Bảo tàng Chăm – nơi gìn giữ các giá trị văn hóa nghìn năm



Nằm ngay trung tâm thành phố bên sông Hàn thơ mộng, bảo tàng Chăm tại Đà Nẵng thu hút người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi lối kiến trúc Gothic kết hợp phong cách Pháp. Bước vào bên trong bảo tàng, du khách sẽ ngạc nhiên hơn nữa khi được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật có giá trị văn hóa hàng nghìn năm.
    Bảo tàng Chăm được xây dựng năm 1915 và chính thức hoạt động năm 1919 với sự giúp sức của nhà bác học người Pháp làm việc tại trường Viễn Đông Bắc Cổ thời kỳ đó. Nằm ở con phố trung tâm và đẹp nhất nhì tại thành phố Đà Nẵng, bảo tàng Chăm là một trong những địa điểm không thể và không nên bỏ qua khi có dịp ghé thăm thành phố biển xinh đẹp này.
    Giữa ồn ào, náo nhiệt của thành phố du lịch, chỉ cần bước chân qua cổng lớn của bảo tàng, du khách đã như lạc vào một thế giới khác. Mùi của cây, của lá, của cỏ và của hương hoa sứ tỏa ra dịu mát cả không gian, một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt với mỗi du khách đã từng đến đây.
    Bước qua cánh cổng lớn vào Bảo tàng, du khách sẽ cảm nhận một không gian hoàn toàn khác, yên bình, lặng lẽ nhuộm màu thời gian.
    Với hơn 2.000 hiện vật, bảo tàng Chăm được bố trí sắp xếp thành 5 phòng trưng bày gồm: phòng Quảng Trị; hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi; phòng Trà Kiệu; phòng Mỹ Sơn; phòng Đông Dương; phòng Bình Định; khu vực trưng bày mở rộng.
    Tham quan bảo tàng Chăm không thể vội vã, qua quýt cũng không nên tới đây khi thời gian quá hạn hẹp bởi du khách cần phải có thời gian để lắng đọng trong hành trình tìm hiểu văn hóa của vương triều đã từng một thời hưng thịnh. 
    Sau khoảng sân rợp bóng cây và mùi hương hoa sứ, du khách sẽ đến phòng Quảng Trị. Phòng trưng bày 14 tác phẩm có niên đại từ thế kỷ VII - VIII, các hiện vật trưng bày tại đây đều được tìm thấy tại các khu vực thuộc tỉnh Quảng Trị.
    Nối tiếp phòng Quảng Trị là hai hanh lang Quảng Nam và Quảng Ngãi. Hành lang Quảng Nam trưng bày 32 hiện vật được khai quật từ nhiều địa phương khác nhau thuộc tỉnh Quảng Nam. Hành lang Quảng Ngãi có 14 hiện vật được sắp xếp bố trí rất hợp lý đưa người xem đi qua các mốc thời gian.
    Tại phòng Trà Kiệu có nhiều hiện vật có niên đại khoảng thế kỷ VII - VIII được tạo nên từ sa thạch.
    Qua khỏi hành lang này là phòng Trà Kiệu, Trà Kiệu vốn là kinh đô của vương quốc Chăm pa ở thời kỳ đầu. Theo lịch sử kinh đô Trà Kiệu được xây dựng vào cuối thế kỷ IV dưới triều vua Bhadresvara với tên gọi Sinhpura có nghĩa là Thành phố Sư tử. Tính đến nay, phòng có 43 hiện vật được trưng bày trong đó đặc biệt có hiện vật Đài thờ Trà Kiệu có niên đại vào khoảng thế kỷ VII - VIII được tạo nên từ đá sa thạch. Đền thờ có 2 phần, phần trên gồm 2 thớt tròn được trang trí những cánh hoa sen cách điệu. Thớt bên dưới thể hiện hình ảnh Yoni với rãnh và vòi dẫn nước ôm lấy một linga. Phần đế bên dưới có hình vuông với nhiều hình người được chạm khắc tinh xảo và nhiều ý nghĩa. Nhiều học giả cho rằng, những hình trang trí này minh họa truyền thuyết quá trình hình thành nước Phù Nam, tuy nhiên điều đó có đúng hay không thì đến nay vẫn chưa đủ tài liệu để xác nhận.
    Phòng trưng bày kế tiếp là phòng Mỹ Sơn. Từng là một trung tâm tín ngưỡng quan trọng của vương quốc Champa, do đó sau nhiều lần khai quật và nghiên cứu đã có nhiều hiện vật được tìm thấy ở đây hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Chăm.
    Phòng Đông Dương có nhiều hiện vật có kích thước lớn được trưng bày đặc biệt thu hút du khách.
    Thu hút du khách nhiều nhất phải kể đến phòng Đông Dương, gian phòng này rộng với nhiều hiện vật từ nhỏ nhất đến lớn nhất tại bảo tàng. Khu đền tháp Đông Dương không chỉ đánh dấu sự ra đời của một triều đại mà còn là tên gọi mới cho đất nước Chăm pa. Thời kỳ này cũng đánh dấu sự thay đổi trong tín ngưỡng từ việc tôn thờ thần Siva chuyến dần sang thờ các vị Phật, Bồ Tát. Sự thay đổi này cũng đi liền với những thay đổi trong cách thể hiện nghệ thuật, cụ thể nhất là các hình chạm khắc trên các công trình đến tháp, cách tạo hình các bức tượng điêu khắc.
    Ở các phòng trưng bày khác còn có rất nhiều hiện vật được trưng bày, mỗi hiện vật đều chứa dựng một câu chuyện lịch sử kỳ bí.

    Bên cạnh đó, bảo tàng còn có phòng Bình Định và phòng trưng bày các tác phẩm mới với hàng trăm hiện vật khác nhau khắc họa hình ảnh các hình tượng về các vị thần, các linh vật, các họa tiết trang trí của vương triều Chăm pa. Dạo qua các phòng trưng bày ở đây, du khách dường như cùng có chung một cảm giác đó là các tác phẩm nghệ thuật nơi này đều có một cuộc sống riêng, một số phận và câu chuyển riêng. Được sinh ra lần thứ 2 từ lớp bụi thời gian tại chính nơi đã từng được sinh ra rồi chết đi, các hiện vật tại bảo tàng Chăm mang đến cho người xem một lịch sử, một hành trình lênh đênh chìm nổi suốt nghìn năm.
    Không cần là một người yêu nghệ thuật, cũng không nhất thiết phải là người có hiểu biết về văn hóa Chăm. Chỉ cần ghé thăm địa điểm này khi có dịp đến Đà Nẵng, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi trong cách nhìn nhận về văn hóa, nghệ thuật của mình đến một cách từ từ. Cũng sẽ ‘chạm’ đến được giá trị văn hóa dù rằng chỉ là một cái chạm nhẹ của một người không có nhiều hiểu biết về Chăm.

    Nhận xét