Lịch sử xe Porsche

Nhắc đến Porsche là nhắc đến một thương hiệu xe chất lượng hoàn hảo nổi tiếng thế giới ngang tầm với những Ferrari, MG, Lamborghini, Aston Martin, Bentley, Rolls-Royce… Không chỉ đắt đỏ, chiếc xe chính xác đến mức hoàn thiện nhất của Đức cũng không được sản xuất đại trà.Xe Porsche Boxter Xe Porsche Boxter. Theo tuần báo kinh tế Mỹ Business Week, Porsche chính là công ty châu Âu xuất sắc nhất. Còn đối với các chuyên gia phân tích ở các ngân hàng lớn nhất thế giới, Porsche là nhà sản xuất xe độc lập nhỏ nhất thế giới (chỉ có khoảng 10.400 nhân viên) nhưng sinh lãi cao nhất. Và đối với 2.500 nhà quản trị Đức trả lời thăm dò của tạp chí chuyên ngành Manager Magazine, Porsche chính là thương hiệu đáng nể trọng nhất của toàn nền kinh tế Đức. Ông Ferdinand Porsche, sinh năm 1875 tại Maffersdorf, Bohemia, chính là người đã gầy dựng nên Porsche. Từ chỗ hành nghề trong một công ty điện ở Vienna, ông chuyển sang nghiên cứu sản xuất xe hơi. Năm 1931, ông thành lập studio thiết kế tại Stuttgart, với phụ tá đắc lực nhất là người con trai Ferdinand "Ferry". Họ làm ra một chiếc xe đua rất đáng nể cho Auto-Union. Cũng trong năm 1931 ấy, Porsche còn đề ra những thiết kế nguyên mẫu cho một kiểu xe hoàn toàn khác lạ. Đó là chiếc Volkswagen, xe của mọi người dân. Phải mất 15 năm sau, "Con bọ" (Beetle) nổi tiếng mới được sản xuất hàng loạt và đến năm 1950 thì Porsche mới chính thức chào đời ở tư cách là một công ty độc lập. Vài tháng sau đó, gia đình Porsche mừng chiến thắng lớn đầu tiên khi một chiếc xe của họ về nhất ở cuộc đua Le Mans nổi tiếng thế giới. Năm 1963, lại một kỳ tích mới: chiếc Porsche 911, một cỗ máy 6 xylanh do Ferdinand Alexander Porsche thiết kế được bầu chọn là Thiết kế của Thế kỷ. 911 đã trở thành kiểu xe bất tử. Năm 1973, Ferry Porsche chuyển công ty thành công ty cổ phần, gia đình Porsche rút hẳn ra khỏi hội đồng quản trị. Người đứng đầu Porsche AG hiện nay là Wendelin Wiedeking, người đàn ông cao to có bộ ria mép cứ và cặp mắt kính trắng che bớt các nếp nhăn nơi khóe mắt. Ông chào đời năm 1952 tại Ahlen (bang Westphalia), học kỹ thuật, lấy bằng tiến sĩ rồi bắt đầu sự nghiệp tại công ty Porsche ở vai trò cố vấn cho hội đồng quản trị từ năm 1983. Lúc ấy, ban giám đốc thử sức nhân viên mới bằng việc giao cho Wiedeking lãnh đạo dự án nghiên cứu-phát triển nhà máy mới chuyên sản xuất thùng xe. Ông thành công nên được giao tiếp trách nhiệm lớn thứ hai là lãnh đạo toàn bộ khâu cung cấp phụ tùng. Ông hoạt động ở lĩnh vực này mãi cho đến năm 1991 rồi mới trở về cơ sở chính của Porsche tại Zuffenhausen. Cabin thể thao. Lúc này, Wiedeking chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất: biến Porsche thành nhà sản xuất nhiều kiểu xe hoàn hảo nhất. Nhưng ý định của ông khó trở thành hiện thực vì lúc ấy, do sai lầm về định hướng, chiến lược phát triển và kiểu xe, Porsche đã trở thành một thương hiệu xe deluxe lâm vào ngõ cụt. Sản xuất và kinh doanh đã hết sinh lãi, trong khi các kiểu xe đánh mất sắc nét độc đáo riêng của Porsche. Tháng 1/1991, tổng số xe Porsche bán ra được ở thị trường Mỹ chỉ là… 3 chiếc! Giới chuyên ngành cho rằng Porsche sẽ phải bán mình cho một tập đoàn xe hơi nào đó, không của Mỹ thì của Nhật. Các cổ đông kịp nhìn ra sai lầm của ban giám đốc, họ quyết định chọn ông Wendelin Wiedeking làm "tài xế" chính của Porsche. Việc làm đầu tiên của Wiedeking ở chức vụ mới là thuê các chuyên gia ở công ty tư vấn Nhật Kaizen đến trụ sở Porsche ở Zuffenhausen làm việc cùng nhân viên chính của Porsche. Mục tiêu của Wiedeking là tái cơ cấu toàn bộ quy trình sản xuất để Porsche trẻ trở lại, mạnh trở lại mà vươn lên khỏi đáy vực. Một loạt những công đoạn không còn cần thiết bị loại bỏ hẳn, hệ thống quản lý chiều dọc từ 6 cấp được giảm xuống còn 4 và lượng nhân viên hành chính được cắt bớt đi 38%. Nhưng quyết định quan trọng nhất và giải thích cho thành công của Porsche thời hồi sinh là thay chế độ làm việc theo giờ cố định bằng chế độ cực kỳ thoáng: lúc không có nhiều đơn đặt hàng phải sớm hoàn tất thì kỹ sư, nhân viên cứ nghỉ ở nhà, nhưng khi đơn mua hàng ập đến thì họ sẽ phải làm ngày làm đêm, không nghỉ cả ngày cuối tuần nếu xét thấy cần thiết. Ngoài ra, Porsche còn quyết định ngừng sản xuất 928 và 968 là hai kiểu xe bán rất yếu, thay vào đó là dự án nghiên cứu, phát triển kiểu xe mới. Sau 4 năm thai nghén, chiếc Boxter chào đời và được giới chuyên môn đánh giá rất cao khi được trình làng ở Detroit Motor Show vào tháng 1/1997. Đứng trước chiếc Boxter nguyên mẫu đầu tiên ấy, mọi người đều cảm nhận được rằng Porsche đã thực sự hồi sinh. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Năm tài chính vừa qua, Porsche đã sản xuất và tiêu thụ được nhiều xe hơn bao giờ hết, đạt doanh thu hơn 6,5 tỷ euro, lãi đến hơn 1 tỷ euro. Tháng 11/2004, Porsche trình làng chiếc Boxter Roadster thế hệ thứ hai có kiểu dáng gợi nhớ chiếc 911 nhưng giá bán lẻ "mềm" hơn. Trong lúc các nhà sản xuất xe chuyển cơ sở sản xuất sang các nước có giá lao động rẻ, Porsche quyết chí ở lại quê nhà. "Hơn 70% khách hàng của chúng tôi khẳng định họ sẽ tiếp tục thủy chung với Porsche nếu Porsche vẫn là xe 100% made in Germany", ông Wiedeking giải thích. "Chúng tôi có trách nhiệm lớn thỏa mãn yêu cầu của họ vì bên cạnh đó, họ cũng nói rõ rằng nếu xe Porsche được lắp ráp ở một nước có giá lao động rẻ thì xe Porsche phải được bán ra với giá rẻ hơn. Mà như thế thì Porsche chẳng còn là Porsche nữa. Mọi chi tiết, mọi thành phần trong mỗi chiếc Porsche đều mang đậm dấu chất lượng Đức". Porsche Cayenne. Từ cuối thập niên 90, Porsche đã đầu tư 128 triệu euro xây dựng một nhà máy mới tại Leipzig mà không cần hỏi xin trợ cấp của chính quyền liên bang (lẽ ra họ được hưởng theo chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Tây Đức đầu tư vào Đông Đức cũ sau khi nước Đức thống nhất cách nay 14 năm). "Sự sang trọng và trợ cấp nhà nước không thể là hai thành phần đi chung đường với nhau được", ông Wiedeking khẳng định. Từ nhà máy ở Leipzig, theo Cẩm Nang Tiêu Dùng, mùa đông 2002-2003 Porsche đã trình làng chiếc Cayenne, một cỗ máy cực mạnh "uống" xăng rất dữ nhưng cũng thật thành công trên thương trường. Những kiểu xe Cayenne được đồng sản xuất với Volkswagen (nhằm giảm giá thành) đã được xuất mạnh vào thị trường Mỹ, nơi giới tiêu dùng sành điệu chưa hề ái ngại khi chọn mua xe thể thao hao nhiên liệu. Ngoài ra, ông Wendelin Wiedeking cũng đã có kế hoạch đưa Porsche tiến mạnh vào hai thị trường lớn khác: Trung Quốc và Nga.
------------
Xem thêm: Lịch sử xe Porsche
Tin nhanh Việt Nam ra thế giới Vietbao.vn

Nhận xét