Chùa Pháp Luân




Hai năm đợi chờ, hai tháng xây cất. Chủ Nhật 1-5-2011 ngôi chánh điện chùa Pháp Luân hoàn tất. Ngài Trưởng lão Hòa thượng Hộ Giác đứng đó với chư tăng và Phật tử vây quanh tụng kinh paritta. Tất cả mọi người đều vui. Lý do để hoan hỷ thì có rất nhiều. Phật điện trang nghiêm, đẹp. Công trình ở đoạn cuối có rất nhiều thắng duyên. Sức khỏe Hòa thượng thật khả quan. Khí xuân trong lành đất trời mở hội.
Một công trình văn hóa




Không giống bất cứ ngôi chùa nào của Phật giáo Việt Nam, chánh điện chùa Pháp Luân với mái nhọn và cao. Nóc tiền sảnh theo kiểu trùng các (mái chồng), một đặc trưng kiến trúc Phật giáo Nguyên Thủy. Hoa văn thì mang dáng vẽ của cố đô Huế, đất thần kinh văn vật. Ngói đỏ thẫm là màu sắc truyền thống.

Bên trong bàn thờ màu sắc giản dị với tôn tượng Phật muôn đời đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Một bên là bàn thờ thiện thần hộ pháp, một bên là bàn thờ tổ. Những hàng ghế ngồi hành lễ, thính pháp và trang trí nội thất kết hợp phong cách Tây phương và thiền vị của Phật giáo.



8 mẫu hoa văn của chánh điện là sáng tạo của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Bằng. Từ hoa văn “cát tường vân” (mây lành) trên bàn Phật cho đến cửa sổ hoàn toàn là đường nét kỷ hà học không có những linh vật rồng, phượng. Một thoát thai kiến trúc Trung Hoa. Nền vốn không cao nhưng chân tường cẩn đá bù trừ lại cảm giác nhìn từ bên ngoài. Nền đá vững chắc, tường cột thanh tú, và mái cao vợi tôn nghiêm là một hòa hài theo triết lý thiên, địa, nhân

Ngôi chánh điện Pháp Luân là một góp mặt độc đáo cho nền mỹ thuật Phật giáo Việt Nam với những sắc thái tuy cách điệu nhưng chuyên chở những nét đẹp truyền thống
Kết tinh của nhiều thắng duyên

Việc xin giấy phép xây cất gặp nhiều khó khăn vì những trở ngại tồn đọng (…). Trước đại lễ Rằm Tháng Giêng một ngày thành phố gọi lên cho giấy phép sử dụng cơ sở (certificate of occupancy) cho tất cả building trong chùa và luôn cả giấy phép tiền sảnh. Ngày hôm sau, trong đêm tu học Đại Lễ Rằm Tháng Giêng, đạo hữu Viên Hạnh công bố tin mừng chùa có giấy phép xây cất. Ngay sau đó Phật tử Cao Thị Hương đã cúng 5000 Mỹ Kim và cho chùa mượn 60 ngàn cho đề án xây cất. Hôm sau anh Phúc, Louis Construction đã khẳng định sẽ hoàn thành công trình trong 8 tuần lễ. Hai tháng sau chánh điện hòan tất. Thời gian nầy sức khỏe của Hòa Thượng hồi phục. Ngài có thể đi không gậy ra xem công trình. Niềm vui của Ngài là bội phần hoan hỷ của tất cả mọi người.
Đồng tâm hiệp ý

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Bằng người bỏ nhiều thì giờ sức lực cho công trình hoàn toàn không thù lao. Anh Phúc nhà thầu chỉ lấy tiền vật liệu và công thợ. Chư Phật tử tích cực góp phần tài chánh. Hòa thượng và chư tăng trong chùa theo dõi từng bước tiến của việc xây cất với niềm vui vô hạn. Chưa có một Phật sự nào mà tất cả mọi người một lòng hoan hỷ và phấn khởi như vậy. Sự kết hợp nhịp nhàng giữa nhà thầu và kiến trúc sư là yếu tố khiến việc xây cất được nhanh chóng và mỹ mãn
Những hình ảnh hôm qua và hôm nay

Chánh điện “cải biên” từ một ngôi nhà thờ của Ki Tô Giáo

Chuẩn bị xây tiền sảnh

Sườn tiền sảnh đã dựng lên

Chánh điện hoàn tất

… ngày mai

Sau khi chánh điện hoàn thành, chùa đang làm lại cổng tam quan, Phật đài lộ thiên và cảnh trí mặt tiền. Tiếp theo là xây Vãng sanh đường và trùng tu Pháp xá (hội trường). Nội viên và tháp chuông sẽ được trùng tu phù hợp với chánh điện mới. Kinh phí tất cả cùng với số tiền vay của Phật tử là 180 ngàn Mỹ kim. Xin hãy tiếp tay để chúng ta có được một ngôi chùa vừa hoằng pháp vừa cống hiến nét đẹp của Đạo Phật và văn hóa Việt Nam. Kiến trúc sư và nhà thầu đã sẳn sàng đóng góp. Thắng duyên còn lại, tài chánh, trông chờ ở sự phát tâm của những tấm lòng xa gần.

Mùa xuân 2011

Tỳ kheo Giác Đẳng
Trụ trì

Nhận xét

  1. xin cho hỏi đây là ngôi chùa phái Phật giáo Theravada nguyên thủy hay đại thừa Mahayana như thường thấy ở VN vậy? Cá nhân tôi là một Phật tử, theo phái gốc là Phật giáo nguyên thủy.

    Vì tôi muốn làm theo những gì đức Phật đã làm, tu hành theo phương pháp truyền thống của đức Phật chứ ko thích phải tu hành theo lối cải biên... như Phật giáo Mahayana. Đó chỉ là suy nghĩ cá nhân.

    Tại Việt Nam, có rất nhiều ngôi chùa theo phái Phật giáo gốc, Phật giáo nguyên thủy ra đời...

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét