Khổng Tử


孔子像 子曰、吾十有五而志于學。三十而立。四十而不惑。五十而知天命。六十而耳順。七十而從心所欲、不踰矩。

Ngô Thập Hữu Ngũ Nhi Chí Vu Học
吾十有五而志于学
Wú shí yǒu wǔ ér zhì yú xué
1- khi tới 15 tuổi, ta mới có thể tự mình chuyên tâm vào việc học.
Tam thập nhi lập;

三十而立
Sān shí érlì
2- khi người ta tới 30 tuổi thì sức tự lập mới có thể chắc chắn và vững vàng.
Tứ thập nhi bất hoặc;
四十而不惑
Sì shí ér bùhuò
3- khi người ta tới 40 tuổi mới có thể hiểu thấu mọi sự lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải hay trái cũng như hiểu được ai là người tốt hay xấu và biết được cái gì nên làm hay không.
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh;
五十而知天命
Wǔ shí ér zhī tiānmìng
4- khi người ta tới 50 tuổi mới có thể thông suốt chân  lý của tạo hoá, tức là hiểu được mệnh của trời.
Lục thập nhi nhĩ thuận;
六十而耳順
Liù shí ér ěrshùn
5- khi người ta tới 60 tuổi thì mới đạt đến mức độ hoàn hảo về mặt tri hành, kiến văn, và kinh nghiệm về cuộc sống. Nhờ đó, người ta có thể nhận xét và phán đoán được ngay tức khắc và chính xác về các sự kiện và nhân vật trong thiên hạ. Khi nhìn hay nghe thấy điều gì, người ta không những không cảm thấy chướng ngại mà còn hiểu thấu ngay mọi lẽ.
Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ.
七十而从心欲不逾矩
Qī shí ér cóng xīn yù bù yú ju
6- tới 70 tuổi, con người sẽ đạt đến tình trạng rất hoàn hảo về cách xử sự và xử thế. Nhờ đó mà mỗi khi người ta định nói điều gì hay làm việc gì thì tự nhiên thể hiện đúng với chủ tâm của lòng mình, muốn sao được vậy, và không bao giờ vượt ra khỏi khuôn khổ của đạo lý hay lẽ thường.

        Dịch nghĩa: “Hồi mười lăm tuổi, ta đã để hết tâm trí vào sự học; đến ba mươi tuổi, ta vững chí mà tiến trên đường đời; bốn mươi tuổi, tâm trí ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái đạt được sự lý, chẳng còn nghi hoặc; qua năm mươi tuổi, ta biết mệnh trời, tức là lẽ đạo mầu nhiệm lưu hành trong thiên hạ; đến sáu mươi tuổi, những lời tiếng lọt vào tai, ta hiểu ngay, không cần tốn công suy nghĩ; đến bảy mươi tuổi, trong tâm ta dù có muốn điều gì cũng chẳng hề trái phép” 

Người Việt rất coi trọng tuổi, vì thế trong tiếng Việt "tên" với "tuổi" thường đi liền. Có điều, loại tuổi mà chúng ta thường hỏi thăm, mừng tuổi trong dịp đầu xuân chỉ cung cấp rất ít thông tin liên quan đến sự biến đổi về tố chất của con người. Trong khoa học còn sử dụng nhiều loại tuổi khác.
Tuổi thời gian
Thứ tuổi chúng ta thường hỏi thăm nhau hằng ngày, khoa học gọi là "tuổi thời gian", ký hiệu là CA (Chronological Age), chỉ thời gian một con người đã sống, tính từ khi sinh ra trên đời. Tuổi này cũng có thể gọi là "tuổi hành chính", vì được sử dụng trong các thứ giấy tờ như giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ khẩu... Tuy nhiên, loại tuổi này không phải lúc nào cũng tương xứng với trình độ phát triển của con người trên các phương diện, do đó trong một số lĩnh vực khoa học như sinh học, y học, tâm lý, giáo dục, xã hội học... người ta còn sử dụng những loại tuổi khác.
Tuổi sinh lý
Tuổi sinh lý phản ánh mức độ phát triển của con người về mặt sinh lý. Các kết quả quan sát và nghiên cứu cho thấy ở vùng nhiệt đới, ở những nơi có điều kiện dinh dưỡng tốt, tốc độ phát triển về sinh lý thường sớm hơn độ tuổi thời gian. Còn ở vùng hàn đới, những nơi có điều kiện dinh dưỡng kém và những người mắc một số chứng bệnh mạn tính, tốc độ phát triển về sinh lý thường tụt hậu so với thời gian. Ví dụ, trong số những bé gái 10 tuổi, một số em đã có kinh nguyệt, trong khi ở một số khác lại chưa có những đặc trưng về mặt giới tính. Tốc độ phát triển về sinh lý của con người phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu, chế độ dinh dưỡng, các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội... Nói chung, sự phát triển của con người về mặt sinh lý thường không đồng bộ với thời gian sống. Vì vậy không thể coi "tuổi sinh lý" và "tuổi thời gian" là giống nhau.
Tuổi trí lực
Trong giáo dục, người ta sử dụng chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quetidient). IQ thực chất là loại "tuổi trí lực" - MA (Mental Age), vì nó phản ánh trình độ phát triển về trí lực của con người.
Nói cụ thể hơn, chỉ số IQ được tính toán dựa trên "mức phát triển tiêu chuẩn", tương ứng với từng độ tuổi. Thí dụ, một em bé 10 tuổi trả lời đầy đủ các câu hỏi trắc nghiệm - được coi là chuẩn mực về phát triển trí lực của trẻ 10 tuổi - thì sẽ có IQ = 100. Nếu đó là em bé thông minh khác thường, không những trả tốt các câu hỏi dành cho 10 tuổi, mà còn trả lời đầy đủ những câu hỏi của tuổi 12, thì sẽ có chỉ số IQ = 120. Ngược lại, một em bé 10 tuổi không có khả năng trả lời đúng tất cả câu hỏi của độ tuổi mình, mà chỉ trả lời đúng những câu hỏi của trẻ 8 tuổi, thì IQ khi đó bằng 80.
Các số liệu trắc nghiệm trong nhiều năm cho thấy, đại đa số dân chúng có số trí lực trung bình, tức là IQ xấp xỉ bằng 100; khoảng 18% có IQ cao hơn trung bình (110 - 119) và 15% có IQ thấp hơn trung bình (80 - 89). Những người có IQ từ 120 trở lên được xem là thông minh đặc biệt; còn IQ thấp hơn 70 thì xếp vào loại trí lực chậm phát triển, thấp hơn nữa là các dạng khuyết tật trí lực... Tuy nhiên, tuổi trí lực hay IQ chỉ phản ánh tương đối đúng về khả năng theo học trong các trường phổ thông, mà chưa thể phản ánh đầy đủ mức độ thông minh thực sự, cũng như năng lực tiềm ẩn trong một con người.
Tuổi tâm lý
Loại thứ 2 là "tuổi tâm lý". Tuổi tâm lý bao quát cả tuổi trí lực; nó phản ánh những đặc trưng tâm lý của con người theo từng độ tuổi. Các chuyên gia tâm lý cho rằng cuộc sống tâm lý của con người có giai đoạn chính: tuổi ấu thơ, tuổi trước mẫu giáo, tuổi mẫu giáo, tuổi đi học, tuổi vị thành niên, tuổi trung niên và lão niên. Mỗi một thời kỳ đều có những đặc trưng nhất định về mặt tâm lý. Ví dụ, trong độ tuổi mẫu giáo, hoạt động tâm lý ở trẻ nhỏ thiên về trực giác, tuổi thanh xuân nhiều mơ mộng, tuổi lão niên thường hoài cổ...
Tuổi xã hội
Tuổi này phản ánh về năng lực xử sự và khả năng thích ứng với hoàn cảnh xã hội của mỗi con người; cũng có thể gọi là trình độ xã hội hóa của con người. Tuổi xã hội phụ thuộc nhiều vào trình độ văn hóa, sự từng trải, kinh nghiệm sống và mức độ thành thục về phương diện tâm lý. Trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta thường thấy có một số em mới ít tuổi mà xử thế đã rất lão luyện, thích ứng rất nhanh với những biến động trong xã hội; trong khi đó có một số người tuổi đã lớn mà cư xử như trẻ con, đối với những sự việc diễn ra trong cuộc sống vẫn ngô nghê như "gà công nghiệp".

Nhận xét