10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam vừa xác lập, bao gồm 2 kiến trúc cổ, 4 tượng và các tác phẩm mỹ thuật khác

10 kỷ lục văn hóa Phật giáo Việt Nam vừa xác lập, bao gồm 2 kiến trúc cổ, 4 tượng và các tác phẩm mỹ thuật khác





1. Ngôi chùa xưa nhất Việt Nam là chùa Pháp Vân (chùa Dâu) tọa lạc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km, xây vào thế kỷ thứ III ở vùng Luy Lâu (trung tâm Phật giáo Việt Nam xưa nhất). Nơi đây năm 580, thiền sư Tì-ni-đa-lưu-chi (Vinitaruci) sau khi đắc pháp với Tam Tổ Tăng Xán, đến mở đạo tràng, lập nên Thiền phái đầu tiên ở Việt Nam. Là một danh lam bậc nhất xứ Kinh Bắc, chùa được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.





2. Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam là chùa Một Cột tại Hà Nội, còn gọi Liên hoa đài (đài hoa sen), xây trên một cột đá hình trụ cao 4m, đường kính 1,20m vào năm Kỷ Sửu 1049. Chùa liên quan đến sự tích vua Lý Thái Tông nằm mộng thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen trao cho nhà vua một đứa bé. Sau đó hoàng hậu mang thai. Nhà vua cho dựng một ngôi chùa như đã thấy trong mộng để ghi nhớ





3. Ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam - chùa Sùng Nghiêm (chùa Mía) tọa lạc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, dựng vào thời Trần. Đến năm 1632, vợ chúa Trịnh Tráng là bà Nguyễn Thị Rong trùng tu. Chùa có đến 287 pho tượng thờ (174 tượng bằng đất nung), nổi tiếng trong số đó là những tác phẩm điêu khắc sinh động như: tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, tượng Bát bộ Kim Cương, tượng Bà Chúa Mía... Pho tượng Quan Âm tống tử thường được gọi là tượng Bà Thị Kính là một tuyệt tác, đã thành câu ca mà người dân làng Mía rất tự hào: "Nổi danh chùa Mía làng ta, Có pho tống tử Phật Bà Quan Âm".




4. Tượng đức Phật bằng đá thời Lý lớn nhất Việt Nam ở chùa Vạn Phúc (Phật Tích) thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nằm trên sườn núi Lạn Kha, cách Hà Nội khoảng 20 km, xây khoảng thế kỷ thứ VII - X. Chùa đại trùng tu thời Lý và hiện còn giữ một số tác phẩm điêu khắc thời Lý, như 10 tượng thú bằng đá gồm: sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác, mỗi loại 2 con (mỗi con cao khoảng 2m) nằm trên bệ hoa sen ở bậc nền thứ hai của chùa. Điện Phật, có tượng Phật ngồi trên tòa sen cao 1,85m, kể cả bệ là 3m, là một kiệt tác điêu khắc bằng đá của Việt Nam.





5. Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam ở chùa Bút Tháp tỉnh Bắc Ninh do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm Bính Thân 1656. Tính từ đài sen lên, tượng cao 235 cm. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm. Bệ tượng cao 54 cm. Chiều ngang của cánh tay xa nhất là 200 cm. Vành tay phụ cao 370 cm, đường kính 224 cm. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 789 tay dài ngắn khác nhau. Trong lòng mỗi bàn tay có một con mắt được chạm chìm. Các cánh tay nhỏ được xếp 6 lớp ở phía dưới đến 14 lớp ở phía trên.

6. Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn xưa nhất Việt Nam ở chùa Thánh Ân - Hà Nội có 42 tay chính và 610 tay phụ, cao 132 cm, kể cả bệ cao 231 cm. Tượng có nhiều nếp áo phủ xuống tòa sen. Tòa sen do một đầu rồng và hai cánh tay lực lưỡng nhô lên đỡ. Theo các nhà khảo cổ học tượng được tạo tác thời nhà Mạc.

7. Tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam ở Khu Du lịch Văn hóa Tràng An nặng 100 tấn, cao 10m, đúc tại thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định để chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đặt tại khu du lịch trên. Tượng do nghệ nhân Nguyễn Trọng Hạnh điêu khắc.




8. Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam ở chùa Cổ Lễ thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định được hòa thượng Thích Thế Long cho đúc vào năm 1936, với chiều cao 4,20m, nặng 9.000 kg, đường kính miệng 2,2m, thành chuông dày 8cm, có họa tiết cánh sen ở miệng và hoa lá, sông nước ở thân. Đại hồng chung được cất giấu ở lòng hồ trong thời kỳ chiến tranh (1945) và kéo lên đặt tạm trên bệ trở lại (1954). Năm 1997, chùa Cổ Lễ xây tháp chuông 3 tầng cao 14,5m, rộng 9m, để treo đại hồng chung ở 2 tầng dưới, tầng trên cùng treo quả chuông thời Lê nặng khoảng 300 kg.


9. Quả chuông xưa nhất Việt Nam hiện lưu giữ ở bảo tàng tỉnh Hà Tây là chuông Thanh Mai được một người dân làng My Dương (Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Tây) phát hiện năm 1986 khi đào đất đóng gạch. Chuông nặng 36 kg, cao 60 cm, đường kính miệng chuông 39 cm; đường kính đỉnh 28 cm. Đỉnh chuông trang trí hoa văn mây xoắn, xen kẽ 12 đồng tiền. Bài minh khoảng 1.500 chữ cho biết chuông đúc ngày 20 tháng 3 năm Mậu Dần, niên hiệu Trinh Nguyên thứ 14 (năm 798). Như vậy, quả chuông trải qua 1.200 năm nằm ở độ sâu 3,5m dưới lòng đất.




10. Quả cầu như ý lớn nhất Việt Nam được đặt tại Chùa Lân (Thiền Viện Trúc Lâm - Yên Tử) ngày 16.4.2005, với tên gọi quả cầu Như Ý báo ân Phật. Quả cầu này chế tác từ một khối đá hoa cương đỏ (rubi) lấy tại mỏ đá An Nhơn do ông Huỳnh Văn Phúc ở Quy Nhơn tìm ra và được thi công gần 2 năm bởi công ty Hà Quang, có đường kính 1.590 mm, nặng 6,5 tấn, đặt trên một bệ đá vuông nặng 4 tấn. Quả cầu đặt giữa bể nước hình bát giác. Có 8 vòi nước phun xung quanh quả cầu tượng trưng cho 8 thứ nước công đức, thanh khiết, mát mẻ như luôn tưới xuống chung quanh những trận mưa pháp.
Hồng Hạc
(Nguồn: http://www2.thanhnien.com.vn/Vanhoa
Ngày mai thiên sứ về trời
Riêng tôi ở lại bên người tôi yêu

Nhận xét