Về hai pho tượng Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn, tỉnh Bình Định

Vào những ngày đầu xuân Bính Tuất (tháng 2, năm 2006), trong chuyến đi nghiên cứu các đền tháp cổ Chămpa ở miền Trung, tôi lại ghé chùa Nhạn Sơn (tên chữ đầy đủ là Nhạn Sơn Linh tự) tại thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình để một lần nữa ngắm nhìn và chiêm ngưỡng hai pho tượng đá Dvarapala (Hộ Pháp) đặc biệt tại đây. Và, sau lần đến nghiên cứu này, tôi quyết định một lần nữa viết ra những suy nghĩ của mình về hai pho tượng đá cổ Chămpa đặc biệt này (1).


Điều đặc biệt đầu tiên và dễ thấy nhất là kích thước “khổng lồ” của hai pho tượng, mỗi tượng cao 2,40 m, không kể phần bệ. Và, cả pho tượng và bệ tượng đều được tạc liền từ một khối đá. Với kích thước như trên, hai pho tượng này thuộc loại lớn nhất và là những hình ảnh Dvarapala cuối cùng của nền nghệ thuật điêu khắc Phật giáo cổ của Chămpa. Ngay từ đầu thế kỷ XX, khi điều tra và viết về các vết tích ở Nhạn Tháp tại phía Nam thành Đồ Bàn, ông H. Parmentier đã nhận thấy sự to lớn và vị trí đặc biệt của hai pho tượng Hộ Pháp này: “Giả thuyết về một kiến trúc Chămpa được minh xác trong sự tồn tại ở phía Đông và dưới chân đồi, sườn ở đoạn này thoải dốc, hai pho tượng Hộ Pháp khổng lồ ngày nay trang trí chùa Nhạn Sơn, thuộc làng Nhạn Tháp, tổng An Nghĩa, phủ An Nhơn” (2). Hơn nửa thế kỷ sau, nhà nghiên cứu người Pháp J. Boisselier đã xếp các pho tượng Dvarapala chùa Nhạn Sơn vào phong cách nghệ thuật Tháp Mắm (thế kỷ XII). Ngoài ra, ông còn có nhận xét: “Chính với những Dvarapala này, mà dường như kết thúc, ở nước Chămpa, một loạt tượng thú vị, trong đó, truyền thống đầu được minh hoạ ở Hoà Lai trong các hình phù điêu, được trang bị những đặc điểm cốt yếu ngay từ phong cách Đồng Dương…”3. Sở dĩ J. Boisselier xếp các pho tượng của Nhạn Sơn vào phong cách nghệ thuật Tháp Mắm vì các tượng Hộ Pháp của chùa Nhạn Sơn có nhiều nét rất gần với phong cách các tượng Hộ Pháp được tìm thấy ở Tháp Mắm (phế tích gò Tháp Mắm nằm cách khu chùa Thập Tháp không xa về phía Bắc). Như các tượng của Tháp Mắm, mỗi tượng Hộ Pháp của Nhạn Sơn đều đứng trên một bệ tròn được trang trí bằng hai hàng cánh sen đối xứng nhau qua một băng núm vú chạy ở giữa (hiện còn nhìn thấy rõ ở pho tượng tô đỏ bên phải). Các Hộ Pháp Nhạn Sơn và Tháp Mắm đứng chân trần trên đất (các Hộ Pháp có niên đại cuối thế kỷ IX của khu Đồng Dương đứng trên mình các con vật), hai bàn chân dạng ra và có một trụ chống lớn ở phía sau (ở các tượng Nhạn Sơn, trụ chống được thể hiện như sự kéo dài phóng đại của dải dây thắt lưng phía sau). Đây là kiểu cổ điển đối với các tượng hộ pháp Chămpa từ phong cách Đồng Dương. Hai bức tượng được tạc trong những động tác rất cân xứng với hai chân hơi chùng xuống và hai đầu gối dạng ra. Toàn bộ thân hình của tượng ngả về phía trước, cổ căng ra và đầu quay về phía trong chùa. Hai Hộ Pháp đều cầm một vũ khí giơ lên ngang vai (tiếc là cả hai đã mất và đã được người Việt làm hai thanh kiếm gỗ thay vào). Qua dấu tích chuôi còn lại rất giống với pháp khí của các tượng Tháp Mắm, có thể đoán, pho tượng tô đỏ bên phải cầm đoản kiếm, còn pho tượng tô đen bên trái cầm chuỳ. Như các tượng Tháp Mắm, hai Hộ Pháp này đều đưa bàn tay kia lên trước ngực. Có thể nhận thấy một pho tượng của Nhạn Sơn (pho tô đỏ) tay cầm một vật gì đó đã mất (có thể là chiếc khiên tròn như của tượng Tháp Mắm), còn tượng kia thì không cầm gì trong bàn tay. Nếu so với các tượng trước đó, đặc biệt là với các tượng của Đồng Dương, thì các Hộ Pháp của Nhạn Sơn và Tháp Mắm đều kém hung dữ hơn và béo lùn hơn, mặc dù thân hình cao hơn nhiều. Như của các tượng Hộ Pháp cổ điển Đồng Dương, các tượng của Nhạn Sơn và Tháp Mắm vẫn biểu lộ sự dữ tợn của mình qua đôi mắt giô ra ngoài tròng, hai lỗ mũi phình ra và những đường gân cổ nổi lên. Nhưng, những chi tiết mang tính trang trí và phóng đại, như các đường viền của lông mày, lông mi, râu, ria mép, những nếp nhăn ở gốc mũi…đã làm mất đi sự dữ tợn tự nhiên như vốn có ở các tượng Hộ Pháp Đồng Dương, vì thế, khiến cho các tượng Hộ Pháp ở Nhạn Sơn có dáng vẻ bình tĩnh hơn. Trên các tượng của Nhạn Sơn và Tháp Mắm, tính trang trí và phóng đại còn được thể hiện ở chỗ đôi tai bị che lấp bởi một hình xoáy trôn ốc lớn, các đầu vú và đầu gối được tô điểm bằng hình hoa tròn nhiều cánh.

Như truyền thống của các tượng Hộ Pháp Chămpa, bắt đầu từ những hình chạm khắc trên tường gạch, trong các ô cửa giả của ngôi tháp chính Hoà Lai, đầu thế kỷ IX (hiện nay ngôi tháp đã bị đổ và chỉ còn phế tích nền móng), qua các pho tượng đá sinh động và tuyệt đẹp của quần thể kiến trúc Phật giáo Đồng Dương cuối thế kỷ IX, rồi đến các pho tượng thế kỷ X và XI ở Khương Mỹ, Mỹ Sơn…, các Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn chỉ mặc trên người một chiếc quần đùi, bó sát, được thắt bởi một dây thắt lưng lớn có một đầu vắt ngang đùi ở phía trước và đầu kia chảy xuống phía sau làm thành trụ đỡ cho pho tượng và đeo trên thân mình một chiếc dây có hình rắn Naga. Ngoài ra, như truyền thống, các tượng chùa Nhạn Sơn còn đeo trên cổ, cổ tay và bắp tay cũng như trên cổ chân những vòng trang trí khá lớn. Nhưng, nếu như ở các tượng Đồng Dương, các vòng đeo ở tay và chân khá lớn có hình con rắn, thì ở các tượng Nhạn Sơn, các vòng trang trí đã thu vào khá nhỏ thành các vòng nạm ngọc có hai dải cánh sen hai bên (kiểu vòng đeo điển hình của phong cách Tháp Mắm) và hình con rắn chỉ xuất hiện rất nhỏ ở vòng đeo chân (các vòng tay được trang điểm bằng các cánh hoa lớn cách điệu). Ngoài kiểu trang trí bệ, các đồ trang sức… thì cách thể hiện các cánh sen mập mạp ở các băng trang trí trên quần cũng như cách thể hiện tóc thành các dải xoắn… là rất đặc trưng cho giai đoạn nghệ thuật điêu khắc Tháp Mắm (thế kỷ XII).

Hai tượng Hộ Pháp chùa Nhạn Sơn cũng như các tượng của Tháp Mắm không đội một chiếc mũ cao được trang trí thành các tầng như các tượng Hoà Lai, Đồng Dương, Khương Mỹ và Mỹ Sơn mà tóc được búi lên thành một búi tròn lớn phía sau. Mỗi vị Hộ Pháp ở Nhạn Sơn chỉ đội trên trán một vương miện được tạo bởi một dãy những hình cánh sen. Vương miện của các Hộ Pháp Tháp Mắm, so với của các tượng chùa Nhạn Sơn, phức tạp hơn và còn gần với vương miện của các Hộ Pháp Đồng Dương: Bên cạnh các cánh sen nhỏ và dải ngọc, vẫn còn mang ba cánh hoa nhọn to. Điều này chứng tỏ, tuy cùng một phong cách, các tượng Tháp Mắm có niên đại sớm hơn các tượng của Nhạn Sơn. Như vậy, các tượng chùa Nhạn Sơn là những pho tượng Hộ Pháp không chỉ lớn nhất mà còn là những tác phẩm cuối cùng của thể loại tượng Hộ Pháp của Chămpa (có thể niên đại vào nửa cuối thế kỷ XII).

Trong những lần đi nghiên cứu điền dã ở Bình Định vào cuối những năm 1980, chúng tôi cùng đồng nghiệp còn phát hiện ra một số mảnh vỡ của các tượng Hộ Pháp. Trong số đó đáng kể nhất là đầu tượng Hộ Pháp ở chùa Bửu Sơn (thôn Tân Kiều, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, phía Tây thành Đồ Bàn) và bàn tay Hộ Pháp ở tháp Bánh ít (thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, phía Đông Nam thành Đồ Bàn). Điều đáng lưu ý là các tượng này đều rất lớn, ví dụ, bàn tay của Hộ Pháp Bánh ít cao tới 0,47 m (to bằng của tượng Nhạn Sơn). Không chỉ các tượng Hộ Pháp, mà cả những tượng Phật và tượng Bồ Tát cũng đã được phát hiện ở một số nơi trong tỉnh Bình Định. Đó là bức tượng Phật ngồi do linh mục Escalere sưu tầm được từ những thập niên đầu thế kỷ XX ở gần tháp Thủ Thiện (thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, phía Tây thành Đồ Bàn) một tượng Phật ngồi cùng hậu bộ bàn thờ Phật giáo trong lòng tháp Thủ Thiện (giờ đã không còn). Tất cả những tác phẩm nghệ thuật trên đều thuộc phong cách Tháp Mắm (5). Đó là những pho tượng Phật giáo Đại thừa thuộc phong cách Bayon của Cămpuchia, mang niên đại thế kỷ XIII của Chămpa, được tìm thấy ở tháp Bánh ít; trong đó, nổi bật nhất là pho tượng Phật bằng đồng tuyệt đẹp (hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Cămpuchia) (6) và hình Phật ngồi trên cột rắn Naga 7 đầu có niên đại cuối thế kỷ XII, mà chúng tôi cùng đồng nghiệp phát hiện năm 1987 tại thôn Trung Tín, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước (7). Như vậy là, qua số lượng và kích thước các tượng Hộ Pháp được biết, cùng hàng loạt tác phẩm điêu khắc Phật giáo khác đã được phát hiện, có thể nhận thấy Phật giáo trong những thế kỷ XII - XIII rất thịnh ở vùng đất quanh thành Đồ Bàn. Phải chăng, vì thế mà thành Đồ Bàn còn thường được sử sách và truyền thuyết gọi là thành Phật Thệ? Và, như không ít hiện vật điêu khắc cổ Chămpa khác ở Bình Định, hai pho tượng Hộ Pháp khổng lồ của chùa Nhạn Sơn từ lâu đã được người Việt thờ phụng.

Chắc chắn là ngôi đền xưa của người Chămpa đã đổ nát (dấu tích gạch Chămpa còn khá nhiều ở trên ngọn núi Tam Tháp phía sau chùa Nhạn Sơn), người Việt đã dựng lên chùa Nhạn Sơn để thờ phụng hai ông Hộ Pháp của người Chămpa. Rồi, dần dần, theo thời gian đã được người Việt biến thành các vị thần của mình và tạo cho hai pho tượng này những lý lịch cụ thể và rất Việt. Về hai địa điểm này, sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi chép về gò Tam Tháp: “Gò Tam Tháp ở thôn Nhạn Tháp, phía Bắc huyện có tháp cổ Chiêm Thành, nay tháp đổ thành gò, nên gọi tên thế”. Còn về chùa Nhạn Sơn, sách ghi: “Chùa Nhạn Sơn tục gọi chùa Ông Đá, ở thôn Nhạn Tháp, huyện Tuy Viễn, về phía Nam thành Chà Bàn. Trong chùa có hai tượng đá, đứng hai bên nhìn nhau trên viên đá vàng, mình cao hơn 6 thước, lưng rộng hơn 5 thước, một pho sơn son, một pho sơn then, thầy chùa chế áo xiêm, mũ đai bằng vải vẽ hình mây rồng mặc vào, trông như hình người còn sống. Tương truyền tượng ấy là tượng Phật của người Chiêm Thành. Cầu đảo thường ứng nghiệm.” (4). Còn nhân dân quanh vùng thì cho rằng hai tượng đá là những tượng thờ hai ông người Việt có tên là Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền - những người có công giúp vua Chiêm Thành đánh quân Xiêm.



Khi đến chùa Nhạn Sơn vào đầu năm 2006, chúng tôi được biết, địa phương và Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Bình Định đã có kế hoạch tu bổ ngôi chùa này vừa để bảo vệ hai pho tượng Hộ Pháp cổ quý giá của nền nghệ thuật cổ Chămpa và vừa để cho nhân dân địa phương tiếp tục những hoạt động tôn giáo của mình.


Ngô Văn Doanh

__________________

1 - Ví dụ, khi viết về tháp Cánh Tiên, tôi đã dành 1 trang để nói về 2 pho tượng Hộ Pháp ở chùa Nhạn Sơn. Xem: Ngô Văn Doanh: Tháp cổ Chămpa, sự thật và huyền thoại, Nxb. Văn hoá - Thông tin, HN, 1994, tr. 81.
2 - H. Parmentier, IC. I, Paris, 1909, Nhan Thap.
3 - J. Boisselier: La Statuaire du Champa, EFEO, Paris,1963, tr. 271.
4 - Đại Nam Nhất thống chí, (bản dịch tiếng Việt), T.3, Nxb. Thuận Hoá, 1996, tr. 30, 50 - 51.
5 - J. Boisselier: Sđd, tr. 277 - 278, các hình 187 - 190.
6 - J. Boisselier: Sđd, tr. 326 - 327, các hình 222, 223 và 225.
7 - Có thể tham khảo: Ngô Văn Doanh, Sđd, tr.105.

Nhận xét