THĂNG TRẦM THĂNG LONG – HÀ NỘI
Thành cổ Hà Nội
Thành cổ Hà Nội.
Ảnh: vietnamgateway
Ngót nghìn nǎm đã qua, kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, đổi tên thành kinh đô Thǎng Long (tức Hà Nội ngày nay). Bao thế hệ người xưa đã đóng góp công sức dựng xây, tô điểm kinh đô xưa, mà tại sao trên đất Hà Nội bây giờ còn lại quá ít ỏi di tích lịch sử, vǎn hóa của Thǎng Long - Đông Đô?
 
Sự tích Lý Công Uẩn dời đô nǎm 1010 thì mọi người đã biết. Nay nhờ sách, nhờ người am hiểu, cung cấp tài liệu lại được biết thêm: Thành Thǎng Long đời Lý đã được xây dựng như một công trình kiến trúc hoành tráng nhất trong các triều đại.
 
Đặc biệt, việc kiến trúc khu Hoàng thành đã được tiến hành theo một quy hoạch lớn, vừa đa dạng vừa tráng lệ chưa từng có, thể hiện phong cách riêng của triều đại này. Nơi đây được xây dựng hàng loạt cung điện lộng lẫy: chỗ vua Lý Thái Tổ làm việc thì có điện Kiều Nguyên, điện Tập Hiền, điện Giảng Vũ. Chỗ vua nghỉ ngơi thì có điện Long An, điện Long Thụy. Nơi phi tần ở thì có cung Thúy Hoa, cung Long Thụy... Trước chính điện có sân rồng rộng lớn, bốn bề sân rồng có hành lang, nhà giải vũ và nhiều lầu gác.
 
Sang các đời vua sau đều có sửa chữa hoặc xây dựng lại cung điện và đặt tên mới. Đời Lý Thái Tông, ở cạnh sân rồng còn dựng lầu Chính Dương, trên để loại đồng hồ cổ, có người thường trực báo giờ giấc.
 
Chẳng những độc đáo về tạo dáng mà các cung điện trong Hoàng thành thuở ấy còn độc đáo về vật liệu xây dựng: gạch, ngói thường chạm trổ các hình hoa vǎn, rồng phượng và khi xây chỉ việc lắp khít vào nhau không cần mạch vôi nữa. Đặc biệt hay dùng loại ngói ống bằng sứ men trắng, men xanh, men vàng, đầu ống bịt hình rồng, phượng, hoa sen, tạo thành đường diềm mái tuyệt đẹp. Những vật liệu được chế tác tinh xảo, mỹ lệ này đã góp phần làm lộng lẫy thêm những lầu son, gác tía của Hoàng thành.
 
Trong sách Vǎn hiến thông khảo của Mã Đoan Luân, sử gia Trung Quốc cuối thế kỷ 12 có đoạn miêu tả cảnh Thǎng Long thời Lý nói rằng: Vua Lý ở trong một tòa cung điện nguy nga cao bốn tầng, sơn mầu đỏ, các cột chạm vẽ rồng phượng thần tiên cực kỳ tráng lệ. Cuốn Việt sử lược (đời Trần) cũng viết: "Các cung điện thời Lý nói chung đều được xây cất đẹp đẽ, chạm trổ trang sức khéo léo. Ngoài các cung điện, khu Hoàng thành còn xây dựng nhiều lầu các, đài tạ vàng son lộng lẫy. Đài Chúng Tiên dựng nǎm 1161 tầng trên lợp ngói bằng vàng, tầng dưới lợp ngói bằng bạc. Hồ ao, vườn ngự cũng được đào đắp khá nhiều: hồ Kim Minh, Vạn Tuế (nǎm 1049) có đắp núi đá cao ba ngọn trên mặt hồ và có cầu Vũ Phượng từ bờ đi vào. Hồ ứng Minh, hồ Thụy Thanh (nǎm 1051), hồ Phượng Liên (nǎm 1098)... đều là những hồ đẹp, trên bờ có dựng nhiều lầu các, đình tạ. Trong Hoàng thành còn lập nhiều ngự uyển trồng các loại hoa thơm cỏ lạ và nuôi các thứ muông thú quý hiếm, như vườn Quỳnh Lâm, vườn Thắng Cảnh, vườn Xuân Quang (nǎm 1048), vườn Thượng Lâm (nǎm 1085). Đặc biệt, vào giữa thế kỷ 14 có lập một vườn ngự uyển lớn, trong vườn đào một hồ rộng lớn gọi là hồ Lạc Thanh. Trong hồ chất đá làm núi, trên bờ hồ trồng thông, trúc và các thứ cây khác, thêm vào đấy nào cỏ lạ, nào hoa thơm, nào muông kỳ, nào chim quý, bốn mặt lại khơi ngòi cho nước sông thông vào..." (Việt sử thông giám cương mục). Hoàng thành còn được kiến tạo nhiều núi đất, trong đó có những ngọn đã trở thành danh thắng như núi Nùng, núi Tam Sơn, núi Ngũ Nhạc... Núi Nùng là nơi trên đó xây dựng điện Kính Thiên, cũng là quả núi đã trở thành biểu tượng cho non nước kinh thành (Núi Nùng, sông Nhĩ chốn này làm ghi - Chính khí ca).
 
Nhà Lý là một triều đại sùng Phật, xây dựng khá nhiều chùa, tháp, đền, miếu ở Thǎng Long. Ngay nǎm đầu định đô, Lý Thái Tổ đã cho dựng các chùa lớn như Hưng Thiên, Vạn Tuế. Nǎm 1114 xây chùa Thiên Phật rộng lớn đủ bày 1.000 pho tượng (khánh thành nǎm 1118). Trong số đền chùa nổi tiếng có: đền Quán Thánh, chùa Chân Giáo...
 
Ngoài Hoàng thành có một bức tường gạch bao quanh, có bốn cửa thông ra ngoài khu kinh thành: bắc là cửa Diệu Đức, nam là cửa Đại Hưng, đông là cửa Tường Phù, tây là cửa Quảng Phúc
 
Ra khỏi Hoàng thành là khu vực kinh thành có quy mô khá rộng. Bên ngoài đắp một dải tường thành bằng đất bao bọc chung quanh, gọi là Đại La Thành hoặc La Thành. ở mé đông tường thành cũng đồng thời là đê sông Hồng.
 
Nay có thể lần theo dấu vết La Thành: phía bắc là đê sông Hồng từ quanh Hồ Tây đến Kẻ Bưởi. Phía đông vẫn là đê này từ Yên Phụ xuống tận Đồng Nhân. Phía nam, đường thành chạy tiếp từ Đồng Nhân qua Thịnh Hào, Yên Lãng, Thủ Lệ song song với sông Tô Lịch. Phía tây, đường thành nối tiếp từ vùng Bưởi về Cầu Giấy... cũng có thể đã mở rộng tới gần sông Nhuệ bao gồm cả vùng Mai Dịch, Cổ Nhuế hiện nay.
 
Kinh thành Thǎng Long thuở ấy có bao nhiêu cửa thông ra ngoài hiện chưa biết đích xác, chỉ biết trong số đó có cửa Tây Dương (sau này là ô Cầu Giấy), cửa Triều Đông mé trên dốc Hòe Nhai, cửa Yên Hoa (ô Yên Phụ), cửa Vạn Xuân (sau này là ô Ông Mạc (Đống Mác), cửa Chợ Dừa sau này là ô Chợ Dừa...
 
Khu kinh thành rộng lớn hơn Hoàng thành gấp bội. Các ly cung của nhà vua cùng các phủ đệ, cung viện, dinh thự của các ông hoàng bà chúa, các đại thần được xây dựng nhiều và vô cùng lộng lẫy nhưng đáng tiếc là không được sử sách ghi chép đầy đủ.
 
Trong vô số cung, điện, đền, miếu, chùa, tháp... thời Lý phải kể đến tháp Báo Thiên nổi tiếng được xây dựng nǎm 1057 bên bờ hồ Lục Thủy (Hồ Gươm ngày nay). Tháp cao vài chục trượng gồm 12 tầng, xây bằng đá và gạch, mấy tầng trên cùng đúc bằng đồng. Trong tháp trang trí nhiều tượng người và vật bằng đá rất kỳ xảo. Tháp cao lại xây trên gò đất cao nên thuyền từ xứ Nam lên kinh đô tới bến Yên Duyên (của đất huyện Thanh Trì ngày nay, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km) đã nhìn thấy đỉnh tháp cao vút mây trời.
 
Còn có thể chép ra đây nhiều trang về các công trình xây dựng và công phu tô điểm kinh đô Thǎng Long dưới vương triều Lý xứng đáng là một đô thành mở nền của kỷ nguyên vǎn hiến Đại Việt.
 
Nhưng đến thời tàn nhà Lý trong khoảng vài thập niên đầu của thế kỷ 13, nội chiến xảy ra liên miên giữa các tập đoàn phong kiến rồi xung đột nổ ra ngay tại đế đô làm cho các cung điện trong khu Hoàng thành bị thiêu hủy gần hết.
 
Sử cũ còn chép: Nǎm 1214, cung thất nhiều nơi bị đốt, vua và hoàng hậu phải trú ở nhà tranh gần cầu Thái Hòa. Tới nǎm 1216, "thảo điện" (tức cung điện bằng tranh tre nứa lá) phải dựng ở vùng tây Phù Liệt (tức làng Sét, Thanh Trì).
 
Từ đầu nǎm 1225, nhà Trần lên ngôi vua, bắt tay sửa sang và xây dựng mới khu vực Hoàng thành. Nǎm 1230 xây dựng nơi thiết triều gồm một số cung điện, lầu, gác. Còn khu kinh thành đời Trần thì không có gì khác so với kinh thành thời Lý.
 
Thǎng Long cuối thời Trần chưa xây dựng được bao nhiêu thì lại tiếp tục bị giặc giã cướp phá, thiêu đốt, kinh thành đổ nát tan hoang.
 
Hồ Quý Ly lên nắm chính quyền không những không sửa chữa kinh thành mà lại còn phá nốt những cung điện còn sót lại ở Thǎng Long để lấy nguyên vật liệu đem vào Thanh Hóa xây dựng kinh đô mới.
 
Sau đó 10 nǎm, giặc Minh xâm lược nước ta, Thǎng Long bị chúng chiếm đóng trong hai mươi nǎm liền. Chúng bòn rút nốt những gì còn lại trong Hoàng thành, rồi phá phách tới những công trình xây dựng bên ngoài Hoàng thành. Chúng hủy hoại nhiều chùa, tháp, đền, miếu; lấy nhiều cổ vật bằng đồng quý như đỉnh tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền... đem đúc vũ khí.
 
Tới đây, hầu hết những công trình kiến trúc ở Thǎng Long từ thế kỷ 11, 12 đều bị phá trơ trụi.
Nǎm 1428, Lê Lợi lên ngôi, đổi tên Thǎng Long thành Đông Đô, cuối nǎm 1430 lại gọi là Đông Kinh.
 
Sau đó, Thǎng Long là đất đế đô của các triều vua kế tiếp trong suốt 400 nǎm thời Lê được xây dựng lại ngày càng rộng lớn, đẹp đẽ và sầm uất với hàng trǎm cung điện.
 
Nǎm 1512, vua Lê Tương Dực sai Vũ Như Tô, một nghệ nhân xây dựng nổi tiếng, đứng ra chỉ đạo xây dựng các cung điện và Cửu Trùng đài cực kỳ nguy nga tráng lệ.
 
Nhưng đang xây nửa chừng thì các công trình này phải dỡ bỏ vì nổi loạn.
 
Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê. Sau mấy chục nǎm đến đời Mạc Mậu Hợp mới có cuộc xây dựng lại các cung điện kéo dài trong một nǎm. Cả hai lớp thành trong và ngoài đều được sửa lại, ấn định vị trí và diện mạo của Hoàng thành Thǎng Long từ cuối thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 17.
 
So với Hoàng thành của nhà Lê đầu thế kỷ 15, Hoàng thành do Mạc Mậu Hợp tu sửa có bị thu hẹp chút ít ở hai phía Đông và phía Tây nên một số cung điện bị bỏ ra ngoài khu vực Hoàng thành, lâu dần trở nên hoang phế. Tuy vậy, Hoàng thành thời Lê - Mạc vẫn rộng hơn Hoàng thành thời Lý - Trần rất nhiều, vẫn còn giữ được vẻ nguy nga tráng lệ đến vài thế kỷ sau.

Cuối thế kỷ 17, Xa-mu-en Ba-rôn, một nhà buôn người Anh mẹ Việt, miêu tả Hoàng thành thời Lê - Mạc: "Khi đứng trước ba lớp thành và cung điện cổ, người ta lấy làm ngạc nhiên. Những di tích còn lại tỏ ra rằng thành ấy xây vững chắc. Cung điện có những cửa lớn và đẹp lát bằng cẩm thạch. Cung điện cổ đó chu vi độ 6 hoặc 7 dặm, cứ xem các cửa ngõ, sân và các gian nhà còn lại, cũng đã biết lâu đài đó trước kia rất đẹp đẽ, huy hoàng".
 
Giáo sĩ người Italy là Ma-ri-ni miêu tả: "Tuy cung vua chỉ xây dựng bằng gỗ nhưng ở đây có rất nhiều đồ vàng, đồ thêu, chiếu thảm rất tốt và đủ các mầu sắc để tô điểm, thật không đâu sánh kịp. Cung điện, nơi vua ở là một lâu đài xây dựng trên một rừng cột rất chắc chắn. Kèo cột trong cung điện làm rất kỹ và rất đẹp, không nhà nào bằng".
 
Khoảng từ nǎm 1527 đến 1597, Mạc Mậu Hợp huy động quân dân bốn trấn (Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương) mỗi ngày mấy vạn người đắp thêm ba lần lũy đất ở ngoài thành Đại La, cao và rộng hơn thành cũ rất nhiều.

Nǎm 1749 thời Lê - Trịnh lại có cuộc sửa đắp lớn thành Đại La (lúc này còn được gọi là Đại Độ) có tám cửa thông ra ngoài, mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu, có người canh gác. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, các vua Lê chúa Trịnh đã xây dựng nhiều đền chùa và hành cung trong đó có đền Ngọc Sơn, lều Ngũ Long bên hồ Hoàn Kiếm, đền Trấn Vũ, chùa Kim Liên, chùa Trấn Quốc ở khu vực hồ Tây, viện Nghinh Xuân và Trường Thi ở Quảng Bá...
 
Nhiều người phương Tây từng ca ngợi Thǎng Long trước thế kỷ 19 là một trong những công trình đô thị được xây dựng đẹp nhất châu á như ông J.B. Se-nhô.
 
Cuối thế kỷ 18, cuộc tranh chấp quyền hành giữa vua Lê và chúa Trịnh đã dẫn tới cuộc tương tàn dữ dội trên đất Thǎng Long. Ngày mồng 8 tháng chạp nǎm Bính Ngọ (đầu nǎm 1787), Lê Chiêu Thống sai người phóng hỏa đốt hết phủ chúa, cháy hơn 10 ngày chưa tắt!
 
Thế là lâu đài cung điện xây dựng trong 200 nǎm bỗng chốc thành bãi đất cháy đen (Hoàng Lê nhất thống chí).
 
Dưới chính quyền Tây Sơn (1788 - 1802), Thǎng Long có được sửa sang ít nhiều, song về cǎn bản, kinh thành vẫn không có gì khác trước.
 
Nǎm 1802, triều đại Tây Sơn bị tiêu vong, cả nước thuộc quyền thống trị của triều Nguyễn dời vào đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Từ đây, kinh thành Thǎng Long chỉ còn là trấn thành và sau đó là tỉnh thành.
 
Nǎm 1803, Gia Long cho triệt phá Hoàng thành cũ. Trên nền đất ấy, xây một thành mới theo kiểu Vô-bǎng (Vauban), một kiểu thành của Pháp thế kỷ 17, thu hẹp rất nhiều so với Hoàng thành thời trước, mỗi bề chỉ khoảng 1 km. Chân thành bằng đá xanh và đá ong, tường xây bằng gạch hộp, cao hơn 10 trượng, dày 4 trượng. Thành có nǎm cửa, đông, tây, nam, bắc và đông nam, trên mỗi cửa đều cho xây lầu canh gọi là "thú lâu". Ngoài thành có đào hào, trước bờ hào ở ngoài cửa thành lại dựng một bức tường chắn gọi là "dương mã thành". Trong thành, ở chính giữa vẫn là điện Kính Thiên dựng trên núi Nùng, cột to bằng người ôm không xuể, thềm điện có chính bậc, ở hai bên đặt hai con rồng đá. Gần điện xây hành cung để mỗi khi vua nhà Nguyễn từ Phú Xuân (Huế) ra Thǎng Long thì tới ở tại đấy.
 
Khu phía đông là dinh thự các quan lại. Khu phía tây là các kho thóc, kho tiền. Phía bắc là Tĩnh Bắc lâu, vừa là cơ quan đặc biệt chuyên theo dõi tình hình Bắc Hà, vừa là một nhà ngục khét tiếng tàn độc.
 
Nǎm 1812 dựng cột cờ hình sáu cạnh cao 60 mét xây bằng gạch gốm ở phía nam thành.
 
Nǎm 1831, vua Minh Mệnh sáp nhập huyện Từ Liêm, phủ ứng Hòa, phủ Lý Nhân, phủ Thường Tín vào Thǎng Long và lập ra tỉnh Hà Nội.
 
Nǎm 1848, vua Tự Đức sai phá dỡ cung điện trong thành, lấy các đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ, đá, đem về Huế làm cho nhân dân ở dọc đường phải phục dịch vô cùng khốn khổ.
 
Thế là một số công trình ít ỏi, mới xây dựng từ đời Gia Long đến đây đã lại bị phá hết. Thực dân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) gặp sự chống trả của khâm sai Nguyễn Tri Phương và các dũng sĩ tại cửa ô Đông Hà (ô Quan Chưởng). Chúng nổ súng đánh thành Hà Nội lần thứ hai (1882) thì tổng đốc Hoàng Diệu cùng quân sĩ bắn trả quyết liệt và nhân dân đốt từng dãy phố, cầm vũ khí thô sơ và khua chiêng gõ trống ầm ầm tạo thành thế trận rộng lớn sẵn sàng diệt giặc.
 
Nhưng do triều đình nhà Nguyễn mang nặng tư tưởng đầu hàng, đã bán rẻ mảnh đất thiêng liêng này cho giặc nên Hà Thành đã thất thủ.
 
Từ tháng 10-1888, Hà Nội chính thức trở thành một thành phố thuộc địa của đế quốc Pháp do triều đình Huế ký hiệp ước hiến dâng. Từ đó, cố đô Thǎng Long được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ 11) bị thực dân Pháp thẳng tay tàn phá. Ngay cái thành mà nhà Nguyễn làm theo kiểu Vô-bǎng của Pháp cũng bị phá trụi, chỉ còn để lại một cổng thành Cửa Bắc in hằn vết đại bác của chúng. Các cung điện dinh thự trong thành đều bị chúng phá hết, chỉ còn một tháp cột cờ. Trong vài thập niên đầu của thế kỷ 20, thực dân Pháp xây dựng thành phố Hà Nội, biến nơi đây thành một trung tâm cai trị của chúng ở Bắc Kỳ.
 
Nhiều làng xóm như: Giáo Phường, Đức Viên, Đồng Nhân, Vân Hồ đã bị chúng triệt phá để xây dựng các đường phố. Đoạn sông Tô Lịch chảy qua nội thành cùng với nhiều hồ ao đã bị lấp đi để xây nhà, mở đường, chủ yếu là cho các "khu phố Tây".
 
Trong quá trình xây dựng, thực dân Pháp phá hoại không thương tiếc nhiều di tích lịch sử, vǎn hóa của Hà Nội. Khi xây dựng Nhà thờ lớn, chúng đã phá bỏ tháp Báo Thiên nổi tiếng vốn có từ thời Lý. Khi xây dựng nhà Bưu điện, phủ Thống sứ, chúng đã phá bỏ chùa Báo Ân là một công trình kiến trúc rất công phu.
 
Ngót nghìn nǎm qua từ triều Lý Thái Tổ đến trước Cách mạng Tháng Tám nǎm 1945, Thǎng Long - Đông Đô - Hà Nội đã trải bao cuộc thǎng trầm, bao lần xây, phá. Nghĩ càng tiếc cho công lao xây dựng của các thế hệ xưa, càng yêu quý trân trọng những di tích lịch sử, vǎn hóa còn lại hiếm hoi đến bây giờ trên mảnh đất thủ đô nghìn nǎm vǎn hiến.
 

Nhận xét