Dân tộc Brâu ở Đăk Mế


Theo số liệu của Cục Thống kê Gia Lai, Kon Tum, năm 1981 dân tộc Brâu chỉ có 282 người cư trú tại làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum – sát biên giới giáp Lào.

Sau gần 25 năm, dân tộc này chỉ tăng thêm 106 người – 92 hộ, 398 khẩu. Họ vẫn ở Đăk Mế, trên rẻo cao của cực bắc Tây Nguyên xa xôi.
Phụ nữ dân tộc Brâu
Phụ nữ dân tộc Brâu
Nhớ rừng
Bà cụ Năng Bu là một trong những người già còn sót lại của làng Brâu ở Đăk Mế. Cụ kể có một loại rễ cây trong rừng rất quí. Dân tộc Brâu đời trước truyền lại cho đời sau đào loại rễ cây này về sắc nước uống để giữ gìn sức khỏe và tinh thần minh mẫn đến trăm tuổi. Ngồi trước căn nhà láng ximăng, vách thưng gỗ, lợp tôn, cả dãy thẳng tắp như nhà mặt phố của chương trình định canh định cư, cụ ca cẩm rằng mình và các già trong làng rất nhớ… rừng!
Bây giờ người Brâu ở Đăk Mế nếu thèm được leo lên cái chân thang nhà sàn, muốn ràng dây buộc ghè rượu vào cột nhà, muốn ngồi dưới mái nhà cao vút nghe gió thổi qua liếp vách chỉ còn cách duy nhất – đến nhà rông văn hóa. Nói đoạn, bà cụ lại nghêu ngao cất tiếng hát trầm bổng, đôi mắt già đã đục, buồn, dõi về cõi nào xa lắc của ký ức.
Cựu trưởng làng Thao Khơi bảo rằng các cụ già trong làng giờ chỉ thích hai chuyện: kể con cháu nghe chuyện người Brâu ngày xưa và hát những bài ca cổ. Đấy, cụ đang hát bài mát muôl chơ piar, mát muôl acuôl – hát chúc mừng đám cưới và hát ru con – Thao Khơi giải thích.
Lớp người già và trung niên ở làng Đăk Mế ai cũng xâu tai và đeo đủ các loại khuyên trang sức bằng lồ ô, bằng bạc, bằng đồng, bằng ngà voi, đủ loại. Cụ Năng Bu nói rằng người Brâu thích căng tai, lỗ xâu tai càng to càng đẹp. Khi mới một, hai tuổi đã được xâu tai rồi.
Càng lớn lên thì khuyên tai càng to, lỗ xâu tai được kéo rộng dần bằng cách xâu các ống lồ ô gọi là tiêu. Những nhà khá giả ngày trước thường thay tiêu lồ ô bằng tiêu bloóc được làm bằng một đoạn ngà voi giũa nhỏ, mài nhẵn. Phụ nữ Brâu còn đeo nhiều vòng tay, vòng chân bằng bạc, nếu không có bạc thì thay bằng vòng nhôm hoặc đồng.
Thao Phim, 41 tuổi, kể rằng ngày trước dân tộc Brâu có tục xăm mình, xăm mặt và cưa răng nữa, đàn ông và đàn bà đều vậy cả. Bây giờ lớp trẻ không làm thế, chúng thích những chiếc váy sặc sỡ hoa văn và áo thun thể thao như người Kinh. Tối hôm ấy, Thao Phim rủ chúng tôi về nhà anh để cho xem vài bộ chiêng quí. Khác với dàn chiêng aráp của người Jơ Rai, chiêng Brâu gọi là tha chỉ có hai chiếc. Một chiếc to (tha di) và một chiêng nhỏ (tha ke ke).
Nhìn chiếc chiêng bám đầy bụi bỏ trong xó nhà, tôi ngờ vực khi nghe Thao Phim bảo rằng để đổi nó ngày xưa phải mất 20 con trâu, mà phải sang tận Atôpư (Lào) mới kiếm được. Ngược lại với chiêng, cồng (coong) rẻ hơn nhiều. Bộ cồng của người Brâu có 6-7 chiếc, mỗi chiếc chỉ đáng giá 1-2 con trâu. Nói về giá trị của chiêng tha, Thao Phim dẫn giải: chỉ người Brâu mới có tha, còn các dân tộc khác như Xê Đăng, Jơ Rai, Bahnar thì không.
Nhìn bề ngoài tha không khác gì chiêng, cũng màu đồng thau xám, nhưng chỉ cần chạm nhẹ vào là đã vang lên vì tha có pha bạc hay vàng. Trong những ngày hội, dân tộc Brâu buộc tha từng bộ một trên một cây sào dài. Mỗi bộ hai người chơi, ngồi xoay mặt vào nhau, dùng chiếc dùi đầu bọc vải mịn để gõ.
Ngày lễ, sào tha được treo hàng chục bộ, kéo dài dọc nhà rông có tới 20-30 nghệ nhân chơi. Bài nhạc tha rất đặc sắc. Thường già làng hoặc nghệ nhân chọn trong đám trẻ con những đứa có năng khiếu để truyền nghề cho chúng từ khi còn rất bé và phải kiên nhẫn tập tành đến khi lấy vợ mới chơi giỏi được.
Cơm tối xong, Thao Khơi và các chàng trai trong làng gùi mấy ghè rượu về nhà rông. Dân tộc Brâu rất hiếu khách. Chúng tôi – những kẻ không mời mà đến bỗng trở thành khách quý của làng, ngay cả các cô gái mới lớn vừa nhìn vừa cười bẽn lẽn, xòe tay che mặt nhưng cũng không giấu được niềm hân hoan. Những khuôn mặt bừng đỏ, những chiếc cần rượu vít cong, trao lần lượt tay này sang tay khác.
Sau ba, bốn cang rượu, ai cũng lâng lâng say, một cảm giác thật dễ chịu. Họ nối tay nhau bắt đầu những vòng xoan. Bây giờ tôi mới phát hiện con gái Brâu đeo nhiều vòng chân được gắn thêm lục lạc, khi đi, đặc biệt khi nhảy múa, tiếng lục lạc rung theo từng nhịp chân tạo một âm thanh rất êm tai, thu hút cái nhìn của đàn ông vào “đôi chân biết hát“.
Lũ trẻ con cũng ùa vào uống rượu với người lớn, hát theo người lớn. Đứa nào cũng đeo trên cổ những sợi chuỗi xâu bằng vỏ ốc…
Rồi sẽ đến ngày hội nhập!?
Đêm. Trong nhà rông, cụ Năng Dang kể rằng ngày trước người Brâu giàu lắm, cũng có voi, ngựa, trâu, bò và nương rẫy bạt ngàn. Trong làng Brâu, những nhà giàu có gọi là brư krá. Họ là những người đủ ăn quanh năm, trong nhà có nhiều chiêng, cồng, nồi bung, vòng đeo… Ở Đăk Mế nổi tiếng nhất là krá Nứ. Sau khi krá Nứ chết, con trai là krá Arôông cũng giàu nhất làng. Khi krá Arôông chết, cháu là krá Đnô cũng giàu có tiếng trong vùng, mấy đời như thế.
Suốt mấy chục năm chiến tranh, để tránh bom đạn, người Brâu tìm vào những cánh rừng sâu. Quần hôn và tảo hôn đã làm cho dân tộc thiểu số này suy dần. Tuy có một số trường hợp kết hôn với người Jơ Rai, người Hà Lăn nhưng rất ít. Trai gái dân tộc Brâu lấy nhau là chính. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân làm dân tộc này vừa chậm phát triển vừa ít dần đi.
Năng Sa lấy chồng năm 14 tuổi, nay đã 19 tuổi nhưng thoạt trông dáng người nhỏ thó, khuôn mặt vẫn còn thơ dại, không ai nghĩ rằng Sa đã có hai con. Cha mẹ em bảo rằng lũ con trai Brâu ít quá, không lấy sớm thì kẻo chết già mà không lấy được chồng.
Còn Năng La năm nay đã 18 tuổi, đẹp như trăng rằm, đã có mấy chàng dòm ngó nhưng Năng La chỉ ao ước được một anh bộ đội biên phòng nào đó đến bắt mình làm vợ. La bảo vì nhà nghèo, không có điều kiện về huyện về tỉnh học, mấy năm gần đây Năng La thường mon men đến nhờ các anh bộ đội dạy tiếng Kinh, cách nấu ăn như người Kinh và hát những bài hát như các ca sĩ người Kinh hát trên… tivi.
Khác với các dân tộc thiểu số khác ở Tây nguyên, hôn nhân của người Brâu gần giống người Kinh. Bước chuẩn bị đầu tiên là nhà trai tìm một người mối đi hỏi. Khi đi phải mang theo gà heo. Lễ này gọi là đoóc gia vư. Tiếp theo là lễ cưới được tổ chức ở nhà gái. Quà tặng của nhà trai cho nhà gái là chiêng, cồng, nồi bung, giỏ, gùi, vòng tai.
Ngày có đám cưới là ngày hội của cả làng, uống rượu ca hát thâu đêm chúc mừng đôi vợ chồng trẻ. Riêng cô dâu, chú rể phải ăn chung mâm. Họ gắp đổi nhau thức ăn, sau đó cùng đi chào dân làng. Cưới xong, người con trai phải ở nhà vợ (ở rể) 4-5 năm. Sau thời kỳ này nhà trai làm lễ por nga cúng tổ tiên người con gái. Từ đó, người con gái chính thức đi làm dâu.
Việc tang ma của người Brâu cũng được tổ chức long trọng. Khi làng có người chết, mọi người trong làng kéo nhau đến uống rượu, nhảy múa, đánh chiêng cồng để từ giã người chết, kéo dài 2-3 ngày (những nhà khá giả thì 4-5 ngày), sau đó người chết được mang đi chôn. Cách chôn của người Brâu khá đặc biệt. Lỗ huyệt rất nông.
Quan tài được chôn nửa kín nửa hở như người Jẻ Triêng. Phần nắp hầu như được để lộ hoàn toàn trên mặt đất. Xung quanh mồ đào bốn hố sâu để ma khỏi về. Người ta cũng dựng nhà mồ và để rất nhiều ché, chiêng, gùi, rìu, nỏ. Ngày trước cứ để nguyên, nhưng bây giờ để khỏi bị lấy cắp nên phần lớn những thứ này bị đập vỡ.
Trước khi từ giã người chết, người ta lấy rượu hòa máu gà vẩy xung quanh nấm mộ, vứt những miếng gan gà quanh đó và hát những bài ca an ủi người nằm lại, khẩn cầu họ đừng về làng kéo theo người khác đi…
Làng Đăk Mế của Bờ Y bây giờ đang nằm gần cửa khẩu nối bắc Tây Nguyên với Lào. Cộng đồng Brâu bé nhỏ ở Đăk Mế rồi sẽ hội nhập với cuộc sống hiện đại. Những cụ già như Năng Bu, Năng Dang rồi sẽ ra người thiên cổ. Tất cả những bản sắc đặc thù và văn hóa phi vật thể của dân tộc này không chừng rồi sẽ bị chôn vùi vào lòng đất khi mà hiện tại các nhà nghiên cứu folklore chưa kịp văn bản hóa một cách có hệ thống…

Nhận xét