Du hành ngược thời gian trên đất Diên khánh và Nhatrang


Trích từ trang web www.trandang.net


Internet đúng là một xa lộ thông tin. Khiêm nhớ thời đi học có làm một đồ án môn học về kiến trúc thành Diên Khánh mà lục tìm khắp các thư viện ở Sài Gòn không ra được một tấm bản đồ nào hết. Cuối cùng nhờ Y vô thư viện Diên Khánh lục ra được một cái bản đồ của thị xã Thành, nhưng không thấy thành Diên Khánh đâu hết. Giờ đây với Internet chuyện này hết sức dễ dàng. Tết này trùng vô cuối tuần rảnh rỗi, tự nhiên cái ý định ngày trước chợt sống lại. Một cuộc lên đường tìm kiếm trên internet cũng thú vị không kém một cuộc du hành thiệt ngoài đời. Mời mọi người cùng nhập cuộc.

Trên internet có một bản đồ cổ tỉnh Khánh Hòa. Người sưu tầm ghi là thời vua Đồng Khánh. Nhưng qua lối vẽ thì có thể cổ hơn, nhưng cũng đâu đó ở đầu thời nhà Nguyễn vì vị trí thành Diên Khánh như là trung tâm hành chính và quân sự của Khánh Hòa được mô tả rất kỹ lưỡng.

Hình ảnh

Xét ra bản đồ này tuy sai về tỉ lệ nhưng khá chi tiết và mô tả khá đúng bờ biển, núi non, và sông ngòi ở Khánh Hòa. Dọc theo bờ biển ta có thể nhìn thấy vịnh Nha Phu, vịnh Vân Phong, vịnh Nha Trang với hai cửa lớn và cửa bé, và vịnh Cam Ranh. Sông Vạn Giã, sông Dinh, sông Nha Trang được mô tả khá chính xác. Có cả suối Dầu. Các hòn đảo cũng được mô tả kỷ càng. Có thể thấy hòn Tre trong vịnh Nha Trang.

Riêng về khu vực thành Diên Khánh và thung lũng sông Nha Trang, các hòn núi nhỏ như hòn Cù Lao (Tháp Bà), hòn Kho (viện Phật Học), hòn Môt (có nhà thờ Núi bây giờ), hòn Thơm, hòn Cảnh Long (cầu Đá), hòn Sinh Trung (bến xe), và núi lớn như Đồng Bò đều được mô tả khá chính xác. Thành Diên Khánh nằm ngay ngã ba sông. Như vậy trước đây nhánh sông cạn chảy xuống tới tận cửa Bé. Đây là một vị trí khá hiểm yếu về quân sự, tiện cho phòng thủ, nhưng công cũng dễ dàng. Đây chính là lý do vương triều Nguyễn chọn xây một tòa thành lớn ở đây khi chuyển từ thủ sang công và vươn ra miền Trung để đối đầu với Tây Sơn. Kể từ đó trung tâm của Khánh Hòa chuyển từ Ninh Hòa về Diên Khánh. Có thể nói với Khánh Hòa, thế kỷ XVIII là của Ninh Hòa, thế kỷ XIX là của Diên Khánh, và từ thế kỷ XX trở đi là của Nha Trang.

Bản đồ này cũng cho thấy vị trí của con đường cái Quan ngày trước chạy qua Khánh Hòa. Sau khi qua khỏi đèo cả, con đường này chạy dọc theo bờ biển qua thung lũng Vạn Ninh, rồi quẹo sâu vô thung lũng Ninh Hòa, ngang qua dinh Bình Khang cũ (Ninh Hòa ngày nay), rồi quay trở ngược ra biển, vượt đèo bánh ít, chạy dọc theo biển Lương Sơn, rồi vượt qua dãy núi ngăn gìữa thung lũng Ninh Hòa và thung lũng Diên Khánh để vô thung lũng Diên Khánh theo mé con đường ngày nay mình gọi là Cải Lộ Tuyến. Thực ra quân binh và dân chúng đã đi trên con đường giờ gọi là Cải Lộ Tuyến này từ thời xa xưa cho đến đi người Pháp mở quốc lộ I qua hướng đèo Rù Rì. Sau khi qua khỏi thành Diên Khánh con đường cái Quan men theo dãy Đồng Bò lượn ra sát vịnh Cam Ranh, vượt qua Ba Ngòi, rồi đi thẳng vô Nam. Rất giống quốc lộ I hiện giờ.

Riêng ở thung lũng Diên Khánh, bản đồ này còn cho thấy từ cửa Lớn và cửa Bé có hai con đường nhập lại làm một ở khoảng gần nhà thờ Núi hiện giờ rồi chạy theo hướng Tây lên nhập vô đường cái Quan ở Thành. Có lẽ ở cửa lớn và cửa bé có các đồn binh hay pháo đài trấn cửa biển. Từ thành Diên Khánh cũng có một con đường chạy từ đường cái Quan xuyên cửa Đông rồi xuyên qua cửa Tây chạy vô vùng đồng bằng phía Tây của Diên Khánh rồi dừng lại có lẽ ở Thanh Minh hay Bình Khánh. Như vậy anh em mình hồi trước mỗi khi về Ngoại/Nội theo con đường này là mình đang đi trên một con đường có ít nhất hai trăm năm lịch sử. Còn một con đường khác chạy từ cửa Nam theo hướng Nam xuống nhập chung vô đường cái Quan. Như vậy, hệ thống đường xá ở thung lũng Nha Trang-Diên Khánh ngày xưa khá phá triển, chứng tỏ dân cư đông đúc và giao thương mật thiết.

Quay trở lại thành Diên Khánh, tấm hình xưa nhất tìm được trên net là tấm hình này:

Hình ảnh

Thành này được chúa Nguyễn Ánh xây năm 1793 theo kiểu Vauban, và đã trải qua nhiều trận chiến ác liệt với Tây Sơn. Cậu Hồng có một bài viết chi tiết về lịch sử Khánh Hòa, nên Khiêm không đề cập thêm ở đây nữa. Thành này được trùng tu lại sau khi Gia Long lên ngôi, và không thay đổi gì nữa cho đến khi người Pháp tới. Tấm hình này chụp thời đầu thế kỷ XX và cho thấy một cổng thành ba cửa. Đây có thể là một cổng thành đã bị phá (cửa Bắc). Có thể nói cổng thành này khá đẹp. Nay không còn nữa tiếc quá.

Thời thuộc Pháp, thành Diên Khánh thuộc quyền quản trị của Nam triều tới tận năm 1945. Cho tới tận lúc đó tòa thành vẫn còn rất nguyên vẹn. Cậu Hồng có nhắc đến chuyện ông cố đi xe kéo của mình lên hành cung trong thành Diên Khánh để đón tiếp vua Bảo Đại hồi đầu thập niên ba mươi thế kỷ trước. Đầu những năm bốn mươi, Binh đoàn Lê dương Thuộc Địa số Sáu về đóng ở đây. Năm 1945, Việt Minh tiếp quản tòa thành và giữ suốt nhiều tháng trời. Khi người Pháp trở lại, binh đoàn Lê dương Thuộc địa số Sáu đổ bộ xuống Nha Trang, phối hợp với thiết đoàn đặc nhiệm số Hai của tướng Leclerc từ Sài Gòn ra, phản công chiếm lại tòa thành. Giao tranh giữa Việt Minh và Pháp kéo dài nhiều tháng trời. Công nhận Việt Minh thời đó giỏi. Đây là một thời kỳ khốn khổ cho dân chúng vùng này và cho cả dòng họ mình mà cậu Hồng đã kể rất chi tiết trong những hồi ký.

Khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, tòa thành dường như bị quên lãng và nhờ đó mà được yên cho tới khi lực lượng đặc biệt hỗn hợp Mỹ-Việt chọn về đóng ở góc tây nam của thành năm 1964 (trại Trung Dũng). Lực lượng đặc biệt này điều khiển năm đại đội dân sự chiến đấu - hai Việt, ba Thượng - khoảng 600 người. Có một tiền đồn đặt ngay thôn Mỹ Lộc gần thôn Lạc Lợi. Tuy lực lượng lớn nhưng hoạt động của họ rất yên lặng và bí mật nên không gây nhiều chú ý nơi dân chúng.

Khiêm được phép sử dụng một số hình ảnh dưới đây từ một cựu quân nhân của lực lượng đặc biệt Mỹ đóng ở đây năm 1968. Nhiều người Mỹ khi đến đây thời gian này để dự phần vô cuộc chiến có cảm tưởng như họ đang lạc trong thế giới của Hollywood, một lối nói ví von để mô tả cái kinh nghiệm thực mà cứ như ảo của người Mỹ.

Đây là hình cửa Đông tháng Năm năm 1968. Có thể nói nhìn rất ấn tượng và siêu thực với những bộ quân phục thời hiện đại cùng dân chúng ra vô một tòa thành cổ nổi bật lên phía sau.

Hình ảnh

Có thể nói cho đến lúc này tòa thành vẫn còn khá nguyên vẹn. Vẫn còn có thể nhìn thấy hai tường thành bằng đất dựng đứng chạy bao quanh thành. Và hào nước vẫn còn đầy nước ở một số đoạn. Đây là hình hào nước ở góc tây nam thành năm 1968.

Hình ảnh

Ngoài ra còn có một số không ảnh năm 1968, cũng do quân nhân của lực lượng đặc biệt hỗn hợp này chụp, cho ta thấy được hình dạng và tình trạng của toàn bộ tòa thành thời đó ra sao.

Tấm này chụp theo trục Bắc-Nam. Hướng Bắc là phía trên của tấm hình. Tòa thành nằm hướng thẳng ra sông Cái. Quốc lộ I chạy phía đông, bên tay phải tòa thành. Nhìn tấm hình này Khiêm cứ ngỡ nó được copy thẳng ra từ tấm bản đồ hai trăm năm trước. Tất cả hệ thống đường xá vẫn y như vậy.

Hình ảnh

Tấm này chụp theo trục Đông-Tây. Có thể thấy cửa Đông rõ ràng ở cạnh đáy của tòa thành. Con đường chạy phía dưới của tòa thành, cắt qua toàn bộ tấm hình là QL1 ngày nay, tức con đường cái quan hồi trước. Hinh này cho thấy dân cư đã vô ở trong mạn Bắc của thành khá đông. Có thể thấy toàn bộ thị xã Thành ở phần một phần ba phía dưới của tấm hình. Các thôn Hà Dừa, Trường Lạc, Thanh Minh, Lạc Lợi nằm ở góc trên bên phải của hình. Có thể in tấm này ra treo ở Memento quảng cáo du lịch được đó

Hình ảnh

Như vậy cho tới 1968, tòa thành vẫn còn khá nguyên vẹn. Nhưng hành cung và dinh thự bên trong thành thì không còn nữa. Có thể đã bị phá khi Việt Minh thực hiện biện pháp vườn không nhà trống. Mà cũng có thể do Pháp đốt trong những đợt tấn công và càn quét lên đây.

Khi về Ngoại lúc nhỏ, nhất là lần về năm 1987, thì Khiêm nhớ là thấy tường thành dọc theo hai cửa Đông và cửa Tây không còn nữa. Hào thì đã bị lấp khá nhiều, khoai, chuối mọc tùm lùm hết. Gần đây về lại thì thấy có một đoạn tường đất ngắn ngủn phủ cỏ xanh rì, đắp lài lài, không giống như tường thành như trong hình. Hình như được đắp lại để phục vụ du lịch. Các cổng thành sơn màu đỏ ối, không biết theo hướng dẫn nào. Có lẽ công việc trùng tu thiếu sự tham khảo và nghiên cứu kỹ lưỡng. Các cổng thành và tường thành hiện giờ nhìn giống như đồ mã. Thiệt mà giống như giả. Hy vọng giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa ở Khánh Hòa sớm lên tiếng về tình trạng này và khôi phục những gì còn lại của tòa thành theo đúng nguyên dạng của nó.

Lịch sử và sự phát triển của Nha Trang thời kỳ đầu gắn liền với tên tuổi của một bác sĩ người Thụy Sĩ: Yersin - cũng là một nhà khoa học lớn của thế giới. Đam mê thám hiểm, ông chọn đến Việt Nam sau khi tốt nghiệp Y khoa Tiến sĩ ở Paris năm 1890. Năm 1892 ông đã quan sát Nha Trang và những rặng núi chập chùng phía Tây từ trên bong tàu Saigon, một con tàu chạy tuyến Sài Gòn - Hải Phòng, khi làm việc trên con tàu đó. Cảnh trí nên thơ cùng với sự bí hiểm của những rặng núi đã chinh phục Yersin. Với ý định thám hiểm vùng núi phía Tây thành hình trong đầu, ông quyết định xuống tàu ở Nha Trang khi con tàu quay trở lại. Kể từ đó cho đến hết cuộc đời mình, dù lên vùng núi phía Tây trong các chuyến thám hiểm cao nguyên Lâm Đồng và Đắc Lắc, dù qua Hongkong để nghiên cứu và chặn đứng bịnh dịch hạch, dù ra Hà Nội để sáng lập và làm hiệu trưởng trường Đại Học Y khoa, dù trở lại Âu châu để báo cáo khoa học hay vận động tài chính, Nha Trang luôn là chốn để trở về. Ông mất ở Nha Trang năm 1943 với mong muốn mình được nằm lại ở vùng đất này mãi mãi. Phần mộ ông hiện ở Suối Dầu.

Bác sĩ Yersin
Hình ảnh

Khi Yersin đến Nha Trang, người Pháp đã có mặt ở đó, gồm có viên Công Sứ, các nhân viên quan thuế, công chánh, và một ít binh lính. Tuy nhiên ngoài những công sở nhỏ của người Pháp, Nha Trang chỉ là một bãi cát mênh mông với một số làng chài tập trung ở hai cửa Lớn và cửa Bé. Một câu hỏi đặt ra là Nha Trang nhìn như thế nào khi Yersin mới đến đây. Tấm hình dưới đây cho thấy một Nha Trang rất hoang sơ, tuy không biết chụp năm nào.

Hình ảnh

Còn đây là một tấm chụp Nha Trang hướng Chụt vào đầu thế kỷ XX

Hình ảnh

Thời đó thuyền đánh cá thì nhìn như vầy.

Hình ảnh

Hình ảnh

Còn đây là bến cá năm 1928

Hình ảnh

Ngôi nhà của Yersin.

Hình ảnh

Hình ảnh

Ngôi nhà này nằm ở xóm cồn, gần chổ công viên Yersin hiện giờ. Dân chúng gọi là lầu ông Năm. Yersin dùng lại một tháp canh ba tầng bỏ hoang và xây hàng hiên bao quanh. Thời Việt Nam Cộng Hòa, ngôi nhà này được trưng dụng làm đồn Quân Cảnh. Thời Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, bộ Công An phá ngôi nhà này để xây nhà nghĩ Công An. Vậy là mất đi một di tích của một trong những người sáng lập ra và đóng góp nhiều cho thành phố này.

Ông là người sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang hồi đầu thế kỷ XX. Sự việc này đã giúp đưa Nha Trang lên bản đồ thế giới.

Hình ảnh

Ngoài viện Pasteur, về sau một cơ sở khoa học đáng kể khác của Nha Trang là viện Hải Dương Học cũng được xây dựng trong thập niên 20 của thế kỷ trước.

Hình ảnh

Nha Trang được chính thức công nhận là thị xã năm 1924. theo một đạo dụ của vua Khải Định. Tuy nhiên ngoại trừ phần dọc bờ biển ra, phần phố xá trong này, trừ khu chợ Đầm, chưa có nhiều.

Grand Hotel

Hình ảnh

Hình ảnh

Chợ Đầm 1927. Có thể thấy hình ảnh chiếc xe kéo mà ông cố sử dụng hồi thời đó.

Hình ảnh

Phố chợ, không biết là đường nào bây giờ.

Hình ảnh

Đây là một tấm hình người ta tin là do Yersin chụp đầu thập niên 30. Lúc này đã có nhà thờ Núi nhưng Nha Trang vẫn còn rất vắng vẻ.

Hình ảnh

Còn đây là tháp Bà năm 1927, chụp từ cồn giữa sông cái. Sen nở ngát hồ. Đẹp lạ lùng. Ước gì khôi phục lại được cảnh như vầy.

Hình ảnh

Nha Trang chỉ thực sự định hình từ thập niên 40 trở đi. Bước sang thập niên 50, bắt đầu có vẻ sầm uất. Lưu ý sự xuất hiện của xích lô đạp trong các tấm hình thập niên 50.

Biển Nha Trang ngó về hòn Cù Lao

Hình ảnh

Hình ảnh

Cầu Xóm Bóng cũ. Có vẻ như trong giai đoạn đang xây dựng.

Hình ảnh

Tấm hình dưới đây cận cảnh hơn. Có thể thấy được lầu ông Năm ở xóm Cồn. Lúc này xóm cồn chỉ có lèo tèo vài căn nhà. Về sau này, từ 60, 70 trở đi nhìn thấy mà sợ.

Hình ảnh

Hình ảnh

Khách sạn trong hình dưới đây giờ không còn nữa. Đã bị phá trong thập niên 90 để xây nhà hát mới ngoài bờ biển. Không hiểu tại sao phải xây nhà hát ngoài bờ biển.

Hình ảnh

Khu vực chợ Đầm

Hình ảnh

Hình ảnh

Phố Chợ Đầm

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Ngày Tết ở Nha Trang

Hình ảnh

Còn xóm Bóng thì vẫn vậy.

Hình ảnh

Phía bên cầu Hà Ra, đất cồn vẫn còn rất sình lầy.

Hình ảnh

Cảng Cầu Đá thời chiến tranh Việt Pháp

Hình ảnh

Phi trường Nha Trang xây dựng năm 1952, đánh dấu một bước phát triển mới về hạ tầng giao thông của đô thị này. Kể từ nay, bên cạnh đường bộ, đường sắt, đường biển, Nha Trang có thể kết nối với phần còn lại của thế giới bằng đường hàng không.

Hình ảnh

Toàn cảnh Nha Trang thời Pháp thuộc thập niên 1950. Nhìn thấy đầm Xương Huân rất rõ.

Hình ảnh

Đến lúc này đô thị Nha Trang đã thật sự định hình. Khu phố chính chỉ tập trung quanh chợ Đầm và dọc theo bờ biển. Phần còn lại vẫn còn trống trải. Ngoài các cồn thì trời làm ra sao người ta vẫn để vậy. Tuy nhiên, ở trong phố khu của người Việt hệ thống nước máy vẫn chưa có, rác và các chất thải được đổ thẳng xuống ao, đầm, hoặc sông rạch. Do dân số chưa đông, nên việc này chưa có tác hại lớn đến môi trường. Và cải thiện hạ tầng cơ sở vẫn chưa là một quan tâm có tính ưu tiên của chính quyền thuộc địa.

Hình ảnh

Tấm hình nhà thờ Núi này kết thúc loạt ảnh Nha Trang thời thuộc địa - cũng là giai đoạn hình thành và định hình của đô thị này. Tấm hình này được chụp năm 1954. Sau đó lá cờ Pháp không còn tung bay trên toàn cõi Việt Nam cũng như ở tỉnh Khánh Hòa nữa. Kể từ đây, quyền quản trị đô thị này về tay người Việt.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Nha Trang bước vô một giai đoạn phát triển mới. Cũng như các đô thị khác ở miền Nam, giai đoạn cuối thập niên năm mươi được tập trung cho phát triển giáo dục. Hệ thống trường trung học công và tư được hình thành và phát triển ở Nha Trang trong thời gian này.

Nữ sinh Võ Tánh Nha Trang 1957

Hình ảnh

Nam Sinh Võ Tánh 1961

Hình ảnh

Trong giai đoạn đệ nhất cộng hòa, chiến tranh lắng dịu trên toàn cõi Việt Nam nên đời sống ở Nha Trang êm đềm, có phần ngái ngủ.
Nha Trang 1956

Hình ảnh

Quảng cáo du lịch 1957

Hình ảnh

Giấc ngủ trưa của một cô gái xóm cồn

Hình ảnh

Phố xá Nha Trang năm 1962

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Bãi biển Nha Trang 1962. Nhìn về hướng Bắc

Hình ảnh

Bãi biển Nha Trang 1962. Nhìn về hướng Nam

Hình ảnh

Nhà cửa kiểu mới bắt đầu xuất hiện. Một biệt thự năm 1962.
Nha Trang 1963

Hình ảnh

Hình ảnh

Đại lộ Duy Tân 1963. Có vẽ đang được chỉnh Trang lại, trồng thêm cây cối.

Hình ảnh

Ga Nha Trang 1963.

Hình ảnh

Cầu Xóm Bóng 1963. Cảng Cá cho xóm Cồn đã được xây. Các cồn giữa sông Cái vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của nó.

Hình ảnh

Cũng bắt đầu từ đầu thập niên 60, Nha Trang đã bắt đầu được chỉnh trang mạnh mẽ. Khu dân cư Xóm Mới xuất hiện với đường sá ngay ngắn, đất phân lô lớn mô phỏng theo các khu ngoại ô ở Mỹ. Dưới đây là bản đồ Nha Trang Nha Trang trong giai đoạn này. Có thể nói Nha Trang giữ nguyên hình dạng này cho đến tận cuối thế kỷ XX. Lúc này đầm Xương Huân vẫn chưa bị lấp.

Hình ảnh

Ngân sách eo hẹp, nên đường phố khu Xóm Mới không được trải nhựa, song đường phố thẳng hàng ngay lối. Nhà cửa phần đông kiểu villa. có đất rộng nên cây cối được trồng nhiều. Kiến trúc villa mới kiểu nhiệt đới được giới thiệu vô Nha Trang thời gian này.

Hình ảnh

Chào mừng du khách! Nha Trang 1964. Pa nô này đặt ngay trên bờ biển Nha Trang, đối diện với đường dẫn vô cổng phi trường. Lưu ý chiếc xe zeep đậu sau tấm pa nô này. Bóng dáng chiến tranh bắt đầu xuất hiện.

Hình ảnh

Nhận xét