Ái Tử - kinh đô đầu tiên của Đàng Trong



Mấy chục năm nay, tôi luôn trăn trở với câu hỏi Chúa Nguyễn là ai? Bởi theo chương trình Lịch sử các cấp học phổ thông, tôi chỉ nhớ vắn tắt thế này: sau khi Lê Thánh Tông qua đời, nhà Lê bắt đầu suy yếu. Các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực lo ăn chơi hưởng lạc, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, các tập đoàn phong kiến nổi lên tranh giành ngôi báu.


Cuộc chiến tranh Lê - Mạc rồi cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài đến cuối thế kỷ 18 càng làm cho cuộc sống nhân dân khốn cùng. Trước hoàn cảnh đó, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra mà đỉnh cao là phong trào Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cầm đầu, tiêu diệt họ Nguyễn ở Đàng Trong. Thừa thắng, Bắc bình vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, tiêu diệt họ Trịnh, giúp nhà Lê thống nhất đất nước...


Miếu Trảo Trảo

Năm 1995, đoạn đường từ ga Hòa Hưng (TP. Hồ Chí Minh) đến Công trường Dân chủ được đặt tên là đường Nguyễn Phúc Nguyên. Tò mò về tên vị danh nhân này, tôi tìm tài liệu tham khảo mới vỡ ra nhiều điều về các chúa Nguyễn.
Chuyện bắt đầu vào năm 1527, Hữu vệ điện tiền tướng quân Nguyễn Kim trung thành với nhà Lê, đã tôn Lê Thế Tông lên ngôi. Trước sự hiềm khích của nhà Mạc, Nguyễn Kim trốn sang Lào lánh nạn. Năm 1545, Nguyễn Kim chết, mọi binh quyền rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Để bảo vệ binh quyền, Trịnh Kiểm (con rể của Nguyễn Kim) giết Tả tướng Nguyễn Uông và uy hiếp Nguyễn Hoàng (là hai người con của Nguyễn Kim). Để bảo toàn tính mạng, Nguyễn Hoàng nhờ chị gái Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin chồng cho mình vào trấn thủ Thuận Hóa.
Nguyễn Hoàng sinh khoảng năm 1525. Lên hai tuổi, cha đi lánh nạn, Nguyễn Hoàng được người cậu ruột là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tước Uy quốc công, nuôi dạy. Thấy Nguyễn Hoàng “tướng mạo khôi ngô, vai lân lưng hổ, mắt phượng trán rồng, thông minh tài trí, kẻ thức giả đều biết đấy là bậc phi thường”, nên Nguyễn Ư Dĩ đã khuyến khích cháu học hành với chí hướng “kiến công lập nghiệp”.
Trước khi lên đường nhậm chức trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng nhờ Nguyễn Ư Dĩ làm sứ giả đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Sách Đại Nam thực lục tiền biên có ghi lại lời sấm của Trạng Trình với sứ giả khi nhìn đàn kiến bò trên hòn non bộ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.” Nghĩa là: Một dãy núi ngang trên hòn non bộ có thể làm nơi dung thân cho đàn kiến. Sứ giả về nói lại, Nguyễn Hoàng hiểu là Trạng Trình khuyên nên đi vào vùng đất bên kia Đèo Ngang (Hoành Sơn).
Thế là năm 1558, Nguyễn Hoàng cùng với khoảng 300 tráng đinh Thanh-Nghệ, được Thái phó Nguyễn Ư Dĩ theo phò, rời quê hương Thanh Hóa, dong buồm ra biển hướng về phương Nam. Nhưng Nguyễn Hoàng không dừng lại phía Nam đèo Ngang, không vào cửa sông Gianh, Cửa Tùng mà chạy thẳng vào Cửa Việt. Sách Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang có viết: “Đoan quận công Nguyễn Hoàng, con thứ của Chiêu huân tĩnh công Nguyễn Kim và đoàn tùy tùng từ Cửa Việt lên đóng quân tại làng Ái Tử. Năm ấy ông 34 tuổi. Khi Đoan quận công mới lên Ái Tử, dân sở tại đem dâng bảy vò nước trong. Quan Thái phó Nguyễn Ư Dĩ nói với Đoan quận công: Ấy là điềm trời cho ông nước đó!”. Làng Ái Tử nằm bên bờ sông Thạch Hãn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách Huế 60km về phía Bắc.
Như vậy Nguyễn Hoàng là vị chúa đầu tiên, là bậc “Khai quốc công thần của họ Nguyễn xứ Đàng Trong”. Ái Tử là kinh đô đầu tiên của chúa Nguyễn, là thủ phủ khai nguyên của xứ Đàng Trong. Tại đây, Nguyễn Hoàng xây dựng thành lũy Ái Tử vững chắc và phát triển sản xuất nông nghiệp, mở cảng Cửa Việt giao thương với các nước, đời sống dân làng được ấm no. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Mấy năm được mùa luôn, trăm họ giàu thịnh”.
Năm 1570, Nguyễn Bá Quýnh trấn thủ Quảng Nam được gọi ra giữ đất Nghệ An, Nguyễn Hoàng được giao thêm Quảng Nam. Từ đó, lãnh thổ dưới quyền Tổng trấn Thuận - Quảng trải dài từ bờ Nam sông Gianh đến đèo Cù Mông (tương ứng với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay). Năm 1572, tướng Lập Bạo của nhà Mạc đưa 60 binh thuyền vào đánh, nhưng bị Nguyễn Hoàng dùng kế đánh tan.
Năm 1592, Nguyễn Hoàng ra Thăng Long yết kiến chúa Trịnh và phải sống ẩn nhẫn 8 năm trong kinh thành. Năm 1600, nhân có vụ khởi binh của Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) ở Nam Định, Nguyễn Hoàng xin đem quân đi dẹp loạn, rồi giả vờ thua, trốn chạy về Thuận Hóa.
Năm 1600, Nguyễn Hoàng dời kinh đô về Trà Bát, cách Ái Tử 3km. Làng Trà Bát, nay là làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1601, Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa Thiên Mụ, hiện nay vẫn sừng sững bên sông Hương (Huế).
Phút lâm chung, tại kinh đô Trà Bát, Nguyễn Hoàng cho gọi con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên đang làm trấn thủ Quảng Nam về bên, cầm tay mà dặn: “Đất Thuận - Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân, núi Thạch Bi (Đá Đĩa) vững bền. Núi sinh vàng, sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh thì chống chọi được với họ Trịnh, đủ dựng xây cơ nghiệp muôn đời, nếu thế lực không địch được thì cố giữ đất đai để đợi thời cơ chớ đừng bỏ hỏng lời dạy của ta”. Nguyễn Hoàng trút hơi thở cuối cùng tại kinh đô Trà Bát vào tháng 6/1613, hưởng thọ 88 tuổi, ở ngôi chúa 55 năm. Mộ chúa táng ở bên bờ sông Thạch Hãn, về sau con cháu đưa vào cải táng ở La Khê, huyện Hương Trà, gọi là lăng Trường Cơ.
Vâng mệnh cha, tại kinh đô Trà Bát, Nguyễn Phúc Nguyên lên nối ngôi. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “...Nguyễn Phúc Nguyên lo sửa sang thành lũy, vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục”. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên ra sức phát triển sản xuất và mở rộng giao thương với nước ngoài qua cảng Cửa Việt và cảng Hội An, kinh tế Đàng Trong thịnh vượng, được xưng tụng là Chúa Sãi, Sãi Vương. Chúa Sãi ở Trà Bát 13 năm, đến năm 1626 thì chuyển kinh đô vào Phước Yên, Quảng Điền, nay thuộc Thừa Thiên-Huế. Khi đã đủ mạnh, Nguyễn Phúc Nguyên công khai không thần phục họ Trịnh, không ra Thăng Long và cũng không cho con ra theo đòi hỏi của Đàng Ngoài. Họ Trịnh tức giận, đưa quân vào đánh nhưng 6 lần đều bị thất bại, đành chấp nhận sông Gianh là ranh giới của hai miền. Giấc mộng xây dựng cơ nghiệp muôn đời của chúa Nguyễn Hoàng được thực hiện.


Tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ đang lưu giữ tại làng Trà Liên

Cứ cha truyền con nối, đến lúc đó, chúa Nguyễn cai quản xứ Đàng Trong được 8 đời. Ngôi chúa Nguyễn bắt đầu lung lay ngay sau cái chết của vị chúa thứ 8 Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1765. Quốc phó Trương Phúc Loan tham tiền và tham quyền đã đưa hoàng tử thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi lên ngôi chúa. Sự lộng quyền của Trương Phúc Loan đã làm bộ máy cai trị của chúa Nguyễn suy yếu. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn vào năm 1771, chấm dứt 213 năm cai quản xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn (1558-1771). Năm 1777, Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn đem quân ra đánh đuổi, quan quân chúa Nguyễn phải chạy dài vào Nam. Trong số đó, có Nguyễn Phúc Ánh (tức Nguyễn Ánh) trốn thoát ra đảo Thổ Châu ẩn náu, chờ thời cơ. Sau khi Vua Quang Trung Nguyễn Huệ chết, nhà Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Thời cơ đến, Nguyễn Ánh tập hợp thân thích, chiêu mộ thêm lính tráng, đánh từ Nam ra Thuận Hóa. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu Gia Long, mở đầu triều Nguyễn xây dựng kinh đô tại Huế.
Trải qua hơn bốn thế kỷ rưỡi (1558-2012) với bao cuộc chiến tranh ác liệt, nhất là 20 năm bị quân Mỹ xâm lược, Quảng Trị nói chung và Ái Tử - Trà Bát nói riêng, là nơi giao tranh ác liệt giữa ta và giặc, nên kinh đô đầu tiên của chúa Nguyễn ở đây hầu như không còn ai biết. Những dấu vết còn lại trên mặt đất hiện nay là miếu Trảo Trảo, được Nguyễn Hoàng xây để thờ vị thần đã giúp đánh thắng tướng Lập Bạo của nhà Mạc, cùng pho tượng đồng Phó tướng Nguyễn Ư Dĩ, to, nặng được người dân làng Trà Liên bảo vệ và thờ cúng quanh năm, và có chăng là đây đó trong các ngôi nhà ở Ái Tử, Trà Bát còn những viên gạch của thành lũy xưa được lượm về lát sân, lát cửa.
Sử sách còn ghi chép lại rằng Quảng Trị đã 3 lần là kinh đô. Lần thứ nhất là kinh đô của chúa Nguyễn ở Ái Tử (1558-1600), Trà Bát (1601-1626). Lần thứ 2 là “kinh đô kháng chiến” của Vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết trong phong trào Cần Vương chống Pháp (1883) xây dựng căn cứ Tân Sở, nay thuộc vùng Cùa, huyện Cam Lộ. Lần thứ 3 là trụ sở của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) cũng đặt tại Cam Lộ. Năm 1973, tại đây, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989), Chủ tịch CPCMLTCHMNVN, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996) Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn CPCMLTCHMNVN, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao CPCMLTCHMNVN đã tổ chức lễ trình quốc thư và tiếp các đoàn ngoại giao.

Nhận xét