VỀ ĐỀN ĐÔ THĂM CÁC VỊ VUA TRIỀU LÝ
Cách Hà Nội khoảng 15km, Đền Đô (tức đền Cổ Pháp) được khởi dựng từ thế kỷ XI trên đất làng Đình Bảng (Tiên Sơn, Bắc Ninh) - Quê phát tích nhà Lý - rồi được tiếp tục tôn tạo, mở rộng vào nhiều thế kỷ sau. Đây là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý nên còn được gọi là Đền Lý Bát Đế.
Ngũ Long Môn
Cổng vào nội thành được gọi là Ngũ Long Môn...
Vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), sau khi đăng quang, vua Lý Công Uẩn trở lại thăm quê hương. Tại đây, nhà vua dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Ngũ Long Môn
...vì trên hai cánh cổng có chạm khắc hình năm con rồng uốn lượn
Năm 1952, khu đền bị giặc Pháp chiếm và phá huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989, đền Đô bắt đầu được khôi phục lại với diện tích 31.250m2, gồm trên 20 hạng mục công trình, chia thành 2 khu vực: nội thành và ngoại thành. Tất cả đều được xây dựng công phu, đắp vẽ, chạm khắc tinh xảo tài nghệ.
 
Chính điện
Chính điện
Khu vực nội thành có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Cổng vào nội thành gọi là Ngũ Long Môn vì trên 2 cánh cổng có chạm khắc hình 5 con rồng. Trung tâm nội thành là Chính điện, bao gồm Phương đình, nhà Tiền tế và Cổ Pháp điện.
Phương đình (nhà vuông) rộng 70m2 gồm 3 gian, 8 mái. Phía trước có 2 con voi phục bằng đá rất đẹp.
 
Phương đình
Phương đình
Nhà tiền tế rộng 7 gian (220m2) có điện thờ vua Lý Thái Tổ. Phía bên trái điện thờ có treo tấm bảng ghi lại “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Phía bên phải có treo tấm bảng ghi bài thơ nổi tiếng Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt.

Chiếu dời đô
Tấm bảng ghi "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ
Cổ Pháp điện gồm 7 gian, rộng 180m2 là nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý. Gian giữa là nơi thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông; ba gian bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông; ba gian bên trái lần lượt thờ Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông và Lý Cao Tông.

"Nam quốc sơn hà"
Tấm bảng ghi bài thơ nổi tiếng "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt
Trong nội thành còn có nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà để kiệu thờ, nhà để ngựa thờ. Phía trước, bên trái Chính điện là đền vua Bà (đền Rồng) là nơi thờ Lý Chiêu Hoàng.
Khu ngoại thất gồm Thủy đình, nhà Văn Chỉ và nhà Võ chỉ.

Thủy đình
Thủy đình - nhìn từ Ngũ Long Môn
Thủy đình dựng trên hồ bán nguyệt, rộng 5 gian, có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Đây là nơi để các chức sắc ngày trước ngồi xem biểu diễn rối nước. Thủy đình đền Đô xưa đã được Ngân hàng Đông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng..

Thủy đình
Thủy đình - nhìn từ lối đi sang Võ Chỉ
Văn Chỉ (thờ 2 vị quan văn là Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành) và Võ Chỉ (thờ 3 vị quan võ là Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt) có khuôn viên rộng bằng nhau (720m2) và có kiến trúc gần giống như nhau: có nhà Tiền đường rộng 5 gian, 4 mái, 4 hàng cột lim. Hai nhà Hậu cung nối nhau 3 gian cũng 4 mái. Mỗi nhà đều có đao rồng 4 góc.

Văn chỉ
Cổng vào Văn Chỉ
Cửa bức bàn
Nhà tiền đường ở Văn chỉ và Võ chỉ đều được dựng bằng gỗ, có cửa bức bàn...
Đao rồng
...có đao rồng bốn góc...
Ngựa chầu
...và có bốn con ngựa chầu hai bên.
Đền Đô từ xưa đã là công trình Quốc gia, nơi tưởng niệm và phụng thờ của toàn dân đối với các vị vua nhà Lý. Lễ hội đền Đô được tổ chức hàng năm vào ngày 15 - 17 tháng 3 âm lịch, kỷ niệm ngày vua Lý Thái Tổ đăng quang (15 tháng 3 năm Canh Tuất - 1010). Đền Đô - Đình Bảng cũng là nơi chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ khi dải mây rồng vàng ở phía Thăng Long - Hà Nội bay về rồi tản ra đúng lúc dân làng Đình Bảng bắt đầu lễ rước "Linh bài Lý Thái Tổ và Chiếu dời đô ra Thăng Long" theo nghi lễ cổ truyền.
Đền Đô - Đình Bảng thực sự là điểm du lịch đầy hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Nhận xét