un laps de dix ans, la somme de quatre millions de dollars. Quatre cent mille dollars seront, en conséquence, remis chaque année au représentant de l' Empereur des Français à Saigon. Cette somme est destinée à indemniser la France et l' Espagne de leurs dépenses de guerre. Les cent mille ligatures déjà payées seront déduites de cette somme. Le Royaume d' Annam n' ayant pas de dollars, le dollar sera représenté par une valeur de soxante et douze centième de taël. 

Art 9. - Si quelque brigand, pirate, ou fauteur de troubles, Annamite, comme quelque brigandage ou désordre sur le territoire Français, ou si quelque sujet européen, coupable de quelque délit, s' enfuit sur le territoire Annamite, aussitôt que l' autorité Française aura donné la connaissance du fait à l' autorité Annamite, celle ci devra faire ses efforts pour s' emparer du coupable afin de le livrer à l' autorité Française. Il en sera de même en ce qui concerne les brigands, pirates ou fauteurs de troubles, Annamites, qui, après s'êtrte rendus coupable de délits, s' enfuiraient sur le territoire Français. 

Art 10. - Les habitants des trois provinces de Vỉnh-Long, d' An Giang et de Hà-Tiên pourront librement commercer dans les trois provinces Françaises en se soumettant aux droits en vigueur; mais les convois de troupes, d' armes, de munitions ou de vivres entr les trois susdites provinces devront se faire exclusivement par mer. Cependant l' Empereur des Français permet à cet convois d'entrer dans le Cambodgepar la passe de Mỹ-Tho dite Cửa-Tiễu, à la condition toutefois que les autorités Annamites en préviendront à l'avance le présentant de l' Empereur, qui leur fera délivrer un laissez-passer. Si cette formalité était négligée et qu' un convoi entrât sans un permis, ledit convoi et le compose seront de bonne prise, et les objets saisis seront détruits. 

Art 11. - La citadelle de Vỉnh-Long sera gardée jusqu' à nouvel ordre par les troupes Françises, sans empêcher pourtant en aucune façon l' action des Mandarins Annamites. Cette citadelle sers redue au Roi d' Annam aussitôt qu' il aura mis fin à la rébelion qui existe aujourd'hui par ses ordres dans les provinces de Gia-Định et de Định-Tường, et lorsque les chefs de ces rebelionsseronts partis et le pays tranquille et soumis comme il convient à un pays en paix. 

Art 12. - Ce Traité étant conclu entre les trois nations, et les Ministres Plénipotentiares des dites trois nations l' ayant signé et revêtu de leurs sceaux, ils en rendront compte chacun à son Souverain, et, à partit d' aujourd'hui, jour de la signature, dans l' intervalle d' un an, les Trois Souverains ayant examiné et ratifié ledit Traité, l' echange des ratifications aur lieu dans la capitale du Royaume d' Annam. 

En foi de quoi, les Plénipotentiaires respectifs susnommés ont signé le présent Traité et y ont apposé leurs cachets. 

A Saigon, l' an 1862, le 5 Juin. 
Tự Đức, 15è année, 5è mois, 9è jour. 

Bonard Carlos Palanca-Guitierres 

(Cachets et signatures des Plénipotentiaires Annamites). 

(A. Shreiner; sách Abrégé de l' Histoire d' ANNAM; đã dẫn; trang 443, 444,445,446). 



Sau đây là nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862) do một tác giả Việt Nam là Lê Thanh Cảnh viết bằng chữ Pháp đăng trên tập chí Đô Thành Hiếu Cổ Tập San - BAVH vào năm 1937

Voici les douze clauses de ce traité : 
Sau đây là nội dung của định ước năm Nhâm Tuất (1862) do một tác giả Việt Nam là Lê Thanh Cảnh viết bằng chữ Pháp đăng trên tập chí Đô Thành Hiếu Cổ Tập San - BAVH vào năm 1937: 

Voici les douze clauses de ce traité : 

1) Ce traité inaugure une ère de concorde et d’amitié entre les trois pays: le grand Phú (la France), le Grand Y (l’Espagne) et le grand Empire du Sud Pacifié (l’Annam). 

2) Le libre exercice du culte catholique sera promulgué surtout le territoire annamite, sans contrainte, ni entrave. 

3) Les trois provinces orientales Biên-Hoà Gia-Định et Định Tường ainsi que l'Ile de Poulo-Condore, seront cédées à la France. En outre, aucune entrave ne sera faite aux bateaux de petit et de grand tonnage français qui, venant des mers, emprunteront les voies fluviales annamites pour aller commercer au Cambodge ; même liberté sera réservée aux canonnières et aux escadres françaises qui remonteront les cours d’eau d’Annam pour des explorations et des reconnaissances diverses. 

4) Après la signature du traité, si des conflits éclataient entre l’Annam et une autre puissance, et qu e celui-ci, vaincu, désirât céder à la puissance étrangère quelques points de son territoire, il devrait d’abord en référer à la France dont le consentement en ce cas seraitindispensable. Elle se conserve le droit d’opposer son veto, si elle considérait que ces éventualités de concessions pourraient porter préjudice à ses intérêts. 

5) Les commerçants français et espagnols qui iraient commercer dans les ports de Tourane, Bà-Lạt et Quảng-Yên devront jouir d’une sécurité et d’une liberté absolues. Ils paieront toutes les taxes afférentes à l’administration annamite. La même réciprocité sera faite aux commerçants annamites qui viendraient en France et en Espagne, à charge que ces derniers s’acquittent des taxes et impositions en vigueur dans ces deux pays. 
Au cas où des commerçants originaires d’une puissance autre que les deux puissances traitantes viendraient en Annam et que celui-ci leur accorde des tarifs et des traitements de faveur, ces dispositions devraient s’étendre également aux commerçants français et espagnols. 

6) En cas de nécessité et si une conférence entre les 3 nations s’imposait, chacun des pays signataires désignerait des représentants qui se réuniraient soit dans la Capitale de l’Annam, soit dans celle de France ou d’Espagne. En temps ordinaire des messages d’amitié et des relations cordiales ainsi que des visites de courtoisie pourront être échangés entre les nations amies. Chaque fois qu’un représentant français ou espagnol viendra en Annam, le navire qui le transportera, viendra relâcher à Tourane et le reste du trajet de Tourane à la Capitale se fera par voie de terre. 


7) Aucune animosité ne subsistera entre les trois pays alliés après la signature du traité. Les soldats et les sujets annamites qui ont été faits prisonniers par les armées françaises au cours des engagements seront remis en liberté. Les butins et les biens prélevés sur certains villages pendant la guerre seront retournés à leurs possesseurs légitimes. En retour, ceux des Annamites qui, d’une manière ou d’une autre, ont rendu des services à la cause française, seront graciés ainsi que leur famille. 
8) Une indemnité de 4 millions de piastres sera payée par l’Annam à la France et à l’Espagne. Elle sera payable en dix annuités, à raison de 400.000$ chacune, et sera versée entre les mains du représentant français à Gia-Định Un versement de 100.000$ en sapèques ayant été fait, les dix versements annuels seront grevés d’une réduction de 2%. 

9) Si des Annamites, après s’être affiliés avec les pirates pour venir ravager les territoires placés sous le mandat français, revenaient chercher refuge dans les provinces de l’Annam, et si des criminels de droit commun français ou européens venaient chercher asile en territoire annamite, le Gouvernement français pourrait, par la voie de son représentant en Annam, réclamer l’extradition desdits coupables pour les mettre à la disposition de la justice française. De même, si des prisonniers et des rebelles annamites allaient se cacher en France, les mandarins annamites pourraient s’entendre avec le représentant de la France à Gia-Dinh pour réclamer leur extradition afin de les confier au jugement des tribunaux annamites. 

10) Après la signature du traité, les originaires des trois provinces occidentales: Vĩnh-Long An-Giang, Hà-Tiên, pourront facultativement venir chercher à gagner leur vie sur les territoires gouvernés par la France Gia-Định, Định-Tường, Biên-Hoà). 

La seule condition exigée d’eux est de payer leurs impôts à l’administration française du lieu. Si, pour ses affaires personnelles, l’Annam désire faire passer transitoirement à travers les territoires d’occupation française : soldats, armes, munitions, il doit en demander l’autorisation préalable à l’administration française, laquelle autorisation est de rigueur, faute de quoi le Gouvernement français, chaque fois qu’il aura connaissance d’un de ces transits frauduleux et illicites, enverrait la force armée pour sévir contre. 

11) Les Français, bien qu’occupant actuellement Vĩnh-Long consentiront à rendre cette province au Gouvernement annamite et à ne pas s’immiscer dans les affaires indigènes dont ils laisseront le contrôle et l’administration aux autorités annamites, à condition que les résidants français qui se sont fixés à Vĩnh-Long jouissent d’une sécurité absolue. Il est demandé en outre que les mandarins envoyés par la Cour d’Annam avant et pendant les hostililés pour diriger les opérations militaires et préparer la revanche, et qui se tiennent actuellement cachés aux environs des provinces occupées, soient rappelés dans le plus bref délai, car la guerre est complètement terminée et leur présence sur les lieux ne peut qu’amener des conflits inévitables. Moyennant toutes ces conditions, la France fera le retour de Vĩnh-Long à l’Annam. 

12) Les grandes lignes de ces accords ainsi établies et fixées, les plénipotentiaires des trois pays traitant y apposeront leurs signatures et leurs sceaux respectifs. Elles seront soumises ensuite à la ratification des Souverains des nations intéressées. Ce traité sera considéré comme entrant en vigueur à compter du jour où les signatures et les cachets des représentants des trois pays y seront apposés. Dans le délai d’un an et après la ratification des souverains, des lettres de créance seront échangées dans la Capitale annamite pour servir et faire valoir ce que de droit. 

(Lê Thanh CảnhNotes pour Servir à l'Histoire de l'Établissement du Protectoral Français en Annam, trang 382, 383,384,385; Đô Thành Hiếu Cổ Tập San - BAVH - số 4 -tháng 10 - 12 năm 1937). 



v Định ước năm Nhâm Tuất (1862) do Sử quán triều Nguyễn ghi chép trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên 

<< Vua nói:" Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì? Rất là đau lòng. Hai viên nầy không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy! ". 

<< 12 khoản là: 

- Từ sau khi vua 2 nước Phú-lãng-sa và Y-pha-Nho với vua nước Đại Nam cùng dân của 3 nước, không kể người nào với địa phương nào, đều cùng đôn đốc hữu nghị, hòa hảo lâu dài. 

- Hai nước Phú và Y truyền đạo thiên chúa ở nước Đại Nam, ai muốn theo cũng cho, ai không theo cũng không bắt buộc. 

- Về 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và 1 xứ đảo Côn Lôn giao cho nước Phú quản hạt. Như người buôn bán của nước Phú chạy tàu, thuyền lớn nhỏ từ biển khơi đến các sông lớn, sông nhỏ đi sang các xứ nước Cao Miên buôn bán, đều được tùy tiện. Nếu tàu nhà binh của nước Phú do tự ngoài khơi ấy đi vào các sông xem xét cũng cho tùy tiện. 

- Từ sau khi nghị hòa, nếu có nước khác muốn đến nước Nam gây sự, hoặc muốn cắt đất giảng hòa, nên báo tin cho nước Phú tính bàn, tùy nghi cùng giúp đỡ. Về trong khoản giảng hòa với nước khác mà có sự cắt đất, nếu nước Phú bằng lòng làm thì làm, không bằng lòng thì bất tất làm. 

- Người buôn ở 2 nước Phú, Y đến buôn bán ở 3 cửa biển Đà-Nẵng, Ba-Lạt, Quảng-Yên, đều nên đây đó cùng yên, cho được tùy tiện, về thuế lệ của nước Nam phải chiểu lệ mà giao nộp. Nếu người buôn của nước Nam có muốn đi sang buôn bán ở 2 nước Phú, Y, cũng được đây đó cùng yên, đều cho tùy tiện, y theo thuế lệ của 2 nước ấy mà nộp. Nếu người nước khác đến buôn ở nước Nam, thì các quan nước Nam không được tư vị giúp đỡ hơn là 2 nước Phú, Y. Nếu có sự ích lợi buôn bán gì thi hành cho nước khác, thì cũng thi hành cho cả một loạt cho 2 nước Phú, Y. 

- Nếu có việc công khẩn yếu mà cần phải hội đồng bàn bạc để làm thì đều phái ra viên khâm sai đại thần, hoặc họp ở kinh đô nước Nam, hoặc họp ở kinh thành 2 nước [Phú và Y] để bàn mới được. Nếu không phải là nhân việc công mà 3 nước sai sứ đến hỏi thăm nhau cũng được. Nhưng tàu của 2 nước Phú, Y đến cửa biển Đà Nẵng thì cho tàu dừng đậu, viên khâm sứ phải do đường bộ tiến vào Kinh. 

- Sau khi đã hòa ước rồi, thì những điều thù oán cũ đều vất bỏ đi hết. Phàm quân dân người nào bị nước Phú bắt giam đều tha cho vệ Tài sản của trăm họ cũng đều trả lại cả. Những người nước Nam có đi làm việc cho người nước Phú nước Nam cũng nên đặc ân tha cho họ và không bắt tội đến thân thuộc họ. 

- Bồi lại số bạc chi phí về quân nhu cho 2 nước Phú, Y là 400 vạn đồng, chia trả làm 10 năm cho đủ, mỗi năm giao cho viên đại thần nước Phú đóng ở Gia Định 40 vạn đồng chứa giữ. Nay đã nhận được 10 vạn quan tiền kẽm, đợ sau giao bạc sẽ khấu trừ đi, mỗi đồng bạc nặng là 7 đồng cân 2 phân. 

- Nước Nam như có những giặc cướp, giặc biển, những kẻ làm loạn, quấy rối ở địa phương thuộc về nước Phú mà trốn về địa phương nước Nam, hay tù phạm giặc cướp của nước Phú trốn sang địa phương nước Nam, thì quan nước Phú lập tức tư cho quan địa phương nước Nam ở nơi tên can phạm ẩn trốn ấy bắt giải giao cho địa phương nước Phú tri tội. Nếu có bọn cướp giặc, bọn can phạm của nước Nam trốn ở địa phương thuộc về nước Phú, thì quan nước Nam cũng tư cho quan nước Phú biết, bắt bọn tội phạm ấy giao cho quan địa phương nước Nam trị tội. 

-Từ sau nghị hòa rồi, phàm nhân dân ở 3 tỉnh Vĩnh-Long, An-Giang, Hà-Tiên đi lại buôn bán ở địa phương thuộc về nước Phú, về thuế lệ của nước Phú đã theo lệ nộp rồi, thì đều được tùy tiện. Nếu nhân có việc công hoặc các việc quân lính, lương thực, súng đạn, khí giới mọi vật, muốn qua lại cửa biển Tiểu ở Định-Tường thuộc về đất của nước Phú, thì Phú-lãng-sa cũng chuẩn cho đi.- Nhưng tất phải trước 10 hôm quan nước Nam phải tư báo cho quan nước Phú biết trước để cấp phiếu cho đi. Nếu không báo trước, lại không có giấy chứng thực của quan nước Phú mà tự tiện đi lại riêng lén, quan nước Phu xét biết, nhất định đem thuyền ấy phá tan và quân lính đều bắt giữ trị tội. 

- Tỉnh Vĩnh-Long hiện đã về phần sở hữu của nước Phú, nay tạm làm nơi đóng quân. Nhưng quan quân nước Phú tuy đóng ở Vĩnh-Long, nhưng phàm việc nào thuộc về nước Nam, do quan nước Nam xử lý, thì quan binh nước Phú không chen vào kiêm làm, cùng là các việc cấm răn cũng vậy. Duy nước Nam hiện còn có các quan vâng mệnh dò thám riêng, để thừa cơ tiến đánh vẫn ẩn nấp ở 2 tỉnh Gia-Định, Định-Tường. Hiện nay đã cho nghĩ việc binh, lại lập hòa ước, thì nước Nam tất phải cho gọi những bọn quan viên ấy về, để cho nhân dân địa phương ấy đều được bình an, thì nước Phú lập tức đem tỉnh Vĩnh-Long giao trả về nước Nam cai quản. 

- Phàm sau khi chương trình hòa ước đã lập rồi, quan đại thần 3 nước ký tên đóng dấu tâu lên. Tính tự ngày ký tên đóng dấu là bắt đầu, hạn trong một năm thì vua 3 nước coi xem phê chuẩn, rồi giao cho nhau ở tại kinh thành nước Nam để lưu chiểu>>. (Đại Nam Thực Lục Chánh Biên - Quyển XXVI; bản dịch đã dẫn; trang 302, 303, 304,305). 





V/ Tại sao phải đưa ra 3 bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) khác nhau từ 3 nguồn thư tịch khác nhau?

Thực ra thì phải nói là có 5 bản định ước năm Nhâm Tuất (1862) mới hợp lý bởi vì ở đây còn thiếu 2 bản định ước chính gốc: một do chính quyền nước Pháp lưu giữ và một do chính quyền Đại Nam lưu giữ. Hai bản gốc nầy có thể được viết bằng 2 loại chữ viết Pháp-Hán và bản văn chữ Hán có thể đã được đưa vào ĐNTLCB. Cũng có thể là định ước nầy chỉ được viết bằng Pháp ngữ và 12 khoản kê ra trong ĐNTLCB chỉ là phần dịch thuật từ bản văn chữ Pháp hoặc là đã được viết lại trong ĐNTLCB theo lời báo cáo hay phúc trình của phái đoàn nghị ước Phan Thanh Giản - Lâm Duy Hiệp. 

Bản văn của tác giả Lê Thanh Cảnh kê khai 12 điều khoản của định ước năm Nhâm Tuất có thể đã phỏng theo những kê khai trong ĐNTLCB viết bằng chữ Hán để viết lại bằng chữ Pháp đăng lên tập chí Đô Thành Hiếu Cổ Tập San vào năm 1937. NQS dùng chữ Kê Khai bởi vì trong ĐNTLCB không có đánh số rõ ràng từ điều khoản số 1 đến điều khoản số 12 nhưng trong bản văn bằng chữ Pháp của tác giả người Việt Nam Lê Thanh Cảnh lại có đánh số từng điều khoản, từ số 1 đế số 12. Hoặc là tác giả Lê Thanh Cảnh đã dựa vào một bản định ước bằng chữ Hán mà trong đó có đánh số những điều khoản từ số 1 đến số 12? 

Vào thời điểm năm 1937 tức là vào lúc Lê Thanh Cảnh viết một loạt bài bằng tiếng Pháp đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San thì những người Pháp chính gốc và những người Việt Nam theo Tây học như Lê Thanh Cảnh nhất định là đã có thể đọc được bản định ước năm Nhâm Tuất với bản văn chữ Pháp đã có từ năm 1862 chứ không phải đợi cho đến khi có những bài viết bằng Pháp văn của tác giả Lê Thanh Cảnh thì họ mới biết được nội dung của 12 điều khoản trong định ước đó. 

Câu hỏi đặt ra: chắc gì những người Pháp hoặc những người Việt Nam như Lê Thanh Cảnh có thể tìm ra được bản gốc hay bản sao y chính bản định ước năm Nhâm Tuất? 

Xin thưa: bản sao của định ước năm Nhâm Tuất (1862) bằng chữ Pháp đã được tác giả Alfred Schreiner sao y trong sách Abrégée de l'Histoire d'Annam: sách nầy được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1906, nhà xuất bản Chez l' Auteur: 37, rue de Bankok, Saigon. Không lý một người ghi chép các sự kiện lịch sử như Lê Thanh Cảnh lại không biết có một bản sao y định ước đó để rồi lại đi làm một việc dư thừa hay sao! 

Câu hỏi lại đặt ra: chắc gì bản sao y định ước năm Nhâm Tuất (1862) trong sách của A.Schreiner là bản nguyên thủy bằng Pháp văn ? Điều nầy thì xin nhờ những đọc giả đang ở Pháp hoặc các đọc giả Việt Nam, ở khắp nơi trong và ngoài nước truy cứu thêm. 

Nhưng tại sao lại chỉ căn cứ vào bản sao y của A. Schreiner mà không dựa vào các thư tịch của những tác giả người Pháp khác, cùng một thời với Bonard, cũng có ghi chép về định ước năm Nhâm Tuất (1862) hoặc có viết về Phan Thanh Giản chẳng hạn như Paulin Vial, La Grandière, E. Luro., A.Dalvaux, Palanca Gutierrez, Aubaret . . .? Bởi vì những tác giả người Pháp, Y Pha Nho nầy đều có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp vào chiến cuộc giữa nước Đại Nam và đoàn quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho và do đó tính cách khách quan và trung thực trong khi họ viết lách có thể thiên vị hoặc bóp méo theo thói thường "Phủ bênh Phủ, Huyện bênh Huyện". Nhưng chắc gì A. Schreiner không thiên vị và khách quan? Đúng! Tuy nhiên bản sao định ước năm Nhâm Tuất (1862) do A.Schreiner sao chép lại thì có thể tạm tin được bởi vì chính một tác giả người Pháp khác H.Cossérat vào năm 1933 trong một bài viết đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San/Bulletin des Amis du Vieux Hué (viết tắt BAVH: Những Người Bạn Thân của Cố đô Huế) ) có tựa đề là La Citadelle de Huế- Cartographie có dẫn chiếu điều thứ 12 của bản định ước Nhâm Tuất (1862) và điều thứ 12 nầy trong bài viết của Cossérat cũng giống như điều 12 chép ra trong sách của A.Schreiner. 

(ĐTHCTS-BAVH-1933; trang 40; chú giải 2: "(2) C’est l’article 12 du traité qui imposait cette condition. 

Voici cet article :
Traité de paix conclu entre Sa Majesté l’Empereur des Français et le Roi d’Annam.
Art. 12.— Ce traité étant conclu entre les trois nations, et les ministres plénipotentiaires desdites trois nations l’ayant signé et revêtu de leurs sceaux, ils en rendront compte chacun à leur Souverain, et à partir d’aujourd’hui, jour de la signature, dans l’intervalle d’un an, les trois Souverains ayant examiné et ratifié ledit traité, l’échange des ratifications aura lieu dans la Capitale du Royaume d’Annam. En foi de quoi les Plénipotentiaires respectifs susnommés ont signé le présent traité et y ont apposé leurs cachets.

A Saigon, l’an mil huit cent soixante-deux, le 5 juin, Tu-Ðuc quinzième année, cinquième mois, neuvième jour.
Signé : Bonard, Carlos Palanca Guttierrez, Phan-Tanh-Gian et Lam-
Gien-Thiêp").


*Lưu ý: tên của 2 sứ thần Đại Nam được viết là Phan-Tanh-Gian và Lam-Gien-Thiep). 

Tất cả những nghi vấn nêu ra ở phần trên để cho thấy rằng: 

-Người ta không thể chỉ riêng căn cứ vào một nguồn thư tịch duy nhất nào để đánh giá hoặc suy diễn một sự kiện hay một nhân vật lịch sử thuộc một giai đoạn trong quá khứ nhất là nguồn thư tịch do chính quyền trong giai đoạn đó ấn hành. 

-Trong việc ký kết định ước năm Nhâm Tuất (1862), nếu định ước nầy chỉ được viết bằng Pháp ngữ thì liệu rằng đoàn sứ Phan Thanh Giản - Lâm Duy Hiệp có hiểu rõ nội dung của 12 điều khoản trước khi đặt bút ký tên và đóng dấu hay không? Phan Thanh Giản có bị lầm lẫn vì ngôn ngữ bất đồng hay không? 

-Nếu có một bản định ước bằng chữ Hán, có cùng một hình thức với bản văn chữ Pháp, nhưng phần nội dung thì những người phụ trách viết bản văn chữ Hán nầy có phản ảnh đúng ý nghĩa với nội dung của bản văn chữ Pháp không? Hay là đã xảy ra tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" qua trung gian của những thông ngôn và thông dịch viên bất đắc dĩ và không có khả năng. 

Cũng cần lưu ý rằng, để chuẩn bị cho việc giao dịch với liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho, vào tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1862), Tự Đức đã ra lệnh tuyển duyệt để trưng dụng những người am hiểu chữ Tây và tiếng Tây. Tỉnh thần Nghệ An và tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng đem một người tên là Nguyễn Trọng, (người gốc Nghệ An, nguyên theo sang Tây, nói rằng chữ nước ấy có 27 chữ cái, nhân đó gia thêm vào mới thành chữ khác), và Nguyễn Văn Thự (dân đi đạo bị giam tù ở Lạng Sơn) tâu lên. Vua sai đưa về bộ sát hạch (ĐTLCB; đã dẫn; q.XXVI; trang 281). Nếu chỉ căn cứ trên những khả năng như thế để tuyển chọn 2 người nầy làm thông ngôn và thông dịch cho một cuộc đàm phán quan trọng có ảnh hưởng đến việc sống còn của đất nước Đại Nam thì rõ ràng là Tự Đức và triều đình Huế đã làm một việc tắc trách đáng bị hậu thế phê phán. Phải chăng sử quán triều Nguyễn đã đưa ra hai người thông ngôn nầy để dọn đường đổ tội cho người khác làm mất đất đai của Đại Vương Quốc Việt Nam (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) chứ không phải là do lỗi của Tự Đức hay do lỗi của những đại thần thủ cựu chậm tiến trong Cơ Mật Viện ở Huế cận kề ngày đêm vây quanh Tự Đức để ngồi mát ăn bát vàng, chỉ biết đối phó với quân xâm lăng bằng miệng và lệnh truyền? Có một con vật tế thần trong vụ ký kết hoà ước năm Nhâm Tuất để che lắp khả năng yếu kém cai trị của Tự Đức về mặt đối ngoại cũng như để che đậy lòng yêu thương giả dối của Tự Đức đối với tổ quốc và nhân dân Đại Nam. Con vật tế thần đó là ông Phan Thanh Giản. 

III/ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỬA SAU CỦA TỰ ĐỨC VÀ TRIỀU ĐÌNH HUẾ


Sau khi đánh chiếm tỉnh thành Bà Rịa, Bonard đã cho khởi công xây cất một hải đăng tại Vũng Tàu vào ngày 25 tháng 3 d.l năm 1862 và khánh thành vào ngày 15 tháng 8 d.l năm 1862 trên một ngọn núi cao 147 mét và rọi ra ngoài biển với một tầm xa 33 hải lý. 

Cũng vào những tháng dương lịch đầu năm 1862, các trạm bưu điện và các đường dây điện thoại đã được người Pháp thiết đặt để nối liền Sài Gòn - Chợ Lớn rồi kế tiếp nối liền Sài Gòn - Chợ Lớn với Biên Hòa, Bà Rịa, Vũng Tàu. 

Đầu năm dương lịch 1863, đã có 9 trạm vô tuyến viễn thông và một mạng lưới đường dây điện thoại dài tổng cộng 300 cây số ngàn nối liền trung tâm bưu điện đặt trước dinh tạm của thống đốc Pháp với các nơi. Dinh tạm nầy Palais provisoire du gouverneur là một căn nhà rộng lớn được tạm thời cất bằng cây, sườn nóc nhà được đưa từ Singapor sang, nền nhà nằm trên thửa đất xây cất trường Tabert trên đường Nguyễn Du ngày nay, mặt tiền quay về hướng cột cờ Thủ Ngữ trên bờ sông Sài Gòn. 

Trung tâm bưu điện còn có nhiệm vụ báo hiệu giờ giấc hằng ngày cho dân chúng vùng Sài Gòn và do đó kể từ 1 tháng 8 d.l năm 1862, vào mỗi buổi trưa đúng Ngọ - 12 giờ trưa - tàu chiến Duperré trên sông Sài Gòn cho nổ một phát thuốc súng đại bác để báo hiệu. Lệ nổ súng nầy về sau được chính quyền Pháp ở Sài Gòn thay đổi cho nổ súng mỗi ngày 3 lần sáng, trưa, chiều và 2 khẩu đại pháo được đặt trên bờ sông Sài Gòn, cuối đường Hai Bà Trưng, gần bến phà Thủ Thiêm ngày nay, nòng súng quay về hướng Thủ Thiêm, đạn chỉ có thuốc nổ không có đầu đạn và do bộ tư lệnh hải quân của Pháp giữ nhiệm vụ bắn pháo hiệu nầy mỗi ngày. 

Bonard cũng ra lệnh cho xây rộng thêm các bệnh viện, các trại binh, trại sĩ quan, xây cất một nhà thờ (trong vuông rào của bệnh viện Đồn Đất - Hôpital Grall ngày nay) và một nhà in của chính quyền Pháp. Một đồ án chỉnh trang thành phố Sài Gòn cũng được Bonard giao cho đại tá công binh Coffyn thực hiện và thiết kế. Đồ án được làm xong vào ngày 13 tháng 5 dl năm 1862. Một đèn rọi biển (hải đăng) cũng được Bonard đề nghị đặt trên đảo Côn Sơn vì Bonard cho rằng Côn Sơn là đồn canh phòng vùng đất Gia Định của Nam Kỳ. Cuối tháng 3d.l năm 1862, một số 50 tù nhân hình sự được đưa ra giam nhốt trên đảo Côn Sơn và những đợt tiếp theo là các tù binh chiến tranh và những người kháng chiến chống Pháp, cũng được đưa ra giam nhốt chung trên đảo nầy. 

Chương trình giáo dục dạy Việt ngữ và Pháp ngữ cũng được Bonard khởi xướng. Một trường huấn luyện thông dịch viên cấp tốc ngắn hạn dành cho người Âu châu được thiết lập do giáo sĩ người Pháp tên là Croc làm hiệu trưởng và một giáo sĩ gia tô người địa phương tên là Thọ làm phó hiệu trưởng. Trường nầy không tạo được kết quả mong muốn bởi vì những học viên là thành phần trong quân đội Pháp và họ không muốn học Việt ngữ do đó những người thông dịch viên chính thức đầu tiên của Pháp là những người thông dịch viên Âu châu kém trình độ, không đủ khả năng thi hành chức vụ thông dịch. 

Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt thông ngôn và thông dịch, một sắc lệnh được người Pháp ban hành ngày 1 tháng 12 dl năm 1861 tổ chức cuộc thi tuyển một đội ngũ những người địa phương có học và những người thông ngôn: hai hạng người nầy chỉ cần có một số vốn tiếng La tinh thông dụng là được tuyển chọn. 

Trường học Pháp d' Adran được thành lập ngày 15 tháng 1 dl năm 1862, khởi đầu nhận 30 học sinh nam có tiền trợ cấp rồi tăng lên 70 học sinh. Trường học sinh nữ Sainte-Enfance thành lập ngày 30 tháng 1 dl năm 1862 và nhận 100 học sinh. Tất cả các học sinh nam, nữ của 2 trường là con em của những người đã hợp tác hoặc có công trạng với đội quân viễn chinh của Pháp và được đào tạo để trở thành những nhân viên có khả năng làm việc trong tương lai cho chính quyền xâm lược Pháp. 

Kể từ ngày 20 tháng 1 dl năm 1861, người Pháp đã cho phép đấu giá lập xưởng nấu thuốc á phiện (opium) với giá 91,000$ tiền Đại Nam ngang với 500,000 quan tiền Pháp, thu lợi hơn 2 triệu quan và tạo ra một tầng lớp đông đảo người địa phươnĐây là một chủ trương tệ lậu và độc hại nhất trong chính sách thuộc địa "khai phóng" mà kẻ xâm lược từ phương Tây đã đưa tới cho dân tộc Việt Nam kể từ khởi thủy cuộc xâm lăng chiếm đất của họ. Chính ngay cả người Pháp cũng phải nhận rằng đây là một tội ác về cả mặt kinh tế và xã hội : "Un autre vice, économique et social celui-là, fut consacré en ce temps nous avons nommé l'opium" tạm dịch: "một loại tội ác khác trên bình diện Kinh Tế và Xã hội đã được thánh hóa vào thời đó (tức là vào thời Bonard), chúng ta (tức người Pháp) đã công nhận á phiện" (A. Schreiner đã dẫn, trang 239-240). 

Ảnh hưởng độc hại của á phiện kéo dài suốt thời Pháp thuộc, tạo ra một tầng lớp xã hội đen bao gồm thành phần buôn lậu thuốc phiện và thành phần nghiện ngập chuyên lo hút sách cờ bạc ăn chơi làm băng hoại xã hội. Có rất nhiều người vì nghiện á phiện mà phải tán gia bại sản đi ăn mày ăn xin để lấy tiền đi vào tiệm hút! Giá buôn bán á phiện ngang ngửa với giá buôn bán vàng bạc kim cương. Thành phàn nghèo khó nghiện ngập không đủ tiền vào tiệm hút rất dễ sa ngã đi vào các con đường tội lỗi hình sự như trộm cấp, mãi dâm, giựt cướp. Trên đường phố Sài Gòn ngày xưa, trước ngày Pháp rời khỏi miền Nam một cách vĩnh viễn, trên các lòng lề đường xuất hiện một kiểu mua bán mới: mua bán vẻ rách lau chùi bàn đèn hút thuốc phiện. 

Thành phần tiêu dùng vẻ rách là những dân ghiền nghèo xơ nghèo xác không đủ tiền vào tiệm hút để lên mây về gió và vì thế khi bị cơn ghiền hành hạ, họ chỉ có đủ một ít tiền ra lề đường mua vẻ rách để gặm nhắm cho đỡ cơn đau đớn hành hạ. Loại vẻ rách nầy giống như mấy miếng vãi lau xe dính dầu nhớt bụi bặm lâu ngày không được giặt giũ do mấy chú Ba người Hoa chủ tiệm hút á phiện tung ra thị trường bán cho dân ghiền không đủ tiền hút sái nhứt, sái nhì (tức là thuốc phiện nguyên chất hạng nhất, hạng nhì). Vẻ rách cũng không phải rẻ bởi vì miến vẻ đó đã dược dùng để luồn vào óng điếu hút thuốc phiện để lau chùi nhựa khói lâu ngày khắng dính trong đó làm nghẹt ống hút. Nếu nhựa dính dầy quá đã thành nhựa dẻo thì phải nạo nhựa ra rồi viên lại thành viên nhỏ như hạt tiêu sọ để bán sái nhì rồi sau đó mới luồn vải để lau cho sạch ống điếu và miếng vải nầy được dùng để lau tới lau lui cho đến khi nó ra màu nâu đậm thì đem ra bán cho dân nghèo nghiện hút trên các lề đường. Miếng vải lau nhựa khói thuốc á phiện được người bán xếp gói cất rất cẩn thận để khỏi bay hết mùi . Khi có dân ghiền tới hỏi mua thì mới mở gói ra lấy miếng vải rồi cắt một miếng nhỏ hình chữ nhựt khoảng 6mm x 3mm giao cho người mua. Nơi bán có sẵn bình trà nóng miễn phí, người mua rót nước trà nóng vào tách rồi bỏ miếng vải nhỏ vào, đợi chừng một phút cho chất nhựa khói màu nâu từ miếng vải hòa tan vào nước rồi mới bưng lên uống từng ngụm nhỏ thật chậm, mắt lim dim, người đờ đẫn như đang sai thuốc. Khi tách nước ghiền đã cạn, miếng vải nhỏ lại được người ghiền đưa vào miệng nhay ngấu nghiến để chắc mót cho hết chất nhựa còn sót lại trong miếng vải nhỏ. Có những dân ghiền còn nhỏ tuổi táo bạo hơn thì dùng một cái muỗm lớn để nấu miếng vải nhựa trên một cây đèn cầy rồi hút vào ống tiêm thuốc, tự mình mằn mò tìm gân máu trên tay, trên chân mình để chích. Thảm nạn chết chóc vì chích nhựa khói á phiện được báo chí hồi đó đăng tải thường xuyên. 

*


Vào tháng 7 và tháng 8 dl năm 1861, chính quyền xâm lược Pháp cho mở các sòng đánh bạc. Tháng 4 và tháng 7 dl 1862 người Pháp cho phép mở hảng nấu cất rượu mùi. Nhưng sau đó cho phép đóng thuế môn bài để tư nhân tự do nấu cất rượu khiến tình trạng rượu lậu thuế lan tràn khắp nơi. 

Tháng 3 dl năm 1861, Charner ra lệnh thành lập 4 trung đội lính tập người địa phương. Tháng 2 dl năm 1862, Bonard nâng số lính tập dịa phương lên đến 3 tiểu đoàn, để phối trí cho các tỉnh do quân Pháp chiếm đóng, mỗi tỉnh một tiểu đoàn. Các tiểu đoàn lính tập nầy cũng có nhiệm vụ giống như các đơn vị binh lính chính quy của đoàn quân xâm lược Pháp. Đội kỵ binh Nam Kỳ được thành lập ngày 7 tháng 2 dl năm 1862. Đội binh tình nguyện (partisans) được thành lập ngày 19 tháng 2 dl năm 1862. 

*


Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15 tháng 7 âl (1862), một giám mục đạo gia tô của nước Y Pha Nho tên là Lặc Đức cùng với 3 giáo sĩ khác xin triều đình được tự do truyền giáo từ Hà Tĩnh, Nghệ An vào Nam vì họ có giấy phép của Bonard cấp. Triều đình không cho phép vì hòa ước chưa được hai bên triều đình Pháp và triều đình Đại Nam phê chuẩn. 

Lợi dụng thời gian hòa ước chưa được phê chuẩn, triều đình bàn định cử thủy sư đô đốc Võ Phẩm làm khâm sai chính sứ, Trần đình Túc làm chức phó sứ, Đỗ Hệ, Hồ Quang làm làm bồi sứ sang gặp vua nước Pháp để biện bạch về việc Bonard bắt ép Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp nhượng đất nhưng việc ấy rồi bỏ lơ. (VSTKCGKL; V; trang 1485) 

*


Lý do của việc bỏ lơ nầy sử sách của triều Nguyễn không nói rõ. Phải chăng triều đình Huế không phải chỉ có bàn định mà thực ra đã cử người thay thế hai ông Giản và ông Hiệp trong việc kỳ kèo ngoại giao với người Pháp nhưng người Pháp ở Sài Gòn không chấp nhận nói chuyện với những ông sứ thần mới của Tự Đức gởi vào Sài Gòn và để khỏi xấu hổ với hậu thế chính sử nhà Nguyễn phải cong queo viết rằng việc ấy rồi bỏ lơ đi? 

Trên thực tế, nếu quả thực sứ đoàn mới của Tự Đức được đề cử nhằm mục đích sang gặp hoàng đế Napoléon III của nước Pháp để thưa gởi, khiếu nại về việc Bonard bắt ép 2 ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp nhượng đất thì lại càng chứng tỏ cho thấy tính cách ấu trĩ, dốt nát bộc phát, lúng túng trong chính sách đối ngoại của đám triều thần tung hê ở Huế kể cả ông hoàng đế Tự Đức sáng chói thi văn tao đàn và đầy đạo đức Khổng, Mạnh: qua mặt Bonard bằng cách tự động dùng mấy chiếc tàu ọp ẹp từ thời Gia Long để chở đoàn sứ Đại Nam lần mò vượt đại dương sang Pháp? Cách nầy thì vượt quá khả năng của chính quyền Tự Đức vào lúc đó. Hay là chỉ còn một cách là cứ gởi đoàn sứ vào Sài Gòn nói thẳng với Bonard rằng ông ta phải cung cấp tàu biển và thủy thủ chở đoàn sứ Đại Nam sang Pháp gặp thượng cấp của ông ta là hoàng đế Napoléon III để tố cáo về những việc làm sai quấy của ông ta trên đất nước Đại Nam? Hỏi như thế tức là đã trả lời và kiểu cách ghi chép của sử sách nhà Nguyễn "nhưng việc ấy rồi bỏ lơ " là một sự luồn lách lường gạt, khinh thường hậu thế! 

*


Từ khi hòa ước được hai bên ký kết, Tự Đức truyền lệnh cho kháng chiến cùng với quan binh ở Nam Kỳ nghỉ binh và đòi Trương Định về Phú Yên. Kháng chiến quân ở 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa không chịu cầu hòa với quân Pháp, tôn Trương Định làm Đại đầu mục để cầm đầu quân kháng chiến tiếp tục đánh. Triều đình phải cử Phan Thanh Giản đi hiểu dụ, Trương Định vẫn không chịu về Phú Yên, vì vậy bị triều đình cách chức hàm. 

Nguyễn Tri Phương từ Bình Thuận theo lệnh của Tự Đức về chầu triều và được Tự Đức hỏi ý kiến về cách làm việc của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Nguyễn Tri Phương nhận định như sau: 

-Thanh Giản và Duy Hiệp phải làm theo lệnh vua nhưng lòng người dân ở Nam Kỳ không chịu khuất phục quân Pháp cho nên vẫn tiếp tục chiến đấu, không theo lệnh ngừng chiến của nhà vua và ngay cả cá nhân của Nguyễn Tri Phương cũng không đủ sức dập tắt. 

-Theo ý Giản và Hiệp thì sau khi việc nghị hòa được 2 bên phê chuẩn thì đất nước sẽ lại được phú cường như trước nhưng theo ý của Nguyễn Tri Phương thì không thể trông mong vào kết quả của hòa ước vì đến lúc đó tài lực nhân lực của đất nước đã bị tiêu hao mất rồi thì làm sao mà giàu mạnh được? 

-Nguyễn Tri Phương cho rằng những ý kiến của mình không phù hợp với ý kiến của Thanh Giản và Duy Hiệp cho nên không thể nói ra cho họ biết mặc dù Nguyễn Tri Phương vẫn luôn luôn để tâm lo âu làm sao cho nên việc nước mà thôi. 

Trong khi chờ đợi kết quả công tác thương lượng của Phan Thanh Giản trong Nam Kỳ, Tự Đức chỉ thị Nguyễn Tri Phương cùng với Đoàn Thọ và Trần Tiễn Thành cùng nhau hợp bàn, chuẩn bị để phối hợp cùng với Phan Thanh Giản tìm những phương cách phù hợp với tình thế mà đối phó. 

Tháng 8 âl, Tự Đức 15 (1862), người Pháp khởi công xây cất nhà sứ của họ trên bờ hữu ngạn sông Hương. (Lê Thanh Cảnh, bài viết trong ĐTHCTS-BAVH đã dẫn, trang 389). 

Tháng 8 âl nhuận (1862), tỉnh Tuyên Quang có hơn 10,000 giặc thổ phỉ do 2 đầu đảng tên là Huân (Uẩn) và Nông Hùng Thạch chỉ huy quấy phá: bố chánh Nguyễn Tất Tố và án sát Nguyễn văn Tố nộp thành cho giặc rồi bỏ chạy trốn sau đó cả hai đều bị quan binh triều đình xử tội chết, dựng bia nơi mã để là gương. Tỉnh Cao Bằng thì có thổ phỉ người hoa Lý Hợp Thắng vây đánh; tỉnh Bắc Ninh thì có cai tổng Vàng cướp phá khiến cho triều đình phải lo ngại. Tự Đức và đình thần mật bàn chọn người bổ nhiệm làm tướng ở quân thứ Tây Bắc. Đình thần đề cử Nguyễn Tri Phương, Trương Đăng Quế đề cử Trần Tiễn Thành. Khi được hỏi ý kiến, Nguyễn Tri Phương và Trần Tiễn Thành đều thoái thác không nhận với lý do là không biết được được lòng dân và tình thế ở Bắc Kỳ. Tự Đức quyết định cử Nguyễn Tri Phương sung làm Tây Bắc tổng thống quân vụ đại thần, Phan Đình Tuyển giữ chức Tán lý, Tôn Thất Tuệ sung làm Đề đốc, Phạm Hán và Hoàng Mân giữ chức Đốc binh quân thứ Tây Bắc (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang) 

Tháng 8 âl nhuận, Tự Đức 15 (1862), một đầu mục kháng chiến ở An Giang là tú tài Trịnh Quang Nghi đã bắt giết 44 tín đồ theo đạo Gia tô vì họ không chịu chối bỏ đạo. Phan Thanh Giản tấu trình xin bắt tội Quang Nghi nhưng Tự Đức không nghe theo lời tấu của Phan Thanh Giản. 

Phan Thanh Giản lại đề nghị cách chức Tri huyện của một đầu mục kháng chiến khác ở Vĩnh Long là cử nhân Đoàn Tiến Thiện vì thấy rằng Thiện kháng chiến chỉ để được hưởng lương tiền của triều đình. Tự Đức cũng không nghe theo đề nghị của Phan Thanh Giản. 

Ngày trước nước Xa Lý Ti (nay thuộc đất Vân Nam của Trung Quốc) đánh nhau với nước Nam Chưởng. Quốc trưởng nước ấy là Thiệu Bằng Xà chạy đem theo hơn 100 dân đinh sang xin trú ngụ ở Điện Biên (thuộc tỉnh Hưng Hóa của Đại Nam). Sau khi thôi đánh nhau, dân chúng nước ấy xin rước Xà về. Tự Đức lệnh cho tỉnh thần nên vỗ yên mà cho về. 

Trước đây, quân Xiêm yểm trợ đưa Norodom đệ I về làm vua nước Cao Miên rồi đặt quan cai trị người Xiêm ở U đông để bảo hộ nước nầy. Sau khi hòa ước năm Nhâm Tuất (1862), được ký kết, vào khoảng tháng 9 d.l năm 1862 Bonard đã sang U đông gặp chính quyền bảo hộ người Xiêm cùng với vua Norodom. Người Xiêm thì muốn liên kết với Pháp để chống lại Đại Nam, vua Norodom thì muốn dựa vào Pháp để thoát ảnh hưởng của Xiêm và ảnh hưởng của Đại Nam vì thế Bonard được tiếp đón trọng thể nhưng chưa có một sự ký kết nào giữa Bonard và các chức quyền của Cao Miên. 

Ở mặt Hải Dương và Quảng Yên, Trương Quốc Dụng và Đào Trí hành quân giải vây thành Hải Dương 

Tháng 9 âl, Tự Đức 15 (1862), chấp thuận cho Trương Đăng Quế thôi coi việc bộ Binh. 

Bonard thông báo cho triều đình được biết là hoàng đế nước Pháp cũng như nữ hoàng Y Pha Nho đã ký chuẩn phê hòa ước năm Nhâm Tuất và hẹn đến tháng 11 sẽ sai sứ giả đến kinh đô Huế để 2 phía trao đổi cho nhau. Triều đình lại lấy cớ rằng người Pháp không thi hành đúng thời hạn một năm thủ tục phê chuẩn cho nên lại sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn bàn thảo thêm, yêu cầu người Pháp kéo dài thời hạn phê chuẩn đồng thời tìm cách sửa đổi điều khoản nhượng đất. Pháp không chịu dời thời hạn vì họ cho rằng "lời lẽ hạn trong một năm được ghi trong hòa ước không nhất thiết là phải đầy đủ một năm. Còn nghi lễ tiến lui triều yết, thì đợi gần đến kỳ sẽ nghĩ định trả lời sau". (ĐNTLCB, quyển XXVII đã dẫn, trang 344). 

Tháng 10 âl, Tự Đức 15 (1862), Tạ Quang Cự mất, tuổi hơn 90, được truy tặng hàm Thái bảo, cho tên thụy là Trung Khắc. 

Người Pháp dụ Trương Định ngưng chiến quy hàng nhưng Định không thuận. Phan Thanh Giản lại xin Tự Đức ban sắc chỉ để dụ Định. Tự Đức cho rằng phong trào kháng chiến tiếp tục của Trương Định có lợi cho mưu tính lấy lại đất cho triều đình vì thế không nghe theo lời xin của Phan Thanh Giản. 

*


"Le 12 Décembre (1862) une dépêche de Huế datée de 2 Novembre 1862 (khoảng tháng 10 âm lịch) permit enfin de voir clair dans la politique annamite. Cette dépêche avait été apportée par un mandarin du rang inférieur, qui repartit précipitement sans attendre la réponse. La cour demandait la restitution des trois provinces." (A. Schreiner đã dẫn, trang 249). 

tạm dịch: 

"Ngày 12 tháng 12 một khẩn thư của triều đình Huế đề ngày 12 tháng 11 năm 1862 giúp cho thấy rõ chính sách của phía người An Nam. Lá khẩn thư nầy do một quan lại cấp thấp mang đi và trở về (Huế) một cách hộc tốc mà không cần chờ có thư hồi đáp. Triều đình yêu cầu hồi phục 3 tỉnh". 

Theo như lời lẽ của tác giả A. Schreiner thì lá thư khẩn cấp nầy do một viên quan cấp nhỏ của triều đình Huế chạy tờ mang đi để trao tận tay cho người nhận. Vậy người nhận là Phan Thanh Giản? Là Trương Định? Hay phía người Pháp? 

A.Schreiner không cho biết lá khẩn thư đó trao cho ai nhưng nhờ đâu mà A. Schreiner biết được nội dung của lá thư là yêu cầu hồi phục 3 tỉnh đã mất vào tay người khác. Tác giả dùng chữ demandait có nghĩa là yêu cầu. Nhất định là Tự Đức không yêu cầu Phan Thanh Giản mà chỉ cần ra lệnh. 

Trong lúc nầy thì Trương định "cứng đầu" thề không đội trời chung với quân xâm lược Pháp cho nên, không nghe lệnh của triều đình Huế, muốn đơn phương chống Pháp cho nên dù Phan Thanh Giản thay mặt triều đình có yêu cầu Trương Định ngừng bắn thì Trương Định vẫn xem thường lời yêu cầu của ông Giản khiến ông Giản phải cầu cứu sự can thiệp của Tự Đức. 

Thái độ lưng chừng của Tự Đức là vừa thương lượng vừa đánh, vừa nhờ tay người khác đánh : thứ nhứt là vì quan binh triều đình chỉ biết rút lui chứ không đủ khả năng đối đầu với quân xâm lược; thứ hai là để Tự Đức phủi tay không chịu trách nhiệm nếu đối phương đỗ tội hiếu chiến cho triều đình Huế cố tình phá vỡ cuộc đàm phán vãng hồi hòa bình bằng cách sẽ đối chất rằng: không phải quân chính quy của triều đình tiếp tục gây rối nhưng chính là do nhân dân nổi lên chống quân xâm lược mà điển hình là đoàn dân quân kháng chiến của Trương Định. 

Triều đình Huế muốn che mắt người Pháp bởi vì Tự Đức không những đã ngầm say người đến phong chức cho Trương Định để lấy lòng mà cũng âm thầm yểm trợ thêm quân binh của triều đình cho ông Định đánh phá các đồn lũy của quân xâm lược trong khi ngoài mặt vẫn khiến say ông Giản thương thuyết để tỏ rõ thiện chí hòa bình của Tự Đức và triều đình Huế - một thiện chí giả tạo và gượng ép. Vì thế, khi được tấu thư của ông Giản xin Tự Đức và triều đình ra lệnh cho ông Trương Định ngưng bắn, Tự Đức đã không nghe theo mà còn tỏ thái độ bực bội với ông Giản. Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên ghi như sau:" Phan Thanh Giản hằng dụ Trương Định, Định thề không cùng giặc Tây dương cùng sống. Binh dân ứng nghĩa ở 6 tỉnh thuộc vào trong bộ ngũ của trương Định đều cùng cầm cự chống lại giặc Tây dương. Tướng nước Phú chiêu dụ Định, Định không chịu khuất, Thanh Giản lại xin xuống sắc để dụ Định. Vua bảo các thị thần rằng: lòng người như thế, cũng là một sự giúp cho cuộc mưu tính lấy lại, há lẽ nào cứ răn dụ lặt vặt mãi." (ĐNTLCB; đã dẫn, trang 345-346). 

Rõ ràng là Tự Đức trông mong rất nhiều về lực lượng kháng chiến của ông Trương Định và có thể Tự Đức thay vì nghe theo lời yêu cầu của ông Giản để ra lệnh cho ông Định ngưng bắn thì lại cho người mang thư khẩn cấp vào trao thẳng cho ông Định để yêu cầu ông Định cứ tiếp tục chiến đấu. Có thể ông Giản không hay biết gì về lá khẩn thư nầy của Tự Đức gởi cho Trương Định. Lá thư khẩn nầy có hiệu lực như một hiệu lệnh nổi dậy tấn công đồng loạt, cho nên chỉ 4 ngày sau khi lá thư khẩn tới tay Trương Định ngày 12/12/1862 thì kể từ ngày 17/12/1862 các lực lượng kháng chiến của Trương Định đã nổi lên tấn công liên tục liên quân xâm lược khiến cho Phó Đề Đốc Bonard phải xin thêm viện quân. Ngày 11 tháng 2 năm 1863, Bonard treo giải thưởng cho bất cứ ai chém được và nọp đầu các thủ lãnh kháng chiến quân. Ngày 25 tháng 2 năm 1863, Bonard bao vây và càn quét kháng chiến quân khắp nơi nhưng Trương Định trốn thoát. (A. Schreiner; đã dẫn; trang 249-250). 

Nghi vấn còn lại ở đây là tại sao A.Schreiner đã dựa vào đâu để nêu ra bức khẩn thư đề ngày 2 tháng 11 dl năm 1862 của Tự Đức và triều đình Huế gởi cho Trương Định và viên quan "vô danh" có nhiệm vụ trao lá khẩn thư cho Trương Định là ai mà đi, về có vẽ hấp tấp bí mật? Đây là 2 nghi vấn xin để lại cho người sau truy xét. 

Sau khi các tổ kháng chiến ở các tỉnh Mỹ Tho, Biên Hòa, Bà Rịa, Vĩnh Long bị quân Pháp bình định, kháng chiến quân Nam Kỳ tập trung lực lượng về Gò Công và tạo nơi đây thành một căn cứ kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược Pháp. 

Quyết tâm tiêu diệt các tổ kháng chiến do Trương Định cầm đầu, Bonard xin chính phủ Pháp tăng viện 2 tiểu đoàn thủy bộ binh (A.Schreiner, sách đã dẫn, trang 249). 

Ngày 17 tháng 12 dl (1862), quân kháng chiến của Trương Định bất thần tấn công đồn Rạch Tra nhưng bị quân Pháp đồn trú đẩy lui. Phía Pháp có một sĩ quan đại úy và một binh sĩ tử trận. Cùng ngày, quân kháng chiến do Nguyễn Trung Trực chỉ huy cũng tấn kích vào Bến Lức. 

Ngày 18 tháng 12 dl (1862), 1,200 quân kháng chiến tấn công đồn kinh Thuộc Nhiêu nằm trong khoảng đường từ đồn Cai Lậy đi xuống Mỹ Tho. Đồn nầy do đại úy Taboulé và 50 binh sĩ Pháp đóng giữ. Theo tác giả A.Schreiner thì trong trận nầy quân kháng chiến quyết đánh chiếm đồn Thuộc Nhiêu nhưng thất bại và để lại quanh đồn hơn 200 xác chết (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 250). 

Các cuộc tấn công đồng loạt của kháng chiến quân tiến gần sát đến vòng đai Sài Gòn, tấn công đồn Nam (đồn Thảo Câu ở Tân Thuận) nhưng bị quân đánh thuê cho Pháp do cai tổng Thế chỉ huy chận đánh ở Rạch Bàn. Tất cả những cuộc nổi dậy tấn công đồng loạt của kháng chiến quân lần nầy quy mô và táo bạo hơn những chiến dịch tấn công từ trước tới nay và mặc dù quân kháng chiến bị thiệt hại về nhân mạng khá lớn nhưng cũng gây bối rối và lo ngại cho quân xâm lược Pháp. Bonard đã phải xin thêm viện binh từ các căn cứ hải quân Pháp đóng ở Trung Quốc và ở Phi Luật Tân. Phó thủy sư đề đốc Jaurès đáp ứng ngay yêu cầu của Bonard bằng cách điều động từ căn cứ hải quân ở Thượng Hải một số pháo thủ của tiểu đoàn lính người Algérie, một tiểu đoàn khinh binh người Bắc Phi. Số quân tăng viện nầy do hai tàu chiến Sémiramis và La Renommée chuyên chở, ghé ngang qua Phi Luật Tân lấy thêm 800 lính thuộc trung đoàn 5 binh do trung tá Moscoso người Tây Ban Nha chỉ huy. 

Ngày 7 tháng 1 dl năm 1863, Pháp bắt đầu đặt những cơ sở cho một nền hành chánh dân sự trong các vùng đất chiếm đóng bằng cách lập ra đội ngũ thanh tra đặc trách các vấn đề của người dân bản xứ (dân chúng của Đại Nam). Thành phần nhân sự đội ngũ nầy là những viên chức cũ hiện đang nắm giữ nhiệm vụ hành chánh cai trị và được phân chia thành 3 hạng ngạch. 

Để đáp ứng với sự gia tăng về các dịch vụ bưu chính trong lãnh vực thương mãi và trong dân chúng, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã ký sắc luật thành lập Sở Bưu Chính Sài Gòn vào ngày 13 tháng 1 dl năm 1863. 

Sau khi được tăng viện, ngày 7 tháng 2 dl năm 1863, Bonard thông cáo lời kêu gọi kháng chiến quân ngưng chiến. Ngày 11 tháng 2 dl năm quân Pháp treo giá ban thưởng cho bất cứ ai giết được các đầu lãnh kháng chiến quân. 

Ngày 16 tháng 2 dl / 1863, Bonard đích thân xuống Gò Công phối trí các lực lượng quân sự của Pháp để chuẩn bị chiến dịch bình định truy kích quân kháng chiến. 

Ngày 25 tháng 2 dl 1863, từ soái hạm Ondine, Bonard ban lệnh cho quân Pháp ở Gò Công bắt đầu chiến dịch bình định, tấn công vào làng Đông Sơn và các ổ kháng chiến ở Vĩnh Lợi. Hai chiến hạm của phó đề đốc Jaurès áng ngữ các cửa sông. Đa số kháng chiến quân đều thoát khỏi được cuộc bao vây của quân Pháp kể cả đầu lãnh Trương Định. Trong chiến dịch càn quét nầy của quân Pháp-Tây Ban Nha, tiểu đoàn lính tập bản xứ đã được người Pháp đánh giá là rất hăng sai, trung thành, gan dạ, thiện chiến để rồi sau đó được phó đề đốc De la Grandière ban thưởng một lá cờ có mang những dòng chữ Hán và chữ Pháp: Xứ Nam Kỳ thuộc Pháp, tiểu đoàn bản xứ số 1, Chí Hòa, Mỹ Tho, Bà Rịa, Phước Lộc, Gò Công. 

Sau khi tái chiếm Gò Công, quân Pháp liền tiến hành ngay những việc sau đây: 

1/- xử phạt án tử hình các cấp chỉ huy kháng chiến bị bắt, tịch thu tài sản của họ. 
2/- truy thâu toàn thể mức thuế ấn định trong năm 1862 cho tỉnh Gò Công. 
3/- kiểm tra tất cả các loại vũ khí. 
4/- Phá hủy các công sự chiến đấu của kháng chiến, bắt dân chúng làm xâu đắp sửa cầu đường. 
5/- Bắt các người Hoa ở Gò Công phải đóng góp chiến phí. 

Quý Hợi, Tự Đức 16, tháng 1 âl (1863), triều đình cử tướng lãnh ra Bắc kỳ để bình định các vùng ven biển phía Đông Bắc. 

Tháng 2 âl, Tự Đức 16 (1863), phó đề đố Bonard đại diện cho nước Pháp và đại tá Balanca đại diện cho nước Y Pha Nho ra thủ đô Huế để tiến hành nghi lễ trao đổi hiệp ước Nhâm Tuất đã được hoàng đế nước Pháp và hoàng đế nước Đại Nam ký phê chuẩn. 

Tháng 2 âl, Tự Đức 16 (1863), những quan đại thần sau đây được Tự Đức chỉ định vào ủy ban tổ chức đón tiếp đoàn sứ Pháp-Tây Ban Nha: 

-Trần Tiễn Thành, Binh bộ thượng thư; 
-Đoàn Thọ, Phủ sự trung quân; 
-Phan Thanh Giản; 
-Lâm Duy Hiệp; 
-Phạm Phú Thứ; 
-Nguyễn Quang Quyền, quyền chưởng doanh Long võ; 
-Đặng Hạnh, chưởng doanh Kỳ võ; 
-Phạm Đức Ý, biện lý bộ Công; 
-Lê Tuấn, biện lý bộ Hình. 

Ngày 16 tháng 4 d.l năm 1863, Tự Đức tiếp kiến các sứ thần ở điện Thái Hoà. Các sứ thần trao ủy nhiệm thơ và quà tặng ngoại giao của hoàng đế Pháp và nữ hoàng Tây Ban Nha và tiến hành nghi thức trao văn kiện hoà ước năm Nhâm Tuất đã được hoàng đế và hoàng hậu của họ chuẩn phê. Sau đó, triều đình lại đưa quốc thư với bản hoà ước đã được chuẩn phê đến nhà sứ quán đúng như nghi thức để trao cho các sứ thần Pháp-Tây Ban Nha tiếp nhận. 

Năm Quý Hợi, tháng 3 âl, Tự Đức thứ 16 (1863), Binh bộ thượng thư lãnh tuần phủ Thuận Khánh Lâm Duy Hiệp mất. Bộ Lại tâu lên. Tự Đức nói: <<Duy Hiệp chưa hay lập công chuộc tội, nhưng nghĩ đến người bầy tôi cũ, gia cấp cho hạng lụa màu và tiền, còn xử theo tội gì sau sẽ bàn định.>> 

Ngày 18 tháng 4 d.l năm 1863 đoàn sứ Pháp được đoàn thuyền riêng của Tự Đức đưa đi trên sông Hương ra Vụng cảng Đà Nẵng để sáng ngày 19 tháng 4 d.l họ lên tàu chiến Grenada và về tới Sài Gòn ngày 22 tháng 4 d.l năm 1863. 



Bonard đã đích thân viết một bản phúc trình gởi đến bộ trưởng bộ Hải Quân và Thuộc Địa của chính phủ Pháp về việc trao đổi hoà ước ngày 9 tháng 5 âl năm Nhâm Tuất/ niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức là ngày 5 tháng 6 d.l năm 1862. Hòa ước nầy được hoàng đế Napoléon III chuẩn phê ngày 1 tháng 7 d.l năm 1863 tại điện Fontainebleau/ Pháp quốc. 

Sau đây là toàn văn bản phúc trình của Bonard trên tập san Revue Maritime et Coloniale, tập 9, tháng 9 năm 1863 do Bộ Hải Quân và Thuộc Địa phổ biến trong kỳ phát hành thứ 33, từ trang 168 đến trang 174): 

ÉCHANGE DES RATIFICATIONS DU TRAITÉ CONCLU AVEC LE ROYAUME D'ANNAM


Le ministère de la marine et des colonies a reçu du vice-amiral Bonard le rapport suivant: 

Monsieur le ministre, 

J'ai l'honneur de rendre compte à Votre Excellence des derniers événements qui se sont passés en Cochinchine avant la remise du service au contre-amiral la Grandière et mon départ pour la France. 
Aussitôt l'insuurection réprimée dans toutes les provinces françaises et l'ordre matérel établi, je me suis empressé de tout remettre dans l'état normal. 

J'ai immédiatement fait repartir pour la Chine, par la frégate la Sémiramis, que monte l'amiral Jaures, les militaires d'infanterie légère qui étaient venus du Nord, et cette frégat a pu, en passant à Tourane, et sans retarder son voyage, me porter au but de ma mission définitive, la ratification du traité, combinaison qui a présenté l'avantage de faire voir au gouvernement annamite une force respectable prête à agir. 

Le comandant de la division des mers de Chine a pu ainsi partir de Tourane le 5 avril et retourne immédiatement au centre de sa station, où la présence de toute ses forces devenait nécessaire, apres avoir rendu un sevice signalé à notre nouvelle possession dans l'extrême Orient. 

Tout le corps expéditinaire espgnol a quitté Saigon pour se rendre à Manille sur le transport l'Européen , qui, après ce voyage a dû aller à Hong-Kong pour y subir les réparations dont il a besoin. 

La paix règne partout. Les populations ont été condamnées à raser les fortifications, à construire les routes et les ponts qui avaient été détruits, à rétablir les tééegraphes, enfin à payer des amendes por couvrir les frais d'installation des postes que cette levée de boucliers nous a forcés à creer. 

Toutes ces mesures sont en voie d'exécution; les lignes télégraphiques rétablies fonctionnent. Afin d'éviter tout malentendu, toutes espèces de lenteurs dans les difficiles relations avec les Asiatiques, j'ai dû tout prévoir et tout formuler par écrit avec les deux plénipotentiares, Lam, gouverneur général, de Binh Tuân, et Phan-Tan-Gianh, gouverneur général et vice-roi de Vinh-Long, que je fait venir à cet effet à Saïgon. 

Dès que tout a été réglé et bien entendu avec ces fonctionnaires, je les ai expédiés à l'avance pour Hué le 1er avril sur l'aviso le Forbin, afin de veiller à tout les préparatifs. 

Je me suis moi même embarqué le 2 sur la frégate la Sémiramis, accompagné du Cosmao et de la Grenada, ainsi que la corvette espagnole la Circé, portant le plenipotentiaire de Sa Majesté Catholique. Nous avons mouillé sur la rade de Tourane le 5; le jour même l'amiral Jaurès s'est acheminé sur la Chine. 

Tout avait été prévu par notre réception: les grabds mandarins, envoyés de la capitale et échelonnés sur toute la route, avaient fait préparer des habitations, des porteurs, des relais et des vivres pour nous et notre escorte, composée pour les deux missions, de cent hommes choisis parmi les différents corps. 

Les logements, parfaitement installés et entièrement semblables à toutes les étables, nous permettaient, une fois la experience faite, d'entrer immédiatement dans nos appartements respectifs à toutes les stations suivantes. 
Les hommes de l'escorte, choisis parmi des sujet d'élite des diverses armes et munis chacun d'une petite somme d'argent, afin d'éviter pendant le trajet tout malentendu, toute exaction, ont tenu une conduite exempte de reproches, et les porteurs requis pour notre convoi ont reçu une gratification à laquelle ils n'étaient pas accoutumés, ce qui a fait que notre promenade pacifique à travers la Cochinchine n'a produit qu'une excellence impression sur la population. 

Les escortes d'honneur, formées par les troupes régulières de Hué, se sont conduites avec tous les égards de la considération que l'on pouvait désirer; toujours elles ont fourni un poste d'honneur au traité, porté en grande pompe sur une estrade écarlate pendant tout le trajet et placé sur l'autel des pagodes dans lesquelles nous nous arrêtions; de plus, toutes les fois que le nombre des porteurs étaient insuffisant dans les passges difficiles, elles ont aidé à faciliter notre voyage sur toute la route; des mandarins envoyés de la capitale de l'Annam et les autorités locales veillaient à ce qu' il ne pût rien nous manquer. 

Nous sommes arrivés à Hué le 10, au milieu d'une nombreuse escorte échelonnée sur tout notre passage et composée des différents corps de troupes régulières avec leurs colonels et officiers en tête, et nous avons étés reçus par des ministères venant au-devant de nous à une grande distance de la capitale por nous accompagner aux logements qui avaient été disposés por nous sur les glacis de la citadelle. 

Pendant tout notre séjour, nous avons été l'objet des mêmes égards, et nous avons pu immédiatement nous occuper de régler les formalités relative à la signature et à la remise définitive du traité, ainsi qu'à l'audience impériale. 

De même qu'à notre départ de Saigon, tout a été établi par écrit avec les les ministres et les plénipotentiaires Lam et Phan-Tan-Gianh. 

Le 14, nous avons fait, en grande pompe, l'echange du traité ratifié par S.M. Tu Duc, dans l'édifice où se publient les édits du roi. 

Le choléra, qui sévissait fortement à Hué, nous a fait éprouver une perte sensible: c'est celle de l'ambassadeur Lam, qui, le lendemain de l'échange dans des ratifications, a éte enlevé presque subitement, par suite des fatigues qu'il avait éprouvées pour disposer et terminer cette cérémonie. 

Cette mort si regrettable n' a heureusement pas empêché les affaires de se conclure, grâce à la présence de Phan-Tan-Gianh. 

Le 16, après avoir arrêté par écrit le discours que je devais adresser à S.M. l'empereur Tu-Duc, la réponse qu'il devait me faire, ainsi que les places et les formes que nous devions remplir, nous avons pu nous rendre à l'audience impériale de congé dans la citadelle. 

Le luxe oriental dans toute sa splendeur avait été déployé par la cour d'Annam dans cette circonstance; plus de 20,000 hommes de troupes de diverses étaient partout échlonnés sur notre passage; les éléphants, même ceux du roi, caparaçonnés et montés par leurs conducteurs, avient un aspect monumental qui faisait diversion à la monotoniedes troupes bariolées de couleurs éclatantes, dont toutes les avenues de la citadelle étaient couvertes. 
Accompagné de notre escorte qui, selon l'usage, a dû s'arrêter avec ses armes à l'entrée à la cour servant de sanctuaire à l'autorité royale, nous nous sommes présentés devant S.M. l' empereur Tu-Duc. 

Nous avons étés dispensés des salutations profondes qui ne sont pas dans nos mœurs et nous avons conservé nos épées; nous sommes en conséquence bornés, comme cela avait été convenu, à une première incination à l'approche des marches du trône et à trois autres en prenant congé de S.M. Tu-Duc. 

Le roi d'Annam, dans un vaste hangar décoré de soieries et de pavillons, entouré des princes des diverses dinesties qui ne sont pas de cent cinquante ou deux cents, nous a reçus devant une table d'or. 

Tous les dignitaires de la cour, les mandarins, les lettrés, les gardes du roi, en habits de soie, étaient, comme nous, dans la cour. 

Aussitôt rendu à la place qui m'avait été disignée, j'ai adressé directement à Sa Majesté le discours convenu, dont je transmets une copie à votre Excellence. 

Ce dicours répété au roi, en langue chinoise, par le capitaine frégate Aubaret, puis par le plénipotentionaire Phan-Tan-Gianh, la reponse qui est jointe à la présente communication nous a été immédiatement rendue par un membre du conseil privé. 

Imméditement après cette cérémonie, nous sommes remtrés avec la même pompe à notre logement, où nous avons reçu les visites successives des divers ministres et des envoyés du roi. 
S.M. Tu Duc m'a envoyé le jour même un autographe pour S.M. l'Empereur avec l'apparat qui accompagne de pareille missives regardées comme sacrées, en me faisant dire qu'après la signature officielle du traité il avait cru devoir me charger d'une lettre en vers écrite en entier de sa main, pour que je puisse la présenter moi- même à S.M. l'Empereur des Français. 

Le 18, nous avons pu rejoindre par eau le steamer le Granada, que j'avais fait mouiller devant Hué, afin d'éviter, si cela était possible, à l'escorte fatigué, et dans un moment d'épidémie de choléra, la course pénible du retour par terre de la capitale à Tourane. 

Cette demande m'a été accordée sans difficulté; j'ai eu conséquence appareillé pour Saigon le 19 au matin, n'ayant perdu que deux militaires, l'un du corps espagnol et l'autre de l'infanterie de la marine, pendant ce voyage fatiguant et au milieu des circonstances fâcheuses d'une épidémie qui faisait de nombreuses victimes à Hué parmi la population. 

En résumé, monsieur le ministre, le traité ratifié par l'Empereur et ses envoyés ont été accueillis avec tous les honneurs et la considération possibles dans la capitale du royaume d'Annam. 

La petite course pacifique faite par notre détachement n'a produit qu'un bon effet sur la population. 

Le désir d'envoyer une ambassade à Paris, auprès de S.M. l'Empereur s'est, à plusieurs reprises, officiellement manifesté, ainsi que celui de nous confier, tant à Saigon qu'en France, un certain nombre de jeunes gens intelligents des premières familles pour les initier à notre civilisation et l'instruction européenne. 

J'apporte à Votre Excellence le traité sans modification ratifié par S.M le roi Tu-Duc, une lettre autographe de ce souverain à S.M. l'Empereur, enfin, un million en à-compte sur l'indemnité de guerre convenue. 

Le roi d'Annam, n'ayant pas eu le temps d'adresser à S.M. l'Empereur des cadeaux dignes de lui être offerts, se propose de réparer cett omission aussitôt qu'il lui sera permis d'envoyer une ambassade auprès de S.M. l'Empereur Napolén. 

La Cochinchine française est pacifiée, le traité signé, les forces de Sa Majesté Catholique rentrée à Manille, enfin le corps expéditionnaire de Chine revenu au centre de sa station. 

J'ai remis la service au contre-amiral de la Grandière, et pars par le Packet du 1er mai. 
Je suis, ectc. 

Signé: BONARD


*


Discours du vice-amiral gouverneur et commandant en chef en Cochinchine, plénipotentionnaire de S.M l'Empereur, au roi d'Annam. 

Je suis envoyé par S.M. l'Empereur des Français pour echanger les ratifications du traité de paix approuvé par S.M. l'Empereur et recouveert du sceau de ses armes, ainsi que pour transmettre à S.M. le roi d'Annam les félicitations de S.M. l'Empereur. 

S.M. l'Empereur des Français espère que la paix et l'amitié dureront éternellement entre la France et le Royaume d'Annam. 

Sa Majesté fait des vœux por la prospérité de ce royaume, ainsi que pour la personne de son roi. 

*


Réponse faite au nom de S.M. le roi d'Annam aux ministres pléniptentionnaires de France et d'Espagne. 

Les ambassadeurs qui ont eu à supporter de grandes fatigues pour venir jusqu' ici ont donné la preuve de leurs mérites. C'est pourquoi S.M. l'empereur d'Annam les loue et les felicite à cause de leur mission. 

Lorsque les ambassadeurs seront de retour auprès de leurs souverains, ils leur diront que la paix étant aujourd'hui conclue, dorénavant toutes choses devront se traiter pacifiquement, et l'amitié la plus sincère devra éternellement durer pour le bonheur de chacune des trois nations. 

Que les ambassadeurs gravent ces paroles dans leur mémoire: c'est pour cela que Sa Majesté les a prononcées. 

*


Tạm dịch

TRAO ĐỔI HIỆP ƯỚC PHÊ CHUẨN
VỚI VƯƠNG QUỐC AN NAM


Bộ trưởng bộ hải ngoại và thuộc địa đã nhận được bản phúc trình sau đây của đề đốc ủy nhiệm Bonard : 

Kính thưa ngài bộ trưởng , 

Bản chức hân hạnh được báo cáo đến ngài bộ trưởng về những tình hình đã xảy ra tại Nam Kỳ trước khi bàn giao công vụ qua cho phó đề đốc la Grandière để bản chức khởi hành trở lại Pháp quốc. 

Ngay sau cuộc nổi dậy đã dược trấn áp trong khắp các tỉnh thuộc quyền kiểm soát của người Pháp và trật tự được vãng hồi một cách cụ thể, bản chức cảm thấy hân hoan vì mọi sự việc đều được đặt trở lại trong tình trạng bình thường. 

Ngay tức khắc, bản chức đã cho hộ tống hạm la Sémiramis của đề đốc Jaurès chở các đoàn khinh binh trở sang Trung Quốc; các đoàn khinh binh nầy nguyên trước đây được đưa vào từ phía bắc và chiếc hộ tống hạm vừa kể đã có thể chạy ngang qua vụng biển Đà Nẵng mà không làm chậm trễ chuyến hành trình của nó để đưa bản chức đến địa điểm thi hành một trách vụ có tính cách quyết định là việc phê chuẩn hiệp ước, một sự phối trí rất thuận lợi để biểu dương lực luợng với chính quyền An Nam, một lực lượng đáng kể sẵn sàng hành động. 

Và như vậy tư lệnh hải quân các vùng biển Trung Quốc có thể rời vụng cảng Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 4 d.l và trở về ngay căn cứ của ông, căn cứ của những lực lượng thiết yếu sau khi thực hiện một công tác để chứng tỏ sự chiếm hữu mới mẻ của chúng ta trong vùng viễn Đông. 

Tất cả quân đoàn tác chiến Y Pha Nho đã rời Sài Gòn trở về Phi Luật Tân trên chiếc chuyển vận hạm l'Européen, và chiến hạm nầy sẽ sang Hong-Kong để sửa chữa và bảo trì. 

Hoà bình đã chế ngự khắp nơi. Dân chúng bản xứ phải đi làm xâu phá bỏ các công sự chiến đấu (của quân kháng chiến = chú thích của người viết), xây đắp lại cầu đường bị hủy hoại, dựng lại cột dây thép (điện thoại), tất cả để bù đắp lại các phí tổn xây dựng thiết đặt các đồn bót mà chúng ta bắt buộc phải thực hiện vì sự nổi loạn. 

Tất cả những phương thế nầy đều đang được thi hanh; các đường dây thép đã được phục hồi, hoạt động trở lại. 
Để tránh sai lầm, những sự lề mề chậm trễ trong giao dịch với người Á châu, bản chức đã phải dự kiến mọi thứ và được liệt kê ra trên giấy tờ cùng với hai quan đại thần, tổng đốc Bình Thuận họ Lam (Lâm Duy Hiệp/Thiếp) và khâm sai tổng đốc Vĩnh Long Phan-Tan-Gianh (Phan Thanh Giản) do bản chức triệu mời họ tới Sài Gòn. 

Sau khi mọi việc đã được giải quyết bằng giấy mực với hai quan đại thần nầy, bản chức liền đưa họ đi trước về Huế vào ngày 1 tháng 4 d.l bằng tuần thám hạm le Forbin để họ lo các thủ tục chuẩn bị. 

Riêng bản chức cũng xuống soái hạm la Semiramis vào ngày 2 tây, với 2 chiến hạm Cosmao và la Grenada cùng hộ tống hạm Y Pha Nho la Circé chở sứ thần của nữ hoàng (Y Pha Nho) đi theo. Đoàn tàu chiến của chúng tôi thả neo trên vụng cảng Tourane (Đà Nẵng) vào ngày 5 tây; cùng ngày nầy đề đốc Jaurès trực chỉ sang Trung Hoa. 

Mọi thứ đều được dự trù cho cuộc tiếp rước chúng tôi: các quan đại thần từ thủ đô Huế đứng khắp các chặng đường để chào đón, để sắp xếp nơi cư ngụ, phu khuân vác, trạm tiếp liên, thực phẩm cho chúng tôi cùng với đoàn quân hộ tống gồm cả trăm người được tuyển chọn từ các binh chủng khác nhau. 

Các doanh trại của chúng tôi được sắp xếp thật chu đáo và đồng nhất trên tất cả mọi chặng đường giúp cho chúng tôi trở thành quen thuộc không bị bỏ ngỡ dò tìm nơi trú ngụ của mình. 

Quân binh hộ tống của chúng ta được tuyển chọn từ những đơn vị ưu tú của nhiều binh chủng khác nhau được cấp cho một số tiền để hộ thân chi dùng khi gặp chuyện bất cập trong chuyến hành trình, họ đã giữ được một lối cư xử không thể nào chê trách được và những người đảm trách nhiệm vụ khuân vác đã được trả công đền bù bằng tiền thưởng mà từ trước tới nay họ chưa từng thấy như thế bao giờ, cho thấy diễn tiến hoà bình trong suốt hành trình của chúng tôi khắp miền Nam Kỳ đã tạo được một sự thiện cảm tuyệt hảo đối với dân chúng. 

Đoàn vệ quân danh dự chủ lực của triều đình Huế đã được dàn xếp, điều động đúng với các nghi thức mong muốn, trong suốt hành trình họ luôn luôn tỏ nét cung kính trân trọng với bản hòa ước đặt trên một cái bục sơn son (màu đỏ) và mỗi khi đoàn chúng tôi ngừng chân ngơi nghỉ ở các trạm, bản hòa ước được đặt an vị trên trang thờ ở trong chùa, miếu. Ngoài ra, họ cũng tiếp tay phụ giúp cho các phu khuân vác khi gặp trở ngại khiến cho cuộc hành trình của chúng tôi luôn luôn được suông sẻ; các quan triều và các quan chức địa phương đã chăm lo chu đáo không để thiếu sót một chút gì. 

Phái đoàn chúng tôi tới thủ đô Huế vào ngày 10, giữa một đoàn người hộ tống đông đảo thuộc đủ mọi thành phần quân binh chủng chủ lực trên suốt dọc lộ trình, đi đầu là các cai cơ và đội trưởng, và đoàn chúng tôi được các quan thượng thơ đứng đón rước từ ngoại thành để hướng dẫn đưa chúng tôi đến trại trú ngụ được xây dựng cạnh bờ hào hoàng thành. 

Trong suốt chuỗi ngày lưu trú, đoàn chúng tôi đã được đối xử tương kính ngang bằng và chúng tôi đã có thể tiến hành ngay việc sắp xếp các thủ tục cần thiết cho việc ký kết trao đổi hòa ước một cách chính thức cũng như các nghi thức yết kiến hoàng đế. 

Trước khi phái đoàn khởi hành từ Sài Gòn, tất cả đều đã được thiết định bằng văn bản cùng chung với hai vị khâm sai toàn quyền Lam và Phan-Tan-Gianh. 

Ngày 14, tại Phu Vân Lâu, chúng tôi đã cử hành trọng thể nghi thức trao gởi hòa ước đã được hoàng thượng Tu-Duc phê chuẩn. 

Dịch bệnh tiêu chảy đang hoành hành ở Huuếé đã tạo ra một sự mất mát nhạy cảm đối với chúng ta: đó là cái chết gần như là đột ngột của quan đại sứ Lam trước sáng ngày trao đổi hòa ước chuẩn phê vì ông đã kiệt lực trong thi hành nhiệm vụ sắp xếp bố trí từ đầu chí cuối cuộc lễ nầy. 

May thay, cái chết rất đáng tiếc nầy không làm ngăn trở cho các công việc kết thúc vì nhờ có sự hiện diện của Phan-Tan-Gianh. 

Ngày 16, sau khi hoàng đế Tu Duc ra chỉ dụ ngưng thi hành bài diễn văn của bản chức theo hình thức một sự hồi đáp cho bản chức về các địa điểm và các dạng nghi thức cần phải theo, phái đoàn chúng tôi đã có thể vào diện kiến với hoàng đế trong nội thành. 

Tất cả những nét huy hoàng xa hoa đông phương đều được triều đình nước An Nam phô diễn trong dịp nầy: hơn 20,000 quân lính thuộc nhiều binh chủng khác nhau xếp hàng suốt dọc lộ trình của chúng tôi; những con voi trận cùng với voi riêng của hoàng cung được trang sức bằng các tấm phủ và có nài cởi điều khiển tạo thành một nét đồ sộ uy vệ lấn lấp mất các sắc màu binh phục đơn điệu sặc sỡ chóa mắt bao trùm khắp nơi trong hoàng thành. 
Đoàn quân hộ vệ riêng có mang khi giới của phái đoàn chúng tôi theo lệ thường ở nơi đây phải dừng lại ở trước cổng vào chính điện của vương triều, chúng tôi trình diện trước hoàng đế Tu-Duc. 

Theo tục lệ của chúng ta, phái đoàn được miễn bái lạy (đại bái) và vẫn được phép mang gươm theo mình; và như đã được thỏa thuận, chúng tôi chỉ phải nghiêng mình cung bái 1 lần khi tiến đến gần ngai vua và 3 lần cung bái để chào đưa khi hoàng đế hồi cung. 

Vua An Nam, xuất diện trong một ngự cung rộng lớn trang hoàng cờ xí lụa là, bao quanh bởi các vương tôn công tử trong vương tộc có ít nhất từ 50 đến 200 người, chúng tôi được tiếp rước tới một chiếc bàn thếp vàng. 
Tất cả các quan chức của triều đình, các vị đại quan, các nho thần, cận vệ của nhà vua mặc sắc phục bằng gấm tơ đều hiện diện nơi đây cùng với chúng tôi. 

Sau khi được hướng dẫn vào vị trí, bản chức hướng thẳng về phía nhà vua để đọc bài diễn văn đã được thỏa thuận giữa hai bên và bản chức đính kèm bài diễn văn nầy gởi đến ngài bộ trưởng. 

Bài diễn văn được lặp lại bằng tiếng Hán (Trung Hoa) qua sự thông dịch của hạm trưởng hộ tống hạm đại úy Aubaret và kế tiếp là khâm sai đại thần Phan-Tan-Gianh đọc bài đáp từ mà một thành viên trong ban tư vấn của chúng ta đã trao cho chúng ta ngay sau đó để gởi kèm theo với phúc trình nầy. 

Ngay sau buổi lễ, cuộc đưa tiễn chúng tôi về nơi trú sứ cũng linh đình như lúc đón tiếp với sự hiện diện của các quan thượng thơ và các quan khâm sai của nhà vua. 

Đức vua cũng có trao gởi đến hoàng đế (Napoléon III) một văn bản viết tay rất trang trọng và tôn kính cùng đưa lời nhắn gởi nói với bản chức rằng sau khi chính thức chuẩn phê hoà ước, đức vua nghĩ cần phải có những lời hoàn toàn do chính tay đức vua viết ra để bản chức đích thân chuyển trình lên hoàng đế nước Pháp. 

Ngày 18, chúng tôi trở lên tàu hơi nước la Grenada đậu trên sông Hương phía trước hoàng thành Huê' để có thể phòng ngừa cho đoàn binh hộ tống mệt mỏi không bị bệnh dịch tả lây nhiễm và khỏi phải di hành bằng đường bộ từ thủ đô về vụng cảng Đà Nẵng. 

Vì sự yêu cầu như vừa kể trên được chấp thuận nhờ vậy bản chức có thể khởi hành trở về Sài Gòn vào buổi sáng ngày 19, với hai binh sĩ bị thiệt mạng, một thuộc đội binh Tây Ban Nha và một thuộc đội binh thủy bộ vì quá sức mệt mỏi và bị lây nhiễm bệnh dịch tả đang lan tràn khắp nơi, giết hại rất nhiều nạn nhân trong dân chúng ở Huế. 
Tóm lại, kính thưa ngài bộ trưởng, bản hoà ước do hoàng đế chuẩn phê và phái đoàn của hoàng đế đã được tiếp nhận, đối xử một cách trọng thể chu đáo tại thủ đô vương quốc An Nam. 

Cuộc hành trình ngắn ngủi của phái đoàn chúng ta đã tạo ra một hiệu qua tốt đối với dân chúng. 

Ước muốn có một sứ đoàn sang Paris bệ kiến hoàng đế đã nhiều lần được biểu lộ một cách chính thức cũng như ước muốn gởi một số người trẻ thuộc gia đình quyền quý có học vào Sài Gòn cũng như sang nước Pháp để học văn minh và xây dựng của người Âu châu. 

Bản chức xin gởi tới ngài bộ trưởng nguyên văn bản hiệp ước đã được đức vua Tu-Duc chuẩn phê, một lá thơ tự viết của đức vua gởi đến hoàng đế và một triệu đồng tiền bồi phí chiến tranh như đã thỏa thuận. 
Bởi vì không có đủ thời gian chuẩn bị lễ vật xứng đáng để gởi tặng hoàng đế cho nên đức vua An Nam đề nghị rằng đức vua sẽ bù đắp lại sự thiếu sót nầy khi đoàn sứ của đức vua được chấp nhận sang bệ kiến đức hoàng đế Napoléon. 

Lãnh thổ Nam Kỳ của người Pháo đã được bình định, hòa ước đã ký kết, đoàn quân của nữ hoàng theo gia tô giáo (nữ hoàng Tây Ban Nha) đã quay về căn cứ ở Manille (Phi Luật Tân) và đoàn quân viễn chinh Pháp từ Trung quốc đã quay về căn cứ trung ương của họ. 

Bản chức đã bàn giao nhiệm vụ lại cho phó đề đốc la Grandière và rời nhiệm sở vào ngày 1 tháng 5 d.l. 
Bản chức, etc. 
Ký tên: BONARD 


*


Diễn văn của đề đốc nhiệm chức thống đốc kiêm tổng tư lệnh quân lực ở Nam Kỳ, đại nhiệm hoàng đế (Pháp) phát biểu trước vua An Nam. 

Hạ thần được hoàng đế nước Pháp sai đến đây để thi hành việc trao đổi bản hiệp ước hòa bình đã được hoàng đế phê chuẩn có đóng ấn triện quân quyền, đồng thời chuyển đến đức vua nước An Nam những lời chúc mừng của hoàng đế. 

Hoàng đế nước Pháp mong ước rằng hòa bình và tình hữu nghị sẽ lâu bền mãi mãi giữa nước Pháp và vương quốc An Nam. 

Hoàng đế cầu chúc thịnh vượng cho vương quốc và đức vua. 

*


Thay mặt vua An Nam để đáp từ diễn văn của các sứ thần Pháp và Tây Ban Nha.


Các vị sứ thần đã tỏ ra thật xứng đáng khi đã chịu bao nhiêu gian lao đến đây. Bởi lẽ ấy, hoàng thượng nước An Nam ban lời ngợi khen sứ mạng của họ. 

Sau khi trở về vương quốc của mình, các sứ thần hãy chuyển lời rằng hoà bình ngày nay đã được thể hiện dứt khoát, từ đây trở về sau tất cả mọi việc đều phải được đối xử một cách hòa bình và tình hữu nghị bền vững, trung thực cần phải được củng cố vì phúc lợi của cả ba nước. 

Các vị sứ thần cần ghi khắc những lời nầy trong tâm trí: bởi lẽ đó mà đức vua mới truyền ban chỉ dụ nầy. 

Qua bản phúc trình của Bonard có thể rút ra những nhận xét như sau: 

* 1-/ Bonard là một tướng lãnh gan dạ, và mưu lược: 

- Ông ta đích thân mình mạo hiểm đi vào tận lòng địch để trao và nhận bản hiệp ước phê chuẩn. 

- Ông ta biết lợi dụng việc rút lui của đoàn thuyền chiến Pháp trên đường trở về căn cứ ở vùng biển Trung Quốc để phô trương thanh thế "combinaison qui a présenté l'avantage de faire voir au gouvernement annamite une force respectable prête à agir."(một sự phối trí rất thuận lợi để biểu dương lực lượng với chính quyền An Nam, một lực lượng đáng kể sẵn sàng hành động.): chiến hạm Sémiramis với đoàn khinh binh của đề đốc Jaurès thả neo trên vụng biển Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 4 d.l năm 1862. Ngoài ra còn có chiến hạm Européen trên đường chuyên chở đoàn quân tăng viện của Y Pha Nho trở về căn cứ Phi Luật Tân và hành trình của chiến hạm nầy nhất định là có ghé ngang vụng Đà Nẵng để yểm trợ thanh thế cho hộ tống hạm la Circé chuyên chở sứ thần đại diện nữ hoàng Y Pha Nho trong công tác trao đổi hiệp ước phê chuẩn cùng một lúc với Bonard. Hai chiến hạm Cosmao và la Grenada cũng có mặt, tất cả tạo thành một bối cảnh chuẩn bị chiến tranh, sẵn sàng đổ bộ lên bờ khi cần. 

-Lực lượng quân binh hộ tống cho 2 phái đoàn Pháp-Y Pha Nho từ Đà Nẵng tới hoàng thành Hué chỉ có 80 người (40 người cho mỗi phái đoàn) được tuyển lựa từ các hàng quân binh chủng ưu tú thiện chiến của liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho ở Nam Kỳ. Đi sâu vào lòng đất đầy bất trắc hiểm nguy của địch mà chỉ mang theo có bấy nhiêu quân binh, phải chăng Bonard bất cẩn hay chỉ vì quá xem thường đánh giá quá thấp quân binh của triều đình nhà Nguyễn ở Huế? Dù rằng Bonard là một kẻ cao ngạo nhưng ông ta không phải là một kẻ bất cẩn đến mức không nhìn thấy trước được những nguy cơ khi đem thân vào chốn quân binh muôn trùng của địch quân bởi thế cho nên mới có cả một hạm đội hùng hậu chuyên chở một đoàn quân thiện chiến Pháp-Pha Nho biểu dương lực lượng nơi vụng cảng Đà Nẵng. Nếu Bonard tin tưởng tuyệt đối vào thiện chí hòa bình của vua quan, binh triều nhà Nguyễn thì tại sao lại cần phải có màn hù dọa phô trương thanh thế, sức mạnh quân sự như thế. Con số 80 quân binh thiện chiến quyết tử hộ tống Bonard cùng 2 phái đoàn Pháp-Y Pha Nho đi sâu vào lòng đất địch để vào hoàng cung với khí giới đầy đủ và tối tân là một con số đáng kể đối với một quân đội "chưa đánh đã chạy" của triều đình Tự Đức. 

Số 80 quân binh hộ tống nầy cộng thêm những người tháp tùng theo 2 phái đoàn kể cả những thông dịch viên người Pháp (không có thông dịch viên người bản xứ nước Đại Nam đi theo phái đoàn Pháp-Y Pha Nho) có thể là kết quả từ sự thỏa thuận giữa đôi bên sau khi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp trở vào Sài Gòn bàn bạc với Bonard về việc tổ chức các nghi thức trao đổi hiệp ước phê chuẩn. 

Thử đặt trường hợp đội quân của Bonard đã vào được hoàng thành và tìm cách đến gần và uy hiếp bắt giữ được vua Tự Đức và buộc quan binh triều đình phải rút ra khỏi hoàng thành rồi cố thủ chờ viện binh Pháp-Y Pha Nho từ Đà Nẵng đến tăng viện thì tình thế sẽ ra sao? 

-Chuyện nầy không phải là không thể xảy ra bởi vì trước đây liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho sau khi đánh chiếm thành Sài Gòn vào ngày 19 tháng 2 d.l năm 1859, đề đốc Rigault de Genouilly đã dẫn gần hết đoàn quân của mình trở ra vụng cảng Đà Nẵng mà chỉ cần để lại một đội quân nhỏ un petit corps de troupe do thuyền trưởng Jauréguiberry ở lại chỉ huy để cố thủ đồn Nam sau khi thành Sài-Gòn bị phá hủy bởi lệnh của R.de Genouilly. (A.Schreiner; sách đã dẫn; trang 145, 146) vậy mà cả một tập thể quân đội của triều đình Huế ở Nam Kỳ cũng không đủ khả năng đánh chiếm lại thành Gia Định đổ nát hoặc bao vây đánh hạ được đồn Nam do Jauréguiberry trú đóng! 

-Một nhà quân sự có tầm cỡ như Bonard chắc là phải có dự định một phương cách "bắt cóc" mạo hiểm như vừa giả định ở trên và nếu tiếp tục đọc lại sử sau thời Bonard thì người ta sẽ thấy rằng phó thuyền trưởng pháo thuyền máy hơi nước Gia Định Doudard de Lagrée chỉ cần có 28 lính thủy để chiếm hoàng cung của vua Cao Miên Norodom vào ngày 3 tháng 3 d.l năm 1864 và treo cờ Pháp khắp nơi dinh thự, cơ quan, đơn vị hành chánh công cộng trên đất Cao Miên để rồi hai ngày 6 và 7 cùng tháng đó mới được tăng viện thêm 3 pháo thuyền và 100 binh sĩ. (A. Schreiner; sách đã dẫn, trang 256 và trang 258).(Cũng xem: Nguyễn Công Tánh, Việt sử Tân Khảo Chú Giải & Khảo Luận VI; trang 1719, 1720). 

-Sách "LA CONQUÈTE DU TONKIN par VINGT SEPT FRANÇAIS commandés par JEAN DUPUIS (tạm dịch: Cuộc chinh phục Bắc Kỳ bởi 27 người Pháp dưới sự chỉ huy của Jean DUPUIS) do tác giả Jules GROS trích đăng từ quyển nhựt ký của J. Dupuis; nhà phát hành Maurice Dreyfous-Paris; 1880) cho thấy cả một đoàn quân triều đình ở Bắc Thành mà cũng không thể nào ngăn chận được một nhóm nhỏ 27 người Pháp mạo hiểm, vong mạng, khinh thường và vi phạm luật pháp của nước Đại Nam mặc tình làm mưa làm gió nghênh ngang khắp nơi trên đất Bắc Kỳ. Trang 25, 26, 27 trong sách kể trên có liệt kê dầy đủ tên tuổi nghề nghiệp của 17 người Pháp giữ vai chủ động và 10 thủy thủ người Pháp tham dự cuộc chinh phục nầy: 

1- E.Millot, thương nhân ở Thượng Hải (Trung Quốc), đã từng nhiều năm giữ chức chủ tịch hội đồng thành phố nơi khu nhượng địa thuộc Pháp ở Thượng Hải. Phó trưởng đoàn thám hiểm của J.Dupuis ở Bắc Kỳ. 
2- Ducos de la Haille, kỷ sư công chánh ở Pondichéry (Ấn Độ), thành viên trong hội đồng thành phố khu nhượng địa thuộc Pháp ở Thượng Hải. Chuyên viên khám phá hầm mõ trong đoàn thám hiểm J.Dupuis. 
3- Dercour, phụ tá Ducos de la Haille trong đoàn thám hiểm J.Dupuis 
4- G.Viavianos, nguyên là thuyền trưởng hàng hải ven bờ, thuyền trưởng tàu máy hơi nước Hong-Kong, sĩ quan quân cảnh quân đoàn Pháp-Trung ở Tche-Kiang. Thiếu tá thuyền trưởng tàu máy hơi nước Hong-Kiang trong đoàn thám hiểm J. Dupuis. 
5- Brocas, nguyên là thuyền trưởng hàng hải ven bờ. Thiếu tá thuyền trưởng tàu hơi nước Le Pontay trong đoàn thám hiểm J.Dupuis. (ghi chú riêng: có thể là tàu hơi nước Son Tay thay vì Pontay) 
6- D.Argence, nguyên là sĩ quan hàng hải thương thuyền, thiếu tá thuyền trưởng tàu hơi nước Lao-Kaï trong đoàn thám hiểm J.Dupuis. 
7- Boucagnani, Thiếu tá thuyền trưởng tàu Mang Hào trong đoàn thám hiểm J.Dupuis. 
8- Berthault, sĩ quan hàng hải ven bờ, Phó thuyền trưởng tàu Lao Kaï trong đoàn thám hiểm J.Dupuis. 
9- Gauchon, sĩ quan hàng hải ven bờ, Phó thuyền trưởng tàu Hong Kiang trong đoàn thám hiểm J.Dupuis. 
10- Légier, cựu sĩ quan pháo thủ, Phó thuyền trưởng tàu Sơn Tây trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 
11- Francelli, chuyên viên đại pháo, Phó thuyền trưởng Mang Hào, trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 
12- Dillère, thợ máy tàu Lao Kaï trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 
13- Gervais, nguyên là thợ máy tàu chiến Y Pha Nho, thọ máy tàu Hong Kiang trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 
14- Davis, thợ máy tàu Mang Hào trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 
15- Bégault, nguyên là một đội trưởng đội pháo binh hải quân, được đưa sang để chỉ huy đội pháo binh của tổng đốc tỉnh Vân Nam/ Trung Quốc nay tham gia đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 
16- Fargeau, nguyên là quản đốc xưởng đúc được đưa sang đảm nhiệm một xưởng đúc cho tỉnh Vân Nam/Trung Quốc, nay tham gia đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 
10 thủy thủ người Âu châu. 
Và: 
!7- Jean Dupuis, trưởng đoàn thám hiểm Bắc Kỳ. 

Tổng cộng là 27 người Âu châu trong đoàn thám hiểm Jean Dupuis. 

-Ngoài ra còn có thêm một quan triều người Hoa mà trong nhật ký của mình J. Dupuis gọi là mon sécrétaire Ly-ta-lào-yé, mandarin lettré chinois (tạm dịch: thư ký riêng của tôi là Lý Ngọc Trì, một quan triều Trung Quốc) (J.Gros, sách đã dẫn, trang 31). 


Có những điểm cần lưu ý như sau: 

-Tác giả Jules Gros dùng chữ Expédition: cuộc thám hiểm để chỉ đoàn tàu và nhóm người đi theo J.Dupuis và E.Millot là loạn ngôn và thậm xưng nhằm mục đích tôn vinh hành vi của những kẻ mạo hiểm, hám lợi buôn lậu súng óng đạn dược, xem thường luật pháp của nước khác. Trong quyển nhật ký của mình, J.Dupuis đã che lắp không nói ra đoàn ghe thuyền của ông ta đã chở theo những gì sang cảng Hải Phòng. 

Vậy thì dựa vào đâu để biết rằng đoàn ghe thuyền thương hồ nầy chuyên chở vũ khí đạn dược? 

Trước hết, Paulin Vial - một thành viên quân sự của đoàn quân xâm lược Pháp ở Nam Kỳ/Giám đốc Sở Nội Vụ ở Sài Gòn- đã ghi lại những biến cố xảy ra từ năm 1873 đến tháng 4 d.l năm 1887 có liên hệ đến việc người Pháp xâm chiếm Bắc kỳ trong một quyển sách có tựa đề là Nos premières Années au Tonkin do nhà xuất bản Voiron phát hành năm 1889. Nơi trang 45 của sách nầy có một đoạn ghi chép về việc lái buôn J.Dupuis như sau: 

<<M.Dupuis poursuivit son entreprise. Il acheta trois petites navires à vapeur à Hong-Kong et à Sanghai et les arma pour se rendre au Tonkin.>> (Tạm dịch: Ông Dupuis tiếp tục công việc của ông. Ông ta mua ba chiếc tàu nhỏ chạy bằng hơi nước từ Hong-Kong và từ Thượng Hải rồi trang bị vũ khí cho hai tàu nầy để đi xuống Bắc Kỳ).

Trang bị vũ khí, đây là một trong những kiểu viết luồn lách, che đậy có thể tìm thấy khắp cùng nơi các nhà chép sử ngày trước, Tây cũng như ta, khi họ đang là những quan viên của chính quyền hay của các triều đình chuyên chính phong kiến và ngay cả trong thời buổi văn minh tiến bộ ngày nay tình trạng viết lách cong vẹo, che đậy, viết không trung thực theo chỉ đạo của quyền lực chính trị vẫn còn tiếp tục xảy ra trong các quyển sách lịch sử tại khá nhiều nơi ở thế giới nhất là ở khu vực Á Châu, vùng Đông Nam Á. Rõ ràng là có tình trạng phủ bênh phủ, huyện bênh huyện trong lối viết của Paul Vial. 

- Tựa đề cao ngạo trên quyển sách của tác giả người Pháp Jules Gros khiến cho hậu thế hiểu lầm rằng đoàn ghe thuyền của Jean Dupuis chỉ có 27 người vừa kể. Trên thực tế, trong đoàn nầy còn có Lý Ngọc Trì là kẻ đại diện của triều đình Trung Hoa lúc đó cấu kết với đoàn người buôn lậu nầy. 

-Theo nhật ký của J.Dupuis thì khởi đầu đoàn buôn lậu nầy từ Hong Kong đến vịnh Bắc bộ với 2 pháo thuyền chạy bằng máy hơi nước Hong Kiang, Lao Kaï , 1 xuồng lớn/ sà lúp Sơn Tây chạy bằng máy hơi nước, và kéo theo 1 ghe mành: 

<<26 octobre 1872.- Nous quittons aujourd'hui, à six heures du matin, notre mouillage devant Hong Kong, en route pour le golfe du Tong-Kin, où nous devons trouver le Bourayne. L'expédition se compose de deux canonnières, à vapeur, le Hong Kiang et le Lao Kaï, d'une chaloupe à vapeur le Sơn Tây et d'une grande jonque à la remorque . . .(J.Gros; La Conquète du Ton-Kin par Vinght sept Français/ Cuộc Chinh Phục Bắc Kỳ bởi 27 người Pháp, trang 30). 

Tạm dịch: <<26 tháng 10 d.l năm 1872.- Hôm nay vào lúc 6 giờ sáng, đoàn tàu, thuyền của chúng tôi từ bến cảng Hong Kong nhổ neo đi sang vịnh Bắc bộ để tới điểm hẹn với hộ tống hạm le Bourayne (ghi chú thêm: hộ tống hạm Le Bourayne được chính quyền xâm lược Pháp từ Sài Gòn phái ra vụng cảng Hải Phòng để can thiệp với chức quyền Đại Nam ở Hà Nội và yểm trợ cho đoàn thám hiểm J.Dupuis được tự do lưu thông trên sông Hồng. Tàu nầy do thiếu tá hải quân Senez chỉ huy. Senez đã dùng tàu Sơn Tây của J.Dupuis để đi gọi viên quan kinh lựợc triều đình Lê Tuấn đến bàn bạc.) Đoàn thám hiểm gồm có 2 pháo thuyền chạy máy hơi nước Hong Kiang và Lao Kaï, 1 xuồng sà-lúp lớn chạy bằng máy hơi nước Sơn Tây kéo theo một ghe mành.>> 

- Đại tá pháo binh H.Fabre de Navacelle, tác giả tập giản yếu Précis des Guerres De La France de 1848 à 1885 (do nhà phát hành sách E.Plon, Nourrit et Cie, Paris; xuất bản tại Paris năm 1890) nơi trang 350, 351, 352 và 353 có viết về việc J.Dupuis mua bán quân nhu và vũ khí như sau: 

<<. . . .La rébellion des musulmans de l'ouest, surtout dans le Yunnan avait la nécessité l' achat par le gouvernement chinois d'approvisionnements de guerre cosidérables. M Dupuis en avait fourni beaucoup, surtout au Ti-taï-Ma-hien, le vainqueur des rebelles du Yunnam. C'est par le fleuve Bleu ou Yang-tse-kiang, où il avait rencontré Francis Garnier em 1868 et recueilli ses instructions, que Dupuis avait fait parvenir des armes et des munitions à Yunnam. Quoi que les rebelles eussent été vaincus et, en grande partie, refoulés vers la frontière du Laos et du Tonkin supérieur, qu'ils occupaient et rançonnaient sous le nom de Pavillons noirs et Pavillons jaunes, de grands marchés de fournitures étaient encore en voie d'exécution entre Ma et M.Dupuis. . . . . 

M. Dupuis prépara à Hong-Kong une grande expédition. 

Une jonque portant trente canons, et de six à sept mille chassepots avec les munitions nécessaires, convoyés par deux canonnières d'origine anglaise et ayant bord vinght-trois Européens, une centaine de Chinois, était dirigée par M.Dupuis et trois lieutenants intrépides comme lui. Recommandé par le commandant senez au commissaire royal Le Tuan, il trouva pourtant sur sa route des obstacles de toutes sorte et, laissant son convoi à Hanoï, remonta jusqu ' au Yunnam avec trois européens et une quarantaine de Chinois.>> 

Tạm dịch: << . . .Vì có cuộc nổi loạn của những bộ tộc Hồi giáo ở phía Tây (Trung Quốc), nhất là trong vùng tỉnh Vân Nam, cho nên chính quyền Trung Quốc cần phải mua thật nhiều các loại chiến cụ. Ông Dupuis đã từng cung ứng rất nhiều cho nhu cầu nầy, nhất là cung cấp cho thống chế Mã Hiên, kẻ chiến thắng dẹp loạn ở Vân Nam. (có sách dịch là thống chế Mã Văn Long, một tướng giặc gốc người Hồi giáo về đầu hàng chính quyền triều đình Bắc Kinh rồi được Bắc Kinh giao nhiệm vụ đàn áp những cuộc nổi dậy của các bộ tộc theo đạo Hồi). Chính con sông gọi là Thanh-Giang hay Dương Tử Giang là nơi mà Ông ta ( J.Dupuis) đã gặp và nhận những chỉ thị của Francis Garnier vào năm 1868 cũng như đã từng dùng con sông nầy để chuyên chở súng đạn vào tỉnh Vân Nam (Trung Hoa). Mặc dù nhóm phiến loạn (Hồi giáo) phần lớn bị đánh tan rả, họ lại rút lui về phía vùng biên giới nước Lào và các vùng thượng du ở Bắc Kỳ và trở thành các nhóm thổ phỉ mang danh hiệu Cờ Đen (do đầu lĩnh người Trung Hoa tên là Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu) và Cờ Vàng, (do đầu lĩnh người Trung Quốc tên là Hoàng Sùng Anh cầm đầu) và những chuyến hàng cung cấp cho các thị trường quy mô (ý muốn nói buôn bán hàng lậu, súng lậu cho các nhóm thổ phỉ) vẫn tiếp diễn qua đường dây họ Mã và Dupuis. . . . . . . . . . . . . . . . . 

Ông Dupuis chuẩn bị một chuyến hành trình lớn từ Hong-Kong. 
Một chiếc ghe mành chở 30 khẩu đại pháo, 6,000 - 7,000 súng trường và đạn dược cần thiết được hộ tống bởi hai pháo thuyền kiểu Anh quốc cùng với 23 người Âu Châu và hàng trăm người Trung Hoa dưới sự chỉ huy và điều động của ông Dupuis và 3 viên quan trung úy cũng gan lì như ông ta. Mặc dù được hải quân trung tá Senez can thiệp với quan kinh lược Lê Tuấn, ông ta vẫn gặp rất nhiều trở ngại khó khăn và phải để đoàn tàu thuyền của ông ta ở lại (Hà Nội) và đi lên Vân Nam (theo sông Hồng) với 3 người Âu Châu và 40 người Trung Hoa.>> 

*Ghi Chú thêm: Theo Nhật ký ngày 18 tháng 1 dl năm 1873 của J. Dupuis thì vào lúc 7 giờ sáng ngày nầy Dupuis khởi hành đi Vân Nam với một tàu sà lúp hơi nước kéo theo 3 chiếc thuyền mành "có trang bị súng óng" với 9 người Âu Châu và 30 người Trung Hoa. Số tàu thuyền và nhân sự còn lại phải neo chờ ở Hà Nội dưới quyền chỉ huy của viên phụ tá Millot. (J.Dupuis, sách La Conquête du Tonkin par vingt- sept Français đã dẫn, trang 57) 

- Đoàn người của J. Dupuis khi từ vùng đất Mang Hào ở Vân Nam xuôi theo sông Hồng quay trở về Hà Nội có thêm 30 lính và 100 thủy thủ khuân vác. (Tàu Mang Hào có thể xuất phát từ một vùng lãnh thổ có tên là Mang Hào ở Vân Nam cho nên người Pháp gọi là tàu Mang Hào). 

- Sau nầy, Francis Garnier và lái buôn Jean Dupuis chỉ có dưới tay khoảng 90 binh sĩ xung kích và trong vòng 7 giờ đồng hồ mà đã có thể hạ thành Hà Nội vào ngày 20 tháng 11 d.l năm 1873 (Quý Dậu) do hơn 7 tới 8 ngàn quan binh của triều đình nhà Nguyễn đóng giữ dưới quyền thống lãnh của danh tướng Nguyễn Tri Phương: trong trận nầy Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và bị quân Pháp bắt tại trận, con trai của ông là phò mã Nguyễn Lâm trúng đạn chết. 

Tất cả những truy cứu vừa kể ra ở trên cho thấy: 

-Tình trạng yếu kém về mặt quân sự của nước Đại Nam dưới thời Tự Đức từ Bắc chí Nam: quân binh nhát sợ, súng đạn cổ lỗ, cấp chỉ huy kém khả năng ứng phó chỉ biết ngồi chờ làm theo lệnh phát ra từ trung ương. 
-Quân xâm lược Pháp và dư luận người Pháp quá tự tin về sức mạnh xâm lược của họ cho nên đã huênh hoang phô trương quá đáng, tự đánh giá mình quá cao. 



2/ Hơn 20,000 quân lính thuộc nhiều binh chủng khác nhau xếp hàng suốt dọc lộ trình cùng với những con voi trận để tiếp đón đdoàn sứ thần Pháp-Y Pha Nho

Nếu con số nầy không bị Bonard phóng đại quá mức thì cũng sẽ gây thắc mắc cho hậu thế tại sao tiếp rước một đoàn sứ thần ngoại quốc chưa đầy 100 người tới kinh đô mà Tự Đức và triều đình Huế lại phải điều động một số quan binh khổng lồ như thế? 
Con số nầy do hai bên đã thỏa thuận ấn định trước đây khi bàn bạc về các việc sắp xếp nghi thức trao đổi hòa ước Nhâm Tuất (1862) sau khi được hai bên phê chuẩn? Hay là Bonard đích thân nhởn nhơ và thong dong đếm số được 20,000? Phải chăng đây là một chuyện bày binh bố trận của triều đình Huế biểu dương lực lượng để răn đe đối phương "chớ có nên dở trò" thừa cơ làm chuyện càn rỡ tại kinh đô Huế? Hay là phía Đại Nam muốn dùng số đông để thừa cơ hội nầy bắt sống nhóm đại diện thế lực xâm lược làm con tin trao đổi cho việc đòi trả lại những vùng đất đã mất? 

Tất cả những câu hỏi vừa kể trên đây chỉ là những suy đoán dựa trên tài liệu do một nhân vật lịch sử vào thời đó (Bonard) viết ra khi người nầy đang ở trên vị thế của kẻ thắng trận; mà những kẻ thắng trận thì thường hay kiêu ngạo, lấn lối, lộng ngôn, khinh thường hạ thấp giá trị của phía bại trận nhằm mục đích phô trương tài cán và công trạng lẫy lừng của mình. 




Tuy nhiên nếu xét cho cùng thì sự huênh hoang phô trương của người Pháp không phải là không có lý do: đất nước Đại Nam tồi tệ thụt lùi dưới quyền lãnh đạo của một tập đoàn quân chủ phong kiến ngủ mê ở kinh đô Huế là một thực tế hiển nhiên mà sử sách nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức không thể nào che đậy được: 

 Cả một nước Đại Nam từ Bắc chí Nam phần lớn trông nhờ vào lúa gạo cấy trồng từ các vùng đất ở Nam Kỳ vì thế khi bị ngoại bang cấm vận thì cả nước nhốn nháo lo sợ: 

<<Các ông đòi tiền, chúng tôi trở thành bần cùng. Như thế phải chăng là một cảnh tượng thú vị dâng lên cho đấng tạo hóa với bao nhiêu tai họa do các ông gây ra? Nay các ông lại chận ngăn lúa gạo và người dân của chúng tôi sẽ bị chết đói." Đây là một phần văn thư phúc đáp của quan khâm sai đại thần quân thứ Biên Hòa Nguyễn Bá Nghi gởi cho Charner khi Charner ra lệnh cấm chuyên chở lúa gạo trên khắp các vùng sông, biển ở Nam Kỳ hạ. Rồi cuối thư, với lời lẽ không kém phần tự phụ: "Và bởi vì đó là nguồn mạch cuối cùng mà quan soái để lại cho chúng tôi, vậy thì chúng tôi còn có súng đạn, chúng tôi sẽ chiến đấu." Đó chỉ là câu nói liều trong một trạng huống bối rối nguy kịch chứ không thể đe dọa được kẻ địch bởi vì Charner đã trả lời một cách tách bạch dứt khoác là ông ta "sẽ cố gắng đẩy lui súng đạn bằng súng đạn". (Xin đọc lại nơi trang 22). 

 Sức mạnh quân sự quốc phòng lấy tướng giỏi, tàu thuyền, súng óng, đạn dược tân tiến và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quan binh làm nòng cốt cho việc gìn giữ trật tự an ninh trong nước và đẩy lui giặc xâm lăng ngoại bang: 

-Tướng giỏi của triều đình nhà Nguyễn dưới thời Tự Đức? Ngoài hai ông Nguyễn Tri Phương và Trương Minh Giảng thì còn ai nữa đâu! Cả một nước mà có tới 2 ông tướng giỏi, có nhiều lắm không? Giỏi ở đây cũng chỉ có thể so đo với các nước láng giềng sát cạnh như Lào, Cao Miên, Tiêm La mà thôi. Binh sĩ của ông hoàng đế tổng tư lệnh quân đội Tự Đức thì sao? Họ chỉ có vẻ uy hùng khi được ban phát áo mũ sum xoe để trình diễn trong các cuộc lễ hội diễn binh chứ ngoài chiến trường thì họ chỉ có biết chạy trốn. 

- Súng đạn, tàu chiến thì vào thời Tự Đức có những gì? Có nhiều lắm, do ông cố tiên đế Gia Long để lại và thêm vài chiếc tàu bọc đồng cũ mua lại của ngoại quốc qua các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, tất cả mọi thứ đều quá xưa cũ cách xa thời Tự Đức gần cả trăm năm! Súng trường trang bị cho binh sĩ đa số là súng mang nhãn hiệu Pháp từ năm 1777 trở về trước và có cả loại súng trường cổ lỗ kiểu châm ngòi lửa của Trung Quốc. Loại súng năm 1777 chỉ bắn xa được 250 mét. 

Trong khi các loại súng trường mới lòng có đường vòng khương tuyến của liên quân xâm lược Pháp-Y Pha Nho kiểu năm 1853, 1854, 1857 có tầm bắn xa hiệu quả là 1,200 mét (hơn một cây số ngàn). 

Đại pháo lòng không có đường vòng khương tuyến có từ thời Gia Long không thể nào bắn xa như các khẩu đại pháo lòng có vòng khương tuyến của quân xâm lược: trong trận đánh nơi chiến lũy Kỳ Hòa, Charner đã dùng đến ba khẩu đại pháo loại lòng lớn đạn 4 cân Anh (khoảng 2 kí lô)có đường vòng khương tuyến và bốn khẩu trọng pháo lòng lớn có vòng khương tuyến đạn 12 cân Anh (khoảng 6 kí lô) để đánh hạ chiến lũy Kỳ Hòa kiên cố do danh tướng Nguyễn Tri Phương trấn đóng. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 151). 

Hai tác giả Bouianais và Paulus cho biết trong một quyển sách viết chung của họ có tựa đề là L' Indochine française contemporaine, nơi trang 11, thì vào thời điểm trước khi tấn công chiến lũy Kỳ Hòa các khẩu đại pháo lòng 160 ly có vòng khương tuyến, đạn tròn nặng 30 cân Anh (khoảng 15 kí lô đã được quân Pháp-Y Pha Nho bố trí từ những ngày cuối tháng 2 d.l năm 1861. 

Các khẩu đại pháo nầy mượn từ các chiến hạm lớn của Charner, mỗi khẩu nặng khoảng 3,500 kilô, có tằm tác xạ hữu ích là 6,250 mét theo một góc độ là 35o. (A. Schreiner; sách đã dẫn; trang 157; phần ghi chú số 2). 

Loại đại pháo cổ từ thời Gia Long lòng súng không có vòng khương tuyến, bắn một viên đạn tròn nặng 8 cân Anh (hay 4 kílô) chỉ có một sức bắn xa là 800 mét hay với một góc độ lớn tối đa thì cũng chỉ bắn xa được không quá 1,500 mét; một đại pháo cùng loại nhưng lòng có đường khương tuyến, bắn đi một viên đạn nặng 4 kilô sẽ có tằm tác xạ hữu ích là 3,200 mét(A.Schreiner; trang 151,152) tức là từ đồn Cai Mai (có sách gọi là đồn Cây Mai) quân Pháp có thể di chuyển các khẩu đại pháo nầy đến gần chiến lũy Kỳ Hòa khoảng 3 cây số để dùng cách đánh bắn phá thành lũy trước rồi tung quân tiến chiếm sau (Tiền pháo hậu kích). 

-Nội tình an ninh trong nước bất ổn. Giặc thổ phỉ Cờ đen, Cờ Vàng, Cờ trắng đến từ Trung Quốc lộng hành ở Bắc Kỳ (A.Schreiner page 311) khiến cho quan binh triều đình chỉ còn biết quanh quẩn trú an trong thành Hà Nội và các thành quách ở các tỉnh lân cận. Tệ hại hơn nữa là chính quyền Đại Nam ở Bắc Kỳ còn trọng dụng giặc thổ phỉ Cờ đen, thả lỏng cho bọn họ tung hoành nghênh ngang, vơ vét, cướp phá dân chúng khắp nơi. Ba nhóm giặc thổ phỉ nầy là dư đảng của một tổ chức nội phản khởi phát từ năm Kỷ Dậu (niên hiệu Tự Đức thứ 2 / 1849) ở Tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa có tên là Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quí, Lý Tú Thành chủ xướng, chiếm giữ vùng Kim Lăng và nhiều tỉnh ở về phía Nam sông Trường (Trường Giang). Triều đình Trung Hoa nhờ có ngoại quốc tiếp tay nên đánh tan nhóm nội phản và bình định các tỉnh phía Nam. Tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc gồm có 3 nhóm Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng, tất cả khoảng 3,000 người do Ngô Côn làm đầu lãnh chạy trốn, tràn sang biên giới phía Nam để bắt đầu cướp phá gây tàn hại cho dân chúng Đại Nam ở các tỉnh giáp giới với Trung Hoa. Sau khi Ngô Côn chết, 3 nhóm giặc Cờ hiềm khích, tranh giành quyền lợi với nhau: ở miền thượng du Bắc Việt thì nhóm thổ phỉ Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu quấy nhiễu vùng lãnh thổ Lào Cai, và nhóm thổ phỉ Cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh cướp bóc mạn Hà Giang. Chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Việt bất lực không thể dẹp yên giặc thổ phỉ ở vùng biên giới cho nên phải chịu liên kết với nhóm Cờ Đen để chống trả nhóm Cờ Vàng, phó mặc vùng Lào Cai cho Lưu Vĩnh Phúc trọn quyền làm chủ và mặc tình vơ vét. Thổ phỉ Trung Hoa hoành hành khắp các miền Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tàn dư của nhà Hậu Lê là Hoàng Tề lại nổi lên thông đồng với đám cướp biển tàu-ô Trung Quốc cướp phá khắp vùng Quảng Yên và Hải Dương mãi về sau mới bị quân thứ của tỉnh Hải Dương bắn hạ ở huyện Thanh Lâm tuy nhiên giặc tàu-ô vẫn tiếp tục cướp phá ở ngoài biển. Tháng 7 năm Nhâm Thân (1872) triều đình Huế phải cử danh tướng Nguyễn Tri Phương làm Tuyên-sát đổng-sức đại thần ra Bắc lo việc quân cơ và bình định nhưng cũng không đạt được một thành tích khả quan nào. 


Về thời điểm trao đổi hoà ước ngày 9 tháng 5 âl năm Nhâm Tuất/ niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức là ngày 5 tháng 6 d.l năm 1862, trong phiếu trình của Bonard được đăng lại trên tập san Revue Maritime et Coloniale có ghi rõ là phái đoàn sứ Pháp-Y Pha Nho khởi hành từ Sài Gòn ra Đà Nẵng vào ngày 2 tháng 4d.l năm 1863, đến vụng cảng Đà Nẵng ngày 5 tháng 4 dl, và đến kinh đô Huế ngày 10 tháng 4 dl. năm 1863. 

Phái đoàn sứ của Pháp gồm có: cầm đầu là đề đốc ủy nhiệm Bonard, thống đốc, chỉ huy trưởng quân đội Pháp ở Nam Kỳ, đại sứ toàn quyền của hoàng đế Napoléon III; đại tá hải-lục quân Reboul, tổng tham mưu trưởng;Tricault, đệ nhị ủy nhiệm thay mặt bộ trưởng bộ Hải quân và Thuộc địa; đại úy hạm trưởng Aubaret, thanh tra trưởng Á Châu sự vụ, đệ tam ủy nhiệm; phó hạm trưởng Buge. 

Sứ thần đại diện cho nữ Hoàng Tây Ban Nha là đại tá chỉ huy trưởng đoàn quân viễn chinh Tây Ban Nha Palanca Guitierrez. 


Về thời điểm trao đổi hoà ước Nhâm Tuất, sử sách Việt Nam ghi chép khác với các sự ghi chép được tìm thấy trong các thư tịch của người Pháp: 

 Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên và Quốc triều Chánh Biên Toát Yếu ghi chuyện nầy xảy ra trong tháng 2 âm lịch năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863). 

1-/ Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên, ghi chép về những việc trong năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 16 (1863): 

<< Quý Hợi, Tự Đức thứ 16 (1863) (Thanh, Đồng-trị năm thứ2). Mùa Xuân, tháng Giêng, Tiết Nguyên đán . . .( ĐNTLCB; đệ tứ kỷ; quyển XXVII; trang 5). . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Tướng nước Phú (tức nước Pháp) cho phái viên đến báo kỳ sứ đến tháng 2 (âl) và phúc tư về điều khoản nên làm trong khi sứ bộ đến>>. 

Vua cho là việc dề nghị đó hãy còn chưa thỏa đáng, bèn sai Phạm Phú Thứ sai làm khâm sai đại thần đến nơi hội tề với Phan Thanh Giảng, Lâm Duy Thiếp bàn nói với tướng nước Phú . . ..>> (ĐNTLCB; đã dẫn; trang 6) . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . 
<< Tháng 2, sứ thần của 2 nước Phú -Lãng-Sa và I-Pha-Nho là bọn Phô-na, Bờ-lăng-ca (đều là tướng kiêm chức sứ thần), đến kinh sư, ở vào quán mới sông Hương (2 chánh sứ, 2 phó sứ, 2 bồi sứ, 2 tham biện, võ chức quản lãnh 4 người, lục sự 2 người, tham tán 1 người, hộ lễ ` người, thông ngôn 1 người, y sinh 1 người, cộng 16 viên danh. Thuyền 5 chiếc, mỗi chiếc quân đi theo hơn 150 người. Khi đến cửa Đà Nẵng Quảng Nam, chỉ đem theo một chiếc thuyền và 100 người lính thôi; đến cửa biển Thuận An, đi bộ đến Kinh . . ..( ĐNTLCB; đã dẫn; trang 9) . . . . . . 

2-/Sách Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu viết rõ hơn: 

<<Năm Quý Hợi thứ XVI,(1863) tháng Giêng, quan soái Pháp sai người đến báo rằng: trong tháng 2 Annam, Sứ sẽ tới Kinh, và nói những điều khoản sứ bộ nên làm. Ngài xét trong mấy điều khoản, còn có chỗ chưa thỏa, liền sai Phạm Phú Thứ sung khâm sai tới Nam kỳ hội hội với Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp để thương thuyết cùng quan soái Pháp, hổ thương xong rồi, thời 3 người đều phải đi trạm về trước cho gắp, đặng sung làm chức tiếp sứ. Đến Gia Định, 3 người hội thương với nguyên soái, trong mấy điều khoản đó, cũng có điều theo tục Đại Pháp, cũng có điều theo lẽ nước ta, đặng tỏ lòng cung kính.; 3 người cùng bàn với Pháp-soái và quan đại thần nước Y-pha-nho hội bàn phép tắc vào chầu thế nào, rồi về tâu trước, Ngài chuẩn y nghị mà làm>> (SQTCBTY; bản dịch; in năm 1925, trang 337). 

 Trong loạt bài viết Notes pour servir à l'histoire de l'établissement du Protectorat français en Annam của tác giả Lê Thanh Cảnh đăng trên Đô Thành Hiếu Cổ Tập San, số thứ 4/ tháng 10-12/ 1937 (trang 391) cũng ghi vào tháng tháng 2 âl như sau : 

<<Réception des Envoyés français et espagnol. 

Dans le courant du ler mois de la 16e année de Tự-Đức (1863) (tức tháng Giêng niên hiệu Tự Đức thứ 16) le Commandant en chef français fit annoncer à la Cour l'arrivée des Envoyés français et espagnol pour le deuxième mois, et notifia le protocole — légèrement modifié — de leur réception à Hué. Sa Majesté, peu satisfaite du protocole communiqué, envoya en Cochinchine PHẠM-PHÚ-THỨ pour s'entendre avec PHAN-THANH-GIẢN et LÂM-DUY-HIỆP pour l'établissement d'un nouveau programme de réception des Envoyés. 
Après accord avec les Plénipotentiaires français et espagnol, PHẠM-PHÚ-THỨ revint à Hué, avec PHAN-THANH-GIẢN et LÂM-DUY-HIỆP rendre compte à Sa Majesté de láccomplissement de leur mission. 

La Cour s'apprêtait alors à recevoir les Plénipotentiaires. 

Dans le courant du 2è mois (tức tháng 2 âl), M. BONNARD représentant la France, et M. PALANCA représentant l'Espagne, firent leur entrée dans la Capitale d'Annam (le Commandant en chef français représentaitle Gouvernement français). Ils furent reçus dans le nouveau Hôtel des Ambassadeurs, construit au bord de la Rivière des Parfums>>. 

Tạm dịch: <<Trong vòng tháng Giêng niên hiệu Tự Đức thứ 16, viên tư lệnh Pháp (Bonard) tuyên bố là đoàn sứ Pháp và Tây Ban Nha sẽ đến vào tháng thứ hai (ý ở đây là tháng 2 âm lịch chứ không phải tháng 2 dương lịch = Février), và cho biết về nghi thức đã được thay đổi một ít cho thích hợp cho cuộc tiếp đón đoàn sứ tại Huế. 

Hoàng thượng không hài lòng với kiểu cách tiếp đón do người Pháp thông báo cho nên lại cử Phạm Phú Thứ vào Nam Kỳ để cùng với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để bàn thảo một chương trình bàn thảo về nghi thức đón tiếp đoàn sứ Pháp-Tây Ban Nha. 

Sau khi thỏa hiệp với các khâm sứ Pháp và Tây Ban Nha, Phạm Phú Thứ trở về Huế cùng với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để tấu trình lên hoàng thượng là họ đã hoàn tất nhiệm vụ giao phó. 

Triều đình chuẩn bị tiếp đón đoàn sứ. 

Trong vòng tháng thứ hai, ông Bonard đại diện cho Pháp, ông Palanca đại diện cho Tây Ban Nha đến kinh đô của nước An Nam (tổng tư lệnh quân sự Pháp (Bonard) đại diện cho chính phủ nước Pháp). Họ được rước đón và đưa đến Toà dinh tiếp sứ trên bờ sông Hương.>> 

 A .Schreiner trích dẫn bài viết của Vial về tiến trình trao đổi bản hoà ước năm Nhâm Tuất (5 tháng 6 dl năm 1862) sau khi đã được hoàng đế Pháp quốc, nữ hoàng Y Pha Nho và hoàng đế nước Đại Nam ký phê chuẩn như sau : 

<<D'après Vial, le Forbin, parti le 6 Mars, portait la notification de ratifier le traité immédiatement. A la date du 15, la cour demande un dernier délai d'un mois en raison de la fête du sacrifice au ciel et à la terre. Il n'en est guère tenu comte et, le 1er Avril, le Forbin, revenu à Saigon, reçoit à son bord Phan Thanh Giảng et Lâm Duy Hiệp, ainsi que MM. le lieutenat de vaisseau Amirault et le lieutenant d'infanterie espagnol Illana chargé d'accompagner les présents offerts à l'Empereur Tự Đức par LL.MM l'Empereur Napoléon III et la reine Isabelle II. Le 3 Avril, l'amiral Bonard embarque lui même sur la frégate la Sémiramis ayant à bord le contre amiral Jaurès, le bataillon d'infanterie légère qui retounait à Schanghai et le personel de la légation française. La frégate était accompagnée de la corvette à vapeur Cosicao, du steamer Grenada et de la corvette Circé enue des Philipines avec le personel de la légation espagnol. 

Le 5 Avril, on mouille sur rade de Tourane et, le jour même l'amiral Jaurès continua sa route vers Schanghai . . . . . 

Le 6 on descend à terre. Le 7 on se met en route avec une escorte de 300 soldats annamites et de 400 porteurs. Le 10 vers midi, les légations arrivent à Huế. Après les visites d'usage, les traités ratifiés sont échangés les 13 et 14 Avril. La journée du 15 est marquée par la mort bien regretable de Lâm Duy Hiệp, l'un des deux plénipotentiares annamites. Le Choléra l'avait enlevé en quelques heures. Le 16, les légations sont reçus par Tự Đức. 

Le 18 Avril au soir, les légations, ayant termimé leur mission, reprennent le chemin de Tourane par la rivière sur les jonques impériales. Le 19 au matin, elles embarquent à bord du Grenada qui appareille le mêm jour et arrive à Saigon le 22 Avril . . . 

A son retour à Saigon, l'amiral Bonard, dont la santé avait été fortement ébranlé par les travaux et les soucis de son gouvernement, remit la direction de la colonie au contre amiral de la Grandière. Le 30 Avril, il fit ses adieux aux officiers réunis dans le salon du gouvernement et leur présenta son remplaçant >> (Vial) ( Shreiner; trang 252, 253) 

Tạm dịch
<<Theo tác giả Vial thì tàu chiến Fobin đã ra đi (từ Sài Gòn ra Huế) từ 6 tháng 3 dl (năm 1863) mang theo bản thông báo về việc phải chuẩn y bản hòa ngay lập tức. Ngày 15, triều đình yêu cầu một gia hạn cuối cùng một tháng để tiến hành lễ hiến tế Trời Đất (Tế Đàn Nam Giao). Lời yêu cầu gia hạn đó không được ưng thuận. Tàu Forbin trở về Sài Gòn, để rồi ngày 1 tháng 4 dl lại chở Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, cùng với phó hạm trưởng là Amirault, trung úy bộ binh Tây Ban Nha là Illana mang quà cáp của hoàng đế nước Pháp Napoléon III và của nữ hoàng Isabelle II (nữ hoàng nước Tây Ban Nha) ra triều đình Huế để biếu tặng hoàng đế Tự Đức. Ngày 3 tháng 4 dl (ĐTLCB ghi là tháng 2 âl: có thể là táng 2 nhuận mới đúng chăng?) Bonard lên tàu khu trục hạm Sémiramis của phó đề đốc Jaurés có nhiệm vụ chở tiểu đoàn khinh binh của Pháp về Thượng Hải (Trung Quốc) cùng với phái đoàn của Pháp. Khu trục hạm nầy được bảo vệ bởi hộ tống hạm chạy bằng máy hơi nước Cosicao, Grenada và Circé đến từ Phi Luật tân, chuyên chở phái đoàn Tây Ban Nha. 

Ngày 5 tháng 4 dl, đoàn tàu (Pháp Tây ban Nha) bỏ neo ở vụng biển Đà Nẵng và cùng ngày hôm đó tàu của phó đề đốc Jaurés tiếp tục hành trình về Thượng Hải . . . . 

Ngày 6 thán 4 dl, hai phái đoàn Pháp - Tây Ban Nha lên bộ. Ngày 7 khởi hành bằng đường bộ với 300 lính tập An Nam và 400 trăm phu khuân vác. Trưa ngày 10, phái đoàn tới Huế. Sau những nghi lễ viếng thăm thông thường, là nghi thức trao đổi các bản hòa ước trong 2 ngày 13 và 14. Ngày 15 đáng ghi nhớ vì cái chết rất đáng tiếc của Lâm Duy Hiệp, một trong hai viên toàn quyền đặc sứ. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, bệnh dịch tả đã giết chết ông Hiệp. 

Ngày 16 phái đoàn được Tự Đức tiếp kiến. 

Vào buổi chiều ngày 18 tháng 4 dl, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ lại bắt đầu trở ra Đà Nẵng bằng đường sông do các thuyền chiến của triều đình chuyên chở. Sáng ngày 19, đoàn tới vụng Đà Nẵng và lên tàu chiến Grenada đã tới cùng một ngày đợi ở đó và về tới Sài Gòn ngày 22 tháng 4. . . . 

Về đến Sài Gòn, Đề đốc Bonard, sức khoẻ suy giảm vì làm việc quá sức với những phiền não gây ra từ chính quyền của ông (ở Sài Gòn), ông trao quyền cai trị lãnh thổ thuộc địa cho phó đề đốc de la Grandière. Ngày 30 tháng 4, ông (Bonard) từ biệt nhân viên viên chức nơi phòng khách dinh toàn quyền và giới thiệu người thay thế ông . . . .>> 



Tự Đức tiếp kiến các sứ thần ở điện Thái Hoà 

Sách Đại Nam Thực Lục ghi chép việc nầy như sau: 
















Nhận xét