Một số đặc điểm trong việc làm nhà truyền thống của người Việt ở ven sông Lam

Nghệ An đất rộng người đông có nhiều tộc người sinh sống. Trong quá trình hình thành, phát triển mỗi tộc người đều có nhu cầu về ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, sinh hoạt văn hoá và thờ cúng tổ tiên.


Nhà ở đối với con người là một nhu cầu không thể thiếu. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào môi trường cư trú, điều kiện kinh tế, trình độ nhận thức mà các gia đình, mỗi tộc người đều có cách làm nhà, sử dụng nhà với những đặc điểm giống nhau và khác nhau. Điểm giống nhau là những ngôi nhà truyền thống được xây dựng, sử dụng trên đất Nghệ An phần lớn là nhà bằng tre hoặc có khung bằng gỗ, dựng trên nền đất. Mái nhà lợp lá cây (lá cọ, lá mía, lá săng, rạ...). Trong nhà có chỗ nghỉ ngơi, nơi thờ cúng tổ tiên, bếp nấu ăn hoặc để các đồ dùng, nông cụ. Điểm khác nhau là nhà của người H,Mông, người Khơ Mú thường dựng ở vị trí cao, nhà của người Thái, người Thổ là nhà sàn, cột gỗ.

Nền nếp suy nghĩ và hoạt động của người trong các gia đình, dòng họ từ nhiều đời đã đúc rút, tạo dựng nên phong cách bất thành văn trong việc xây dựng, sử dụng nhà ở của từng cộng đồng.

Ở đây, chúng tôi chỉ nêu một số đặc điểm mang tính phong cách dưới góc độ của nền văn hoá dân gian trong việc xây dựng nhà ở của một số làng người Việt sinh sống ở ven sông Lam thuộc các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên.

Nghệ An là vùng đất cổ, tài nguyên phong phú nhưng khí hậu rất khắc nghiệt. Trong qúa trình vật lộn với thiên nhiên, đấu tranh xã hội để tồn tại và phát triển, người Việt ở ven sông Lam đã tụ cư thành các làng ven sông, họ lấy nghề nông, trồng lúa, trồng màu, đánh cá, buôn bán... làm nguồn sống chính. Trải qua hàng ngàn năm sinh sống ở các vùng đất màu mỡ do phù sa bồi đắp lên, hàng năm phải đối mặt với mưa dầm, lũ lụt, gió Lào... đã làm cho cư dân ở đây phải có cách suy nghĩ để tạo dựng ra những công trình kiến trúc phù hợp với phong thổ để có khả năng tồn tại lâu dài .

Cách làm nhà truyền thống được tích luỹ nhiều đời đã trở thành phong cách trong cộng đồng làng xã.

Xuất phát từ quan niệm: ngôi nhà không chỉ là phương tiện quan trọng có tác dụng che nắng, che mưa cho con người trong một thời gian nhất định (một đời hay nhiều đời) mà nó còn có tác dụng như một mái ấm gắn kết tình cảm, suy nghĩ, hành động của các thành viên trong nhà để có thể phát triển nòi giống, trường tồn cùng với quê hương, đất nước.

Để xây dựng được một ngôi nàh, sử dụng chúng cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, người dân đã phải tuân thủ, vận dụng một cách sáng tạo những phần việc mang tính nguyên tắc đã được quy định theo phong tục chung. Nề nếp này được bắt đầu từ việc chọn đất, chọn hướng, chọn vật liệu, chọn ngày phát mộc, dựng nhà cho đến khi ngôi nhà đã hoàn thành, cách bài trí, sử dụng chúng cũng phải cân nhắc rất kỹ. Những gia đình nào tuỳ tiện phá lễ, sẽ bị coi là hiện tượng báng bổ tới thần linh, bị cộng đồng dè bỉu, và có nguy cơ không thể phát triển được lâu dài.

* Chọn đất làm nhà

Việc chọn đất làm nhà, theo quan niệm truyền thống dân gian, được lý giải rằng: Có được đất tốt “cát trạch” thì gia chủ làm ăn mới thịnh vượng. Vì thế, khi có điều kiện, chủ nhà thường mời thầy địa lý hoặc những người đã trải qua Hán học ở trong làng, biết “nho-y-lý-số) tìm giúp những nơi đất sạch, cao ráo, phía trước có ao, đầm hoặc hai bên sông suối, khe, lạch chảy qua, ôm ấp, phía sau có núi, cồn cao... để dựng nhà, họ cho rằng vị trí đất như vậy là nơi lý tưởng, tụ khí, hợp với phong thuỷ, gia chủ sẽ có điều kiện sinh sôi, phát triển. Ngược lại, dù nghèo, bất đắc dĩ người dân cũng ít khi ưng chọn vị trí đất trũng, sâu, có mồ mả, nhà cửa bị đường đi chiếu vào hoặc hướng nhà phải đối mặt, quay lưng với cửa đền, đình, miếu của làng.

Nếu chịu khó phân tích kỹ ở góc độ thực thế, cách thức này có thể xem là có căn cứ, bởi nó được cha ông ta đúc rút, chọn lựa từ cuộc sống. Ai cũng biết rằng, làm nhà ở vị trí đất cao sẽ có sự thoáng đãng về môi trường, cảnh quan, về mùa mưa sẽ hạn chế được tác hại của lũ lụt. Nếu làm nhà ở những nơi đất trũng, thấp dễ bị ngập lụt con người có nguy cơ dịch bệnh nhiều hơn. Nhà có ao, hồ phía trước hoặc được ôm ấp bởi sông, suối vừa có tác dụng “điều hoà” khí hậu (làm cho ta thấy mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông) vừa tiện lợi khi lấy nước để sản xuất (làm ruộng, làm vườn, tưới tiêu...) sinh hoạt (tắm giặt nấu ăn, thu rửa nông cụ...). Cha ông ta thường có câu: “Trăm rác, ngàn rác, lấy nác (nước) làm sạch”. Chọn được thế đất cao, có nguồn nước trước nhà rất có lợi cho sức khoẻ, môi trường sống của con người.

* Chọn hướng nhà:

Hướng nhà rất quan trọng đối với gia chủ. Người ta quan niệm: Con người là một sinh vật được sinh ra và chịu sự tác động của vũ trụ. Thời điểm mà mỗi người xuất hiện thường gắn liền với hiện tượng động hay tĩnh của âm dương, vị trí của quả đất, sự tác động của các vì sao trong vũ trụ. Gia chủ khi làm nhà là làm một việc hệ trọng có liên quan đến đất, trời nên phải dựa vào kinh nghiệm dân gian hoặc nhờ các thầy địa lý, dựa vào kinh dịch để tính tuổi, chọn đất, chọn hướng l;àm nhà (thường tính theo tuổi của nam giới). Ví như: Nam giới có tuổi Giáp Ngọ ở cung Khôn làm nhà ở hướng chính Bắc, cung Tốn ở chính Đông, cung Ly ở chính Nam là tốt. Hoặc nam giới có tuổi Quý Tỵ ở cung Khôn làm nhà ở hướng Tây Nam, cung Đoài ở chính Tây, cung Cấn ở Tây Bắc... là phù hợp.

Dân gian có câu “Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam”. Trong xã hội trước đây, đời sống của nhân dân còn rất khó khăn. Để cho mỗi gia đình, các dòng họ luôn được trường tồn, phát triển, khi con cái đến tuổi trưởng thành, bố mẹ phải có nghĩa vụ dựng vợ, gả chồng. Sống chung trong một mái nhà, người vợ, người chồng đều có vị trí nhất định, họ p hải tâm đầu ý hợp thể hiện gia phong theo kiểu “thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Người vợ hiền hoà không đơn thuần chỉ biết chăm chỉ lao động, tuân thủ ý chí của chồng mà họ phải còn là người siêng năng, hiền thục, nết na, có giáo dục. Người vợ hiền hoà có gia phong là những người biết yêu chồng, thương con, có hiếu với cha mẹ, sống hoà thuận với xóm làng, biết cùng chồng chung lưng đấu cật, gánh vác việc nhà, việc nước, họ luôn luôn có ý thức phấn đấu để trở thành người tốt theo tiêu chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh”. Người phụ nữ phải được giáo dục, rèn luyện theo gia phong nhất định dưới một mái nhà từ lúc trẻ cho đến khi về già, khi ở nhà bố mẹ đẻ cũng như khi về nhà chồng.

Quan niệm làm nhà hướng Nam tốt hơn các hướng khác, phải chăng xuất phát từ kinh nghiệm của cuộc sống hàng ngày và điều kiện lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Trên bản đồ địa lý tự nhiên của Châu Á nước Việt Nam thuộc vùng Đông Nam Á. Vùng đất có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Không khí lạnh, gió mùa kèm theo giá rét từ phương Bắc đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sức khoẻ của con người. Chung sống cùng với môi trường tự nhiên, cư dân ở ven sông thích chọn Phương Đông, Phương Nam để làm nhà. Vì đây là phương của sinh khí, nơi có mặt trời mọc, có biển mang theo hơi nước sẽ làm cho khí hậu mát mẻ, con người và vạn vật có điều kiện sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, xét ở ý nghĩa thực tiễn, nhà làm ngoảnh mặt về hướng Nam sẽ tận dụng được ngọn gió nồm nam mát mẻ về mùa hè, tránh được giá lạnh về mùa Đông và không bị các mùi xú uế bốc lên từ các công trình phụ như chuồng nuôi gia súc, gia cầm... ở xung quanh. Hơn nữa, ở khía cạnh lịch sử, người Việt Nam ngày nay đã được thế giới thừa nhận là người Việt Cổ thuộc các tộc Bách Việt, Nam Việt đã sinh sống từ hàng vạn năm ở Phương Nam. Trong mỗi làng quê, mỗi dòng họ, từng gia đình luôn ý thức cho mọi người về cội nguồn và tổ tiên của mình. Dù đi đâu, ở đâu, làm gì, người ta luôn nhắc nhở con cháu phải biết tự hào coi mình là người Việt Nam, coi Phương Nam là vùng đất của tổ tiên. Chính niềm tự hào về dân tộc, về đất nước, về con người Việt Nam đã tạo nên sức mạnh, ý thức đoàn kết cộng đồng, giúp dân tộc Việt Nam đứng vững, phát triển cùng lịch sử. Không bị mất nước, không bị đồng hoá bởi văn hoá phương Bắc - Phương Tây.

* Chọn vật liệu:

Có đất, chọn được hướng tốt nhưng để làm được một ngôi nhà phù hợp là cả một việc lớn, đầy khó khăn của một đời người. Sống dưới chế độ cũ, phần lớn cư dân ven sông Lam đều rất nghèo. Không phải ai cũng có điều kiện để đóng gạch xây nhà, tìm chọn để mua được các loại vật liệu gỗ tốt như: Đinh, lim, sến, dổi... Kinh nghiệm hàng ngàn năm sống ở vùng đất có nhiều cây xanh mọc ở gò đồi, bãi sông, trong vườn đã giúp cho mọi nhà biết chọn được các loại cây tự nhiên như: Mít, xoan, nhãn, quao, tre... để sử dụng làm khung nhà , loại cây này rất dễ trồng ở vùng đất sa bồi, lớn nhanh, có khả năng tồn tại trước gió Lào, bão, lụt và ít bị mối mọt. Không biết có tự bao giờ, nhưng một truyền thống tồn tại trong các làng quê đã giúp mọi người có được những kinh nghiệm rất hay. Khi dựng vợ, gả chồng, khi mới sinh con, nhà nào có vườn rộng thường tìm các cây xoan, mít, tre trồng thêm ở các góc vườn. Nhà nào ít đất có thể tận dụng các gò, đồi, bãi hoang để trồng từ vài chục đến hàng trăm cây nói trên. Khi cây đã sống từ 6-10 năm, có đường kính từ 20-30 cm, người ta chặt cây (thường đào cả gốc) đem về phạt cành, cưa ngọn, ngâm xuống dưới nước (ao, hồ). Cây gỗ được ngâm kỹ vừa diệt trừ được mối mọt, vừa giảm được mùi hăng của nhựa cây nên trở thành loại vật liệu rất tốt. Sau khi vớt lên, phơi nắng, sau đó đẽo, xẻ thành các chi tiết cột, kèo, xà, hạ, rui, mè... của một nếp nhà. Gia đình nào chưa có nhu cầu sử dụng ngay, có thể cho hàng xóm láng giềng vay tạm. Chờ các mùa sau họ thu hoạch cây mới trả, đem cất giữ sau hè hoặc gác lên xà nhà, chờ dịp làm nhà mới, mới đem ra sử dụng. Tinh thần đó đã góp phần tạo ra sự gắn kết tình cảm hơn trong cuộc sống.

Kinh nghiệm từ nhiều đời cũng giúp mọi người có nhiều kiến thức dân gian về việc chọn gỗ làm nhà. Người ra sẽ không chọn, sử dụng các loại gỗ táu, chò chỉ làm cột, làm xà nhà, bởi họ quan niệm, gõ táu tuy bền, tốt, nhưng khi cây táu đã bị chặt, gốc của nó không thể đâm chồi, nảy nhánh để hồi sinh. Nếu sử dụng gỗ táu làm nhà, khi gia chủ mất đi, con cháy trong nhá sẽ không có điều kiện sinh sôi, phát triển. Người ta càng không dám sử dụng gỗ chò chỉ làm nhà vì dân gian quan niệm: gỗ chò chỉ là loại cây có linh, chỉ sử dụng để làm đình, đền, chùa, miếu. Người nào sử dụng gỗ chò chỉ làm nhà sẽ làm uế tạp cây thiêng nên dễ bị thần linh quở phạt. Trong quá trình chọn gỗ làm nhà, người dân ở ven sông Lam cũng rất kỵ và không bao giờ sử dụng loại gỗ có dây leo quấn quanh, không lấy loại gỗ bị sét đánh vì sợ ma quỷ, dễ bị xui xẻo.

* Thời điểm làm nhà:

Để có một mái ấm cho một hay nhiều người trong gia đình, người dân rất quan tâm đến thời điểm phát mộc, dựng nhà. Thời điểm khởi dựng công trình phải chọn được ngày, giờ đẹp, hợp với tuổi của gia chủ. Ngày tốt theo kinh nghiệm, phải là ngày nắng đẹp, trời trong hoặc có mưa bay nhè nhẹ. Gia chủ phải nhờ các thầy địa lý, người có hiểu biết về Hán học chọn năm, chọn tháng, chọn giờ cho phù hợp. Thông thường, khi xem xét gia cảnh, đối chiếu với tuổi tác của chủ nhà, người ta ưa chọn vào các ngày Hoàng đạo, có nhiều sao tốt chiếu mệnh. Tránh gặp các ngày Nguyệt kỵ. Tam nương hoặc có Hung tinh chiếu vào bản thân và con cháu của mình, sẽ không phát tài, thịnh vượng. Người ta tin rằng, về mặt tinh thần, nếu chọn được ngày tốt làm nhà gia chủ sẽ yên tâm, phấn khởi hơn khi tiến hành các công việc. Kinh nghiệm xem thiên văn, địa lý của cha ông ta đã giúp con người tìm hiểu, khám phá được những quy luật của tự nhiên, của thời tiết. Những ngày tốt trong năm, trong tháng thường là những ngày nắng ráo, ít mưa. Công việc làm nhà, cưới hỏi... nếu được tiến hành sẽ gặp rất nhiều thuận lợi. Phong tục bất thành văn tồn tại ở nhiều làng xã ven sông cho thấy làm nhà là thực hiện một trong những việc lớn của đời người, nên phải có lễ vật báo cáo với tổ tiên, trời đất. Gia chủ khi làm nhà muốn cho mọi việc được hanh thông phải tiến hành một số lễ: Lễ cáo (báo cáo với tổ tiên, trời đất), có thể diễn ra trước khi làm nhà vài buổi hoặc vài giờ. Lễ Phát mộc (khởi công), lễ dựng nhà (dựng cột, vì kèo), lễ đặt đòn dông, lễ tân gia (gồm có lễ cúng ông Bếp, dọn bàn thờ, đón gia chủ chính thức về ở...), với thời gian thực hiện các nghi thức có thể diễn ra trước khi tiến hành các công việc nói trên một ít.

Việc mua sắm các lễ vật tiến cúng không câu nệ ít nhiều, mà tuỳ thuộc vào sự thành tâm của gia chủ (nhà khá giả có thể soạn đủ cỗ chay, cỗ mặn, hương, đăng, trà, tửu; người nghèo khó chỉ cần có nén hương, cút rượu, cơi trầu, chén nước là được...).

Khi tiến hành làm nhà, nếu gia chủ không có lễ, dễ bị hàng xóm chê cười, hoặc tổ tiên, trời đất không biết trước dễ bị thần linh quở trách.

* Chọn kiểu nhà

Nhà ở của người Việt ven Sông Lam thông thường là kiểu nhà “tiền trụ”, “tứ trụ” hoặc “hạ chạn”. Khi xây dựng nàh ở, tuỳ điều kiện kinh tế, gia chủ có thể làm một lúc cả nhà lớn và nhà ngang hoặc nhà lớn làm trước cùng với chái bếp che tạm để nấu nướng. Nhà ngang sẽ làm sau khi có điều kiện về kinh tế.

Về kết cấu nhà “tiền trụ” thường có bộ khung bằng gỗ, “vì nhà” được thiết kế theo kiểu kèo đơn, kèo đôi hoặc kiểu thượng kèo, hạ kẻ. Những gia đình khấm khá hơn làm nhà có “vì” kiểu chuyền chụp.

Loại nhà bằng gỗ làm theo kiểu này có ưu điểm là kết cấu vững chắc nhưng lại có hạn chế là nhiều cột, vừa tốn gỗ vừa chật lòng, không gian sử dụng không được nhiều. Kiểu dáng nhà ở ven sông đã tạo được một nề nếp khá chuẩn mực, khi nghĩ ra cách cắt bớt thân cột cái, thường là ở vị trí “vì” thứ hai và thứ ba (kiểu nhà tiền trụ) hoặc ở cả 4 cột cái phía trước (nhà tứ trụ) của bộ “vì kèo”, chỉ còn một đoạn cột (cột bồng) đặt trên các “đường hạ” chống đỡ phần mái. Cách xử lý thông minh khi chọn, chế tạo bộ khung nhà truyền thống theo kiểu này vừa tiết kiệm được gỗ làm cột cái, vừa làm cho lòng nhà rộng thêm. Loại nhà “hạ chạn” có thể cũng là kiểu nhà “tiền trụ, tứ trụ” nhưng các đường hạ nối kết theo chiều ngang của một vì kèo được đặt ở phía dưới. Phần xà liên kết giữa các “vì” với nhau để tạo thành bộ khung đặt ở phía trên. Nếu chỉ nhìn đơn thuần ở cách xếp đặt vị trí, chúng ta thấy nó đơn giản. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ mới thấy cách làm này khá khoa học và mang tính thực dụng cao. Hàng năm các làng ở ven sông Lam thường bị lũ lụt, những trận lụt khủng khiếp có sức tàn phá lớn, như lụt năm 1954, 1968, 1972 đã làm trôi nhà, mất hết tài sản của nhiều gia đình. Kinh nghiệm chung sống cùng với lũ lụt, thiên nhiên đã giúp người dân ở đây sáng tạo ra các chạn để cất giữ lương thực, của cải hoặc có chỗ cho người ở khi nước lũ dâng cao. Người ta sử dụng các đòn gỗ hoặc đòn tre gác lên các đường xà hạ, với chức năng đỡ các tấm phên đan bằng nứa để làm chạn (sàn). Nhà nào có kinh tế khá hơn sẽ kê lát chạn bằng ván gỗ. Nếu nước lũ không lớn, mức dâng không cao, người dân có thể yên tâm ngồi trên chạn cả tháng để chờ nước rút một cách an toàn.

Các gian nhà truyền thống thường được chọn theo số lẻ, gian giữa hoặc gian bên phải sẽ rộng hơn, vì đây là gian chính (rộng lòng, rộng bụng). Phải chăng, khi làm nhà, các gia chủ của ngôi nhà truyền thống thường chọn số lẻ (3 gian), kích thước cũng chọn số lẻ vì họ quan niệm số lẻ là số tiến, số chẵn là số hoà, nếu làm nhà với bước gian có số chẵn, số hoà thì gia chủ sẽ chỉ đóng khung trong mối quan hệ gia đình, không mở mang, phát triển để đón nhận thêm các yếu tố mới, từ bên trong lẫn bên ngoài để có thể làm ăn phát tài, thịnh vượng, như thế gia chủ sẽ lụi tàn theo ngôi nàh và năm tháng.

Kích thước phần mái trong kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt dọc sông Lam, cũng như một số vùng ở đồgn bằng Nghệ Tĩnh thường có mái trước ngắn hơn mái sau. Nếp nghĩ và hành động mang tính dân gian tồn tại trong cư dân, đã lý giải rằng: Mái ngắn, cao sẽ làm cho ngôi nhà sáng sủa, không âm u, ẩm tối, nó giống như tấm lòng của chủ nhà luôn rộng mở đến đón người thân, láng giềng. Để khắc phục yếu tố mái ngắn, thềm chật, người ta làm thêm các rèm treo ở dưới mái trước. Hệ thống rèm chống không chỉ có tác dụng che nắng, mưa, gió, bão, mà còn có giá trị thực dụng. Khi gia chủ có việc lớn (vui, buồn), lượng người đến đông có thể cơ động chống lên, mở rộng không gian sử dụng ở phía trước.

Về mặt tâm linh-khát vọng, người ta quan niệm rằng: Mái nhà phía trước ngắn tượng trưng cho thế hệ đi trước như tổ tiên ông, bà... có thời gian tồn tại rất ngắn. Họ chỉ là lực lượng mở đầu đặt nền móng cho các thế hệ về sau. Mái sau của ngôi nhà truyền thống dài hơn, và sự tượng trưng-mong muốn các thế hệ đời sau sẽ phát triển bền vững và dài lâu. Suy nghĩ và kết cấu phần mái nhà ở đây có khác đôi chút với kiểu nhà truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như ở Nam Định, Hải Dương... Các cụ cao niên giải thích: Đồng bằng Bắc Bộ đời sống khá hơn, hội hè, đình đám nhiều hơn, nếu phần thân ngắn sẽ bất tiện cho việc sử dụng. Ngoài ra, mái nhà trước dài, thấp, khách vào nhà (nếu hơi cao) phải cúi đầu. Điều này thể hiện sự khiêm nhường, kính trọng gia chủ.

Cũng liên quan đến phần mái nhà, còn có quy định bất thành văn về số lươọng vật liệu cần được sử dụng cho phần mái mà người dân thường phải tuân thủ. Các loại đòn tay (dùng cho nhà tranh tre) phủ đầu, hoành tải (dùng cho nhà gỗ) đặt trên các vì kèo đỡ các dui, mè, tranh, số lượng cũng sử dụng theo số lẻ. Thông thường, ở mái trước có 7 cái, mái sau có 9 cái. Người ta quan niệm rằng, số bảy là sổ dương tượng trưng cho đàn ông, số 9 là số âm tượng trưng cho đàn bà, Ngôi nhà cũng như vạn vật trong vũ trụ muốn sinh sôi, nảy nở phải có sự điều hoà âm dương. Sinh sống và cai quản ở trong nhà, người đàn ông luôn phải làm chủ, ở trên-phụ nữ là phận nữ nhi chưa đủ sức gánh vác việc lớn nên vị trí của họ là ở sau, ở dưới. Quan niệm nàu xuất phát từ vị trí chủ lực trong ngôi nhà là trách nhiệm của đàn ông.

Nhà ở truyền thống của cư dân ven sông Lam còn có một đặc điểm hơi khác với nhà ở bình dân của vùng đồng bằng Bắc Bộ, là: Trong một ngôi nàh ngoài hệ thống cửa chính ở phía trước, cửa phụ ở phía sau, cửa thông giữa các gian, còn có các cửa sổ mở phía hồi và phía sau từng gian... phải chăng vì khí hậu ở đây về mùa hè rất nóng nực, hệ thống cửa sổ sẽ làm cho ngôi nhà thông thoáng, mát mẻ hơn hay là vì một lý do khác của người dân xứ Nghệ.

* Cách sắp xếp, bố trí, sử dụng nhà

Dưới chế độ cũ, đời sống của nhân dân nói chung rất khó khăn. Tích luỹ, phấn đấu để làm được một nếp nhà gỗ, tạo dựng được một mảnh vườn để sinh sống lâu dài là điều mơ ước của mỗi gia đình. Khi ngôi nhà đã được xây dựng, cách sử dụng không gian trong nhà, ngoài vườn càng cần phải cân nhắc kỹ, không thể tuỳ tiện. Ý thức này tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế, nhận thức của gia chủ và cả phong tục của làng xã. Những nhà có kinh tế khấm khá, nhu cầu sử dụng tăng, trong khi diện tích có hạn thì người ta phải nghĩ ra cách sắp xếp đồ dùng một cách “cơ động”. Các loại bàn xếp, giá treo, ghế ngồi, chõng tre... sử dụng trong nhà đều được tạo ra có hình khối và kích thước phù hợp, khi không có nhu cầu sử dụng, người nhà có thể cất dưới gậm phản, gậm giường, treo tạm ở chái, sau hè. Ngược lại, những gia đình nghèo, đông con, đồ dùng ít, thì người ta phải chọn cách ứng biến theo kiểu “Khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm”. ở một gia đình truyền thống được coi là có gia phong, ngoài cách sắp xếp đồ dùng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, họ đều phải tuân thủ những phong tục chunhg của làng.

Nhà ở truyền thống của cư dân ven sông Lam thường có 2 đơn nguyên (nhà lớn và nhà ngang) gắn liền với một mảnh vườn.

Cấu trúc mặt bằng về nhà ở, cách sẵp xếp trong nhà, ngoài vườn thường được bố trí như sau:

Nhà lớn có 3 gian, phần hồi ở phía trái sẽ được nối rộng làm chỗ đặt cối giã gạo, treo cày cuốc, nông cụ phục vụ cho nhu cầu sản xuất, ở gian ngoài (thường gọi là gian bên trái) không gian được chia là 2 nửa. Nửa phía trước kê một bộ bàn ghế nhỏ làm chỗ ngồi đọc sách. Nửa phía sau đặt một bộ phản gỗ dùng làm chỗ nghỉ ngơi cho đàn ông (ông, cha, con...). Trên vách nhà có treo các móc sắt, móc tre hoặc căng bằng dây mây, sào nứa để treo quần áo. Gian giữa là không gian quan trọng có kích thước rộng hơn, thường được sử dụng làm chỗ thờ cúng tổ tiên, đón khách. Diện tích sử dụng ở gian này cũng ước lệ làm 2 phần. Nửa phải phía trước đặt bàn ghế (bằng gỗ hoặc bằng tre) có điếu cày, ấm chén để sử dụng hàng ngày. Nửa phía sau là nơi bàn thờ, ở đây bài trí lư hương, cọc nến, đèn dầu, mâm chè, chén sứ, nận rượu... Những gia đình khá giả, ở trên bàn thờ, có sắm thêm long ngai, đại tự, câu đối bằng gỗ... nói về công lao của tổ tiên, khát vọng phát triển dài lâu của con cháu trong nhà. Vì gian giữa là gian chính có vị trí quan trọng gắn liền với trách nhiệm của người đàn ông, nên dân gian thường gọi là gian Bảy, phụ nữ thường ít khi được sinh hoạt, luận bàn công việc ở đây. Những nghi thức quan trọng gắn với đời sống tâm linh như đặt tên, yến lão, cúng giỗ, phúng viếng người thân khi họ từ giã cõi đời để trở về với tổ tiên... thường được thực hiện ở vị trí trang trọng này. Để tạo ra ranh giới tượng trưng giữa sinh hoạt đời thường của người sống với nơi thờ phụng người đã khuất, người ta thường treo một tấm mành bằng tre hoặc bằng vải để ở trước bàn thờ. Gian trong của ngôi nhà lớn được ngăn với gian giữa bằng vách nứa hoặc vách gỗ có trổ cửa thông nhau. Diện tích sử dụng của gian trong cũng ước lệ chia đôi. Nửa phía trước thường kê chõng tre làm chỗ nghỉ cho con cái, nửa p hía sau sử dụng làm buồng ngủ của vợ chồng chủ nhà hoặc dùng làm chỗ đặt sập, chum, vại... đựng lương thực hoặc cất giữ quần áo. Ngoài ra, không gian phía trên của cả 3 gian nhà thường có các chạn lát gỗ hoặc phên nứa làm kho dự trữ lương thực, các đồ dùng có giá trị hoặc làm chỗ tránh lụt về mùa mưa.

Nhà ngang vẫn được coi là công trình kiến trúc phụ (mặc dầu có khi kích thước của nhà này có thể dài hơn), có phần mái trước tiếp giáp với hồi nhà lớn. 2 ngôi nhà này đặt vuông góc với nhau, có hình chữ L, để tiện sử dụng và hài hoà với mặt bằng kiến trúc. Không gian bên trong nhà ngang được tận dụng một cách tối đa để sắp xếp các loại đồ dùng, vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày. Công năng và vị trí sử dụng của nhà ngang cũng có cách gọi khác so với nhà lớn. Ngôi nhà có chái rộng để đặt, treo các nông cụ sản xuất. Gian bên trọng (gian trái) được sử dụng làm bếp nấu ăn. Ngoài hòn kê (đấu rau) hoặc kiềng sắt còn có các đồ dùng, vật dụng khác như chum đựng nước, ché hoặc thùng đựng gạo, ngô, đèn dầu lạc, chum đựng bát đĩa, nồi, niêu, ghế ngồi nấu bếp, ăn cơm. Để tiết kiệm không gian, phía trên bếp được tổ chức thành một gác dùng để treo rổ rá, quả, hạt giống, hong củi. Về chủng loại, số lượng đồ dùng, vật dụng giữa người nghèo với người kinh tế khá cũng có sự khác nhau. Nhà nghèo các đồ dùng thường rất ít và được làm bằng sành, gốm. Nhà khá giả có nhiều đồ đồng, đồ sứ, đồ gỗ hơn. Làng quê ven sông Lam nói riêng và làng xã ở Nghệ An nói chung thường có các kỳ cưới hỏi, giỗ chạp, tết nhất hàng năm nên các gia đình đều có ý thức phấn đấu để trong nhà có đủ dụng cụ bát, đĩa, ấm chén, nồi niêu... đủ dùng cho 3 mâm cỗ khi có việc đại sự.

Gian giữa của nhà ngang là nơi sử dụng của phụ nữ . Nửa phía trước dùng để kê, đặt các đồ dùng, nông cụ (thúng, mủng, quang, gánh...) hoặc treo quần áo, đèn dầu lạc... Nửa gian phía sau kê một chiếc giường đôi hoặc phản gỗ có chăn, gối... làm chỗ nghỉ ngơi cho phụ nữ. Gian cuối cùng của ngôi nhà được dùng làm kho chứa các sản phẩm như: ngô, lúa, đậu, lạc mới thu hoạch, hoặc sử dụng gian này làm một số nghề phụ như: đan lát, dệt vải, làm hàng xay xát... để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đối với người nông dân, các loại đồ dùng, vật dụng do họ tự làm ra hoặc được mua sắm từ nơi khác đều là tài sản quý đã gắn bó với gia đình nên hộ nâng niu, gìn giữ. Khi con cháu lấy chồng, lấy vợ, có nhu cầu ra ở riêng, bố mẹ thường đem tặng cho con hoặc đem hiến, góp cho các cuộc đáu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Đối với một gia đình truyền thống ở các làng quê ven sông Lam, vườn là một mảnh đất bao quanh nhà có diện tích rộng hay hẹp tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của gia chủ. Cách bố trí sử dụng không gian vườn thường được sắp xếp như sau: Xung quanh vườn người ta ưa trồng các loại tre, hóp, xoan... làm hàng rào, chống sự xâm nhập của kẻ xấu hoặc gia súc. Trước nhà ở có cửa và cổng tre. Cửa cổng phải rộng, con đường chạy từ ngõ vào sân không được chiếu thẳng vào gian giữa (gian bảy) của nhà chính. Ngoại trừ sân, diện tích còn lại xung quanh vườn sẽ được phân chia để trồng rau mà, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một khu vườn đẹp, được coi là lý tưởng, là một khu vườn rộng, có ao thả cá, cây sung và nhiều cây ăn quả... Trước sân nhà lớn có bể cạn, sau nhà ngang có giếng nước trong. Các công trình phụ, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng ở sau nhà hoặc một góc vườn, tránh xa giếng nước, bếp ăn để không gây ô nhiễm, uế tạp đến cuộc sống, môi trường. Nhà nào kinh tế khá giả có thể trồng thêm một số loài hoa, hoặc nuôi gà chọi để làm thú vui, hoặc mang đi thi thố ở các lễ hội của làng, xã. Hiếm thấy người dân ở ven sông nuôi chim làm cảnh. Bởi vì, người dân ở đây quan niệm chim trời là con vật hữu ích gắn bó với nhà nông, tượng trưng cho khát vọng tự do của con người. Chim thích ăn cỏ, bắt sâu giúp cho cây trồng thụ phấn, đơm hoa, kết trái. Tiếng hót của loài chim, nuôi chim làm cảnh sẽ mang tiếng phụ bạc với con vật, cầm giữ khát vọng tự do của muôn loài. Nếu chim bị chết, thần linh sẽ quở phạt, gia chủ sẽ lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Một khu vườn đẹp không chỉ có khả năng cung cấp thực phẩm, rau xanh, củi đun, hoa quả, trở thành hàng hoá để mang ra trao đổi ở các chợ quê, mà nó còn là môi trường sinh thái tốt cho cuộc sống của con người.

Hiện nay, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh... Nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc nói chung và chọn lọc những phong cách tốt trong việc làm nhà truyền thống không chỉ có tác dụng lưu giữ được những công trình quý của cha ông mà nó còn góp phần bảo lưu, giới thiệu những nét đẹp của văn hoá truyền thống.

Đoàn Văn Nam

Nhận xét