Thử tìm hiểu giá trị văn hoá ở Tháp Bút đền Ngọc Sơn

Dòng thứ 16 và 17 của bài ký khắc trên bia đá, nguyên dựng ở Đình Trấn Ba Đền Ngọc Sơn, Hà Nội, có đoạn : Cố kỳ đổng vũ quy mô, danh vật thể thế, quan văn dĩ ý khởi, tắc diệc dị hồ tục chỉ sở vi hỹ, tạm dịch là: “Nhìn ngắm quy mô miếu mạo, hình thế danh vật, xem văn chữ sẽ nẩy sinh ý tưởng, sẽ thấy thật khác với những gì người đời thường đã làm”. Qua đoạn văn này, người xưa có ý nhắc : Người đến thăm Ngọc Sơn hãy nhìn Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba, hãy suy ngẫm về những dòng chữ “điểm xuyết” ở nơi này.

Ngắm nhìn Tháp Bút thấy: tháp cao vút dưới chân tháp có miếu Sơn Thần và bia Năm Chữ (Thái sơn Thạch cảm đương) (...)

Ở mặt bắc tầng 1, 2, 3 của Tháp Bút, đề 3 chữ (Tả Thanh Thiên) (...) tạm dịch là:

- Viết giữa trời xanh
- Viết giữa ban ngày

Nếu hiểu 2 chữ (Thanh thiên) (...) là từ giản lược của thành ngữ: (Thanh thiên bạch nhật) (1) (...), thì ba chữ “Tả thanh thiên: có nghĩa là:

- Viết rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật.
- Viết rõ ràng ngay trước mặt mọi người.

Chữ Hán hàm xúc nhiều nghĩa, chữ (tả) (...) có tới 5 nghĩa: 1) Viết, vẽ, 2) Miêu tả, 3) Sao chép, 4) Đặt ra, 5) Lộ ra. Nhưng chữ Tả để ở Tháp Bút, theo chúng tôi chỉ nên lấy nghĩa: “Viết”.

Nhìn Đài Nghiên, thấy trên đỉnh có một nghiên đá mang dáng hình nửa quả đào, đăt ở nơi không cao, không ở dưới thấp. Nếu lên tận Đài Nghiên để quan sát sẽ nhận ra quanh thành nghiên đá có khắc bài minh, do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đề, khắc theo lối chữ lệ, rõ ràng, trang nghiêm, trong đó có đoạn (tạm dịch nghĩa): “Hòn đá cái Nghiên này... không vuông, không tròn, không ở cao, cũng không ở dưới, nếu khéo sử dụng sẽ làm được nhiều việc” - Phương Đình Nguyễn Văn Siêu kể về hòn đá cái nghiên phải chăng mang ý ẩn dụ, như nhắc bảo: Nếu khéo biết dùng kẻ sĩ, loại người không góc cạnh, không tròn trịa, không ở cao - thấp thì làm được nhiều việc.

Đọc bài ký trong bia đá, nguyên đặt ở Đình Trấn Ba, sẽ biết là người xưa xây Đình này với ngụ ý là: Cột chắn sóng văn (văn lan chỉ trụ) (...), như có ý nhắc bảo: Hãy chặn làn sóng văn hoá không lành mạnh từ nơi khác tràn vào. Với ý phải bảo vệ bản sắc văn hoá của Thăng Long, của đất nước.

Thiết nghĩ nếu trích kể, giới thiệu kỹ về Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba, những dòng chữ điểm xuyết ở 3 công trình này, và ở các công trình phụ cận, sẽ có thể giúp chúng ta nhận ra những giá trị văn hoá vật thể và giá trị văn hoá phi vật thể từ những lời ký thác của người xưa ở đền Ngọc Sơn.

Lần này chúng tôi xin tìm hiểu về Tháp Bút. Ở kiến trúc này, ngoài những điều nêu trên, còn phải kể đến bài minh viết bằng chữ Hán, khắc ở tầng 2 của Tháp, trên mặt nhìn về hướng...? với ý để người đến thăm Ngọc Sơn, khi vào ra đều có thể nhìn thấy bài minh này.

Bài minh có nội dung sơ lược như sau: “Tháp Bút 5 tầng. Tháp xây trên núi Độc Tôn, một ngọn núi đất đắp để kỷ niệm một cuộc dẹp yên ở núi Độc Tôn Phổ Yên Thái Nguyên. Tháp Bút biểu tượng văn vật. Núi đất biểu tượng võ công. Tháp nhờ núi mà được nâng cao. Núi nhờ tháp mà được lưu truyền. Văn vật và võ công dựa vào nhau mà cùng có giá trị, cùng lưu truyền, Núi và Tháp có thể sẽ bất hủ vì tự trong chúng có sự bất hủ”. Ý rằng: Hãy trọng cả văn và võ, đó là một yêu cầu “cần và đủ” để tạo nên những điều bất hủ.

Ở cuối của bài minh là dòng chữ “Tại Phương Đình-thức. Tự Đức ất Sửu thu khắc”. Nghĩa: Phương Đình Nguyễn Văn Siêu thuật kể, khắc vào mùa thu năm ất Sửu đời vua Tự Đức (1865). Ở thời xây Tháp Bút, tư tưởng trọng văn khinh võ là phổ biến. Nói trọng võ không phải đã lọt tai tất cả mọi người. Vì thế Nguyễn Văn Siêu phải nói bằng biểu tượng để tránh những lời bắt bẻ. Trước năm xây dựng Tháp Bút vài năm, Nguyễn Trường Tộ trong một biểu gửi triều đình nhà Nguyễn, đã công kích tệ trọng văn khinh võ. Theo ông văn ví như cái áo đẹp, võ được so với thức ăn tẩm bổ khí huyết. Người mà không tẩm bổ khí huyết thì chết, dẫu có áo tốt cũng vô dụng. Ý là nếu đất nước chỉ trọng văn, sao có thể giữ được nước.

Năm 1863, khi đất nước bị thực dân Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ, chúng đang lăm le đánh ra Bắc, khi triều đình nhà Nguyễn có phe chủ chiến, phe chủ hoà, đó là lúc Phương Đình Nguyễn Văn Siêu dựng Tháp Bút trên núi đất đắp, tạo một hình tượng văn vật xây trên nền võ công. Võ công nâng đỡ văn vật. Hình tượng này khẳng định vị thế quan trọng của võ bị, là việc làm đúng lúc, đã góp phần kích lệ những người làm nhiệm vụ chống giặc giữ nước, nhắc nhở mọi người tin vào truyền thống văn võ của dân tộc.

Dưới chân tháp Bút dựng miếu Sơn Thần, trước miếu đề đôi câu đối:

Cố điện (2) hồ sơn lưu vượng khí
Tân từ hương hoả tiếp dư linh

Nghĩa là:

Cố đô núi hồ lưu vượng khí
Đền mới hương đèn tiếp linh xưa.

Người xưa dựng miếu Sơn Thần với ý tạo một biểu tượng cố đô đầy vượng khí, có ý nhắc người cầm bút viết sự thật về các vấn đề của đất nước, về truyền thống của cố đô Thăng Long.

Ở chân Tháp Bút ngay phía dưới 3 chữ “Tả thanh thiên” ... dựng bia Năm chữ (Thái sơn thạch cảm đương) (3)..., nghĩa: Người Cứng cỏi dám đảm đương. Lời trong bia có ý kích lệ người cầm bút phải là người cứng cỏi, dám viết sự thật đặt ra trước mặt mọi người.

Như thế có thể nói: Tháp Bút, miếu Sơn Thần, bia Năm Chữ đã có mối quan hệ nối kết với nhau, cùng ký thác lời nói về trách nhiệm và tinh thần cần có ở người cầm bút. Phương Đình Nguyễn Văn Siêu lần lượt nhắc bảo:

- Viết rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật.
- Viết về những vấn đề của đất nước, về truyền thống của cố đô Thăng Long.

- Phải là người cứng cỏi, dám viết rõ ràng trước mặt mọi người.

Tháp Bút một kiến trúc, không cao, không to, không có những mảng khắc tinh xảo, kích cỡ vừa phải, có nét hao hao tháp đá ở một ngôi chùa cổ, nhưng được rất nhiều người biết đến, có lẽ vì trên tháp đề 3 chữ Tả Thanh Thiên (...).

Tháp Bút nổi tiếng có lẽ còn vì gần bên có Đài Nghiên. Cả hai đều do Nguyễn Văn Siêu phác ý, tạo dáng, đề chữ, vì được tạo dựng ngay bên hồ Hoàn Kiếm, sát cạnh khu phố cổ, và vì là một kiến trúc đặc biệt của Hà Nội, được tạo dựng khi kinh đô của nước ta chuyển đặt tại Huế.

Nếu khảo sát kỹ hoàn cảnh lịch sử và kinh tế khi tạo dựng Tháp Bút, nếu nhận rõ mối tương quan giữa Tháp Bút với Đài Nghiên, với Đình Trấn Ba, với Đền Ngọc Sơn; nếu nhận rõ ngữ nghĩa của các dòng chữ Hán đã điểm xuyết ở Ngọc Sơn, sẽ nhận ra lời ý ký thác của Nguyễn Văn Siêu.

Lâu nay chúng ta chỉ nói đến diện mạo bên ngoài của Tháp Bút, đến văn dịch các dòng chữ ở Tháp, nhưng có câu chữ dịch không gần với nguyên tác. Vì thế chưa làm cho khách đến thăm đền Ngọc Sơn hiểu được Tháp Bút như là một sự khẳng định truyền thống văn hoá của cố đô Thăng Long.

Trước mặt Tháp Bút, miếu Sơn Thần và bia Năm Chữ, tất cả có 25 chữ. Thế mà có 4 từ (8 chữ) không được dịch nghĩa gần với nguyên tác, nếu không nói là dịch sai:
- ... (Tả thanh thiên)

Đã dịch là: Viết lên nền trời xanh (a)

(Cố điện hồ sơn lưu vượng khí
Tân từ hương hoả tiếp dư linh

Đã dịch là:

Hồ núi kinh thành xưa (b) còn lưu khí thịnh
Khói hương ngôi đền mới tiếp nối dấu thiêng
- ..... (Thái sơn thạch cảm đương_

Đã dịch là:

Dám sánh ngang (c) đá núi Thái (d)

Một vị khác dịch là: Đá Thái Sơn vô địch

Và còn chú thích:

“Các phiến đá ấy chỉ là những phiến đá bùa trấn yểm ma tà quỷ quái bảo hộ cho dân, bảo hộ cho một công trình kiến trúc mà thôi”.

(Các đoạn văn dịch này đều trích từ tạp chí Hán Nôm số 1/1991 trang 71, số 4 (33)-1998, trang 56).

Có lẽ nên có bảng giới thiệu ngắn gọn về Tháp Bút, về các chữ Hán ở Tháp Bút, miếu Sơn Thần, bia Năm Chữ, để người tham quan dễ dàng tìm hiểu về di tích này.

Chữ Hán có mặt trong đời sống của người Việt từ hàng ngàn năm, hiện nay trong các di tích lịch sử của cả nước có nhiều câu đối, đại tự, bia ký ... cũng như ở khu đền Ngọc Sơn, bằng vào những dòng chữ Hán, người ngày nay có thể hiểu rõ hơn đời sống tinh thần của người xưa. Vì thế thiết nghĩ ở các di tích tiêu biểu, nên có bảng thuyết minh giới thiệu câu đối, đại tự, bia ký. Làm được như thế sẽ giúp cho người đến di tích hiểu được lịch sử của di tích, công tích của người xưa và truyền thống ở những di tích, nối truyền tới hôm nay.

Ở đền Ngọc Sơn nên có bảng giới thiệu đôi nét về Phương Đình Nguyễn Văn Siêu và Lương Hiên Đặng Tá. Hai người có công đầu trong cuộc cải cách đền Ngọc Sơn, xây dựng Tháp Bút, Đài Nghiên, đình Trấn Ba... nối dòng bản sắc văn hoá cố đô Thăng Long.

Qua các dòng chữ ghi lại ở các công trình Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đã khéo nhắc mọi người xích lại gần nhau, nối tiếp truyền thống văn võ của đất nước.

Tháp Bút như một lời chứng nhận độc đáo về một con người, ở hoàn cảnh nào cũng lo cho dân cho nước. Nguyễn Văn Siêu cáo quan ở tuổi trí tuệ xung mãn, trở về sống ở cố đô Thăng Long. Suốt những năm cuối đời, Cụ đã cùng một số sĩ phu tạo nên một cụm di tích tiêu biểu ở Hà Thành, phản ảnh trí tuệ chí thành của kẻ sĩ với cố đô Thăng Long.

Trang kèm theo:

Có lẽ viết như ở trên đã là đủ. Tôi viết thêm trang này muốn giải rõ ý kiến của mình:

Sau khi đọc những dòng văn dịch, như trên tôi tự hỏi:

Làm sao mà có thể viết lên nền trời xanh (4)

(Điện) sao lại có nghĩa là kinh thành. Chữ “Điện” bên trong có chữ (điền) kia mà.

Ai sánh ngang? Cái gì sánh ngang “Thái Sơn thạch cảm đương” mà dịch là “Sánh ngang cùng đá núi Thái” là: dịch ngược. Thái Sơn thạch là chủ ngũ. Cảm đương là vị ngữ.

Đá núi Thái, ý nói gì?
Sao lại là: Đá Thái sơn vô địch?
Sao lại là: Đá bùa yểm ma tà?

Chữ ở Tháp Bút, miếu Sơn Thần và bia Năm Chữ do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu đề. Văn chữ của Phương đình mà có nghĩa như thế sao?

Trong gia phả của họ Nguyễn ở Kim Lũ, trang 24 do Phương đình Nguyễn Văn Siêu viết năm 1869 có đoạn tự thuật: Khi Định (tên tục của Nguyễn Văn Siêu) này đỗ Cử nhân bèn đem tất cả các sách Nhâm Môn, Độn Ất đốt hết, vì cho rằng các sách này không nên học (Nguyên văn.....)

(Định) tức thành Cử nhân nãi tụ Nhâm Môn, Độn ất chư thư tập phần chi, viết thửu bất khả học).

Qua đoạn văn tự thuật này của Nguyễn Văn Siêu ta có thể khẳng định trong văn của Nguyễn Văn Siêu, khi ở tuổi 71 không thể có ý yểm đảo.


Phạm Đức Huân



___________________________

1- Thanh thiên bạch nhật - Thanh thiên: trời xanh; Bạch nhật: Ban ngày, ý là giữa ban ngày. Và cũng có nghĩa: Trước mặt mọi người, như câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du:

Ba quan đông mặt pháp trường

Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi

2- Cố điện là từ nói chệch từ (cố đô). Tác giả không viết hẳn là “Cố đô” vì muốn tránh bị bắt bẻ là hoài cổ, khảng tảng với đương triều.

3- Thái Sơn thạch - Người tài cao đức trọng được tôn xưng là núi Thái Sơn. Danh nhân Chu Văn An được tôn là núi Thái Sơn. “Thái Sơn thạch” theo nghĩa từng chữ có thể dịch là: Đá núi Thái Sơn. Ở đây tác giả dùng có ý ẩn dụ biểu trưng chỉ người cứng cỏi.

4- Nhiều người dịch “Tả thanh thiên” là viết lên trời xanh – với ý viết bằng tâm và tư tưởng (chứ không phải bằng bút như tác giả nghĩ) – Ba chữ này như đã theo dòng vô vi của Lão Trang.

Nhận xét