không còn gặp lại một nơi lịch sử từng đi qua

Nguồn: Tiền Vệ


Quán cà phê Trieste ở San Francisco cứ ám ảnh tôi mãi. Nó chỉ là cái quán nhỏ nằm ở góc phố Vallejo/Grant được mở từ năm 1956, bởi một người Ý nhập cư, nhưng từ đây lịch sử một địa chỉ văn hoá lừng lẫy được hình thành. Nó là nơi lui tới của nhiều nhà thơ, nghệ sĩ danh tiếng, là “phòng khách” của Jack Kerouac, Allen Ginsberg và những nhà thơ Beatniks bạn bè. Nơi thi sĩ gốc Nga giải Nobel văn chương Joseph Brodsky gạch gạch xoá xoá những vần thơ của mình… Còn nữa. Tại một chiếc bàn gỗ nhỏ ở góc phòng còn phảng phất bóng dáng của Francis Ford Coppola ngồi gọt giũa kịch bản “The Godfather” những năm 70… Chính họ, những ẩm khách mà hoạt động nghệ thuật và danh tiếng đã biến Caffe Trieste trở thành một địa điểm văn hoá bất cứ du khách nào quan tâm đến nghệ thuật đều mong muốn bước vào.

Về Sài Gòn, tôi bỗng nhớ khôn nguôi những quán cà phê của mình, những nơi lẽ ra cũng phải trở thành địa chỉ văn hoá, phải được gìn giữ và bảo tồn cho một thành phố thu hút du khách mọi nơi không chỉ vì cái danh xưng cố tình bị thu nhỏ – thành phố “kinh tế” – mà còn ẩn hiện, nhưng là ẩn hiện tràn lan, đầy ấn tượng trong cuộc sống tinh thấn của nhiều thế hệ thanh niên, những cánh cửa văn hoá tưởng như không toan tính nào có đủ sức niêm phong, hay xoá mờ.




La Pagode – quán cà phê “Cái chùa” từng nằm trên góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Tự Do (trước là Rue d’Espagne và Rue Catinat, nay được «vinh danh» là Đồng Khởi) đã mất đi từ lâu. Nó chính là nơi nhiều gương mặt danh tiếng nhất về văn chương, thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, cũng như những tên tuổi lớn trong các hoạt động văn hoá xã hội của Sài Gòn một thời thường có mặt. Hòa bình đã 35 năm, những ngộ nhận ấu trĩ – hay giả vờ nhìn nhận là ấu trĩ – có lẽ đã đi qua, hay ít nhiều không còn nặng nề như thời tiếp quản thành phố. Tiếc thay, La Pagode đã biến mất, biến mất vĩnh viễn.




Brodard – một quán kiểu Pháp danh tiếng khác của Sài Gòn cũng không còn là Brodard nguyên trạng của nó: nó đã thay tên và thay cả kiến trúc. Trong “bộ ba” danh tiếng ấy, (bộ ba, nếu không kể một địa điểm danh tiếng khác của Sài Gòn mà chính tôi sau này chỉ nghe nói chứ chưa hề có dịp đặt chân tới vì còn quá nhỏ: La Croix du Sud, cũng trên đường Catinat) cái còn lại là Givral, nơi khi chọn làm bối cảnh một trường đoạn của bộ phim Người Mỹ trầm lặng, đoàn làm phim đã không ngại tốn kém, bắt buộc phải dựng lại đúng màu sơn, đúng hình dáng của nó ở thập niên 60-70. Ngay cả khách sạn phía đối diện, là Hotel Continental, một địa điểm khác xuất hiện trong bộ phim dựa theo tác phẩm văn học của Graham Greene, cũng phải trở lại kiến trúc thời ấy.






Thật dễ hiểu: các nơi này vừa là địa điểm văn hoá vừa là những địa chỉ có thật trong bước đi của lịch sử. Nhà báo và tình báo Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn từng chọn Givral làm chỗ ngồi thường xuyên, cũng như vô số nhà báo trong và ngoài nước những năm chiến tranh Việt Nam: họ chọn địa điểm này để nhâm nhi, quan sát và thu thập tin tức báo chí mỗi ngày, muốn gặp nhau thường khi khỏi phải hẹn trước…

Những ngày Givral chuẩn bị lên máy chém, tôi thường ra kéo ghế ngồi một mình, ngẩn ngơ không tin cái chuyện dự án xoá sổ Givral chung với toàn bộ khu thương xá Eden là chuyện có thật. Quy hoạch một thành phố, chỉnh trang một thành phố, phát triển một thành phố tất nhiên là việc cần thiết, nhưng người ta hoàn toàn không được tự cho phép làm những công việc ấy với một tầm nhìn thiếu sâu sắc, chỉ tính đến đường đi của một thứ lịch sử bị ép mỏng không quá một thế kỷ mà quên mất công việc bảo tồn những cái cần bảo tồn, là những nơi chốn có thể được coi là trở thành di sản tinh thần.

Trieste giờ đây đã là một chuỗi quán cà phê danh tiếng trên đất Mỹ. Khởi đầu tên tuổi, thương hiệu của mình từ cái quán nhỏ bé ở góc phố Vallejo/Grand kia (từ một người Ý nhập cư làm nghề lau chùi cửa kính) vào những năm 1956, ngày nay nhắc đến Caffe Trieste không phải là ghi nhận những thành tích kinh doanh của hệ thống Trieste, mà trước tiên là nhắc tên một địa chỉ văn hoá và nghệ thuật không chỉ của riêng người Ý, mà của cả người Mỹ.

Đất nước Cuba trải qua nhiều năm chiến tranh khốc liệt, đã khoác lên mình nhiều chiến bào khác biệt, đã kinh qua nhiều cuộc cải cách đầy “khí thế cách mạng” triệt để. Người Cuba, ngay cả giữa thủ đô La Habana, nghe nói là cuộc sống hãy còn nhiều thiếu thốn vất vả, với hình ảnh “ấn tượng” là những chiếc xe bò chạy thay cho xe tải, nhưng những người yêu mến Cuba còn may mắn có quyền hi vọng, bởi lẽ không một địa chỉ văn hoá nào trên đất nước này bị cuốn theo cơn lốc đổi mới kiểu quê mùa giả tạo, và những ai thiết tha với không khí văn hoá Cuba vẫn sẽ hoàn toàn có cơ may tìm lại nó dễ dàng, và chẳng cần phải qua những lễ hội trống kèn nhang khói, mà chính trong cuộc sống ngày thường.

Ôi, hãy tưởng tượng một người Paris một buổi sáng ra phố, bỗng thấy ở cái chỗ bao nhiêu năm là nơi có cái bảng hiệu Café des Deux Magots, hay Café de Flore, nay chỉ là những đống gạch vụn, để rồi sau đó thấy dựng lên một thứ Mỹ không ra Mỹ, Tàu không ra Tàu, Ấn-độ không ra Ấn-độ…




Givral cũng như La Pagode, Brodard, hay La Croix du Sud trên đường Catinat ngày nào, là một trong những địa điểm mà vô tình, một cách nào đó, lịch sử đã đóng dấu ấn lên cả những chiếc ghế ngồi.

Givral. Xin vĩnh biệt cái quán góc phố nơi ngày còn nhỏ ta từng được mẹ nắm tay dẫn qua trên hè phố Sài Gòn…






Một phần hồn của Sài Gòn lại ra đi…
Với chúng tôi, những người dân Sài Gòn (cũ), vẫn cần lắm những mảnh hồn của phố như quán café Givral, nơi từng là biểu tượng của một thời của những tâm hồn yêu nước, sôi nổi, bất vụ lợi.

Tiệm cafe Givral- một "nhân chứng" sống đã qua đời

Mới sáng nay nghe bà vợ nói: "Anh ơi, họ đập quán café Givral rồi!". Tôi bàng hoàng. Vậy là một phần hồn của thành phố lại ra đi. Như nhiều người dân Sài Gòn cũ, tôi cũng đã từng đến đây với bạn bè, gia đình, người thân để nhìn đường phố thân yêu. Nhiều người dân lấy vội chiếc điện thoại di động để chụp những bức ảnh cuối cùng trước khi tiệm Givral đi vào dĩ vãng.

Cảm giác ấy cũng tiếc nuối như nhìn cột đồng hồ Orient trên đường Nguyễn Huệ, bao nhiêu năm là trung tâm để chụp hình cho đường hoa của thành phố, nay thay vào đó là con mắt thao láo mang nhãn hiệu ngân hàng ANZ. Nhiều người dân đã viết bài phản đối, đòi xây lại cột đồng hồ Orient như cũ. Thế nhưng mong ước đó biết bao giờ mới được thực hiện.





Quán café Givral là nơi ngày ngày một Người Việt trầm lặng nổi tiếng - Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn
hàng ngày dắt chú chó berger của mình đến ăn sáng, đọc báo
trước khi bắt đầu một ngày mới, một cuộc chiến mới
Ảnh: tác giả cung cấp

Có rất nhiều bài hát về Thủ đô Hà Nội, về những con đường hoa sữa, về phố cổ, về Hồ Tây... Trong khi chưa có nhiều bài hát về Sài Gòn cũ, ngoại trừ bài Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, trong tim những người dân thành phố chúng tôi, vẫn thấy gắn bó với những gì ruột thịt. Đó là Toà Thị chính, chợ Bến Thành, khách sạn Continental, cột đồng hồ Orient,... và tiệm café Givral trên góc đường Đồng Khởi - Lê Lợi.

Đối với nhiều người, tiệm café Givral là "nhân chứng" sống cho nhiều đổi thay và biến động lịch sử. Đây là nơi Graham Green đã lấy bối cảnh chính cho câu chuyện "Người Mỹ trầm lặng", là nơi ngày ngày một Người Việt trầm lặng nổi tiếng- nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn hàng ngày dắt chú chó berger của mình đến ăn sáng, đọc báo trước khi bắt đầu một ngày mới, một cuộc chiến mới.

Đối với thế hệ chúng tôi, những người như ông Ẩn là một thần tượng. Ông là biểu tượng của thế hệ trí thức miền Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả cho độc lập. Ông yêu quý những người bạn Mỹ, yêu văn hoá Mỹ, nhưng không thể chấp nhận người Mỹ đưa quân đội đến xâm lược Việt Nam. Ông đã có những đóng góp âm thầm mà lớn lao làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Nhiều người trí thức Sài Gòn cũ sau khi đọc tiểu thuyết Điệp viên hoàn hảo - viết về ông, đã nhìn thấy bóng dáng mình trong đó. Ông không còn nữa, nhưng những kỷ niệm về ông vẫn còn đọng lại trong trang sách Điệp viên hoàn hảo, trong quán café Givral mà mỗi lần đến đó, chúng tôi đều tự nhủ phải sống sao cho xứng đáng với những anh hùng như Phạm Xuân Ẩn.

Đang mất dần đi sự đặc sắc của "Viên ngọc Viễn đông"

Xét về khía cạnh kinh tế đơn giản, thì việc đập bỏ cư xá Eden có thể mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho thành phố, cho khu đất vàng ở trung tâm. Thế nhưng điều đó cũng khiến Sài Gòn cũ trong mắt khách du lịch, trong tim người dân thành phố mất đi cái gì đó đặc sắc của một thành phố đã từng một thời là Hòn ngọc Viễn đông.

Những giá trị cổ đó cũng có giá trị kinh tế không nhỏ nếu chúng ta biết tận dụng, khai thác. Lẽ ra, chúng ta vẫn có thể vừa bảo tồn các công trình nổi tiếng, vừa xây dựng những trung tâm hiện đại như khách sạn cổ Ascott giữa khu phố xá hiện đại của thành phố Singapore.





Quán Givral, nhà sách Xuân Thu... các công trình nổi tiếng của cư xá Eden,
là văn hoá của người Sài Gòn, hồn của người Sài Gòn.
Ảnh: Tác giả cung cấp & fahasasg.com.vn

Chúng tôi đã từng hy vọng những nhà hoạch định chính sách sẽ lưu ý đến bản sắc văn hoá của thành phố khi cải tạo khu cư xá Eden - phía trong có thể là một toà nhà cao tầng hiện đại, nhưng bên ngoài vẫn giữ nét cổ của cư xá Eden, của quán café Givral xưa kia.

Giữ gìn quán Givral, nhà sách Xuân Thu, rạp Măng non, các công trình nổi tiếng của cư xá Eden, là giữ gìn văn hoá của người Sài Gòn, hồn của người Sài Gòn, lịch sử của thành phố Sài Gòn cũ. Ai có lòng với thành phố này cũng không thể để lịch sử của mình bị đập bỏ không thương tiếc như vậy.

Nay, quán café Givral đã "qua đời". Chỉ mong rằng sau này, nơi đây, trước cửa quán café Givral cũ, sẽ có một bức tượng nhỏ của một người đàn ông mảnh khảnh bên cạnh một chú chó berger cao lớn với dòng chữ: "Phạm Xuân Ẩn - nhà tình báo huyền thoại". Với chúng tôi, những người dân Sài Gòn, vẫn cần lắm những mảnh hồn của phố như quán café Givral, nơi từng là biểu tượng của một thời của những tâm hồn yêu nước, sôi nổi, bất vụ lợi.

Bỗng trong tôi, ca từ đẹp và buồn của cố nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, về nỗi tiếc nhớ những cái đẹp mộng ảo mà rất thực, lại như hiển hiện: "... Đã mấy lần thu sang/ Công viên chiều qua rất nắng/ Chuyện chúng mình ngày xưa/ Anh ghi bằng nhiều thu vắng/ Đến thu này thì mộng nhạt phai ..."

Thanh Tùng




Góc phố Givral


Givral (trái) và khách sạn Continental (phải)


Tiệm sách Xuân Thu, trước là tiệm Albert Portail

Ngọn gió sông vẫn hôn lên gương mặt ấy

Từ sảnh cà phê của Majestic nhìn qua sông Sài Gòn, phía ấy dường như lịch sử ngưng đọng, những dãy nhà kho cũ vàng úa màu thuộc địa vẫn còn đó, thỉnh thoảng một chiếc tàu hàng chầm chậm trôi qua nhả khói lên bầu trời, cảnh vật vẫn còn phảng phất một thời của câu chuyện Người tình, một mối tình Pháp - Hoa giữa bối cảnh Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 20.



Khách sạn Majestic được chú Hoả xây năm 1925. Ảnh: T.L


Khách sạn Majestic cũng có mặt từ những năm đầu thế kỷ 20 tại một vị trí đẹp vào hàng nhất nhì Sài Gòn - nó nhìn ra sông Sài Gòn và ngọn gió lồng lộng từ mặt sông cũng đã thổi suốt một chiều dài lịch sử, phả lên gương mặt của Majestic từ bấy đến giờ: suốt 80 năm.



Toàn cảnh khách sạn Majestic về đêm. Ảnh: Trần Việt Đức


Hui Bon Hoa - một thương gia người Hoa, một cái tên huyền thoại gắn liền với những dãy phố được xây dựng bằng tiền của ông, người Việt thường gọi ngắn gọn là chú Hoả. Khách sạn đồ sộ nhất nhì thời ấy - Majestic cũng được xây dựng từ chú Hoả theo đồ án của một kiến trúc sư người Pháp. Những người Pháp có mặt tại Sài Gòn để buôn bán, làm ăn, lập hãng xưởng mở đồn điền hay chỉ để "thực dân" đã mang theo dấu vết của mình bằng những kiến trúc mang đặc tính mẫu quốc không nhầm lẫn. Majestic theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời ấy với 3 tầng 44 phòng ngủ, nó mang dáng vẻ kiến trúc cổ châu Âu thời Phục Hưng, cổ kính và sang trọng bậc nhất của Sài Gòn ngay khi xây dựng xong vào năm 1925.


Không nhiều lắm những khách sạn mà sự tồn tại của nó cũng thăng trầm theo dòng lịch sử như Majestic, nhiều lần đổi tên, nhiều lần thay chủ, dáng vẻ ban đầu cũng thay đổi theo những cuộc bể dâu ấy. Nhưng Majestic vẫn đứng vững nơi nó được khai sinh, những ngọn gió sông Sài Gòn vẫn hôn lên gương mặt của nó từ ngày 1 tuổi đến lúc 80 như hôm nay.

Cuộc bể dâu được ghi nhận: 1.948 khách sạn được chuyển nhượng cho The Indochina Tourism of Exhibition Department (Sở Du lịch và triển lãm Đông Dương) dưới sự quản lý của Franchini Mathiew - một người Pháp gốc đảo Corse. Majestic lần đầu tiên được trang bị máy lạnh để trở thành một trong những khách sạn nổi tiếng nhất vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ.
Người Pháp ra đi, chấm dứt chế độ thực dân ở Việt Nam, lịch sử vẫn còn chia đôi đất nước. Năm 1965 Nha Du lịch và Tổng cục Phát triển du lịch của chính quyền Sài Gòn được giao quản lý và kinh doanh. Majestic có thêm chiều cao mới, xây thêm 2 tầng, một phòng họp quốc tế, một nhà hàng theo đồ án của KTS Ngô Viết Thụ. Nó được đổi tên lần thứ nhất: khách sạn Hoàn Mỹ.

Đất nước thống nhất, từ tháng 10.1975, Majestic trực thuộc ngành du lịch thành phố và mang tên khách sạn Cửu Long nhưng tên giao dịch vẫn là Majestic.

Những thăng trầm thay đổi và như một chứng tích theo dòng phát triển đô thị của Sài Gòn - TP.HCM, Majestic tìm được những "ngôi sao" cho mình, năm 1997 trở thành khách sạn quốc tế 4 sao của Việt Nam.

Suốt 80 năm tuổi của mình, Majestic tuỳ từng hoàn cảnh, thời điểm đã đón tiếp nhiều nhân vật quốc tế, từ chính khách: Tổng thống Pháp Mitterrand, Thái tử Nhật Akishino, Lee Hsien Loong nguyên phó thủ tướng Singapore, Thái tử Đan Mạch Henrick, Thái tử Anh Ed. Andrew, công chúa Thái Lan Maha Chakri Sring Dhorn, nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt… đến tên tuổi quốc tế: minh tinh Catherine Deneuve, giáo sư Trần Văn Khê, nhà văn Kaiko Takeshi…

Sau 80 năm, Majestic trở thành một trong 3 khách sạn cổ còn lại của Sài Gòn từ những năm đầu thế kỷ, còn lại và vẫn trang sức bằng vẻ đẹp mới, hiện đại hơn của cái nhan sắc chưa từng tàn phai.

Và ngọn gió sông vẫn mỗi ngày đặt một nụ hôn lên trán Majestic.

Nhận xét