Nhà Làng truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao Quảng Nam

Trong cộng động dân cư miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, hiện có 7 dân tộc anh em cùng chung sống. Ngoài hai dân tộc Tày Nùng (mới di cư đến Quảng Nam) và dân tộc Kinh, các dân tộc còn lại: Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Cor, Cơ Tu đều xây dựng nhà Làng nhưng được gọi với nhiều tên khác nhau. Người Giẻ Triêng gọi là Làng là “Mnao, Ưng”, người Xơ Đăng gọi là “Cượt, Rông ”, người Cơ Tu gọi là “Gươl”.


Nhà Làng là loại hình kiến trúc dân gian có truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc vùng cao ở Quảng Nam, gắn liền với đời sống du canh, du cư của họ, Theo phong tục của người Xơ Đăng, Cơ Tu, nếu lập làng mới, cho dù có khó khăn bao nhiêu thì trong khoảng thời gian một năm phải xây dựng được nhà Làng. Trong khi chuẩn bị đi tìm gỗ để xây dựng, cả làng phải sống kiêng cử theo những quy định rất nghiêm ngặt. Trước khi dựng nhà, phải tổ chức lễ “chọc đất làm nhà” cầu xin Giàng (thần núi, thần sông, thần đất) cho phép.

Dù khác nhau về tên gọi và nghệ thuật trang trí, nhưng nhà Làng của các dân tộc đều có chung một lối kiến trúc cơ bản: nhà sàn, khung gỗ, mái lợp tranh tre. Tuy nhiên, nhà Rông của người Xơ Đăng thường có mái cao nhọn dựng đứng, trong khi đó nhà Gươl của người Cơ Tu có mái thấp và vuông hơn.

Nhà Làng là nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí của cộng đồng mỗi dân tộc, tại đây thường trưng bày các hiện vật chiến tích của làng. Đến tham quan nhà Làng, du khách sẽ hiểu được các giá trị văn hoá trong đời sống tâm linh, phong tục tập quá của đồng bào các dân tộc vùng cao Quảng Nam.

Theo Vietnamtourism

Nhận xét