Tộc người Đan Lai

Ngày trở lại với “bộ lạc” Đan Lai tận nơi núi rừng Vườn quốc gia Pù Mát thuộc bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An), trong chúng tôi vẫn ám ảnh cảnh nghèo đói của tộc người Đan Lai.

Cũng dòng sông Giăng ấy, cũng thác ghềnh ấy và núi rừng ấy, nhưng hôm nay, tộc người Đan Lai đã bắt đầu “thay da đổi thịt”. Câu hỏi “tộc người Đan Lai, bao giờ thôi trốn chạy?” của những năm về trước giờ chỉ còn là dĩ vãng.
Người Đan Lai: Đổi thay
Vì sao chúng tôi lại khẳng định như vậy, bởi giờ đây người Đan Lai – một bộ tộc nơi thâm sơn cùng cốc của đại ngàn Pù Mát nay đã khác nhiều. Cái khác đầu tiên đó chính là cuộc sống, cuộc sống của người Đan Lai từ săn bắt hái lượm đã chuyển sang trồng trọt chăn nuôi, từ việc nay chạy mai trốn thì giờ đây đã ổn định theo đúng nghĩa của nó.
Từ đập Phả Lài đoàn chúng tôi hành trình ngược lên với bà con dân bản, bến Phả Lài mùa nước nổi thật nguy hiểm, nước cuồn cuộn chảy xiết, tiếng xuồng máy nổ liên hồi, càng ngược lên dòng nước càng chảy xiết. 6 thành viên chúng tôi “ngay ngắn” trên cái xuồng máy mà ai nấy đều không dám nhúc nhích, anh bạn lái đò căn dặn, “mùa nước lên, mặc dù nước to dễ chạy, thuyền ít bị mắc cạn nhưng lại nguy hiểm hơn, bởi nhiều lúc nước hối từ trong khe rừng chảy ra dễ lật thuyền”. Và rồi hành trình ấy cũng cập bến. Đón chúng tôi khi buổi chiều đã ngả màu hoàng hôn, anh Nguyễn Thúc Chiến – Trạm trưởng trạm Quản lý rừng Cò Phạt, trách móc: “Sao giờ này các anh mới đến nơi, vào mùa này trời nhanh tối, nên đi thuyền rất nguy hiểm, ở đây dân bản biết được “lịch trình” của sóng nước nên khoảng tầm 3h chiều là “nội bất xuất, ngoại bất nhập” không có thuyền bè ra vào đâu”. Sự lý giải của anh Chiến làm chúng tôi ngạc nhiên và nhìn lại hành trình hơn 2 giờ đồng hồ đánh vật với nhiều đoạn thác dữ mới thấu hiểu hết lời nói của anh. Từ đầu bản, thoạt nhìn cứ nghĩ đây là một góc xóm của một xã miền xuôi, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, hàng rào bằng tre nứa thẳng tắp và những ngôi nhà sàn vững chãi san sát nhau. Trước sự ngỡ ngàng của chúng tôi khi trở lại lần này, anh Nguyễn Trung Hoàn – Đội phó đội công tác bản Cò Phạt (thuộc Đồn biên phòng 555) cho biết, có được sự ngăn nắp và đàng hoàng như thế này, chúng tôi đã phải nhiều lần vận động từ người già đến trẻ nhỏ. Thời gian đầu vận động rất khó khăn, bà con cứ ỷ lại sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì “bám cơ sở”, chúng tôi đã vận động thành công. Chỉ tay về cánh trồng lúa ngay chân núi, anh Hoàn tự hào: “Đó là sản phẩm từ chính tay người Đan Lai đấy, mặc dù chưa được như miền xuôi nhưng nó cũng bắt đầu nuôi sống người Đan Lai nơi rừng sâu này”. Đi vào sâu trong bản, chúng tôi mới thấy hết sự thay đổi của người Đan Lai, nếu như trước kia, dưới nhà sàn rất nhiều cái dơ bẩn do lối sống lạc hậu thì giờ đây người Đan Lai đã biết dựng chuồng gà, chuồng heo cách xa nhà vài chục mét. Chị La Thị Phay vừa cắt rau cho heo vừa thổ lộ, từ ngày có bộ đội cắm bản nhà mình đã biết nuôi heo, các chú bộ đội đã bày cho mình cách trồng lúa, nuôi gà, giờ người dân bản không đói như trước nữa.
Tình quân dân nơi đại ngàn Pù Mát
Những năm qua, Đồn biên phòng 555 đã cử cán bộ cắm bản, sống với dân, “cầm tay chỉ việc”, “nhát cuốc thoát nghèo” cùng với đó là các chương trình, dự án đầu tư xây dựng Cò Phạt để có những đổi thay như hôm nay. Hiện, tại bản Cò Phạt các hệ thống như trường học mầm non, trường tiểu học, hệ thống nước sinh hoạt đã về đến tận bếp. Theo thượng tá Nguyễn Ngọc Minh – Chính trị viên đồn 555, trong những năm qua, hàng chục chiến sĩ đã thay nhau “cắm bản”, cùng ăn cùng ở với dân Đan Lai để giúp họ thoát nghèo. Trung uý Trần Đình Kiên – Trạm quân dân y cho biết: “Với người Đan Lai, không có gì quý bằng việc “bắt con ma rừng” trong cơ thể họ. Nếu như trước đây người dân có bệnh thì cả ngày lẫn đêm cúng vái đến đỏ lửa để đuổi tà ma, nhưng nay khi được chúng tôi giải thích, vận động bà con đã hiểu ra và cứ ốm đau là đến trạm quân y”. Trạm quân y được xây dựng từ năm 2010, từ đó đến nay bà con Đan Lai khi bị bệnh đã được cứu chưa kịp thời. Bác La Văn Đường – Trưởng bản cho biết: “Từ khi có trạm quân y, người dân không sợ bị ốm nữa, đến đó bộ đội họ đuổi dùm con ma cho, nên rất mau khoẻ”. Anh Kiên cũng cho biết thêm “trước đây tình trạng đưa trẻ sơ sinh mới lọt lòng ngâm suối, người chết còn cuốn chiếu để cúng bái cả tuần, nhờ vận động tốt mà đến nay tình trạng đó đã không còn.
Người Đan Lai có thể tự trồng rau quanh nhàKhông chỉ có thế, trước kia cuộc sống người Đan Lai gắn liền với rừng, nhưng sau khi rừng quốc gia Pù Mát được công nhận Khu sinh quyển thế giới nên ban đầu cuộc sống người Đan Lai rất khó khăn trong việc tìm cái ăn. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của các cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng đồn 555, người Đan Lai cũng đã hiểu ra giá trị của rừng. Anh Chiến cho biết, chúng tôi vận động bà con đừng chặt cây, phá rừng làm rẫy, cùng với việc bộ đội chỉ cho dân cách trồng lúa, chăn nuôi nên từ đó họ đã bắt đầu ý thức được việc phá rừng là phạm luật”. Đến nay, hàng quý Nhà nước đều hỗ trợ mỗi nhân khẩu từ 10 – 14 kg gạo và đến thời điểm hiện nay còn có 141 hộ dân Đan Lai sống trong vùng lõi VQG Pù Mát.
Theo kế hoạch năm 2011 -2012, sẽ di dời 75 hộ, năm 2011 di dời 35 hộ về tại xã Thạch Ngàn. Huyện Con Cuông đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, giải phóng mặt bằng để xây dựng 35 ngôi nhà sàn, đầu tư cải tạo khai hoang ruộng nước, hệ thống thuỷ lợi đón các hộ tái định cư.
Có đến nơi đây mới thấu hiểu hết sự đổi thay của người Đan Lai. Và giờ đây “Tộc người Đan Lai, không còn phải trốn chạy”, nói như Đại úy Nguyễn Tiến Dũng – Phó trưởng Đồn Biên phòng 555 “Họ là một phần tất yếu của rừng Quốc gia Pù Mát”.

Nhận xét