Mỗi dân tộc thiểu số ở Lào Cai đều có một nét văn hoá riêng như văn hoá ẩm thực, gia phong, hay những trò chơi dân gian, trong đó trang phục là nét đặc trưng.


Trong một chuyến đi cơ sở tại thôn Tu Thượng, xã Nậm Xây (Văn Bàn), chúng tôi đã được tìm hiểu cách dệt vải và kiểu mặc trang phục truyền thống của người Mông Xanh.

Người Mông Xanh trồng cây lanh để róc lấy vỏ, đem tước nhỏ ra rồi luộc lên, sau khi sôi, vớt ra giũ sạch, lại luộc tiếp. Cứ làm như vậy 5 lần, những sợi cây tước nhỏ sẽ có màu trắng tinh rất mềm và chắc chắn. Những sợi lanh được dệt bằng khung cửi để tạo ra những mảnh vải. Bộ trang phục của người Mông ở đây có màu chủ đạo là màu đen và được trang trí thêm các loại màu sắc, hoa văn độc đáo, mỗi hoa văn đều có ý nghĩa riêng. Để có được những tấm vải đen, họ phải ngâm vào nước của cây tràm. Cây tràm được chặt ra và ngâm vào nước lã, nếu trời nắng nóng thì 2 ngày có thể sử dụng được, còn không thì phải ngâm khi nào lá cây nát ra và có màu đen xanh, rồi lọc lấy nước đó để ngâm những sợi lanh tạo ra những tấm vải màu đen.



Người Mông Xanh ở Văn Bàn.

Trang phục người Mông Xanh được cắt may khoảng 2 tháng mới hoàn thành. Từ bao đời nay, dù kinh tế phát triển, đời sống xã hội thay đổi, nhưng những giá trị văn hoá của người Mông Xanh luôn được gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ con cháu.

Nhận xét