TÍN NGƯỠNG THỜ TỔ NGHỀ
Thờ tổ nghề là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho người dân. Tổ nghề, còn gọi là tổ sư, thánh sư, nghệ sư, là người phát minh, sáng lập, gây dựng nên một nghề (thường là nghề thủ công mỹ nghệ) hoặc là người thứ nhất đem nghề ở nơi khác truyền lại cho dân chúng trong một làng hay miền nào đó, được người đời sau tôn thờ như bậc thánh. Tổ nghề có thể là nam giới hoặc nữ giới.  
Trong một năm, lễ cúng tổ nghề thường được tổ chức vào ngày giỗ của vị tổ nghề.
Trong ngày đó, mọi người cùng cầu mong ngài phù hộ cho công việc được suôn sẻ, buôn may bán đắt hoặc lúc đi xa tránh được mọi sự rủi ro. Sau khi công việc có kết quả, người ta làm lễ tạ ơn.  
Ở Việt Nam có những tổ sư ngành nghề như: 
Tổ sư nghề dệt là ông Nguyễn Diệu, người vùng Thanh Hoá, cùng vợ tới kinh thành Thăng Long làm ăn buôn bán. Hai vợ chồng cùng nhau mở xưởng dệt, công việc ngày càng phát đạt. Vài năm sau, ông bà sinh được một cô con gái đặt tên là Nguyễn Thị La. Lớn lên cô nối nghiệp cha, với đôi bàn tay khéo léo, vải cô dệt đã bền lại đẹp, ai thấy cũng phải thán phục. Năm 18 tuổi, cô kết hôn cùng Trần Thưởng người vùng Hưng Yên. Vài năm sau, Trần Thưởng thi đỗ được bổ làm quan. Với mong muốn được mở mang nghề dệt, Trần Thưởng xin vua cho lập một phường dệt ở ven Hồ Tây. Nàng La chuyển về đó lo đảm đương việc dạy dỗ dân làng nghề dệt vải. Từ đó, nghề dệt vải ở đây được phát triển, danh tiếng vang xa.
Làng nghề dệt vải 

Làng nghề dệt vải. Ảnh: simplevietnam.com


Trong một lần cầm quân ra trận, Trần Thưởng không may tử trận. Được tin chồng, nàng La liền tự vẫn chết theo. Vua Huệ Tông thương xót cho lập miếu thờ nàng ở phường Nhược Công, phong cho nàng làm Thụ La công chúa. Ghi nhớ công ơn dạy nghề của bà, dân chúng gọi bà là Bà chúa dệt.
Nghệ nhân bên khung thêu tay 

Nghệ nhân bên khung thêu tay. Ảnh: simplevietnam.com

Ông tổ nghề thêu là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái, người làng Nguyên Bì, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Ông từng đỗ tiến sĩ, sau đó trong một chuyến đi sứ phương Bắc, nhờ mưu mẹo và trí thông minh, ông đã học được nghề thêu và nghề làm lọng. Về nước, ông truyền bá nghề này cho dân làng Quất Động và một số làng lân cận. Dân thợ thêu các làng này di cư ra Thǎng Long hành nghề và cư trú tập trung tại hai nơi: phố Yên Thái và đoạn cuối phố Hàng Trống (trước kia gọi là phố Hàng Thêu), và rải rác ở các phố Hàng Nón, Hàng Mành, Hàng Chỉ... ở Hà Nội ngày nay.
 
Nghệ nhân đúc đồng ở Huế 

Nghệ nhân đúc đồng ở Huế. Ảnh: simplevietnam.com

Tổ sư nghề đồng của Việt Nam là ông Nguyễn Minh Không, hay còn có tên gọi là Dương Không Lộ. Ông vốn xưa làm nghề đánh cá. Một hôm, ông đang đứng ở bến sông, bỗng thấy có một người hình dáng kì quái đứng bên đường, nhìn ông rất lâu, rồi cười mà nói: Người là người cõi tiên sao không học đạo mà lại đi câu cá ? Nói xong, liền phất tay áo ra đi. Không Lộ định hỏi thêm thì không thấy đâu nữa. Từ đó, ông bỏ nghề đánh cá vào tu ở chùa Nghiêm Quang - Thanh Hoá lấy tên là Không Lộ thiền sư. Sau đến thời Lý Thánh Tông về tu ở chùa Hà Trạch - Hà Bắc. Ông có pháp thuật cao siêu có thể bay trên không, đi trên mặt nước, sai khiến cả thú dữ, biến hoá muôn hình vạn trạng. Đặc biệt ông rất giỏi nghề đúc chuông nặn tượng. Một lần ông đi sang Trung Quốc, quyên đồng được hàng trăm vạn tạ, đựng vào một cái bao lớn mà các thuyền phương Bắc không thể chở nổi. Ông bèn hoá phép lấy nón làm thuyền, lấy gậy làm chèo, cứ thế chèo chống, chở đồng về, đúc thành bốn đồ quý gọi là Yên nam tứ quý.
 
Gốm sứ  Bát Tràng

Gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: simplevietnam.com

Tổ sư nghề gốm sứ Bát Tràng là Hứa Vĩnh Kiều. Hứa Vĩnh Kiều cùng với tổ sư hai làng gốm khác là Đào Trí Tiến làng Thổ Hà và Lưu Phong Tú làng Phù Lãng cùng khởi nghề ở Bát Tràng, sau đi học men gốm tại Thiểm Châu, Quảng Đông, Trung Quốc về truyền nghề cho dân làng.
 
Ngoài ra, ở Việt Nam còn có những tổ sư làng nghề ở các địa phương khác nhau vẫn được người dân thờ phụng một cách tôn kính.

Nhận xét