Cố đô Hoa Lư: Đền Vua Đinh Tiên Hoàng

Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích lịch sử liên hệ tới các anh hùng dân tộc thuộc 3 triều đại Vua đầu tiên của lịch sử: Đinh, tiền Lê và Lý.

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất trung ương tập quyền. Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long 1000 năm trước đây, Hoa Lư trở thành cố đô.
Theo Wikipedia tiếng Việt “Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ…

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13.87 km² thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.
Trong entry nầy, xin chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh đền vua Việt Nam đầu tiên đã có công thống nhất đất nước, đánh Tống dẹp Chiêm, vua Đinh Tiên Hoàng.
“Đền Vua Đinh Tiên Hoàng thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư toạ lạc ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Đền nằm trên khuôn viên rộng 5ha, thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích. Đền được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, quay hướng đông. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Trên núi có lăng mộ vua Đinh.

Kiến trúc
Đền vua Đinh được xây dựng trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa, theo kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Xung quanh khu vực này, các nhà khảo cổ đã đào được một mảng sân gạch có họa tiết hoa sen và đôi phượng vờn nhau. Trên mặt gạch có dòng chữ “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” và “Giang tây quân”; chứng tỏ đây là những viên gạch thời Đinh – Lê.
Đền vua Đinh được xây dựng theo kiểu đăng đối trên trục thần đạo. Bắt đầu từ hồ bán nguyệt và kết thúc ở Chính cung. Hồ bán nguyệt là một hồ nước xây dựng theo kiểu kiến trúc cung đình xưa. Trong hồ thả hoa súng. Sau Minh Đường – Hồ Bán Nguyệt là bức bình phong. Theo thuật phong thủy, bình phong để án ngũ gió độc. Ở giữa bình phong là bông gió với họa tiết kiểu hoa cúc, ý nói lên sự trường tồn.
Ngọ môn quan là cổng ngoài dẫn vào đền. Trên vòm cửa cong là hai con lân vờn mây. Phía trên cổng là hai tầng mái che với tám dao mái cong vút. Cổng ngoài có ba gian lợp ngói, mặt trong cổng ghi bốn chữ “Tiền triều phụng khuyết”. Toà thứ hai là Nghi môn (cổng trong) với 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Qua nghi môn ngoại, dọc theo đường thần đạo đến Nghi môn nội. Các họa tiết trang trí của nghi môn nội giống như nghi môn ngoại, ngay cả kiến trúc có ba hành cột cũng giống nhau.
Đền thờ có hai lớp cửa vào đền cũng tương tự như hai vòng thành Hoa Lư xưa. Đi hết chính đạo, qua hai trụ cột lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá chung quanh chạm nổi. Hai bên sập rồng có hai con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối. Tiến dần vào trong, ở giữa có long sàng bằng đá. Cạnh hông của sập đá tạc đầu rồng. Bề mặt của sập rồng được tạc nổi hình con rồng với dáng vẻ khỏe mạnh và uy dũng.
Hai bên long sàng là tượng hai con nghê chầu bằng đá xanh thưộc thế kỷ 17. Long sàng tượng trưng cho bệ rồng nên được điêu khắc với họa tiết rất đẹp. Hai tay vịn của Long sàng là hai con rồng đang uốn mình trên tầng mây cao. Dáng rồng rất thanh cao với đầu ngẩng cao để bờm bay phất phới, râu dài thả rủ về phía trước. Xung quanh long sàng có cắm cờ tượng trưng cho các đạo quân, có nghê chầu, có ngựa trắng…
Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Phía sau long sàng là điện thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Cấu trúc điện có hai phần: Bái đường và chính cung. Tòa bái đường để bàn thờ cộng đồng. Trên bàn thờ là nhang án được chạm trổ rất đẹp, thuộc về thế kỷ 17. Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh là các quan trung thần.
Đi hết tòa Thiêu hương vào chính cung 5 gian. Ngai thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được đặt ở giữa chính cung, trang trí sơn son thếp vàng. Ngai được đặt trên bệ với tượng rồng tạc giống như rồng nơi long sàng. Gian giữa thờ tượng Vua Đinh Tiên Hoàng được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu, tạc theo kiểu yên ngựa. Trên bức đại tự có ghi hàng chữ: “Chính thống thủy” với ý nghĩa ca ngợi Đinh Bộ Lĩnh là người mở nền chính thống. Hai bên cột giữa có treo câu đối: “Cồ Việt Quốc đương Tống Khai Bảo – Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nghĩa là: Nước Đại Cồ Việt sánh ngang với nước Tống – Kinh đô Hoa Lư bề thế như kinh đô Tràng An ).
Gian bên phải thờ tượng thái tử Hạng Lang và Đinh Toàn đều quay mặt về phía Bắc, là hai con thứ của Vua. Gian bên trái thờ tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn quay mặt về phía Nam là con trưởng của vua.

Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17. Đền Vua Đinh cũng là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký..” (Nguồn: Wikipedia)

Nhận xét