Trường Mỹ thuật Đông Dương (L`Ecole des Beaux-Arts de L'Indochine )

Trường Mỹ thuật Đông Dương
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

clip image016 (Copy) (Copy)

Theo Quyết định của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương ký ngày 27/10/1924, Trường Mỹ thuật Đông Dương (L`Ecole des Beaux-Arts de L'Indochine ) chính thức thành lập ở Hà Nội, là một bộ phận của Viện Đại học Đông Dương. Họa sỹ Victor Tardieu - người có ý tưởng sáng lập một ngôi trường đào tạo nên các nghệ sỹ cho xứ Đông Dương, trở thành vị hiệu trưởng đầu tiên. Đóng góp rất nhiều tâm huyết và công sức cho sự hình thành của nhà trường buổi đầu, họa sỹ Nam Sơn là cộng sự đắc lực của Victor Tardieu.

truong dong duong (Copy) (Copy)
Họa sỹ Victor Tardieu và các học trò

Kể từ năm 1938, khi điêu khắc gia Evarite Jonchère làm hiệu trưởng, trường phát triển mạnh theo khuynh hướng nghệ thuật ứng dụng. ý tưởng đào tạo này được thể chế hóa bằng việc đổi tên trường Mỹ thuật Đông Dương thành trường Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng (l’Ecole supérieure des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine) theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương ngày 25/4/1938.
Trường khai giảng khóa đầu tiên vào tháng 11/1925

Jongche8 (Copy) (Copy)

Sứ mệnh của trường:

Nhằm đào tạo và bồi dưỡng về kỹ thuật và kiến thức cho các nghệ sĩ Đông Dương thông qua việc tương hợp những nghệ thuật truyền thống của các nước Đông Dương với nhau. Song song với việc hướng các nghệ sĩ bản địa tìm hiểu những kỹ thuật cũng như giá trị thẩm mỹ mới của phương Tây là việc hỗ trợ họ phát huy những bản sắc và giá trị nghệ thuật truyền thống của đất nước mình. Mục đích của trường Mỹ thuật Đông Dương là đào tạo những người thầy về nghệ thuật hội họa, điêu khắc, kiến trúc… giúp ích cho sự phát triển nghệ thuật của các nước Đông Dương. Trường Mỹ thuật Đông Dương cũng hướng tới việc bồi dưỡng tư duy sáng tạo mang tính thực tiễn và ứng dụng của các nghệ sĩ bản địa.

truong dong duong (6) (Copy) (Copy)

Diện tuyển sinh

Trường Mỹ thuật tiếp nhận các sinh viên người bản xứ thông qua kỳ thi tuyển, các sinh viên tự do người Châu Âu và các nước khác.
Hàng năm, Thống đốc Toàn quyền sẽ quyết định số sinh viên trúng tuyển thông qua kỳ thi tuyển. Số sinh viên này không bao gồm các sinh viên của trường Công chính (Khoa xây dựng dân sự). Những sinh viên trường này có quyền theo học các lớp nghệ thuật kiến trúc Viễn Đông tại trường.

Nhà trường tổ chức tuyển sinh tại Hà Nội – Huế - Sài Gòn –Phnompenh – Vientiane cùng một lúc, bao gồm các môn thi sau:
- Hình họa, vẽ người mẫu trong 6 buổi, mỗi buổi 3 giờ.
- Bố cục trang trí theo đề tài, mỗi buổi 8 giờ liền.
- Định luật xa gần, mỗi buổi 4 giờ.
- Một bài luận Pháp văn, chỉ kiểm tra.
Các bài thi của thí sinh đều niêm phong gửi về Hà Nội chấm và xếp hạng

truong dong duong (9) (Copy) (Copy)

Chương trình học

Trong văn bản thành lập trường, học chế ban đầu là 03 năm, nhưng ngay từ khóa thứ Nhất, trường đã tiến hành chế độ 5 năm giống như mô hình của trường Mỹ thuật Quốc gia Paris.
Không có kỳ thi lên lớp như một số trường, mà tính điểm của cả năm học. Bằng tốt nghiệp cũng tính theo điểm của 5 năm học và chất lượng nghệ thuật đạt được trong các tác phẩm, bài tập sáng tác tự do theo cảm hứng trong hai năm cuối của khóa học. Tất nhiên không phải tất cả sinh viên đều học đến năm thứ 5. Hội đồng giáo sư họp vào cuối năm, học sinh sinh viên nào học tập không đạt theo yêu cầu của nhà trường đều bị buộc thôi học.

Chương trình được chia làm 2 giai đoạn:
- Đào tạo cơ bản trong 3 năm đầu
- Đào tạo chuyên khoa trong 2 năm cuối

1) Giai đoạn đào tạo cơ bản:

+ Hình họa nghiên cứu – Vẽ theo mẫu và vẽ theo trí nhớ.
+ Bài tập điêu khắc – Nặn theo mẫu và nặn theo trí nhớ.
+ Bài tập trang trí – Nghiên cứu các họa tiết của nghệ thuật truyền thống, các hạo tiết rút ra từ thiên nhiên. Làm các bài tập về bố cục trang trí, trên mặt phẳng, trong không gian, chép và nặn các họa tiết truyền thống….
Đồng thời với các môn học cơ bản trên là những môn học cơ sở:
+ Đạc biểu kiến trúc
+ Giải phẫu
+ Định luật xa gần
+ Lịch sử mỹ thuật
+ Pháp văn ( chỉ học ở một số năm đầu, từ năm 1936 trở đi không học nữa).
Năm thứ 3 là năm bản lề của hai giai đoạn cơ bản và chuyên khoa do đó, hai quý đầu chương trình học như hai năm đầu. Song hàng tháng, mỗi tuần sinh viên còn phải học và nộp các bài tập bố cục về phong cảnh, tĩnh vật, sinh hoạt, đến quý ba (từ tháng 7 – tháng 9) làm các bài tập sáng tác.

2) Giai đoạn đào tạo chuyên khoa:

Năm thứ tư và thứ năm học chuyên khoa theo thể loại và các chất liệu khác nhau. Nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên làm các bài tập dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, giáo sư.
Mỗi sáng thứ hai hàng tuần, sinh viên phải trình những công việc của mình đã làm trong tuần trước và được chấm điểm.
Những khóa đầu có bài thi ra, sau đó bỏ chế độ thi. Sinh viên tốt nghiệp dựa trên điểm của 5 năm học, kết hợp với hiệu quả học tập và giá trị nghệ thuật của những bài tập sáng tác trong hai năm cuối. Từ năm 1938, lại trở lại làm bài thi tốt nghiệp, do đó, giai đoạn đào tạo chuyên khoa là cơ sở khoa học quan trọng để xác định và làm bài thi tốt nghiệp.
Các chuyên ngành đào tạo không ngừng mở rộng theo quy mô phát triển của trường. Năm 1925 trường khai giảng với chuyên ngành Hội họa, Điêu khắc, năm 1926 mở thêm ngành Kiến trúc, năm 1930 mở thêm chuyên ngành Sơn mài (1930), Chạm bạc và Gốm (1934), năm 1938 mở thêm chuyên ngành Đồ gỗ. Trong 20 năm tồn tại của trường ( 1925 -1945), đã đào tạo được 149 sinh viên ngành Hội họa, Điêu khắc, 50 sinh viên ngành Kiến trúc và 30 sinh viên ngành Mỹ thuật ứng dụng.
Ngoài hệ chính quy, trường còn có hệ bàng thính dành cho những người yêu mến mỹ thuật. Rất nhiều bàng thính viên (auditeur libre) do điều kiện không được theo học chính khóa nhưng đã trở thành các nghệ sỹ tên tuổi không chỉ trong lĩnh vực tạo hình mà còn rất nổi tiếng trong các lĩnh vực nghệ thuật khác như nhạc sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Phạm Duy, nhạc sỹ Đặng Thế Phong, nhà thơ Thế Lữ, nghệ sỹ nhiếp ảnh Võ An Ninh, họa sỹ Phạm Viết Song, họa sỹ Nguyễn Thị Khang…

Các giai đoạn chính yếu.
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có thể chia làm 3 giai đoạn nhỏ do những thay đổi về tên gọi và cơ cấu tổ chức.
Giai đoạn từ năm 1925 đến năm 1938, theo quyết định của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương, trường có tên gọi là Trường Mỹ thuật Đông Dương (L`Ecole des Beaux-Arts de L'Indochine ), họa sĩ Victor Tardieu làm hiệu trưởng. Các sinh viên, họa sĩ tốt nghiệp trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đã tạo được một phong cách nghệ thuật riêng, mang đậm nét bản sắc dân tộc. Các tác phẩm nghệ thuật của sinh viên được trưng bày trong các triển lãm trong nước và quốc tế đã nhanh chóng khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của trường. Năm 1937, họa sỹ Victor Tardieu lâm bệnh và mất tại Hà Nội. Năm 1938, nhà điêu khắc nhà điêu khắc Evarite Jonchère được bổ nhiệm là hiệu trưởng.
Giai đoạn từ năm 1938 đến năm 1943, với quan điểm đào tạo chuyển hướng trọng tâm sang mỹ thuật ứng, ngài Evarite Jonchère được chính quyền Đông Dương ủng hộ. Theo quyết đinh của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương ký ngày 25/4/1938, trường Mỹ thuật Đông Dương thành trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng (L’Ecole supérieure des Beaux-Arts et des Arts appliqués de l’Indochine). Giai đoạn này, song hành với định hướng đào tạo các nghệ sỹ tạo hình thuần túy có ý thức dân tộc của người tiền nhiệm, ngài Jonchère đã phát triển mạnh gỗ mỹ nghệ và sơn mài truyền thống thành một sản phẩm thương mại.

Giai đoạn từ năm 1942 đến năm 1945, dưới sự dẫn dắt của Evarite Jonchère mở rộng quy mô đào tạo. Ngày 22.10.1942 theo Nghị định của Thống đốc Toàn quyền Đôn Dương, trường phân tách thành hai đơn vị đào tạo là Mỹ thuật thuần túy ( bao gồm Hội họa, điêu khắc và kiến trúc) Mỹ thuật ứng dụng.

Tháng 12/1943, Mỹ ném bom Hà Nội, theo chủ trương của Nha học chính Đông Dương các trường phải sơ tán khỏi Hà Nội , trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã chia thành 3 bộ phận sơ tán 3 nơi:
- Các lớp mỹ nghệ sơ tán ở Phủ Lý do Gioocgiơ Khánh và Bùi Tường Viên phụ trách.
- Khoa kiến trúc và một phần lớn khoa điêu khắc vào Đà Lạt do E.Jonchère phụ trách. Năm 1944, Khoa Kiến trúc ở Đà Lạt được nâng thành Trường Kiến trúc, nhưng vẫn trực thuộc Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Nghị định ngày 22-2-1944).
- Khoa hội họa và một bộ phận nhỏ khoa điêu khắc lên Sơn Tây do giáo sư Inguimberty cùng với các họa sĩ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân phụ trách.
Chương trình học vẫn như cũ, nhưng do tình trạng sơ tán các môn phụ và lý thuyết phải bỏ, chỉ học được những môn chính. Việc học tập của sinh viên gần với thiên nhiên và gắn với thực tế hơn. Đó chính là đặc điểm của thời kỳ này.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa trường. ở Đà Lạt, khoa Kiến trúc sau năm 1945 vẫn tiếp tục đào tạo, tên gọi của trường vẫn duy trì đến năm 1948.

Văn bằng:

Trên mỗi tấm bằng đều có bốn chữ ký của Thống đốc Toàn quyền Đông Dương, Giám đốc Nha học chính, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương và Văn phòng Ngành giáo dục hệ Cao đẳng của Ban giám đốc Nha học chính

Những sự kiện chính
1.1.  Triển lãm thuộc địa tại Paris năm 1931. Những hoa sĩ tham gia gồm có Đặng Trần Cốc, Đỗ Đức Thuận, Hồ Văn Lái, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Nam Sơn, Nguyễn Hữu Đẩu, Nguyễn Phan Chánh, Phạm Hữu Khánh, Thăng Trần Phềnh, Tô Ngọc Vân. Các chất liệu gồm có sơn dầu, lụa, khắc gỗ, mầu nước và sơn. Khi triển lãm kết thúc, các tác phẩm phần được bán, phần được lưu giữ tại Pháp, được tiếp tục đem trưng bày tại Salon các nghệ sỹ Pháp, một phần còn lại được lưu giữ tại văn phòng kinh tế Đông Dương.
1.2.  Triển lãm tại Salon các nghệ sĩ Pháp tại Paris năm 1933 gồm có các họa sĩ Nam Sơn , Lê Văn Đệ, Lê Phổ.
1.3.  Năm 1943, galeri Hessel triển lãm tranh của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm
1.4.  Năm 1948, triển lãm về hội họa và điêu khắc của các họa sĩ đã từng theo học trường Mỹ thuật Đông Dương được tổ chức tại Khu học xá của trường Đại học Pháp
1.5.  Các tác phẩm hội họa của các học sinh trưởng Mỹ thuật Đông Dương được triển lãm tại Rome năm 1932, Cologne năm 1933, tại Milan 1934, tại Bỉ năm 1935 – 1937, tại San Francisco năm 1937, tại Nhật năm 1940…

Đội ngũ giáo viên:

Dạy môn Hình họa gồm có:

Henri Dabadie, Jules Besson, Lucien Lièvre, Louis Rollet, Paul-Emile, Legouez, Raymond Virac, Tô Ngọc Vân

Dạy môn Sơn dầu gồm có:

Joseph Inguimberty, Victor Tardieu, Paul-Emile Legouez, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân

Dạy môn Trang trí gồm có:

Joseph Inguimberty, Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, bà Kruze ( có thể là vợ của Arthur Kruze)

Dạy môn Điêu khắc gồm có:

Antoine Ponchin, Evariste Jonchère, Goreges Khánh,

Dạy môn Kiến trúc gồm có:

Arthur Kruze, Charles Batteur, Ernest Hébrard, Pineu Louis – Georges, Roger Gaston, Nguyễn Xuân Phương

Dạy môn Lịch sử Mỹ thuật:

Louis Bezacier, Victor Goloubew, Lebas

Dạy môn Đồ họa chữ:

Claude Mahoudot

Dạy môn Cơ thể học:

F. De Féniz, Huard,

Dạy môn Sơn mài:

Đinh Văn Thành, Alix Yamé

ALIX AYME (Copy) (Copy)
Họa sĩ Alix Yamé

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, hầu hết các giảng viên là các học giả và nghệ sỹ danh tiếng người Pháp từng đoạt giải Khôi nguyên La Mã, giải thưởng Đông Dương hoặc các giải thưởng khác. Trong 20 năm đào tạo, trường chỉ tuyển chọn 05 sinh viên xuất sắc làm giáo viên. Họa sỹ Lê Phổ thành danh ngay trên ghế nhà trường nhưng phải sau khi tu nghiệp thêm ở Học viện Mỹ thuật Paris, năm 1933 Lê Phổ mới chính thức được bổ nhiệm là giảng viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Danh sách các học giả và họa sỹ nổi tiếng của trường Mỹ thuật Đông Dương

STT
HỌ TÊN
GIẢI THƯỞNG / HỌC THUẬT
1
Họa sỹ Alix Aymé (1894-1989)
Chuyên nghiên cứu về lịch sử sơn mài châu á
2
Điêu khắc gia Antoine Ponchin (1872 – 1933)
Giải thưởng Đông Dương, 1922
3
Kiến trúc sư Charles Batteur
Chuyên nghiên cứu về kiến trúc đình làng Bắc Bộ của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO)
4
Điêu khắc gia Evarist Jonchère (1892 – 1956)
Giải thưởng Roma 1925
Giải thưởng Đông Dương 1932
5
Kiến trúc sư Ernest Hébrad
Giải thưởng Roma 1904
6
Họa sỹ Georges Barrière (1881 – 1944)
Giải thưởng Đông Dương 1934
7
Họa sỹ Henri Dabadie (1867 -1957)
Giải thưởng Đông Dương 1928
8
Họa sỹ Joseph Inguimberty (1896 – 1971)
Giải thưởng Blumenthal 1922
9
Họa sỹ Jules Besson (1868 -)
Giải thưởng Đông Dương 1925
10
Họa sỹ Lucien Liève (1878 - )
Giải thưởng Đông Dương1929

Học giả Louis Bezacier
Giáo sư khảo cổ học của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO)
11
Họa sỹ Louis Rollet (1895 –1988)
Giải thưởng Madagascar 1929
Giải thưởng Đông Dương 1930
12
Họa sỹ Paul Emile Legouez (1882 -)
Giải thưởng Đông Dương 1926
13
Họa sỹ Paul Jouve (1878 -1973)
Giải thưởng Đông Dương 1921
14
Họa sỹ Raymond Virac (1892 – 1946)
Giải thưởng Đông Dương 1927
Giải thưởng Madagascar 1936
15
Họa sỹ Victor Tardieur (1870 – 1937)
Giải thưởng Đông Dương 1920
16
Học giả Victor Goloubew
Chuyên gia khảo cổ của trường Viễn Đông Bác cổ

Chú thích về giải thưởng :

Giải La Mã (Prix de Rome et la Villa Médicis) hay cũng còn gọi là Khôi nguyên La Mã là giải thưởng cao quý do do Hàn lâm viện Hoàng Gia Pháp (L’Académie Royale) tổ chức, dành cho họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư hay họa sĩ đồ họa (năm 1803 thêm nhạc sĩ). Người đoạt giải Khôi nguyên sẽ được xuất học bổng 4 năm du học tại La Mã ( Rome). Người Việt Nam đầu tiên đoạt giả này là KTS Ngô Viết Thụ vào năm 1955.

Giải thưởng Đông Dương là giải thưởng của Hội thuộc địa nghệ sỹ Pháp bắt đầu từ năm 1910 đến năm 1938. Sau sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương, giải thưởng đã nâng từ một năm lên hai năm nghiên cứu ở Đông Dương. Năm đầu tiên dành cho việc tham quan, tìm hiểu, học hỏi và ghi lại những ấn tượng qua tranh vẽ, được học bổng là 400 đồng Đông Dương mỗi tháng. Năm còn lại giữ chức vụ giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, được học bổng là 350 đồng Đông Dương mỗi tháng và nơi cư ngụ miễn phí ở Hà Nội. Trước khi lên đường trở về Pháp, một cuộc triển lãm tranh của họa sỹ sẽ được tổ chức tại Hà Nội và Sài Gòn.

Giải Blumenthal là giải thưởng về nghệ thuật của Liên hiệp Pháp Mỹ Florence Blumenthal, một tổ chức từ thiện sáng lập bởi Florence Meyer Blumenthal (1875 – 1930) dành cho các họa sĩ, nhà điêu khắc,nhà văn và nhạc sĩ.
Giải thưởng Madagascar. Giải thưởng Madagascar tương đương với giải thưởng Đông Dương. Madagascar là nước Cộng hòa Madagascar nằm ở vùng biển ấn độ, cắt ngang Châu Phi bởi sông đào Mozambique, từng là thuộc địa của Pháp nhưng đã dành được độc lập vào năm 1960.      

truong dong duong (10) (Copy) (Copy)

Nhận xét